Đau ốm lâu ngày tất sẽ nảy sinh nhiều vấn đề: bệnh nhân sức cùng lực kiệt, bẳn tính hơn; người chăm bệnh nhân cũng mỏi mệt chẳng kém. Đó là sức khỏe, tinh thần, chưa kể gì đến việc tiền bạc trong nhà đội nón ra đi. Khi phải đối mặt với nỗi đau tinh thần và thể xác, cái chết cận kề một bên, hai chữ “nghĩa tình” lại cần hơn bao giờ hết…
|
Người vợ chăm chồng ốm lâu ngày ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
|
* Còn nước còn tát...
Cưới nhau 7 năm thì có đến gần 6 năm chị Thu Thủy vào Nam ra Bắc chạy chữa bệnh thận cho chồng. Hai vợ chồng chị quê ở Phù Cát, thuê nhà ở Quy Nhơn, chồng làm ở Khu công nghiệp Phú Tài, vợ làm công nhân ở Quy Nhơn. Cưới nhau được hơn năm thì chị có thai, nhưng không giữ được. Trong thời gian chờ đợi chị Thủùy phục hồi sức khỏe để có con lại, thì anh Trung- chồng chị, mắc bệnh thận. Nhìn chồng ngày một xanh xao, yếu mòn, nghe ở miền Nam có thầy trị bệnh giỏi, chị quyết định đùm túm đưa chồng vào chữa bệnh. Cả tháng trời không ăn thua, họ lại ngược lên tận Lạng Sơn tìm thầy hay thuốc giỏi. Hết Đông y, họ lại quay sang Tây y, rồi lại Đông Tây y kết hợp. Song, bệnh tình anh Trung vẫn chẳng thuyên giảm bao nhiêu…
Đã hai năm nay, anh Trung bỏ việc hẳn vì sức khỏe yếu. Tiền thuê nhà hằng tháng, rồi ăn uống, thuốc thang… đều trông nhờ vào suất lương của chị Thủy. Chưa kể, lâu lâu anh Trung phải truyền máu. “Bao nhiêu tiền làm được chỉ để dồn cho anh ấy chữa bệnh. Cưới nhau đã lâu, tuổi đã ngoài 30, em thèm có con lắm rồi, nhưng ảnh đau ốm nặng vầy, làm sao mà dám có con hả chị? Sinh ra rồi, lấy gì nuôi…”- chị Thủy nói, mắt rơm rớm.
“Thôi thì còn nước còn tát. Được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, để nay mai không có gì ân hận…”- anh Nguyễn Ngọc Thành, nuôi vợ là chị Trần Thị Đức bị suy thận mãn đã nhiều năm nay tâm sự. Cha và mấy người anh của chị Đức đều mất vì căn bệnh này. Dù biết chị Đức có khả năng mắc phải căn bệnh thận suy, nhưng vì yêu quá nên anh Thành vẫn cương quyết cưới. Năm 2006, bệnh suy thận của chị Đức đã vào giai đoạn cuối. Từ đó, cuộc sống họ phân đôi, một nửa ở bệnh viện, một nửa ở nhà. Thành thường phải đưa con trai vào bệnh viện với mẹ mỗi khi không nhờ được ai trông hộ. “Có đêm chạy thận xong đã chín, mười giờ tối, hai vợ chồng chở nhau về tận Vân Canh. Trời mưa lạnh, em ngồi ở đằng sau ôm thằng bé nóng hôi hổi vì sốt cao mà cứ sợ mình không đủ sức, sẽ ngã vật ra đường…”- Đức kể. Giờ đây, cháu Nhật đã được 5 tuổi, mỗi khi thấy mẹ lên cơn ngất xỉu, lại mếu máo khóc: “Mẹ ơi, đừng chết. Đừng bỏ con mẹ ơi!”.
Đã nhiều năm nay, đôi vợ chồng giáo viên này đều đón Tết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Số tiền ủng hộ từ bạn bè đồng nghiệp, bạn đọc báo Thanh Niên, Sài Gòn Tiếp Thị… đều cạn vì chi phí chữa bệnh. “Theo quy định mới của bảo hiểm y tế, phải đóng tiền nhiều nên Đức đòi chạy thận mà không có màng lọc cho đỡ chi phí. Dè đâu, lại bị nhiễm trùng, tưởng suýt không qua khỏi…”- Thành ngậm ngùi.
|
Bệnh nhân ở khoa chạy thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
|
* Khi tình thương lan tỏa...
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không sao quên được hình ảnh cụ già đưa cánh tay chạy thận lâu năm, ven nổi lên loằng ngoằng, có chỗ sưng to bằng quả trứng gà, run rẩy lục lọi những thùng rác để kiếm từng chai nhựa, vỏ lon giữa đêm khuya. Bà tên Trần Thị Bé, 71 tuổi, quê ở thôn Lương Thọ 2, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn. Từ năm 2005, bà bắt đầu chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ban ngày, người nhặt rác đông quá, bà già yếu, không tranh nổi, nên chỉ đi vào ban đêm. Bà Bé được coi là bệnh nhân chạy thận đầu tiên kiếm sống bằng nghề nhặt rác. Sau đó, nhiều bệnh nhân khác cũng làm theo, như bà Tám (Quy Nhơn), chị Xuân (Mỹ Chánh, Phù Mỹ), chị Nga (Cát Tường, Phù Cát)… Bà Bé cho biết, tháng nào cũng vậy, đến ngày nhận lương, các cô điều dưỡng, y tá lại cho bà mấy chục ngàn đồng. Suất cơm của những bệnh nhân ra viện còn dư, các cô hộ lý lại mang lên cho bà…
Hơn 4 năm qua, bà ở tại một góc hành lang của khoa Nội C. Trước, bà trải chiếu ngủ trên nền xi măng, rồi có một người nhà bệnh nhân tốt bụng cho bà cái giường xếp gãy, bà nhờ người sửa giúp, trải lên chiếc chiếu thành chỗ ngả lưng hằng đêm. Bà biết mình ở vầy rất khó coi, nhưng giờ chẳng biết ở đâu nữa. Nhân viên bảo vệ đôi lần nhắc nhở, không cho ở, nhưng bà năn nỉ miết nên họ cũng cho qua. Không chỉ mình bà, rất nhiều bệnh nhân nghèo đã được “châm chước” để được tá túc nơi hành lang bệnh viện. Với họ, được sống như vậy cũng là một ân huệ…
Dù bệnh viện nào cũng nấu cơm phục vụ bệnh nhân, song với những bệnh nhân nghèo, chỉ có tự nấu ăn mới tiết kiệm tối đa chi tiêu, để dành tiền chữa bệnh. Việc người nhà bệnh nhân nấu ăn trong khuôn viên bệnh viện gây nhiều phiền toái, nhưng với tâm lý giúp họ được chừng nào hay chừng ấy, nên các bác sĩ vẫn chấp nhận cho các bếp ăn tồn tại, với điều kiện họ phải đảm bảo an toàn, vệ sinh.
Và, hơn thế, mô hình bếp ăn tình thương tại các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh như Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong, các Trung tâm Y tế huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bệnh nhân nghèo. Không chỉ chia sẻ những khó khăn với những bệnh nhân nghèo, mô hình này còn góp phần tạo mối đoàn kết giữa nhiều đối tượng, thành phần trong xã hội, chung tay vì một xã hội tốt đẹp hơn, mang hơi ấm tình người đến với những bệnh nhân nghèo.
Cũng có những người đi chăm người thân, thấy bệnh nhân cùng phòng cảnh đáng thương, lại rút tiền ra cho, dù gia cảnh mình cũng chẳng khá giả gì. “Mình đã khổ, nhưng có những người còn khổ hơn mình gấp nhiều lần, đồng bệnh tương lân, vậy thôi. Chỉ mười, hai mươi ngàn đồng, nhưng với họ, đã đủ hai bữa cơm trong ngày rồi”- một người chăm bệnh lâu ngày nói.
* Vĩ thanh
Nhà có người thân đau bệnh nặng phải chăm nom, săn sóc là đạo lý ở đời. Tuy nhiên, có người vì quá mỏi mệt, không còn đủ kiên nhẫn đã “bỏ của chạy lấy người”, bỏ mặc người thân ra sao thì ra.
Chị Võ Thị Thu (ở tổ 20, khu vực 4, phường Đống Đa, Quy Nhơn) là nạn nhân của tình thân ghẻ lạnh. Chồng chết sớm, chị Thu ở vậy nuôi con. Năm 2009, chị phát hiện mình bị suy thận mãn, phải chạy thận thường xuyên. Căn nhà nhỏ trong hẻm ai mẹ con chị ở lâu nay phải bán rẻ để trang trải viện phí. “Tôi đi thuê nhà nhưng chẳng ai chịu vì sợ tôi chết trong nhà. Anh em ruột làm ngơ, vì sợ phải nuôi “báo cô”… May mà người chủ mới mua nhà vẫn thương tình, cho tôi tiếp tục ở lại trong ngôi nhà của mình”- chị Thu nghẹn ngào kể.
Chị Dung (nhà ở đường Trần Hưng Đạo) từ ngày bị mắc trọng bệnh cũng bị chồng rời bỏ, để mặc cho gia đình vợ lo liệu. Cha chị gần 60 tuổi vẫn chạy đi chạy lại nuôi con gái, cháu ngoại. Vậy mà, nói về người chồng, chị Dung không mấy oán trách: “Ảnh nay đã có vợ có con, phải lo cho gia đình mới. Lâu lâu vô thăm tôi một, hai lần là được rồi. Âu cái số tôi nó thế, dám trách ai được”.
Bởi chứng kiến nhiều người đồng bệnh với mình đã bị người thân rời bỏ, ghẻ lạnh nên có người, dù được người thân hết sức chăm lo, quan tâm săn sóc vẫn bị ám ảnh viễn cảnh bị bỏ rơi. Từ đó, đâm ra hay nghi ngờ, hoặc “giám sát” người bạn đời một cách thái quá. “Biết vậy, nên mình luôn phải cố gắng hết sức để không tức giận, nặng lời với vợ, để cô ấy không tủi thân. Cũng có lúc tôi đuối sức lắm rồi, song cứ nghĩ đến nghĩa tình chồng vợ mấy chục năm, nghĩ đến các con ngoan ngoãn học hành, lại thấy mình đủ sức tiếp tục cùng vợ “chiến đấu” với bệnh tật”- một người chồng nuôi vợ bệnh lâu ngày tâm sự.
Cuộc sống của những người ngày ngày cận kề với cái chết có thể kéo dài, nhưng cũng có thể ngắn lại, phụ thuộc vào quá trình điều trị, vào chính sức đề kháng của họ, và cả thái độ của người thân, bạn bè, cộng đồng... Với những bệnh nhân nghèo, đối tượng “tiếp sức” cho họ không chỉ là những người thân trong gia đình, mà còn là sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng. Chính sự quan tâm, giúp đỡ ấy đã giúp họ tin yêu cuộc sống, tin rằng giữa con người vẫn còn có tấm lòng, vẫn có “cái tình”. Và trong thẳm sâu của những đôi mắt mỏi mệt, vẫn sáng lên những tia khát vọng sống. “Còn sống còn hy vọng…”- nhà văn Nguyễn Thị Lệ Thu, hiện vẫn đang điều trị bệnh suy thận mãn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tâm sự như thế. Tâm sự của chị âu cũng là nỗi niềm chung của những bệnh nhân đang ngày ngày tranh đấu giành giật sự sống. Nếu chỉ “đơn thương độc mã”, họ sẽ không dễ đã đủ sức…
|