Con đường trong mơ
8:46', 29/3/ 2010 (GMT+7)

Tuyến đường phía Tây mà người dân sống dọc theo nó vẫn gọi là “con đường trong mơ” đang dần được hình thành sẽ đánh thức những vùng đất giàu tiềm năng, mở hướng cho nhiều nông dân vươn lên làm giàu…

 

Thi công đường phía Tây tại Cống Lỡ, đoạn qua thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Ảnh: V.Trang

 

Năm 2007, UBND tỉnh quyết định đầu tư mở thêm tuyến đường phía Tây nối thông các địa phương An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn với Quốc lộ 1A và Quốc lộ 19. Theo dự án, tuyến đường phía Tây tỉnh có tổng vốn đầu tư 386 tỉ đồng, điểm đầu tuyến đường tại quán Cai Ba (An Nhơn) và điểm cuối tại Chương Hòa (Hoài Nhơn). Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 5 đồng bằng, chiều dài gần 120km, nền đường rộng 6,5m, mặt đường rộng 3,5m. Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ được xây dựng hoàn thành trong năm 2010. Cùng với Quốc lộ 1A và tuyến đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan, xây dựng thêm tuyến đường phía Tây, tỉnh có 3 tuyến đường chạy dọc theo chiều dài của tỉnh, nối thông với nhiều trục đường ngang, tạo thành một mạng lưới hệ thống giao thông đường bộ liên hoàn, khép kín.

* Con đường “trong mơ”

Đến nay, tuyến đường phía Đông, tức đường ven biển chạy dọc từ Tam Quan đến Nhơn Hội đã hoàn thành. Thực tế cho thấy, nơi nào có đường xuyên qua, đời sống người dân nơi đó được cải thiện đáng kể. Chính vì vậy, tỉnh đã quyết tâm đầu tư tuyến đường “xương sống” phía Tây.

Trong thời điểm hiện nay, các đơn vị thi công đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Kỹ sư Trần Văn Cường, Đội trưởng Đội thi công công trình đường phía Tây đoạn qua thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn), cho biết: “Cũng như các gói thầu khác trên cùng tuyến đường phía Tây, điều kiện thi công ở đây gặp nhiều khó khăn phức tạp, chủ yếu do địa hình đồi núi, xa khu dân cư; công đoạn vận chuyển vật tư, thiết bị máy móc phục vụ thi công thường xuyên bị ách tắc. Điều kiện sinh hoạt, ăn ở của anh em công nhân gặp nhiều trở ngại, gần 2 tháng qua, ngày nào anh em chúng tôi cũng phải vượt gần 6 km mới đến được nơi tắm rửa, giặt giũ. Tuy nhiên, xác định đây là tuyến đường đang được người dân trông chờ từng ngày nên chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, làm việc rất khẩn trương”.

Khi tuyến đường phía Tây hoàn thành, vùng đất phía Tây tỉnh sẽ được khai thác có hiệu quả, vùng thâm canh cây công nghiệp có điều kiện phát triển, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm tại Hoài Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn và Quy Nhơn. Bên cạnh đó, giá trị nông sản thực phẩm của nhân dân trong vùng sẽ được nâng lên, bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân. Hơn nữa, đường phía Tây còn chia sẻ bớt lưu lượng người tham gia giao thông trên Quốc lộ 1A và các tuyến đường khác…

Trên hành trình mà tuyến đường xuyên qua sẽ gặp rất nhiều địa danh gắn với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của người dân Bình Định như đèo Ngụy (Phù Cát), đèo Bằng Lăng (Phù Mỹ), Gò Loi (Hoài Ân), La Vuông (Hoài Nhơn)… Dọc con đường này sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng văn hóa, lịch sử của một vùng đất mà mỗi địa danh lưu giữ… Tuyến đường hoàn thành, chắc chắn không chỉ làm mỗi một nhiệm vụ là chở hàng nông sản! Đích ngắm xa hơn sẽ là những tour du lịch hấp dẫn với điểm dừng chân là tháp Chăm, những làng võ nổi tiếng dọc sông Côn… Ông Tạ Chí Dũng, ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc (An Nhơn)- nhà nằm trên tuyến đường chạy qua, tâm sự: “Dù tuyến đường phía Tây đang xây dựng, nhưng người dân chúng tôi vẫn gọi đó là con đường trong mơ”.

 

Cầu tre bắc qua sông Côn sẽ tháo bỏ khi cầu An Thái hoàn thành. Ảnh: N.Phúc

 

* Nối giữa đôi bờ

Trong suốt tuyến đường đi qua điểm nhấn là cây cầu An Thái bắc qua sông Côn dài hơn 200m, nối liền giữa An Thái (xã Nhơn Phúc, An Nhơn) và An Vinh (xã Tây Vinh, Tây Sơn). Hôm chúng tôi đến, chỉ còn hai nhịp nữa là nối giữa đôi bờ. Rồi đây, người dân sẽ không còn cảnh mùa khô đi qua cầu tre, mùa mưa đi đò; giao thông, buôn bán sẽ được thuận lợi hơn. Trước đây, khi nghe tin sẽ mở tuyến đường, xây cầu bắc qua sông, người dân nơi đây vừa tin, vừa ngờ. Đã hơn hai năm qua, khi bắt đầu xây dựng cầu, ngày nào người dân nơi đây, nhất là các cụ già cũng ra đứng trước bờ sông theo dõi tiến độ của cây cầu, mong sớm hoàn thành.

Cụ Tào Châu, 90 tuổi, ở thôn An Vinh, xã Tây Vinh mặc cho trời nắng hay mưa đều chống gậy ra ngắm cây cầu. Khi đơn vị thi công tập trung làm cầu ở phía bên An Thái, dù đang là mùa lũ, cụ Châu cũng lên đò qua sông để ngắm nhìn cây cầu.

Rồi mấy cụ già ở đây còn bàn tính, khi cầu xây xong, tuyến đường hoàn thành, các cụ sẽ làm một chuyến đi dọc đường phía Tây, vòng qua đường ven biển Tam Quan-Nhơn Hội rồi về nhà cho thỏa ước mong.

Cầu xây hoàn thành, cây cầu tre tồn tại nhiều năm nay sẽ dỡ bỏ, những chiếc đò sẽ năm bờ, một số người lâu nay làm công việc này sẽ thất nghiệp, mất nguồn thu. Ông Văn Xuân Ánh, thôn An Vinh, xã Tây Vinh (Tây Sơn), một trong số những người hùn vốn bắc cầu tre qua sông thu phí, cho biết: “Đợt lũ vừa rồi, cầu tre cũ bị nước cuốn trôi, chúng tôi phải đầu tư khoảng 90 triệu đồng để làm cầu mới, chưa kể trước đó phải đóng mới hai chiếc đò để đưa đò khi lũ về tốn mất 20 triệu đồng”. Vậy mà, khi nghe chúng tôi hỏi, cầu hoàn thành sẽ thất nghiệp, mất nguồn thu, có buồn không, ông Ánh lại cười phá lên: “Buồn gì chú, chúng tôi vui là đằng khác, người dân chúng tôi khát khao, chờ đợi bao đời nay mới có được như hôm nay, chỉ mong sao cầu xây xong sớm”.

 

Những ngôi nhà mới xây khá khang trang ở khu xóm Mới (thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc, An Nhơn) của các hộ dân di dời từ dự án đường phía Tây. Ảnh: N.Phúc

 

* Đổi thay vùng quê

Tuyến đường chạy qua chắc chắn sẽ làm đổi thay nhiều vùng quê. Nhiều ngôi nhà lâu nay nằm lọt thỏm giữa xóm, giữa các lũy tre hoặc chơ vơ giữa đồng, giờ bỗng trở thành nhà mặt đường khi đường phía Tây chạy qua. Nhiều hộ dân nằm trong diện di dời, giải tỏa tuyến đường sau khi được đền bù còn được tái định cư nơi mới cũng dọc theo tuyến đường này. Nhiều hộ dân lâu nay sống trong ngôi nhà cũ nát, giờ có cơ hội xây dựng lại nhà mới khang trang hơn.

Gia đình anh Trần Trọng Sơn, ở thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc (An Nhơn), trước đây sống sát bờ sông Côn, mỗi khi mùa lũ đến, gia đình anh lo sợ bị “Hà bá” nuốt chửng ngôi nhà lúc nào không hay. Cầu An Thái xây dựng, gia đình anh nằm trong diện giải tỏa, được cấp 200m2 đất nằm trên tuyến đường phía Tây cách nơi ở cũ khoảng 500m. Với số tiền đền bù gần 170 triệu đồng, anh Sơn nộp tiền đất 30 triệu, còn lại anh thêm tiền xây dựng ngôi nhà khá khang trang. Hay gia đình bà Nguyễn Thị Bảy, ở thôn An Vinh, xã Tây Vinh (Tây Sơn), trước đây ngôi nhà của gia đình nằm lọt thỏm giữa các lũy tre, giờ tuyến đường đi qua, gia đình được nhận đất tái định cư với diện tích 400m2 ngay trên tuyến đường mới này, cộng với số tiền đền bù 180 triệu đồng. Sau khi xây dựng lại nhà mới, còn vốn gia đình đã mở tiệm tạp hóa.

Đường phía Tây đi qua sau vườn nhà cụ Phan Thị Dậu, 80 tuổi, ở thôn Ngọc Sơn Bắc, xã Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn). Bà chia sẻ: “Nhà tôi nằm ở khu hẻo lánh, cách xa đường quốc lộ, nên rất buồn tẻ. Khi con đường này hoàn thành, chắc chắn cuộc sống nơi đây sẽ vui hơn, náo nhiệt hơn. Rau quả bà con trồng sẽ bán được giá hơn trước”. 

Tuyến đường phía Tây đi qua 170 thửa đất, tương đương với 65.729m2 đất, chủ yếu là đất vườn rừng và ruộng canh tác một vụ của 51 hộ dân thị trấn Bồng Sơn. Ông Tạ Ngọc Chấn, thôn Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn có hơn 786m2 đất trồng cây lâm nghiệp bị thu hồi để thi công dự án đường phía Tây. Tuy vậy, ông lại rất vui: “Từ bao đời nay, do giao thông cách trở, bà con Thiết Đính luôn chịu nhiều thiệt thòi hơn các nơi khác. Nay, có tuyến đường đi qua là cơ hội để cho bà con chúng tôi phát triển công việc làm ăn”.

Còn chị Võ Thị Lan, ở thôn Thiết Đính Bắc, khi tuyến đường đi qua phải “lấy” một nửa diện tích trong 5 thửa đất ruộng 2.657m2 đang canh tác của chị, nhưng lại mở ra cho chị gần 100m đất mặt tiền. Vậy nên, khi được ký vào biên bản nhận tiền đền bù, chị rất vui mừng. Không riêng gì chị Lan, hàng chục hộ dân khác ở Thiết Đính Bắc cũng “bỗng dưng được lợi” bởi đất đai lên giá khi con đường phía Tây tỉnh đi qua…

“Lâu nay sống giữa vùng quê nghèo khó, giờ nhờ tuyến đường chạy qua, nhà tôi trở thành mặt đường, đất có giá, nhiều người đến hỏi mua nhưng tôi nhất quyết không bán. Với 1.500m2 đất mặt đường tôi dự định sẽ mở kinh doanh cái gì đó để phần nào thoát khỏi nghề nông”, ông Nguyễn Thành Được, ở thôn An Vinh, xã Tây Vinh (Tây Sơn), vui mừng cho biết.

Kết thúc hành trình dọc tuyến đường phía Tây khi chiều tắt nắng, nhưng con đường mới mở lại sáng lên giữa màu xanh của những cánh đồng lúa, màu xanh trùng điệp của núi rừng và chúng tôi tin rằng vùng nông thôn này sẽ đổi thay một ngày không xa.

  • Nguyễn Phúc - Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Em sẽ học tập, làm việc và cống hiến hết mình để xứng đáng…   (28/03/2010)
Thành phố êm đềm…  (22/03/2010)
“Nếu không giữ gìn, thương hiệu rượu Bầu Đá sẽ mất”   (21/03/2010)
Người xin tiền có... thương hiệu  (17/03/2010)
“Bão” qua làng xe tải  (15/03/2010)
“Tâm huyết với nghề buộc tôi không ngừng nỗ lực”   (14/03/2010)
An Dũ - âu lo và hoài vọng  (08/03/2010)
“Tính cách người bộ đội dẫn lối tôi trong làm việc”  (07/03/2010)
Tháng giêng đi lễ chùa  (01/03/2010)
Người con của bản làng  (28/02/2010)
Làng bánh Tam Quan  (22/02/2010)
Không đầu hàng gian khó   (21/02/2010)
Vui - buồn một mùa hoa Tết  (20/02/2010)
Đi dọc đường mai  (08/02/2010)
Giá trị đích thực của doanh nghiệp là thương hiệu và niềm tin   (07/02/2010)