Bác sĩ-thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi với tôi còn hơn một bác sĩ, hơn một thầy thuốc, dù chỉ cần sống đúng với một trong hai danh hiệu đó thôi đã là người được xã hội kính trọng.
|
BS Trang Xuân Chi
|
Tôi quen bác sĩ Trang Xuân Chi vào thời điểm gia đình tôi rất khó khăn. Sau cái tang cha tôi, gia đình đang lấn bấn thì vợ tôi lại bị ốm nặng, hết nằm bệnh viện Quảng Ngãi lại chuyển vào bệnh viện Quy Nhơn. Tôi phải một mình vừa làm việc vừa lo cho hai đứa con còn nhỏ. Đúng là tứ bề vất vả. Vào lúc đó, qua người bạn thân là nhà nhiếp ảnh Vũ Doanh Dzụ, tôi được biết bác sĩ Trang Xuân Chi lúc ấy đang công tác tại quân y viện 13 Quy Nhơn. Anh Dzụ nói có thể gửi vợ tôi vào nằm ở QY Viện 13. Mọi sự nhờ bác sĩ Trang Xuân Chi giúp cho. Tôi quen bác sĩ Chi từ đó. Mới đầu, tôi nhận thấy đây là một người thầy thuốc mẫu mực, theo đúng mô hình mà ta hay gọi là “lương y kiêm từ mẫu”. Bác sĩ Chi nói chuyện với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân rất nhẹ nhàng, rất tình cảm. Người bệnh thường có tâm lý lo ngại, kể cả sợ, khi vào nằm bệnh viện. Những lúc ấy, nếu được gặp một vị bác sĩ nhẹ nhàng, quan tâm và biết động viên, người bệnh sẽ cảm thấy an toàn hơn, tin tưởng hơn trong việc chữa trị bệnh, và đúng là, bệnh sẽ thuyên giảm ngay từ “liệu pháp tâm lý” đó.
Bác sĩ Chi không chỉ giỏi về tâm lý, anh còn giỏi về nghiệp vụ điều trị, và sau này tôi biết, anh là người trong những hoàn cảnh khó khăn vì thiếu thuốc thiếu tiền của cả bệnh viện lẫn bệnh nhân, đã miệt mài nghiên cứu từ các bài thuốc dân gian, từ các cây thuốc mọc quanh nhà quanh xóm những bài thuốc đặc trị chữa nhiều bệnh, trong đó có những bệnh khó chữa. Thời bao cấp, những khó khăn của bệnh viện là vô vàn, nhưng bác sĩ Chi cùng tập thể QY Viện 13 đã biết tự vượt qua để trở thành một địa chỉ điều trị tin cậy của bệnh nhân trong và ngoài quân đội. Tinh thần người lính Cụ Hồ, sự giản dị và trong sáng của tâm hồn đã là bạn đồng hành của bác sĩ Trang Xuân Chi suốt những năm tháng ấy. Khi vợ tôi khỏi bệnh, không biết phải cảm ơn bệnh viện và bác sĩ Chi thế nào cho xứng, lại gặp lúc nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu về Quy Nhơn sáng tác, tôi đã viết bài thơ nhỏ “Đêm bệnh viện” và nhờ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Ca khúc này được các ca sĩ nghiệp dư của QY Viện 13 dàn dựng và dự thi đạt huy chương vàng tại liên hoan văn nghệ toàn quân khu Năm. Bác sĩ Trang Xuân Chi đã tỏ ra rất vui vì món quà hoàn toàn tinh thần này. Bẵng đi nhiều năm, sau khi chia tách tỉnh tôi ra Quảng Ngãi, có lần vào lại Quy Nhơn gặp bác sĩ Trang Xuân Chi tại một cuộc hội thảo. Anh cho biết đã về hưu và đang hoạt động cho Hội Chữ Thập Đỏ Bình Định.
Tôi cũng nghĩ, người tốt như anh mà hoạt động nhân đạo là rất phù hợp. Ngay lúc ấy, tôi chưa thể biết, cũng chưa hình dung được những công việc mà bác sĩ Chi đã và đang làm cho những người bệnh nghèo, cho cả những người nghèo. Có những con người như vậy đó, họ cứ lặng lẽ làm việc, lặng lẽ chắt chiu như con ong hút mật cho đời, tuổi càng cao họ làm việc càng nhiều, cho tới một ngày khi ta chợt nhận ra, thì công đức họ hiến dâng cho cộng đồng đã dựng trước ta như một ngọn núi lớn. Tôi không thể tổng kết trong bao năm qua bác sĩ Trang Xuân Chi đã giúp được cho bao nhiêu bệnh nhân nghèo, bao nhiêu em bé nghèo có điều kiện chữa bệnh, bao nhiêu gia đình các em bé mồ côi có chốn nương thân và có tình yêu thương chăm sóc của cộng đồng, chỉ xin so sánh qua một hình ảnh cụ thể như thế này. Nếu một ngày, mỗi người từng được bác sĩ Chi giúp đỡ cưu mang cùng mua tặng ân nhân của mình, mỗi người mua một bông hoa thôi, thì trong một buổi sáng chợ Quy Nhơn có thể sẽ hết sạch hoa! Và một “núi hoa” sẽ dựng phía trước người bác sĩ nhẹ nhàng khiêm nhường kia. Nói cho vui vậy, chứ nếu điều đó xảy ra, tôi tin bác sĩ Chi sẽ…bán bằng hết “núi hoa” ấy để lấy tiền tiếp tục giúp đỡ những bệnh nhân nghèo cần được giúp. Chúng ta sống một cách hữu hạn trong cuộc đời này, nhưng tôi xin nói, không phải sự nổi tiếng, không phải khát vọng quyền lực hay sự giàu sang khiến chúng ta sống lâu hơn chính cuộc đời mình, mà đơn giản, ta có thể “kéo dài tuổi sống”(chứ không phải tuổi thọ) bằng tấm lòng mình với người khác, với cộng đồng. Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhận ra: “Sống trong đời sống/cần có một tấm lòng/để làm gì em có biết không/ để gió cuốn đi…/”. Nhưng đó không phải cơn gió vô tình cuốn mọi thứ về hư vô, đó là cơn gió mát lành đưa những tấm lòng đến với những tấm lòng, đưa những hạt giống thiện tâm đến với những mảnh đất nó có thể ươm mầm và nhân rộng.
Có lần bác sĩ Chi tâm sự với tôi: “Bây giờ mình thấy, làm công tác nhân đạo cũng cần có những trọng điểm, không thể rải mành mành. Bệnh tim bẩm sinh nơi trẻ em là một bệnh cực kỳ nguy hiểm và cần được tập trung chữa trị, vì nếu được phẫu thuật sớm bao nhiêu thì cơ may khỏi hẳn bệnh sẽ nhiều bấy nhiêu. Nhưng đó là bệnh “nhà giàu”, nó đòi hỏi kinh phí rất lớn, trung bình phải 3000 USD cho một ca mổ tim hở. Từ giờ mình phải tập trung vận động kinh phí cho chương trình phẫu thuật bệnh này, dù biết rất khó khăn. Điều khốn khổ là bệnh tim bẩm sinh lại rơi hầu hết vào những trẻ em gia đình nghèo, những gia đình không có khả năng chi trả dù một phần cho kinh phí phẫu thuật. Vì thế, mình coi đó là một trọng điểm cần tập trung.” Tôi vô cùng tâm đắc với bác sĩ Chi về điều này, vì bản thân tôi cũng đang theo đuổi một chương trình vận động kinh phí mổ tim bẩm sinh cho bệnh nhi nghèo, chương trình mang tên: “Vì những trái tim bé bỏng”. Đây là chương trình mà càng nhiều người tham gia vận động càng tốt, vì nó cần những khoản kinh phí rất lớn và kéo dài nhiều năm. Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Ngãi, qua khám phân loại sơ bộ đã phát hiện hàng nghìn em bé mang bệnh tim bẩm sinh, trong đó hầu hết là ở những gia đình nghèo. Tỉnh Bình Định cũng như vậy thôi, vì giữa hai tỉnh có những liên thông rất mật thiết cả về đời sống lẫn…bệnh tật.
Nếu có ai đó hỏi, năm nay bác sĩ Chi đã hơn 70 tuổi rồi, liệu ông còn theo đuổi những chương trình nhân đạo dài hơi như thế được bao lâu nữa ? Tôi xin trả lời: bác sĩ-thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi sẽ theo đuổi những chương trình nhân đạo như thế cho tới giây phút cuối của đời mình. Và một khi ta biết theo đuổi một lý tưởng cao đẹp vì cộng đồng, vì người nghèo, thì đây sẽ là cuộc “chạy tiếp sức” không có điểm dừng. Ngọn đuốc từ tay người chạy trước sẽ được trao cho người chạy tiếp sau, và cứ thế…Bác sĩ Trang Xuân Chi đã là một “vận động viên chạy tiếp sức” xuất sắc, nhưng quan trọng hơn, cuộc chạy này vẫn tiếp diễn và bác sĩ Chi luôn là một hình ảnh, một nguồn động viên kỳ lạ tới tất cả mọi người đang trên “đường chạy”, khi họ ý thức ra cách sống vì người khác, vì cộng đồng là cách sống đẹp nhất mà mình có thể theo đuổi.
|