“Biển này là của ta. Đảo này là của ta. Trường... Sa...”. Lời Khúc quân ca Trường Sa của nhạc sĩ Đoàn Bổng vang lên giữa Trường Sa làm mọi người tiêu tan hết mệt nhọc sau hơn hai ngày theo tàu ra dải đất máu thịt của Tổ quốc giữa biển Đông.
Chúng tôi ra Trường Sa đúng vào ngày trên trang nhất báo Tuổi Trẻ chạy hàng tít “Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tuần tra tại Trường Sa” (Tuổi Trẻ ngày 6.4.2010). Điều đó càng thôi thúc chúng tôi có mặt ở Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi muốn biết nơi ấy đồng bào, chiến sĩ của chúng ta đang làm ăn, sinh sống như thế nào.
|
Xuồng CQ (TP.HCM tặng Trường Sa) đưa các thành viên trong đoàn công tác của TP.HCM từ tàu lớn vào các điểm đảo Trường Sa.
|
Ánh sáng chủ quyền
Chủ quyền. Đó có lẽ là hai từ được dùng nhiều nhất trong chuyến đi này. Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo, phó tư lệnh hải quân, nói: năng lượng là chủ quyền, sức gió cũng là chủ quyền. Vì tất cả đều tạo ra ánh sáng chủ quyền của chúng ta.
Khi chúng tôi đến đảo Đá Lớn (khu vực miền Trung Trường Sa), anh Bùi Minh Hoàng - đảo trưởng Đá Lớn - nói năm ngoái đảo đã xua đuổi chín lượt tàu nước ngoài xâm phạm và trong mấy tháng đầu năm nay xua đuổi tiếp ba lượt tàu lạ nữa.
Đảo trưởng đảo Đá Tây (Nam Trường Sa) Nguyễn Văn Tĩnh cũng thống kê từ năm ngoái đến nay đã xua đuổi hơn 10 tàu nước ngoài lai vãng khu vực Trường Sa. Theo anh Bùi Minh Hoàng, từ khi có xuồng CQ (TP.HCM tặng Trường Sa những chiếc đầu tiên), hoạt động xua đuổi có hiệu quả hơn nhờ xuồng có tốc độ cao và trang thiết bị hiện đại. CQ cũng chính là hai từ chủ quyền viết tắt.
Bảo vệ được chủ quyền đảo cũng có nghĩa bảo vệ được ngư dân đánh bắt xa bờ. Đảo Song Tử Tây (Bắc Trường Sa) đã xây được âu tàu lớn cho ngư dân tránh bão. Đảo Đá Tây sắp hoàn tất nhà khách cho ngư dân. Đảo trưởng Đá Tây nói: phòng ốc nhà khách sang trọng hơn cả nhà của lính hải quân. “Khách sạn” giữa biển Đông này có thể tiếp nhận 4-5 hộ ngư dân đánh bắt vào đây nghỉ dưỡng. Còn ngư dân bệnh hay bị tai nạn ngoài khơi đã quen thuộc với địa chỉ bệnh xá đảo Trường Sa Lớn.
Hôm chúng tôi đến đây, anh Đặng Thanh (ngư dân đảo Phú Quý, Bình Thuận) đang được truyền dịch. Bác sĩ Đôn, bệnh xá trưởng, nói anh Thanh đã nằm suốt bốn ngày kể từ hôm bị ngất xỉu dưới hầm tàu cá. Bệnh nhân ngư dân này phải nằm thêm vài ngày nữa mới khỏe hẳn. Đây là trường hợp nhẹ. Bệnh xá từng mổ cấp cứu một ca giập nát cẳng tay. Sau khi cắt lọc phần hoại tử (không thể phục hồi được), ngư dân ấy đã được đưa về đất liền, thật may giữ lại được cả cánh tay và bàn tay.
Nhưng đó chưa phải là trường hợp nặng nhất. Bác sĩ Đôn còn nhớ rõ ca viêm ruột thừa quặn ngược phải chở từ đảo Đá Tây về Trường Sa Lớn. Bệnh xá ngoài khơi đã mổ cấp cứu kịp trong khi đây là ca mổ khó, may mà bệnh nhân có sức khỏe tốt. Toàn bộ người của bệnh xá đều do Bệnh viện quân đội 175 chi viện.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, phó giám đốc Bệnh viện 175, nói mới đưa được tám người của bệnh viện ra mà kế hoạch phải là 12 người. Bệnh xá còn nhiều thiếu thốn. Bác sĩ Đôn thú thật phòng mổ còn chật chội, chưa thông thoáng, lại thiếu ánh sáng. Chỉ mới có một đèn mổ nhỏ, một bóng đèn tròn và một bóng đèn neon, chưa có hệ thống nước bên trong phòng. Có hôm mổ cấp cứu mà bệnh nhân và bác sĩ đều đổ mồ hôi đầm đìa.
Người lo mổ, người lo thấm mồ hôi. Bác sĩ Sơn nói đang đầu tư thêm cho bệnh xá, sắp đưa ra thêm máy siêu âm, máy điện tim, nhưng cũng rất cần được hỗ trợ sửa sang, nâng cấp phòng ốc, mua sắm thêm máy móc, thiết bị y tế. Bác sĩ Sơn đang tìm thêm nguồn đầu tư cho bệnh xá để không chỉ cấp cứu và chữa bệnh mà còn phòng bệnh cho toàn bộ cán bộ chiến sĩ và cư dân đảo.
|
Gia đình anh Trần Văn Dũng và chị Phan Thị Kim Anh cùng cậu con trai Trần Phan Trọng Nghĩa, cư dân của xã đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa đang chọn kênh tivi
|
Ở đâu cũng làm ăn
Trường Sa đang thay đổi từng ngày. Anh Lê Tử Chung, thuyền trưởng tàu HQ 512, ra Trường Sa lần đầu vào tháng 4.1988. Anh vẫn còn nhớ hình ảnh những người lính đảo phải vá mùng rách bằng những mảnh báo cũ. Những năm ấy, đất liền còn khó huống chi Trường Sa. Tàu bè hải quân chưa được trang bị gì nhiều, chủ yếu chở lương thực thực phẩm ra đảo.
Khi đất liền ăn nên làm ra, đời sống đảo cũng khá hơn. Anh Hữu Lý, biên tập viên Đài truyền hình TP.HCM, nhớ lại cách đây năm năm khi ra Trường Sa lần đầu anh chưa ghi được những thước phim đèn điện rực sáng trên các điểm đảo như hôm nay. Trường Sa chưa có nhiều cây xanh, chưa có nhiều ngôi nhà bêtông vững chắc như hôm nay. Anh cứ nấn ná ở lại trên boong tàu dù mọi người háo hức ùa lên đảo. Anh chờ tắt nắng hoàng hôn để ghi lại hình ảnh ánh đèn điện Trường Sa.
Điện mặt trời, điện gió đủ cho đảo Sinh Tồn thắp sáng cả ngày đêm. Chị Kim Ý, cư dân hòn đảo này, lấy mấy con mực tươi từ tủ lạnh ra khoe chồng chị đánh bắt được hồi tờ mờ sáng. Cả nhà ăn không hết nên để dành một ít, còn lại chia cho hàng xóm. Nếu không có mặt ở đây, chúng tôi khó mà tưởng tượng được nhà nào cũng có tủ lạnh, tivi, điện thoại. Dân đảo đang ao ước có thêm máy lạnh.
Anh Hiền, chồng chị Ý, nói hồi ra Trường Sa cả gia đình lo lắm, nhiều người cản nhưng anh chị vẫn quyết mang hai con cùng ra bởi “đi đâu cũng làm ăn thôi, chịu khó là được”. Hậu, cậu con trai anh Hiền năm nay 10 tuổi, chạy ra tận chân cầu cảng đón đoàn chúng tôi. Nghe tôi hỏi thăm ba mẹ, Hậu dẫn luôn cả nhóm khách đất liền về nhà. Em muốn cùng cha mẹ tiếp khách quý vượt hàng ngàn hải lý ra thăm đảo. Năm tới, Hậu phải xa nhà, về Khánh Hòa học lớp 5 vì trường ở đảo chỉ mới mở tới lớp 4.
Nghe có khách từ TP.HCM ra, chị Phan Thị Kim Anh, hàng xóm của chị Kim Ý, tất bật chuẩn bị quà gửi về đất liền. Chị cười luôn miệng, kéo chúng tôi vào nhà. Chưa kịp hỏi thăm chị, chúng tôi hơi bất ngờ khi nghe chị hỏi: “Có phải các anh ở báo Tuổi Trẻ? Cả nhà tôi đã nghe tin đoàn ra từ mấy ngày nay và đoán thế nào cũng có phóng viên Tuổi Trẻ”. Chị tíu tít hỏi chuyện chúng tôi mà lẽ ra phải ngược lại.
Hai vợ chồng khoe chuyện học hành, sức khỏe hai đứa con. Chị nói từ ngày ra đảo thằng bé con chị ít bệnh vặt, trong khi về bờ rất hay bị sổ mũi. Gia đình chị cũng ngại về đất liền vì sợ tốn kém. Mỗi khi nhớ bà con chỉ cần nhấc máy điện thoại lên là nghe tiếng nhau rõ chẳng khác gì ở đất liền. Tiền dành dụm hằng năm cũng kha khá vì ở đảo có xài gì mấy. Các khoản chi lớn là mua sữa cho con và mua rau xanh cho cả nhà. Đánh cá được nhiều thì đổi thịt hộp của hải quân để tích trữ.
Chị Kim Anh gói ghém cẩn thận một túi thịt hộp nhờ chúng tôi mang về làm quà cho người thân của chị. Chẳng khác nào chở củi về rừng nhưng chị nói đó là tấm lòng của chị và cũng để cho người thân ở nhà biết cuộc sống ở Trường Sa đã có của ăn của để.
Anh Nguyễn Xuân Yên, cư dân ở đảo Trường Sa, tâm sự: cứ mỗi lần thấy có đoàn từ đất liền ra anh lại nhớ người thân. Anh rất mong ngày càng có nhiều chuyến tàu để người nhà ra thăm bà con ở đảo dù biết rằng đi lại rất khó khăn.
Khi đó những chuyến tàu nối Trường Sa và đất liền sẽ nhộn nhịp đông vui, làm bớt đi nỗi mong chờ của những cư dân đảo.
Trường Sa rồi sẽ không còn xa!
Thành phố rực sáng biển Đông
Từ năm 2003 đến nay, TP.HCM đã tổ chức liên tục bảy đoàn công tác ra thăm và làm việc tại Trường Sa. Năng lượng sạch Trường Sa cũng bắt đầu từ những dự án nghiên cứu của TP.HCM.
Trường Sa tiếp tục đặt hàng TP.HCM nghiên cứu phát triển năng lượng công nghiệp để bảo đảm đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khi cư dân ở đây ngày càng đông đúc. Có đủ năng lượng mới có thể phát triển hệ thống dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch...
Ngoài ra, một đề tài bức xúc sẽ được ưu tiên thực hiện sớm là xử lý chất thải ở Trường Sa. Vì trong môi trường nước biển mặn, các chất thải hữu cơ gần như được giữ nguyên, rất khó phân hủy.
Hàng loạt dự án, chương trình phục vụ nhu cầu dân sinh như đường sá, nhà cửa, đền chùa... cũng đang được xúc tiến đầu tư để biến Trường Sa thành một thành phố rực sáng giữa biển Đông. |
. Theo TTO |