Khi con đường Quy Nhơn - Sông Cầu được hình thành, cái tên đèo Cù Mông (nằm ở khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) với nhiều người là ký ức với sự sầm uất của những hộ dân “ăn theo” dịch vụ phục vụ cánh lái xe; hay những nỗi ám ảnh về “con đường ma”, dịch vụ “tươi mát”… 10 năm, đèo Cù Mông trải qua thời gian hưng-phế, nhưng cuộc sống nơi đây vẫn tiếp diễn sôi động.
|
“Điểm đen” tai nạn giao thông tại Suối Nước (đèo Cù Mông).
|
* “Điểm đen” trên đèo Cù Mông
Đèo Cù Mông nằm trên Quốc lộ 1A, là ranh giới của hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Huyền thoại về tên đèo Cù Mông còn được lưu giữ tới ngày nay là do thế núi nằm trải dài từ cao nguyên An Khê, Gia Lai đổ ra biển, giống như con rồng nằm phủ phục. Vì vậy tên xưa của Cù Mông chính là Cù Mãng. Mãng là con rắn thần, Cù là linh vật có đầu lân mình rồng. Những khi thời tiết thay đổi, mưa gió bão bùng nổi lên, thì dân địa phương gọi là “Cù dậy”, bởi cả một vùng đầy sấm chớp, những ngọn cây cong oằn trong màn mưa dày đặc tựa như cả thân con linh vật chuyển mình; đặc biệt từ ngoài biển ngó vào, những rìa đá lởm chởm, những ngọn núi chạy dài tận mép nước hứng nhận những đợt sóng tạt lên trông giống như đầu con rồng đang há mõm hút nước vậy.
Với chiều dài 6 km, độ cao của đỉnh 245 m, độ dốc 10%, đường dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao, nên Cù Mông là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam. Cựu chiến binh Trần Nam Trung quê gốc ở Hà Bắc - có thâm niên 2 năm làm bí thư chi bộ và 8 năm làm khu vực trưởng khu vực 8 - tấm tắc khen đèo Cù Mông đẹp, không nhiều cua quẹo gấp khúc như đèo An Khê (tỉnh Gia Lai). Nhưng cũng bởi cái dáng thoai thoải, không dốc lắm, nên cánh lái xe lại chủ quan. Vì thế, 10 năm trở về trước, khi đoạn đường đèo Cù Mông chưa được nâng cấp thì tai nạn giao thông nhiều đến phát sợ.
Ông Trung bảo, trên đèo Cù Mông thuộc đất Bình Định có “điểm đen” nguy hiểm ở Suối Nước (km 1242) bị khuất nên hầu như năm nào cũng có tai nạn giao thông. Một bên núi, một bên vực sâu. Vì thế, trước đây, khi đoạn đường đèo Cù Mông chưa được nâng cấp thì tai nạn giao thông khá nhiều. Nặng nhất là vụ tai nạn ô tô khách làm 36 người tử nạn năm 1989, hay vụ tai nạn giao thông xảy ra vào năm 1994 làm hơn 10 người chết.
Cũng vì quá nguy hiểm, năm 2001, tuyến đường Quốc lộ 1D Quy Nhơn - Sông Cầu đi qua ranh giới 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên tránh đèo Cù Mông được thành hình. 2 năm sau, đường Quốc lộ 1A được nâng cấp thì đèo Cù Mông cũng được tu sửa bớt một số đoạn đường nguy hiểm, như vùng cua cánh chỏ ngay dưới chân đèo, hay đoạn Suối Nước. Những biển báo giao thông, đường tránh được mọc lên. Nhờ đó, tình trạng tai nạn giao thông đã giảm hơn phân nửa. Nhiều xe trước đi đường Quốc lộ 1D từ Sông Cầu về TP Quy Nhơn rồi ngược lên ngã ba Phú Tài (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) thì nay đều chọn đèo Cù Mông để tiếp tục vào Nam ra Bắc.
|
Từ khi đèo Cù Mông được nâng cấp thì tình trạng tai nạn giao thông đã giảm đáng kể. - Trong ảnh: Đường cứu nạn trên đỉnh Cù Mông.
|
Chứng tích của những vụ tai nạn trên đèo Cù Mông giờ vẫn còn những trang thờ bên taluy đường. Khi leo đèo Cù Mông bằng xe máy trong đêm, dưới ánh đèn pha ô tô lập lòe, chúng tôi rùng mình nhớ lại lời của ông Trung: “Hồi ấy tai nạn giao thông nhiều đến nỗi sáng vừa giải quyết một vụ ở cuối đèo thì trưa tụi tui phải chạy lên đỉnh đèo”.
* Sống dễ hơn
Có Quốc lộ 1D, một số hộ dân vốn mở dịch vụ ăn uống phục vụ lái xe cũng “chuyển vùng”. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, họ lại quay về đèo Cù Mông. Anh Nguyễn Thái Minh, một lái xe tải đường dài, quê ở Thanh Hóa, giải thích: đường Quốc lộ 1D không dốc nhưng tầm nhìn hẹp, nhiều khúc cua nên khách bị hạn chế tốc độ, còn lái xe tải chở hàng nặng dễ bị hư thùng xe. Bây giờ, đi trên đường Quốc lộ 1D chỉ có những xe trực tiếp trả khách hay hàng hóa về trung tâm TP Quy Nhơn, còn những xe đi thông suốt Bắc Nam thì vẫn đi hướng Quốc lộ 1A.
Cuộc sống trên đỉnh đèo Cù Mông với 14 hộ dân (6 hộ của Bình Định và 8 hộ của Phú Yên) sôi động trở lại. Phía Bình Định tất cả đều mở quán ăn và dịch vụ hậu cần cho xe ô tô và cánh lái xe. Phía Phú Yên có một Garage sửa xe ô tô Quốc Vũ và một số hộ sửa xe, dịch vụ ăn uống cho khách.
Từ ngã ba Phú Tài, vợ chồng bà Trần Thị Thông (59 tuổi) và ông Huỳnh Văn Quý (60 tuổi), trở thành cư dân của đèo Cù Mông đã được 21 năm. Trong ký ức của bà Thông, đỉnh Cù Mông xưa là “vùng heo hút, đường sá đi lại nguy hiểm chứ chẳng quang đãng, an toàn như giờ”. Ban đầu, hai vợ chồng lên đây mở dịch vụ bơm mỡ, đổ nước mui, rửa xe. Khách có nhu cầu thì phục vụ luôn chuyện cơm nước. Bây giờ, quán đã mở rộng, ăn uống thì thêm dịch vụ bán cơm, cà phê, nước uống…
Quy mô buôn bán tùy theo nhân lực của mỗi nhà. Nhà ít người như bà Thông chỉ làm các dịch vụ rửa xe, đổ nước mui, hay bán nước cho khách… tự rửa xe. Nước sạch các hộ dân phải bỏ tiền cả chục triệu để làm đường ống dẫn từ Suối Mơ xuống. Trước đây, mỗi hộ dân trên đỉnh đèo đều tự trang bị máy phát điện, còn 2 năm nay thì dùng nguồn điện của Viettel. Việc buôn bán khá sầm uất, mỗi nhà đều có khách “ruột” của mình.
|
Anh Thái Kim Cảnh bảo: Hôm nào đông khách 5-7 xe thì lời lãi cũng được vài chục đến vài trăm tùy theo dịch vụ khách yêu cầu. Được cái, mình làm ăn uy tín nên lắm khi xe bị nổ lốp “chết gí” ở các tỉnh, lái xe cũng chi tiền xe nhờ mình ra tận nơi để sửa.
|
Anh Thái Kim Cảnh, trước ở phường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) “dạt” về đây từ năm 22 tuổi, giờ đã sắp ngũ tuần. Anh mở dịch vụ làm lốp, rửa xe, bán nước mui và quán ăn cho khách. Những hôm đông khách, 2 vợ chồng và 2 cậu con trai phải quần quật làm không kịp trở tay. Anh bảo: “Hôm nào đông khách 5-7 xe thì lời lãi cũng được vài chục đến vài trăm ngàn tùy theo dịch vụ khách yêu cầu, còn “ế” thì cũng chẳng có đồng nào. Được cái, mình làm ăn uy tín nên lắm khi xe bị “chết gí” ở các tỉnh, lái xe cũng chi tiền nhờ mình ra tận nơi để sửa. Chưa thật sự đầy đủ, nhưng đời sống của chúng tôi hiện cũng dễ thở hơn hồi dưới xuôi mà chẳng có việc làm”.
Ngoài việc “ăn theo” bằng các dịch vụ phục vụ khách và lái xe, một số hộ dân còn biết tận dụng lợi thế đất đai ở đỉnh đèo Cù Mông. Ngoài việc buôn bán, sửa xe, gia đình anh Cảnh khai phá hơn 4 ha đất rừng để trồng bạch đàn, nuôi bò. Còn hộ bà Nguyễn Thị Lành, 57 tuổi, thì bên cạnh dịch vụ cho thuê nước để khách rửa xe, bơm nước mui, bán quán ăn, còn có 20 ha trồng bạch đàn cũng cho thu nhập tương đối lớn.
Những người chọn đỉnh Cù Mông làm nơi sinh sống khẳng định là nơi đây dễ sống. Điều làm họ băn khoăn là khu vực định cư sinh sống lâu dài. Ông Hồ Văn Bằng, Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân, cho biết: “Các hộ dân này hình thành tự phát cách đây khoảng 20 năm. Thủ tục đất đai không có, chủ yếu theo hình thức chuyển nhượng nên phường đang cố gắng giải quyết”.
* Và... thế giới của đêm
Cuộc sống trên đỉnh Cù Mông bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, nhưng sự sôi động thực sự khi màn đêm buông xuống.
|
Nhiều hộ chỉ bán nước cho khách rửa xe, đổ nước mui.
|
Vượt đèo bằng xe máy, cảm giác thật khác! Đường đèo, một bên là núi cao, bên kia là vực sâu. Trên sườn đèo, gió thổi lồng lộng. Những chiếc xe ô tô chầm chậm lăn bánh, bắt đầu cuộc hành trình vượt đèo đầy thử thách. Chỉ cần lái xe hơi lơ đễnh, con đèo có thể quật đổ chiếc xe bất cứ lúc nào. Phía dưới chân đèo, dân cư thưa thớt, càng lên cao, chỉ còn các rào chắn ven đường, biển báo nguy hiểm, những gương cầu qua các khúc quanh, và những “dấu tích” của những vụ tai nạn. Sự tĩnh lặng của đêm, của núi rừng sẽ làm cho những người yếu bóng vía không dám đặt chân lên đây. Nhưng càng lên cao, cuộc sống về đêm của đỉnh Cù Mông càng nhộn nhịp và sôi động. Tiếng chào mời, gọi nhau í ới khác với lối nghĩ “đèo heo hút gió”…
Đó là những chiếc ô tô ngược Bắc xuôi Nam dừng chân để nghỉ ngơi, ăn uống và tranh thủ kiểm tra hệ thống phanh côn trước khi đổ đèo.
Thế giới “đêm” của Cù Mông còn là những ánh đèn pin dọc hai bên đường của những cô gái phục vụ dịch vụ “tươi mát” cho các quý ông. Ông Hồ Văn Bằng cũng bức xúc vì tệ nạn mại dâm trên vùng giáp ranh đèo Cù Mông rất khó giải quyết. “Trước đây, lực lượng 814 và lực lượng công an thành phố cũng đã tổ chức truy quét, nhưng cứ “động” bên này thì họ chạy sang bên kia. Rồi khi hai tỉnh ký cam kết phối hợp truy quét thì họ lại “vọt” lên núi để nấp. Chúng tôi đã tăng cường hết mức nhưng đúng là chưa thể giải quyết triệt để”.
|