Với mấy chục cuốn sách đã xuất bản và đã xong bản thảo đều về những sự việc, tư liệu, nhân vật Bình Định xưa, có thể nói đến giờ, Lộc Xuyên Đặng Quý Địch đã mặc định một sự nghiệp với quê hương, những “cố sự” cần lưu giữ mà khi nhìn tập hợp đầy đủ cả đời ông miệt mài, lặng lẽ làm, thật đáng nể phục và kính trọng…
* Lộc Xuyên và chữ Hán
Với 25 đầu sách đã in và đã xong bản thảo đều gắn với chuyện cũ, tư liệu cũ, ít người biết là cái vốn chữ Hán, chữ Nôm thời Quốc ngữ lên ngôi của ông là tự học.
Ông sinh năm 1939 ở Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định, tốt nghiệp Sư phạm Quy Nhơn năm 1963, đi dạy rồi làm quản thủ thư viện. Mấy dòng lý lịch này không liên quan gì tới chuyện học chữ Hán. Ông giải thích việc học của mình đơn giản là thấy hệ thống văn hóa, triết học Đông phương quá đồ sộ và khao khát hiểu biết.
|
Lộc Xuyên Đặng Quý Địch. |
Lộc Xuyên bắt đầu từ cuốn “Tự học chữ Hán” của Nguyễn Văn Ba, đọc thêm phần văn phạm chữ Hán của Phạm Tất Đắc, cuốn văn phạm qua cổ văn viết rất kỹ. Cách học của ông là vừa học vừa mày mò dịch Kinh Thi. Tất nhiên luôn có 2 ông thầy lớn là các cuốn Từ điển Đào Duy Anh và Tự điển Thiều Chửu. So sánh 2 cuốn sách: “Nhân vật Bình Định” (Xuất bản năm 1971, tái bản 2006, 2008) và “Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định” (2008), thấy sự miệt mài và cái bề dày đáng nể phục về vốn Hán ngữ của ông.
Cứ cho khi viết và in “Nhân vật Bình Định” ông chưa có nhiều tư liệu nhưng hơn 50 nhân vật của sách, ông hầu như chỉ kể lai lịch, công tích căn bản. Đến cuốn sách sau, viết lại 17 nhân vật cũ và 33 nhân vật mới, có thể nói vị nào cũng dày dặn tư liệu Hán ngữ, dễ dàng nhận thấy cái sở học mảng này của ông đã cận lý. Người ta thường nói “lấy sách làm thầy”, là nói chung về sự học không ngừng nghỉ, riêng sự học Hán ngữ của ông, câu này đúng với nghĩa đen. Tất nhiên, còn những người bạn trong đời, những trao đổi, những học nhau…, nhưng trước hết có thể nói thứ văn tự tượng hình có ma lực đặc biệt với ông và nó gắn với niềm yêu, niềm tự hào quê hương mà ông tự nguyện dành cả đời mình trong những đóng góp lặng lẽ, cuộc tập hợp, chú giải về con người, về phong hóa Bình Định hơn 40 năm qua…
* Miệt mài cố sự
Lướt qua các tên sách của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch là thấy sự nghiệp trước tác của ông gắn liền với sưu tầm và khảo cứu, biên dịch, chú giải những “cố sự”, khi thì gắn với cả trăm nhân vật, khi thì những di tích, danh thắng, nói chung là các giá trị mang tầm lịch sử và văn hóa Bình Định hoặc những tinh túy xưa của văn hóa phương Đông. Có thể kể: Đào Duy Từ khảo biện, Trần Đức Hòa tư liệu, Mai Viên cố sự, Tang sự trích biên, Đào Phan Duân, lý lịch và tác phẩm, Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định, Danh liễn hợp toản, Cố sự Quỳnh Lâm, Những ngôi chùa trong tỉnh Bình Định, Văn thi liệu tầm nguyên tự điển…, có cuốn vài trăm trang, có bộ sách đồ sộ vài ngàn trang.
Dấu ấn rõ rệt nhất mà ông tạo được với người đọc là ý thức trách nhiệm, là niềm tự hào và một sự miệt mài hiếm thấy của ông về các giá trị truyền thống đặc sắc của Bình Định. Thực ra, từ lâu giới cầm bút ở Bình Định cũng từng biết, từng trân trọng một Lộc Xuyên Đặng Quý Địch khi năm 1971, mới 32 tuổi, ông đã cho in cuốn sách “Nhân vật Bình Định”, viết về 55 nhân vật đã sống, lập đức, lập công và lập ngôn trên đất Bình Định cách đây 400 năm đến trước năm 1945. Cùng với cuốn “Nước non Bình Định” của Quách Tấn in cuối năm 1967, hai con người 2 thế hệ, một văn sĩ tên tuổi và một tác giả mới toanh cùng góp một niềm trân quý, tôn vinh quê hương. Nhưng phải tới mấy năm gần đây, khi sách của ông in rộ, không ít người ngay ở Bình Định cũng ngạc nhiên về sức vóc sáng tạo mà ông có được, lặng lẽ, miệt mài có được.
Giải thưởng Văn học nghệ thuật Đào Tấn- Xuân Diệu lần III 2001-2005 của tỉnh Bình Định trao giải A cho cuốn sách “Mai viên cố sự” của ông. Chia sẻ đầu tiên của ông khi nghe tin được giải là “có một số tiền để in cuốn khác!”. Mà thực. Lộc Xuyên cứ lặng lẽ làm việc từng ngày hơn 40 năm qua rồi bằng tiền nhà (do con cái tài trợ), tiền giải thưởng, và tiền của vài “Mạnh Thường Quân” mà in sách. Nói công bằng, có những cuốn sách của ông rất giá trị trong việc bảo tồn văn hóa quê hương nhưng nếu bày ra ở nhà sách thì khó bán. Ví dụ: Bình Định Hán văn trích diễm, Văn tế ở Bình Định… Nhưng nhiều nhà nghiên cứu, nhiều bậc trí giả sẽ không ngờ rằng trong Bình Định Hán văn trích diễm lại có một văn bản tưởng đã thất truyền, là bức thư chữ Hán của Quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng gửi quốc dân đồng bào kêu gọi đoàn kết đánh Pháp. Bản hùng văn quý này nhờ một nho sĩ Bình Định, cụ Hà Trì Trần Đình Tân ghi lại trong Danh nhân kiệt tác tập biên do cụ biên soạn và được con cháu tin cẩn trao lại cho Lộc Xuyên.
|
Bộ sách đồ sộ về những ngôi chùa ở Bình Định. |
Ông được tin cẩn ký thác các vốn quý là xứng đáng, xét ở độ cẩn trọng và trung thực khi xử lý tư liệu. Nếu không có cơ sở ông không “sáng tác” kiểu Quách Tấn về những “tương truyền”, “Bình Định có câu ca rằng…” (trong “Nước non Bình Định”- tất nhiên cuốn sách của Quách thi sĩ có những giá trị khác rất đáng trân trọng!). Trừ vài nhân vật: Quách Tấn, Mai Xuân Tín… khi viết về các nhân vật, các vấn đề khác, văn ông thường lạnh, tôn trọng cứ liệu mà không mấy chuyển tải chất cảm vào. Ông muốn để người đời, qua ngồn ngộn tư liệu ông cung cấp hãy tự luận xét, nhìn nhận và cảm thấu.
Cách này là khoa học trong biên khảo nhưng khá công phu. Ví dụ, với nhân vật Tăng Bạt Hổ, ông kỳ công chép lại, hiệu đính qua các tư liệu Bản thuận phân tài sản, qua Tư liệu của người Pháp, qua Nhận xét đánh giá của các nhà cách mạng Việt Nam đương thời, Thơ văn, Liễn đối…, tư liệu nào cũng rất cụ thể, mạch lạc. Và cả trăm nhân vật như vậy, những anh hùng hào kiệt, danh sĩ, những bậc tu hành đạo cao đức trọng đã in, đã hoàn thành bản thảo.
“Cố sự”, có vẻ như ông mới ngoài 70 mà cũng đã nhập hẳn vào thế giới này, thế giới khi ông sinh ra phần đông các tiền bối đã xong việc “nhân sinh tự cổ thùy vô tử”… Ông đã tự nguyện, đam mê nhập vào thế giới ấy và đã là một phần không thể tách rời.
* Ai tri âm đó...
SÁCH ĐÃ IN CỦA LỘC XUYÊN:
1, Nhân vật Bình Định. 2, Mai viên cố sự. 3, Đào Duy Từ khảo biện. 4, Cố sự Quỳnh Lâm I. 5, Vân Sơn bán mộng. 6, Tiếng lòng. 7, Tang sự trích biên. 8, Đào Phan Duân, lý lịch và tác phẩm. 9, Trần Đức Hòa tư liệu. 10, Song trung miếu và thơ xướng họa. 11, Hương Sơn cố sự. 12, Bình Định Hán văn trích diễm. 13, Văn tế ở Bình Định. 14, Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định.
SÁCH ĐÃ SOẠN XONG:
1, Thi kinh diễn ca. 2, Minh Tâm Bảo Giám. 3, Danh liên hợp toản. 4, Hà Trì thi tập. 5, Mai Xuân Tín tư liệu. 6, Những bài viết về nhân vật lịch sử, tác gia văn học Bình Định. 7, Cố sự Quỳnh Lâm II,III,IV. 8, Võ kinh. 9,Những ngôi chùa trong tỉnh Bình Định. 10, Chuyện cũ nhà sư Bình Định. 11, Văn thi liệu tầm nguyên tự điển.
|
Trong ngôi nhà ông đang sống ở thị trấn Bồng Sơn cùng vợ và con gái còn lưu giữ một số đồ gốm sứ gia bảo mấy trăm năm do ông anh truyền lại trước khi ra nước ngoài sống. Trên gác văn yên tĩnh và ngăn nắp của ông đầy sách vở, các chồng bản thảo, tư liệu, ông nói những cuốn sách đã in, ngồn ngộn bản thảo và tư liệu cũng là vật gia bảo cho con cháu. Tận mắt nhìn những bộ sách đồ sộ chép tay sạch sẽ, đóng bìa cẩn thận, phân tập kỹ càng thì biết tâm huyết của ông, ký gửi của ông cả đời thế nào. Những tập bản thảo này chưa chắc được in hết khi ông còn sống.
Mấy năm nay sức khỏe ông không tốt, chỉ loanh quanh thị trấn chứ một mình ông không dám đi xa. Mọi liên lạc với bằng hữu, nhà xuất bản, các nhà tài trợ đều bằng điện thoại. Thấy trong sổ tri ân mới của ông cho bộ sách “Những ngôi chùa trong tỉnh Bình Định” đang “gom” được gần 20 triệu. Tất nhiên còn lâu nữa vì bản thảo gần 2.500 trang khổ lớn, nhiều hình ảnh của 119 ngôi chùa với những khảo cứu công phu về duyên khởi kiến tạo, hình thành, kiến trí tổng quan, lịch sử truyền thừa, hàng ngàn câu đối, hàng trăm áng văn Hán Nôm giá trị… không dễ đủ tiền trước mắt để in. Ông cũng miệt mài không mệt mỏi trong việc tìm nguồn như đã miệt mài biên soạn. Rồi bộ tứ “Cố sự Quỳnh Lâm” 2.700 trang phiên dịch chú giải cổ văn Trung Quốc, “Văn thi liệu tầm nguyên tự điển”, cuốn tự điển 3.000 trang về thành ngữ, điển cố thơ văn chữ Hán xưa thường dẫn dụng, “Danh liên hợp toản” 1.000 trang…, tất cả 11 bộ sách đã soạn xong đang “xếp hàng” chờ, những tâm huyết và công sức này cũng đang “cạnh tranh” nhau trước mắt ông. Ngày ngày, ngoài những điện thoại liên lạc khắp nơi, ông vẫn miệt mài làm vài ba trang sách mới, những chú giải về 30 bổn tuồng, hát bội Bình Định.
Cũng nhiều gian nan và đắng chát nhưng ông bảo quyết tâm ở lại đất nước để có được cả chục ngàn trang sách thế này cho quê hương là lựa chọn đúng của đời ông.
|