Mới đây, Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương tiến hành đại lễ khánh thành Phật tượng nhập Niết bàn chùa Hội Khánh, tôi tình cờ bắt gặp được một nhà sư nói tiếng “Nẫu” đặc sệt đang là tâm điểm chú ý của nhiều tăng ni, phật tử với bộ sưu tập kinh Phật trên đá bằng chữ thư pháp. Đại đức Thích Giác Thiện thực sự khiến cho những người đến tham quan phải trầm trồ bởi những con chữ như nhảy múa trên những tảng đá lớn, nhỏ.
|
Đại đức Thích Giác Thiện bên bộ sưu tập thư pháp trên đá của mình.
|
* Duyên với đá
Đến với thư pháp như một cái duyên và lòng đam mê, qua 6 năm, vị Tăng sinh trẻ này đã cho ra đời hàng ngàn tác phẩm thư pháp khắc trên đá đặc sắc, trong đó phải kể đến là những bộ kinh Phật thật kỳ công! Nghệ thuật viết thư pháp không phải là mới lạ nhưng viết thư pháp trên đá thì có lẽ Đại đức Thích Giác Thiện là người đầu tiên mang ý tưởng táo bạo của mình vào hiện thực. Những tảng đá lớn nhỏ vốn khô cứng nhưng qua bàn tay sáng tạo của nghệ nhân với những con chữ múa lượn, bỗng trở nên mềm mại, có tâm hồn.
Năm 2008, thầy được mời khắc chữ tại khu du lịch Ghềnh Ráng thời gian diễn ra Festival Tây Sơn- Bình Định lần đầu. Để làm được điều này, năm 2005 thầy Giác Thiện đã theo học thư pháp căn bản trên giấy dó, trên mành tre... của thầy Lê Quốc Phong tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.
Đại đức Thích Giác Thiện sinh năm 1979, là sinh viên khóa 6 Học viện Phật giáo Việt Nam, tại TP.HCM, trụ trì chùa Diêu Phong, thị trấn Diêu Trì, tỉnh Bình Định. Quê hương miền Trung cho thầy nhiều tình cảm mến yêu với đá nhưng thầy vốn không nghĩ là mình sẽ gắn bó với đá qua môn nghệ thuật thư pháp như bây giờ.
Thầy kể, gia đình thầy không có truyền thống viết thư pháp. “Duyên” để thầy đến với thư pháp là vào một lần, một vị sư phụ nhờ thầy tìm người viết thư pháp giúp cho 2 câu liễn đối lớn để trang trí cho lễ hội. Đi hết chỗ này đến chỗ nọ mà vẫn chưa tìm được người viết chữ thư pháp theo yêu cầu, điều đó làm thầy ngạc nhiên và tò mò. Thầy bắt đầu tìm hiểu, tự mua sách về học viết chữ thư pháp. Những con chữ như múa lượn dưới nét cọ làm thầy phấn khởi. Khám phá nơi bản thân mình có nhiều năng khiếu với thư pháp nên thầy chuyên tâm rèn luyện...
“Còn duyên nào đưa thầy đến với đá?” – tôi hỏi. Năm đó, thầy sang Ấn Độ, nơi đây có những dòng kinh kệ được khắc trên đá. Thầy nghĩ “sao mình không khắc kinh chữ Việt lên đá để những người mộ đạo có dịp chiêm ngưỡng, ghi sâu lời Phật dạy”. Ý tưởng đó được tiếp sức khi có một phật tử phát nguyện bỏ công đi tìm đá. Khắc chữ thường trên đá đã khó, huống hồ chi là chữ thư pháp. “Những nét chữ thư pháp đầu tiên chạm lên đá chứa đựng cả những nỗ lực, sự quyết tâm và lòng kiên trì!” - thầy chia sẻ.
|
Chữ Việt thể hiện lên đá rất đẹp và uyển chuyển.
|
* Nghề chơi cũng lắm công phu
Để có được một bức “thạch thư” đẹp, người chơi cũng phải tốn rất nhiều thời gian. Nghề chơi cũng lắm công phu, sau khi nhặt đá về, thầy phải hì hục “xử lý” tuỳ theo nội dung, hình thức, màu sắc và các đường vân của đá. Có thể “chà” đá bằng giấy nhám mịn hoặc đá mài, rửa bằng bàn chải lớn hoặc dùng hóa chất để tẩy. Sau khi nội dung tác phẩm đã hiện lên trên nền đá, mới bắt đầu viết các giáo lý, kinh nhà Phật hoặc nếu là để tặng cho bạn tâm giao thì cũng có thể khắc họa những câu thơ của Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử, các câu danh ngôn hoặc dùng họa pháp để vẽ vào đá những nét chữ, họa tiết, điểm xuyết cho bức tranh thêm phần sống động, cổ kính.
Do những viên đá không có hình dạng nhất định nên muốn viết hay khắc được chữ và khắc như mong muốn phải xóa đi xóa lại nhiều lần. Công đoạn chạm khắc là khó khăn nhất, dùng mũi mạ kim loại (bạch kim) chạm theo nét chữ đã viết sẵn, một cách tỉ mỉ, cẩn thận, đảm bảo giữ nét uyển chuyển mềm mại của thư pháp. Nhờ vậy tạo nét khắc mỹ thuật, nét ẩn nét hiện một cách hợp lý. Chữ khắc theo dạng hình vỏ đậu (biên chữ sâu, ở giữa cao) theo tỉ lệ tròn đều. Những nét lớn chạm sâu hơn, độ bo tròn nhiều hơn.
Chữ thư pháp khắc trên đá phải qua 3 công đoạn cơ bản: viết chữ, tiến hành đục theo nét viết và cuối cùng viết lại một lần nữa. Khắc chữ đã khó, mà bố cục làm sao chuyển tải được nội dung, tạo được tính thẩm mỹ trên từng tảng đá cũng đâu phải dễ! Nét chữ lớn thì đòi hỏi nét vẽ phải thật điêu luyện, còn chữ nhỏ thì khó nhất là khâu đục và tô chữ. Nói gọn hơn, một tác phẩm hoàn chỉnh cần sự kiên nhẫn và một chữ “tâm” của những người thực hiện.
|
Kinh Phật được Đại đức Thích Giác Thiện thể hiện sinh động lên đá.
|
* Khắc chữ trên đá cũng là thuyết pháp
Là người xuất gia hành đạo, lại có năng khiếu với môn viết chữ, tâm nguyện của thầy là khắc được những bộ kinh Phật lên đá. Có nhiều loại đá có thể khắc kinh Phật nhưng loại mà thầy tâm huyết nhất lại là đá cuội. Mà phải là những viên đá cuội cứng, đẹp được nhặt ở các vùng biển Quy Nhơn, Phan Thiết, Vũng Tàu… Thầy tâm niệm đá cuội sạch, thuần khiết và không vướng bận thế tục.
Qua thời gian dày công, đến nay thầy đã khắc được các bộ kinh lớn như bộ “Bát nhã tâm kinh”, 260 chữ trên 16 viên đá; “Đại bi thần chú”, 420 chữ trên 22 viên đá; 33 vị tổ trên 33 viên đá; Thế Tôn và 10 đệ tử trên 11 viên đá; “Cư trần lạc đạo”, “Mười bốn điều Phật dạy” trên 14 viên đá cùng nhiều tiểu phẩm hình tượng Quán Thế Âm bồ tát, Di Lặc bồ tát, Thích Ca thành đạo… Những bộ kinh này đã triển lãm nhân lễ khánh thành Khu văn hóa lịch sử Đền Hùng, quận 9, TP.HCM, tại Học viện Phật giáo Việt Nam, Phật tượng nhập Niết bàn chùa Hội Khánh và nhiều nơi khác.
Qua việc chiêm ngưỡng nét đẹp của thư pháp trên đá, từng lời Phật dạy đến với người xem một cách tự nhiên mà sâu sắc. Không ít người xúc động vì “ngộ” ra nhiều điều từ những lời hay ý đẹp qua các tác phẩm của thầy, hàm chứa những triết lý nhân bản. Chính điều đó giúp cho thầy thêm phấn chấn với công việc mà mình đang đeo đuổi với tâm niệm “khắc chữ trên đá cũng là cách thuyết pháp”. Hiện tại, thầy đang thực hiện khắc 1.700 chữ Nôm gồm 10 hồi bài “Cư trần lạc đạo phú” của Đức vua Phật hoàng – Trần Nhân Tông nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và Đại hội thượng đỉnh Phật giáo lần thứ 6 (năm 2010).
Đá to, đá nhỏ và những hòn đá cuội bé tí như nằm gọn trong lòng bàn tay với các chữ tâm, tín, nhẫn, trí, dũng, vô thường… được mọi người tặng cho nhau như thông điệp mến yêu, chia sẻ. Sự cứng cỏi của đá kết hợp với nét mềm mại của câu chữ làm nên một nét đẹp vừa uyển chuyển vừa vững bền, quả thật ý vị. Ngoài việc hoàn thành khóa học tại Học viện Phật giáo Việt Nam, thực hiện hoài bão của mình với những chữ thư pháp khắc trên đá, thầy còn rất tích cực với công tác từ thiện giúp người.
Bản thân hòn đá, nếu để tự thân sẽ chỉ là hòn đá vô tri, vô giác nhưng khi đá mang trên mình những chữ thư pháp với nội dung triết lý sâu sắc và nét chữ nghệ thuật thì lại mang nét đẹp có thể phối hợp với những cảnh trí khác nhau, tạo nên những không gian thẩm mỹ khác nhau. Hòn đá có chữ thư pháp để trên bàn làm việc, trong phòng khách, trên chậu hoa… ở đâu cũng có nét duyên riêng. Chiêm ngưỡng những tác phẩm thư pháp khắc đá chợt hiểu ra rằng dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân, sỏi đá cũng trở nên hữu tình, độc đáo.
Viết thư pháp trên đá không phải là môn chơi lạ lẫm trên thế giới, thậm chí, nó rất phát triển ở Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… Ở Việt Nam, viết thư pháp trên đá cũng đã phát triển từ lâu. Thậm chí, ở Đà Nẵng có anh Hồ Công Khánh, nhà tại đường 2-9 khá nổi tiếng với khả năng sáng tạo không mệt mỏi trên đá, nhưng anh lại nghiêng về vẽ hơn là viết. Đại đức Thích Giác Thiện, được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam như là “Người viết chữ thư pháp trên đá nhiều nhất Việt Nam”. Dự kiến, bằng xác nhận kỷ lục sẽ trao tặng tại đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra trong tháng 10 tới đây. Ngoài ra, thầy còn là người khắc kinh Phật lên đá nổi tiếng nhất Việt Nam, vượt ra ngoài vẻ đẹp giải trí thuần túy. |
|