Hơn 4 năm miệt mài nghiên cứu, ông Mai Vĩnh Thạnh - Giám đốc DNTN Vũ Thạnh (329 Hùng Vương- TP Quy Nhơn) - đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống máy cắt tách hạt điều tự động đầu tiên ở Việt Nam. Thành công này một lần nữa khẳng định sự sáng tạo không ngừng nghỉ của ông Thạnh nhằm tìm ra những giải pháp hạ giá thành, nâng cao giá trị của sản phẩm chế biến, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động…
|
Ông Thạnh nhận bằng khen do Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ trao tại Giải thưởng VIFOTEC lần thứ 10 năm 2009. |
* Người “có duyên” với những sáng tạo thiết bị ngành điều
2 lần đạt giải thưởng sáng tạo kỹ thuật toàn quốc-VIFOTEC ở lĩnh vực cơ khí cho các giải pháp sáng tạo của mình, ông Mai Vĩnh Thạnh là một trong số rất ít người ở Bình Định đạt được thành tích này. 2 giải pháp đạt giải của ông đều là những thiết bị phục vụ cho ngành chế biến hạt điều.
- Được biết, hệ thống cắt tách hạt điều tự động vừa được giải Ba giải thưởng VIFOTEC, và được sự quan tâm của các doanh nghiệp chế biến hạt điều trong tỉnh, trong nước và cả ở nước ngoài. Ông có thể nói qua về sáng tạo này?
Tìm thiết bị cắt tách hạt điều thay thế máy cắt thủ công là hành trình dài và khó khăn của doanh nghiệp chuyên chế biến hạt điều ở Việt Nam. Chỉ với mục đích chung là cắt tách vỏ cứng hạt điều, nhiều giải pháp đã được thực hiện, nhưng hiện nay trên thị trường chưa có thiết bị nào thật sự đáp ứng được yêu cầu này. Ngay cả thiết bị của Italia có giá cả triệu USD cũng không thật sự mang lại hiệu quả.
Thiết bị của chúng tôi là một hệ thống được thiết kế tự động hoàn toàn từ khâu cấp hạt đến cắt tách vỏ cứng và nhân hạt điều. Điểm mới của hệ thống là thiết bị cắt tách vỏ cứng tự động với nguyên lý của bộ phận cấp hạt và định vị, nhờ đó tăng năng suất tách nhân hạt điều và tỉ lệ hạt bị vỡ giảm. Đây là sự khác biệt của thiết bị so với các loại máy cùng chức năng đã có trên thị trường.
Mỗi hệ thống bao gồm 10 máy, mỗi máy có kết cấu phù hợp với từng kích cỡ hạt. Hạt điều sau khi hấp, chao được cho vào phễu và cho rớt tuần tự xuống mâm nối với nhiều rãnh. Đến thời điểm nhất định, hạt được định vị tại chỗ, đúng lúc đó dao cắt khép lại, cắt hạt làm đôi. Lúc này cả vỏ và nhân tách ra, theo cửa máy rớt xuống băng tải. Hệ thống chỉ cần 2 công nhân vận hành, có thể thay thế 40 người so với phương pháp làm thủ công.
|
Ông Thạnh bên hệ thống thiết bị cắt tách hạt điều tự động của mình. |
- Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ông đạt giải thưởng này?
Ngoài hệ thống này, thiết bị hấp hạt điều liên tục của Vũ Thạnh cũng được giải khuyến khích giải thưởng VIFOTEC năm 2005. Hướng nghiên cứu của tôi là nguyên liệu để chế tạo thiết bị dễ tìm, kết cấu đơn giản, không chỉ dễ vận hành mà còn dễ bảo trì, sửa chữa. Bên cạnh những lợi ích kinh tế, những thiết bị này còn giảm được ảnh hưởng của sản xuất đối với sức khỏe của người lao động.
- Vì sao ông lại chọn sáng tạo những thiết bị phục vụ cho ngành điều?
Năm 1991, tôi nghỉ làm tại một công ty nhà nước chuyên về chế biến dầu thực vật và đi lắp ráp máy thuê, đến năm 1995 thì quyết định mở xưởng cơ khí riêng. Sau khi thử làm nhiều thiết bị, và từ những kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình làm việc trước đó, tôi chuyển sang hẳn về thiết bị chuyên chế biến hạt điều. Với chút ít kinh nghiệm có sẵn và nhận thấy rằng, không như những ngành khác, thiết bị ngành điều còn là một lĩnh vực khá mới mẻ của cả thế giới và Việt Nam. Hơn nữa, vì đã từng làm ở lĩnh vực chế biến, tôi biết, người lao động trong ngành điều khổ hơn nhiều so với các ngành khác nếu làm việc bằng phương pháp thủ công. Vì vậy, tình trạng thiếu hụt lao động của ngành điều luôn là một vấn đề đau đầu. Tình trạng này buộc các doanh nghiệp chế biến hạt điều phải đầu tư thiết bị, máy móc để hạn chế dần lao động thủ công. Đây là xu thế tất yếu để giảm giá thành sản xuất và tăng năng suất.
* Không ngừng sáng tạo để cạnh tranh
Ngoài 2 thiết bị này, ông Thạnh còn nhiều thiết bị khác phục vụ trong lĩnh vực chế biến. Chọn một lối đi riêng và nỗ lực sáng tạo không ngừng để tạo ra sự khác biệt, đây là cách để Vũ Thạnh có thể đứng vững trong sự cạnh tranh và dần dần được nhiều người biết đến.
- Động lực nào giúp ông liên tiếp có những sáng tạo như vậy?
Tôi chọn ngành cơ khí như là một nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Việc cho ra những sản phẩm mới trước hết là để cạnh tranh. Các cơ sở cơ khí ở tỉnh ta rất nhiều, chưa kể ở trong nước, vì vậy, để người khác nhớ đến mình, mình phải có những sản phẩm họ cần, phải đáp ứng được thực tế sản xuất. Hơn nữa, xuất phát từ thực tế, trong quá trình nghiên cứu và chế tạo thiết bị trong cùng một lĩnh vực, tôi luôn thấy có rất nhiều thứ cần phải hoàn thiện. Lĩnh vực thiết bị phục vụ chế biến điều còn có rất nhiều vấn đề để khám phá. Ngay cả hệ thống máy cắt tách hạt điều tự động, mặc dù đã hoàn thành nhưng trong quá trình chạy thử, tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện để có thể tạo ra những sản phẩm hoàn hảo nhất.
- Nói như vậy, ông chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn và hài lòng với những sản phẩm của mình?
Nếu cảm thấy hài lòng với sản phẩm mình thì sẽ không có động lực và sự hứng thú để giải quyết những khó khăn nảy sinh, và khi đó sản phẩm sẽ không đạt được kết quả tốt nhất có thể. Tôi chỉ cảm thấy hài lòng và thỏa mãn nhất khi thiết bị đưa vào sản xuất một cách thành công và nhận được những phản hồi tốt từ khách hàng.
- Được biết, mặc dù sản phẩm máy cắt tách hạt điều tự động đã hoàn thiện, có rất nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi, sản phẩm cũng đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, nhưng vì sao ông vẫn chưa chính thức chuyển giao?
Qua mấy lần trình diễn thử, tôi rất mừng vì sản phẩm của mình được nhiều người quan tâm và đặt hàng. Mặc dù đã đăng ký sở hữu trí tuệ, và nhận được rất nhiều đơn đặt hàng nhưng tôi chưa dám bán vì sợ mất công nghệ. Nhiều thiết bị đặc chủng của cơ sở chế tạo không độc quyền được lâu, bị “xẻ thịt” ngay sau khi chuyển giao cho đơn vị chế biến. Điều này tôi rút kinh nghiệm từ nhiều sản phẩm trước đây của mình. Đây là tình trạng chung trong lĩnh vực cơ khí, vì đa số các loại máy cơ khí của mình công nghệ rất đơn giản nên dễ mất ý tưởng. Nghĩ ra nguyên lý và phương pháp mới khó, khi đã hoàn thiện máy rồi, chỉ cần nhìn qua, người trong nghề có thể sao chép được. Trong khi Luật Sở hữu trí tuệ còn nhiều kẽ hở, tốt nhất mình phải tự bảo vệ sản phẩm của mình. Hơn nữa, để tự bảo vệ sản phẩm của mình, tôi đang hoàn thiện quá trình chế tạo thiết bị hoàn chỉnh vừa nhanh, giá thành thấp. Như vậy việc sao chép sẽ hạn chế hơn. Vì nếu bán giá thành quá cao, người ta chỉ cần mua 1 máy về và sao chép lại y chang. Nếu có biết cũng khó mà kiện được. Đây cũng là điều tất yếu trong quá trình cạnh tranh.
* “May mắn có người tin tưởng”
Tốt nghiệp Trường Kỹ thuật cơ điện Quy Nhơn (khóa 1978 - 1981) và không ngừng tự học để có thể nắm bắt, tìm hiểu kỹ thuật để sáng tạo và hoàn thiện những sản phẩm của mình, và ông Thạnh cũng tự nhận mình là người may mắn vì luôn có người đồng hành với mình trong những nghiên cứu để tạo ra những thiết bị hữu ích.
- Để làm ra một thiết bị, mất vài năm để nghiên cứu, bí quyết nào giúp ông có được tính kiên trì như vậy?
Trong nghiên cứu, tính kiên trì rất quan trọng. Khi đã quyết định làm một thiết bị nào đó, tôi sẽ làm đến khi hoàn thiện mới thôi. Nếu trong quá trình làm thấy không khả thi thì mình tìm cách khác. Ngay cả trong hệ thống cắt tách hạt điều tự động, chỉ với một bộ phận nhỏ là hệ thống cấp hạt tự động và định vị trong máy cắt, tôi đã mất 2 năm trời để thử nghiệm rất nhiều cách. Sản phẩm hoàn thiện và nhận được sự tín nhiệm của nhiều người là động lực để tôi có thể tiếp tục cho ra đời những sản phẩm khác.
Là cơ sở cơ khí chuyên sản xuất máy móc, thiết bị chế biến hạt điều hơn 10 năm nay, DNTN Vũ Thạnh đã cho ra đời nhiều loại máy có tính ứng dụng cao như: hệ thống hấp hạt điều liên tục (đoạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, VIFOTEC, Huy chương vàng Techmart Việt Nam 2005); hệ thống sản xuất cơm dừa sấy khô (giải Hội thi sáng tạo tỉnh Bình Định 2006-2007) và mới đây nhất là giải Ba giải thưởng VIFOTEC cho thiết bị cắt tách hạt điều tự động... |
- Ông có nói rằng hệ thống cắt tách hạt điều tự động là giải pháp của ông cùng một người khác, ông có thể cho biết về người “đồng sự” này?
Đây là một người đồng sự, một người anh, người bạn trong nghề đã đồng hành cùng tôi từ những ngày mới vào nghề. Đó là anh Trần Văn Sum, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP XNK Hà Việt (Phù Mỹ) chuyên về chế biến hạt điều. Đây là người đã hỗ trợ tối đa những điều kiện tốt nhất có thể từ đề xuất, trao đổi ý tưởng, cung cấp nguyên liệu, vận hành thử… để tôi hoàn thành sản phẩm này. Hệ thống thiết bị đầu tiên của tôi cũng được Công ty Hà Việt “bao tiêu” sản phẩm. Chính sự khích lệ đó đã khiến tôi mạnh dạn bắt tay vào nghiên cứu. Đối với những thiết bị như thế này, thiếu người hỗ trợ thì sẽ rất khó thực hiện. Tôi đã may mắn có được sự hỗ trợ và động viên đáng quý này.
- Ông hiện có kế hoạch sáng tạo thêm những thiết bị gì?
Hiện tại, tôi vẫn đang cải tiến và hoàn thiện hệ thống cắt tách hạt điều tự động để có thể sớm chuyển giao cho các đơn vị đã đặt hàng, và cũng đang thực hiện vài thiết bị liên quan đến lĩnh vực chế biến hạt điều. Tuy nhiên, vì còn trong giai đoạn nghiên cứu nên cho phép tôi được giữ bí mật.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
|