Không phải đến bây giờ, đồng bào dân tộc thiểu số ở Vân Canh mới biết làm rừng. Tuy nhiên, làm rừng cho chính mình, nói cách khác là làm chủ rừng thì lại là chuyện mới. Nhờ rừng, những năm gần đây, đời sống của đồng bào Bana, Chăm ở Vân Canh dần khá hơn. Điều đáng nói, phía sau những rừng keo, rừng bạch đàn xanh bạt ngàn kia là câu chuyện về những thay đổi trong lối nghĩ, cách làm của người dân miền núi.
|
Rah Lan Ngọc đại diện cho lớp trẻ có kiến thức và biết đầu tư làm kinh tế ở huyện miền núi Vân Canh.
|
* Nhà nhà trồng rừng
Mai Văn Thưởi đứng từ nhà ở làng Hòn Mẻ (xã Canh Thuận), chỉ tay về phía núi Hòn Lui, bảo: “Kia là rừng keo của mình đấy, được 2 tuổi rồi”. Theo hướng anh Thưởi chỉ là một vạt rừng xanh um đang vươn ngọn. Ngoài 1 ha keo này, anh Thưởi còn 1 ha keo 5 tuổi khác, sắp bán với giá 20 triệu đồng.
Chiều tháng 4, nắng miền núi rát da, nhưng đứng dưới tán rừng của anh - những cây keo 2 tuổi to gần bằng bắp chân người lớn vươn thẳng lên trời - thì mát rượi. Năm ngoái, huyện khởi công con đường dân sinh liên thôn của xã Canh Thuận (từ nguồn vốn Chương trình 30a), bắt đầu từ làng Cà Bưng, đi qua núi Hòn Lui, là khu sản xuất của làng Hòn Mẻ, nhằm tạo điều kiện cho bà con vận chuyển nông sản. Con đường “liếm” mất mấy sào keo của Thưởi, nhưng cũng nhờ vậy mà rừng của anh được ra “mặt tiền”. Thưởi cũng tiếc của, nhưng khi nhìn con đường tương lai dài 3km, rộng 4m, đổ đá cấp phối đang dần thành hình, mặt anh giãn ra: “Mai mốt số keo này bán sẽ được giá đây, vì khai thác, vận chuyển đều thuận tiện”.
Bây giờ, khi việc nhà rảnh rỗi, Thưởi lại đi làm thuê, như cách đây gần 20 năm anh vẫn làm. Tuy nhiên, giờ anh còn là chủ rừng nữa. Ngày đó, anh đi làm rừng mướn, nào dọn thực bì, cuốc hố, trồng cây, bỏ phân, vun gốc, phát chồi… không thiếu món nào. Mỗi chuyến đi 15 - 20 ngày, về nghỉ 10 ngày lại đi tiếp. Vợ Thưởi - chị Đoàn Thị Trường - bấm ngón tay nhớ lại: “Hồi đó ổng làm được 17 ngàn đồng/ngày, ví dụ ăn tiêu hết 5 ngàn, vợ con ở nhà ăn 5 ngàn, thì còn 7 ngàn đồng để dành. Cứ để dành miết vậy, đến năm 2005, sẵn có đất không trồng mì được, vợ chồng tôi đầu tư trồng rừng”. Những điều biết được trong quá trình đi làm rừng thuê được anh Thưởi đem ra áp dụng hết cho rừng nhà: trồng cây cách cây 2m, khi cây 1 tuổi thì bón phân urê, nhưng phải bón vào tháng 9-10 âm lịch, khi trời có mưa dầm, chứ bón lúc trời nắng thì cây chết…
Làng Hòn Mẻ của Thưởi có 114 hộ với hơn 90% là người Chăm, thì hơn 70% số hộ có rừng. Cả xã Canh Thuận cũng có chừng ấy tỉ lệ hộ dân trồng rừng. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận Lơ O Hòa, cho biết: “Theo chủ trương trồng rừng phân tán, người dân trong xã bắt đầu trồng từ năm 2000. Lúc đầu bà con cũng e dè, nhưng sau thấy được lợi ích của cây lâm nghiệp thì thích lắm. Từ năm 2003 đến nay, diện tích rừng hàng năm của xã đều tăng, hiện có hơn 1 ngàn ha, gồm rừng do dân tự trồng và trồng theo Dự án WB3. Có một số diện tích cho thu nhập cao vì người dân được đi tập huấn, hoặc biết kỹ thuật từ quá trình đi làm rừng thuê”. Quy mô và hình thức đầu tư trồng rừng ở đây cũng khá phong phú, từ vài sào đến 15 - 20ha cũng có, làm riêng có, nhiều hộ cùng làng hay khác xã làm chung cũng có.
* Mì: phủi - lủm, keo: cất nhà
Không chỉ ở Canh Thuận mà tất cả các xã, thị trấn ở Vân Canh, giờ đây, người dân đều gắn cuộc sống của mình với rừng. Cách đây 10 năm, khi huyện Vân Canh có chủ trương phát triển kinh tế lâm nghiệp, bà con người dân tộc thiểu số bắt đầu trồng rừng. Đầu tiên là trồng phân tán, sau đó nhiều người đầu tư trồng rừng tập trung, theo chủ trương chung của nhà nước cũng như từ dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Cùng với kiến thức có được từ các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức, một phần lớn kỹ thuật trồng rừng mà người dân có được là từ quá trình đi làm rừng thuê cho các lâm trường, doanh nghiệp trồng rừng hoặc chủ rừng là tư nhân trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận như Gia Lai, Phú Yên. Sự chủ động phối hợp của những người chuyên đầu tư trồng rừng ở các vùng khác với đồng bào ở đây theo mô hình: một bên có vốn và kỹ thuật, một bên có đất và công chăm sóc cũng là một cú hích cho kinh tế lâm nghiệp ở Vân Canh phát triển.
Ở làng Suối Đá (Canh Hiệp), ông Mai Thanh Vân - Trưởng làng- được xem là người đầu tiên đầu tư trồng rừng tập trung. Những năm 1991, 1992, ông Vân được Công ty PISICO thuê đi giữ rừng ở Phú Tài. Năm 2004, sau khi nghỉ công việc này, từ đề xuất của một người ở nơi làm cũ, ông cùng với một người nữa trong làng hùn nhau trồng 4 ha rừng. Tháng 2 vừa rồi, cả nhóm khai thác và bán được 200 triệu đồng, chia 3. Hỏi ông, dân trong làng có thu nhập khá từ rừng không, ông chỉ vào tủ búp phê nhà mình rồi bảo: “Nhà nào cũng có tủ như vầy, có xe máy, có tivi, từ tiền bán cây cả đấy”.
Sở dĩ, đồng bào dân tộc thiểu số ở Vân Canh thích làm rừng là bởi lợi ích thấy rõ của loại hình kinh tế này. Ông Lơ O Hòa nhận định: “So với trồng lúa trên đất thổ, đất rẫy thì trồng rừng thu lợi hơn gấp 10 lần, người dân lại có thời gian rảnh rỗi để đi làm việc khác”. Ông Mai Thanh Vân cũng phân tích: “Trồng mì, mía thì thu nhập không cao mà lại lệ thuộc nhiều vào thị trường nên chỉ đủ tiêu dùng hàng ngày. Còn trồng rừng thì 6 năm mới bán, nhưng được mấy chục triệu đồng, lại có thời gian rảnh (từ năm thứ 4 trở đi hầu như không cần chăm sóc rừng) để đi làm mướn kiếm thêm tiền”. Rồi ông ví von một cách hình ảnh: “Trồng mì thì phủi - lủm là hết, trồng keo bán có tiền cất nhà, mua sắm. Nếu có đất, làm vừa mì, vừa lúa, vừa keo thì quá tốt”.
Từ việc nhận thức được lợi ích của cây lâm nghiệp, người dân Vân Canh cũng đã bắt đầu biết tính toán để đầu tư dài hơi bằng cách “lấy ngắn nuôi dài”. Xã Canh Thuận đang triển khai mô hình luân canh cây lâm nghiệp và cây ăn trái (chuối, thơm); xen canh lúa, bắp hoặc mì với keo trong năm đầu tiên. Nhiều người dân ở các xã Canh Hòa, Canh Hiển, Canh Vinh, Canh Liên, thị trấn Vân Canh cũng đã biết lấy mì “nuôi” keo.
Và lấy keo “nuôi” thứ khác. Đó là chuyện của chàng thanh niên Rah Lan Ngọc ở làng Cà Xim (Canh Thuận). Ngọc có 5 ha rừng làm riêng và 20 ha làm chung với vài hộ trong làng. Ngọc cho hay, anh vừa bán một nửa số cây rừng của riêng mình được 60 triệu đồng. Số tiền ấy, Ngọc sẽ dùng để san ủi 0,5 ha ruộng của nhà, vốn là ruộng bậc thang, thành ruộng phẳng, rồi dẫn nước suối về để làm 3 vụ lúa và màu, thay vì chỉ 1 vụ lúa như trước. Tiền ấy, Ngọc còn dùng để làm chuồng bò và chuồng heo nữa. Chàng trai chưa tới 30 tuổi nhớ lại thời khởi nghiệp của mình: Mấy năm đi làm rừng thuê cho Công ty trồng rừng Việt - Nhật, anh tích lũy được một ít kỹ thuật trồng rừng và để dành được ít tiền. Bắt tay vào làm, anh vần công đổi công với người trong làng hơn 2 tháng, được 60 công phát dọn. Nhưng làm đất xong thì hết vốn. Ngọc mang “sổ đỏ” nhà tới vườn ươm, thế sổ lấy 10 ngàn cây giống về trồng. Ngoài dự các lớp tập huấn, Ngọc còn tìm đọc sách báo để biết thêm về kỹ thuật lâm nghiệp. Ngọc kể, trong làng có hơn 10 thanh niên như anh, tức cũng khởi nghiệp với rừng và bằng sự năng động của sức trẻ. Có lẽ, đây là những nhân tố mới báo hiệu sự xuất hiện của một lớp trẻ ở miền núi có kiến thức, siêng năng và biết tính toán làm ăn.
|
Anh Mai Văn Thưởi chăm sóc keo của mình.
|
* Nhưng...
Dẫu vậy, có một điều khiến không ít người băn khoăn là nhiều bà con hay bán cây non, dù biết để cây đúng tuổi mới khai thác thì bán được giá (hiện tại là 35 - 40 triệu đồng/ha keo), còn nếu để lâu hơn vài năm bán để làm gỗ thì lợi hơn gấp rưỡi so với bán làm nguyên liệu giấy. Như ở làng Hòn Mẻ, theo ông Lê Thanh Dư - Trưởng làng - thì hiện đã có 20% số hộ trong làng bán keo mới 4 năm tuổi. Còn làng Suối Đá thì một nửa số hộ đã bán cây non (3-5 tuổi) hoặc chuyển lại cho người cùng hùn vốn với mình. Theo nhiều người, nguyên nhân của việc này là do bà con thiếu tiền để đầu tư tiếp hoặc muốn có tiền sắm sửa cho gia đình. Và trong thời gian chờ người mua thu hoạch, ai có đất rẫy thì trồng mì, ai không có đất thì lại đi làm thuê, hoặc lên rừng bẻ lá kè, hái đót bán.
Mà xét cho cùng, điều này lại bắt nguồn từ việc chưa có nhiều mô hình nâng cao hiệu quả khai thác đất lâm nghiệp như cách xen canh, luân canh cây lâm nghiệp và lúa, hoa màu nhằm nâng thu nhập cho nông dân. Đến đây mới thấy sự vào cuộc của ngành nông nghiệp nhằm hỗ trợ người dân miền núi là vô cùng cần thiết.
Dẫu vậy, nhìn chung, khoảng 10 năm trở lại đây, đã có một sự thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Canh. Từ làm mướn, làm đâu ăn đấy, nhiều người đã biết để dành, biết tính bài toán kinh tế gia đình, từ đó chủ động đầu tư làm kinh tế. Nói như ông Lê Thanh Dư thì: “Có đất, cái gì cũng muốn làm”. Bên cạnh đó, lứa tuổi biết làm ăn cũng dịch chuyển theo hướng trẻ dần và tỉ lệ thuận với việc mạnh dạn đầu tư.
Cuộc sống mới ở Vân Canh đang dần hiện lên như thế.
|