35 năm thống nhất đất nước:
Lá cờ ngày thống nhất
16:51', 14/4/ 2010 (GMT+7)

Gian trưng bày kỷ vật của chiến dịch Hồ Chí Minh luôn là tâm điểm của Bảo tàng Lịch sử quân sự VN, đặc biệt là vào những ngày tháng 4 này.

 

Đại tá Nguyễn Trọng Quyến cùng lá cờ đã theo ông suốt 35 năm

 

Một sáng trời Hà Nội mưa phùn ẩm ướt, lẫn trong số những du khách nước ngoài lao xao ngắm nghía những tấm bản đồ, chiếc mũ cối, khẩu súng lục... trong bảo tàng, vị đại tá già cứ nấn ná mãi bên một lá cờ đỏ sao vàng nằm khiêm tốn ở góc tủ. Vẻ nắm níu của ông đã khiến ban giám đốc bảo tàng có một quyết định ngoại lệ: cho ông mượn lá cờ để thỏa lòng ngắm nghía, vuốt ve.

Ông là đại tá Nguyễn Trọng Quyến, người nổi tiếng với “phi vụ” lái xe vượt sông qua những cây cầu dây đặc biệt ở đường Trường Sơn, cũng là người đã tặng lá cờ này cho bảo tàng. Nhưng, “cứ đến những ngày kỷ niệm chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi lại thấy không thể thiếu lá cờ này. 35 năm rồi...”, ông Quyến rưng rưng. Những ngày xưa lại ùa về...

2.000 lá cờ, 40.000 băng tay và 2 đồng bạc Cụ Hồ

Ngày 22.4.1975, Bộ tư lệnh tiền phương cánh đông của trung tướng Lê Trọng Tấn tiến vào Xuân Lộc (Đồng Nai). Thế trận giằng co ác liệt suốt mấy ngày, đang nhuốm với khói lửa chiến trường trong vai trò tư vấn kỹ thuật, đại úy, kỹ sư Nguyễn Trọng Quyến được phó tư lệnh gọi lên giao một nhiệm vụ lạ: “Cậu lập tức chuẩn bị ít nhất 2.000 lá cờ đỏ sao vàng, 4 vạn băng đeo tay cho lực lượng quân quản. Bộ tư lệnh đã quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn”.

Nghe đến chữ “giải phóng”, Quyến thấy mình như muốn bay lên nhưng anh vẫn không khỏi lúng túng: “Thưa tư lệnh, việc này khó quá. Vùng này chưa kịp giải phóng, đường sá thầy thợ đều không biết, dân đã di tản hết, thời gian lại quá gấp...”.

Tướng Lê Trọng Tấn cười nhưng nghiêm nét mặt: “Mọi việc là do mình. Chiến tranh phải tùy cơ ứng biến, mệnh lệnh phải chấp hành. Cậu có một ngày để hoàn thành”. Thế là anh kỹ sư ôtô, xe tăng lên đường đi làm... thợ may.

Cầm tấm giấy giới thiệu của vùng mới giải phóng, Quyến và một chiến sĩ nữa lái xe quay ra Phan Thiết. Gặp ông Ba Mì, chủ tịch ban quân quản Phan Thiết, Quyến trình bày nội dung yêu cầu. Ông Ba Mì gãi đầu kể đúng những khó khăn mà anh đã dự liệu: Phan Thiết mới giải phóng được hai ngày còn nhiều lộn xộn, hầu hết dân chúng đều di tản tránh bom đạn chưa về, các cửa tiệm may, bán vải vóc đều đóng cửa... Cả hai nhìn nhau hồi lâu rồi cùng buột miệng: “Nhiệm vụ thì phải hoàn thành”.

Ông Ba Mì hỏi Quyến: “Thế đồng chí có tiền không?”. Quyến lại lúng túng. Trong chiến tranh có ai nghĩ đến tiền. Rút ví, trong đó còn vài tờ bạc 1 đồng cất từ ngày còn ở Hà Nội, Quyến lấy ra đưa cả cho Ba Mì.

“Cuối tháng 5.1975 tôi quay lại Phan Thiết, Bình Tuy tìm ông Ba Mì, Ba Thành hỏi chuyện thanh toán công nợ. Hai ông đều cười, bảo: “Anh về báo cáo với tư lệnh: chiến dịch Hồ Chí Minh thành công, bớt đổ máu của dân chúng đó là tiền công lớn nhất với chúng tôi rồi. Bộ đội không tiếc xương máu sao nhân dân chúng tôi lại tiếc tiền”. Tôi quay về, một lần nữa cảm động nói không nên lời về nghĩa đồng bào. 10 năm sau, lần vào TP.HCM cùng đại tướng Lê Trọng Tấn kỷ niệm 10 năm giải phóng, ngồi nhắc chuyện cũ đại tướng chợt hỏi: “Rồi lúc đó cậu lấy đâu tiền trả công may cờ cho người ta?”. Tôi kể lại câu chuyện, ông nghe rồi cũng lặng đi...” - ông Quyến kể.

Và hôm nay, ông Quyến, 77 tuổi, vẫn còn nhớ khoảnh khắc ấy: nét mặt ông Ba Mì bỗng rưng rưng, ông run run rút lấy một tờ bạc, soi lên ngắm nghía hình ảnh Bác Hồ rồi đặt áp lên mặt mình. Quyến theo dõi hành động ấy như là lần đầu chứng kiến tình cảm của những người miền Nam đối với Bác.

Giây lát, ông Ba Mì nâng niu tờ giấy bạc cất vào ví của mình rồi ngẩng lên quả quyết: “Tôi cầm 1 đồng này, coi như Cụ Hồ giao nhiệm vụ. Tôi nhận thực hiện một nửa số lượng đồng chí cần, trưa mai cho xe đến lấy hàng”. Ông Ba Mì còn chiêu đãi Quyến một cốc nước sôi và thanh lương khô. Quyến một lần nữa thấy mình “bay lên”, mồ hôi toát ra ướt cả quần áo như vừa đặt xuống được một gánh nặng.

Quay xe ra Bình Tuy (tức Hàm Tân, Bình Thuận bây giờ) đã nửa đêm. Lại tìm gặp ông Ba Thành, trưởng ban quân quản, lại cùng nhau nhăn trán trước những khó khăn cũ, nhưng lần này Quyến đã biết cách giải quyết: rút ra 1 đồng bạc Cụ Hồ. Cũng vẻ xúc động không che giấu của người miền Nam, ông Ba Thành cất đồng bạc vào túi áo: “Tôi nhận cho anh, ra Phan Rang chưa chắc đã xong”.

Cái gì chẳng là của dân, của nước

“Lúc đó nhiệm vụ của tôi chỉ còn là điều xe chở hàng. Hẹn giờ các đầu mối xong, hai anh em lăn ra đánh một giấc đến tận chiều hôm sau. Mở mắt ra đã thấy cờ, băng tay đỏ chói được bà con chở đến bằng xe đạp, xe máy từ khắp nơi. Mọi người xúm vào đóng thùng, chuyển ra xe”, ông Quyến nhớ lại.

Ngày 24.4.1975, trong các cánh rừng cao su miền Đông, đại diện các sư đoàn, trung đoàn từ năm cánh quân tập trung lại nhận cờ và băng đeo tay cho lực lượng quân quản. Mọi người đều biết ngày thống nhất đất nước sắp đến rồi. Ngày 26.4, chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu...

Hôm nay, cầm lá cờ đỏ sao vàng hầu như vẫn còn mới, vuốt từng đường kim mũi chỉ trên tay, ông Quyến bùi ngùi: “Ngày ấy mọi việc sao mà đơn giản. Đơn giản đến nỗi tôi không hề nghĩ xem trong khi mình ngủ một giấc thì ông Ba Mì, Ba Thành phải đi vận động dân chúng như thế nào, đã gom vải, cắt may ra sao để có những lá cờ đẹp và đúng chuẩn như thế này. Đúng là tấm lòng của đồng bào miền Nam không gì đo đếm được”.

Một trong 10 lá cờ to nhất được ông Quyến cắm trên xe của phó tư lệnh cánh đông, trung tướng Lê Trọng Tấn, là cánh đầu tiên tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau ngày 30.4.1975, niềm vui vỡ òa cùng bao nhiêu công việc cuốn mọi người vào những sự kiện liên tiếp, nhưng ông Quyến vẫn nhớ cất vào đáy balô tấm băng đeo tay của mình cùng với lá cờ trên xe phó tư lệnh. Trở về Hà Nội, ông sử dụng luôn lá cờ ấy để cắm trước nhà mình trong những ngày lễ 30.4, 2.9, Tết Nguyên đán. Treo xong lại vuốt thẳng, gấp cẩn thận cất đi. Cứ thế suốt 35 năm...

“Hôm rồi Bảo tàng Lịch sử quân sự VN phát động đóng góp kỷ vật, có lời kêu gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với quân nhân chúng tôi, khi nào lời của anh Cả cũng là lệnh, vả lại tất cả những thứ mình có, cái gì chẳng là của dân, của nước chứ nào phải của riêng mình. Nghĩ thế, có 12 vật kỷ niệm sưu tầm từ chiến dịch Điện Biên Phủ tôi giao lại hết cho bảo tàng” - ông Quyến vuốt lá cờ lần nữa trước khi trả lại, nói. Ông đã mua một lá cờ khác để chuẩn bị treo ở nhà dịp 30.4 này.

10.000 hiện vật trong 2 năm

Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” do Tổng cục Chính trị phối hợp với Hội Cựu chiến binh VN, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2008 đến nay đã thu nhận được hơn 10.000 kỷ vật, “bằng mấy chục năm làm việc của bảo tàng”.

Các kỷ vật đều đã được lập hồ sơ khoa học, đã, đang và sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN. Sắp tới, bảo tàng sẽ mở rộng việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh, thu nhận những kỷ vật từ phía quân đội Sài Gòn và quân đội Mỹ.

Nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, ban tổ chức cuộc vận động phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 7, Hội Cựu chiến binh VN, Hội Cựu chiến binh TP.HCM tổ chức cuộc gặp mặt các nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và tiếp nhận kỷ vật vào ngày 17.4.2010 tại Bảo tàng Quân khu 7, TP.HCM.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghĩa tình nơi bệnh viện  (12/04/2010)
Người chạy tiếp sức  (08/04/2010)
Chuyện làm rừng ở Vân Canh  (05/04/2010)
Con đường trong mơ  (29/03/2010)
Em sẽ học tập, làm việc và cống hiến hết mình để xứng đáng…   (28/03/2010)
Thành phố êm đềm…  (22/03/2010)
“Nếu không giữ gìn, thương hiệu rượu Bầu Đá sẽ mất”   (21/03/2010)
Người xin tiền có... thương hiệu  (17/03/2010)
“Bão” qua làng xe tải  (15/03/2010)
“Tâm huyết với nghề buộc tôi không ngừng nỗ lực”   (14/03/2010)
An Dũ - âu lo và hoài vọng  (08/03/2010)
“Tính cách người bộ đội dẫn lối tôi trong làm việc”  (07/03/2010)
Tháng giêng đi lễ chùa  (01/03/2010)
Người con của bản làng  (28/02/2010)
Làng bánh Tam Quan  (22/02/2010)