Tôi gặp lại chị Trần Thị Bích Hợp - Chi cục trưởng Thi hành án dân sự (THADS) TP Quy Nhơn trong Hội nghị “Điển hình tiên tiến ngành THADS” toàn tỉnh cuối tháng 4.2010. Chị được chọn báo cáo thành tích điển hình tiên tiến cá nhân của ngành và không ngần ngại chia sẻ tình cảm chân thành, kinh nghiệm chuyên môn của một nữ cán bộ có thâm niên làm công tác THADS.
|
Chị Hợp (thứ hai, bên trái qua) và các cán bộ, chấp hành viên thi hành án trong tỉnh.
|
* Pháp lý và tình cảm phải phân minh
* Là người đã hơn 21 năm làm công tác pháp luật, chắc chị phải luôn sống nguyên tắc?
- Sống nguyên tắc đương nhiên phải có cho mọi cán bộ, công chức làm công tác THADS; nhưng nếu xét một cách toàn diện không phải sống nguyên tắc là khô cứng, thiếu tình cảm, làm việc theo lập trình và máy móc; bởi xét cho cùng cán bộ, công chức làm công tác THADS trước hết cũng là những con người, cũng có tâm tư, xúc cảm như những người bình thường. Làm công tác THADS lại càng không được phép quá nguyên tắc, mà lại thiếu đi tính khách quan và điều kiện thực tế của từng hoàn cảnh cụ thể.
* Chị có thể nói cụ thể hơn về ý này?
- Đã làm công tác THADS là phải bỏ qua một số điều tiếng, một khi xã hội còn có người chưa hiểu hết ý nghĩa, mục đích của công tác này. Thế nhưng cũng cần phải phân minh rõ ràng giữa nguyên tắc xã hội và phong tục, tập quán của từng thời điểm, vùng miền. Phải nói rằng, công tác THADS là nghiệp vụ chuyên môn của cơ quan bảo vệ pháp luật, mang đậm tính chất hành chính. Qua thao tác nghiệp vụ, cán bộ, chấp hành viên, chuyên viên cơ quan THADS nắm được điều kiện thi hành án của đương sự trong thời điểm cụ thể để đưa ra phương án thi hành thích hợp, nhằm mang lại hiệu quả tích cực nhất. Hoạt động thi hành án là việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, mang tính quyền lực Nhà nước, có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, quyền tự do dân chủ và các quyền cơ bản khác của công dân. Trong quá trình tổ chức thi hành án đòi hỏi phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các nguyên tắc trình tự, thủ tục luật qui định.
Công việc thi hành án tưởng chừng như đơn giản theo trình tự các bước quy định của pháp luật. Song, thực tiễn công việc thi hành án không diễn ra một cách bằng phẳng và thuận lợi như nó vốn có, mà quá trình tổ chức thi hành, cán bộ làm công tác thi hành án phải đối mặt với bao “kế hoạch” của đương sự và không ít gian nan, vất vả phải kết hợp nhiều yếu tố mang tính đạo đức xã hội phù hợp với truyền thống dân tộc mới có kết quả. Nhiều bạn bè thân hay trêu chọc: “Nghề của mày là nghề Thi hành ớn!”.
Tóm lại, khi tổ chức thực thi một bản án, ngoài những quy định có tính chất bắt buộc của pháp luật, chấp hành viên còn phải vận dụng các quy tắc đạo đức xã hội một cách hợp lý. Ví dụ Bản án số: 44/DSST, ngày 24.2.2009 của TAND TP. Quy Nhơn đã buộc ông Nguyễn Duy Hoàng và bà Võ Thị Mai (trú tại 90/25 Trần Hưng Đạo, TP quy Nhơn) phải trả cho Ngô Đình Khả và bà Bùi Thị Tuyết Nga số tiền hơn 247 triệu đồng. Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của ông Nguyễn Duy Hoàng và bà Võ Thị Mai, thì phát hiện nhà và đất tại 90/25 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn đã bán cho người khác trước khi cơ quan thi hành án thụ lý tổ chức thi hành án. Nhưng chấp hành viên đã động viên, thuyết phục người có quyền lợi liên quan (người mua nhà ông Khả, bà Mai) hỗ trợ thêm tiền (ngoài số tiền mua nhà đã giao đủ) để ông Khả, bà Mai thi hành xong bản án.
* Đã sợ thì không nên nhận nhiệm vụ
* Cơ duyên nào khiến chị gắn bó với công tác thi hành án lâu dài đến hơn 20 năm?
-Tôi là người thẳng thắn, yêu chuộng sự công bằng, bởi vậy khi xin việc tôi đã chọn cơ quan tòa án và tôi đã được phân công làm công tác THADS ngay từ thời chưa tách ra khỏi tòa án. Làm công tác thi hành án sẽ gặp nhiều khó khăn phức tạp, đòi hỏi chấp hành viên phải tận tâm với nghề, phải biết vận dụng việc tuyên truyền giải thích pháp luật. Một khi người phải thi hành án, được thi hành án hiểu về công tác thi hành án, thấy được nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi bên là họ sẽ tự nguyện hợp tác với chấp hành viên.
Trần Thị Bích Hợp - Năm sinh: 1960, cử nhân Luật;
Quê quán: Xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Từ nhỏ đến năm 1978 sinh ra lớn lên học tại các trường của tỉnh Hưng Yên; Từ tháng 1.1979 - 8.1989 Thư ký Tòa án nhân dân thị xã và TP Quy Nhơn; Từ tháng 9.1990 - 6.1993 bổ nhiệm Chấp hành viên Tòa án nhân dân TP Quy Nhơn; Từ tháng 7.1993 - 6.1996 Chấp hành viên Thi hành án dân sự TP Quy Nhơn; Từ tháng 7.1996 - 10.2007 bổ nhiệm Phó trưởng Thi hành án dân sự TP Quy Nhơn; Từ tháng 11.2007 đến nay được bổ nhiệm Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Quy Nhơn.
Nhiều năm liền nhận bằng khen của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và là chiến sĩ thi đua ngành thi hành án và cấp cơ sở. |
* Những vụ án nào khiến chị nhớ nhất?
- Mới trước Tết âm lịch Canh Dần, vụ Trần Thị Loan, trú tại tổ 57, khu vực 11, P. Đống Đa, TP. Quy Nhơn phải có nghĩa vụ trả nợ cho 15 bị hại, với tổng số tiền là 134 triệu đồng, 35 chỉ vàng và phải nộp hơn 8 triệu đồng tiền án phí; bản án bà Loan phải thi hành có hiệu lực từ năm 2007. Bà Loan không tự nguyện thi hành án, cố tình chây ỳ, lẩn tránh. Tôi phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên, định giá và hợp đồng bán đấu giá nhà và đất của bà Loan để thi hành án. Bà Loan không chịu giao tài sản đã bán đấu giá. Nên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế giao nhà, bà Loan đã gây nhiều áp lực cho lãnh đạo tỉnh, cơ quan thi hành án. Nhưng bằng sự kịp thời chỉ đạo của ngành cấp trên, sự phối hợp nhiệt tình của các cơ quan chức năng và sự khôn khéo, giải quyết có lý, có tình của chấp hành viên, nên đã thuyết phục được bà Loan chấp hành.
Hoặc như vụ tranh chấp tài sản thừa kế giữa hai cha con ông Trần Đỗ, trú tại khu vực 11, P. Ngô Mây, TP Quy Nhơn phải trả cho con là ông Trần Văn Minh, trú tại khu vực 12, phường Ngô Mây số tiền là 82,6 triệu đồng. Quá trình tổ chức thi hành án, ông Trần Đỗ chống đối cho rằng việc con đi kiện cha để đòi tiền thừa kế là không phù hợp với đạo đức xã hội nên không tự nguyện thi hành án. Vì vậy, chúng tôi vừa vận dụng pháp luật tiến hành tổ chức cưỡng chế THA, vừa động viên thuyết phục các bên đương sự tự nguyện thỏa thuận về phương thức thi hành án, nên không phải thực hiện biện pháp cưỡng chế.
* Công tác THADS có nhiều trường hợp phải cưỡng chế tài sản của người phải thi hành án, là một nữ cán bộ làm công tác này, chị có lo ngại gì không?
- Theo tôi đã sợ thì không nên nhận nhiệm vụ; một khi đã chấp nhận theo đuổi công việc chuyên môn, thì phải biết chấp nhận những những thiệt thòi, những khó khăn mà mình phải đối mặt. Tôi nghĩ, khó có người bị cưỡng chế thi hành án nào thương mình, một khi mình đại diện cơ quan Nhà nước để kê biên phát mãi tài sản của họ để đảm bảo thi hành án. Ví dụ, ông A. vay nợ hàng chục người khác với lãi suất đưa ra khá hấp dẫn; hàng chục người này phải đi vay những nơi khác để cho vay lại hưởng chênh lệch; thực chất ông A. lừa đảo để chiếm dụng tiền của nhiều người. Khi ông A. vỡ nợ và phải thi hành án. Cơ quan THADS cưỡng chế phát mãi ngôi nhà, là tài sản duy nhất của ông A. thì nhiều người không hiểu, cho rằng cán bộ, chấp hành viên cơ quan THADS thiếu đạo đức, nhưng ít ai thấu hiểu hành vi của ông A. đã mang đến sự tán gia bại sản cho bao gia đình khác; nếu không đảm bảo quyền lợi cho họ mới là thiếu công bằng, thiếu trách nhiệm. Nhưng tôi tin rằng, sau những thời điểm bức xúc, họ sẽ nghĩ lại và họ không thể oán trách người làm công tác THADS, khi họ đang cố gắng mang lại sự công bằng xã hội giữa các bên tham gia tố tụng.
Có thể nói, thi hành án là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng làm cho những phán quyết của Tòa án từ chỗ còn nằm trên giấy đi đến thực thi, đem lại sự công bằng cho các bên đương sự. Song, trong thực tế xã hội còn rất nhiều người chưa nhìn nhận hết vai trò về công tác của THADS, chưa thấu hiểu áp lực của công tác này, người phải thi hành án cố tình không chịu thi hành án, phản đối, kêu ca, chống đối cho rằng người làm công tác THADS chỉ dựa vào pháp luật quy định mà ép họ, sống mất đạo đức. Mặt khác còn coi thường, xem nhẹ công việc thi hành án chỉ là người “đi đòi nợ thuê”, thâm chí còn bị xúc phạm.
|
Những lúc bình yên cùng với chồng và các con.
|
* Cũng “mau nước mắt” lắm đấy!
* Tôi đã từng nghe đồng nghiệp và người thân của chị nhận xét: trông “hoành tráng”, bản lĩnh trong công việc như vậy nhưng cũng “mau nước mắt” lắm đấy, có đúng không?
- Ai mà dám nói… tốt tôi vậy? Thực ra những người làm công tác pháp luật thường bị cho là không tình cảm, hoặc tình cảm bị công việc lấn át; nhưng xét cho cùng tất cả cũng đều là con người, đều đấu tranh cho sự công bằng và tiến bộ của con người. Bênh vực cho kẻ bị hại là một biểu hiện tình cảm đấy. Bản thân tôi là một cán bộ nữ làm công tác thi hành án, tôi thiết nghĩ, dù còn một số ít người chưa hiểu hết công việc của chúng tôi, nhưng tôi và đồng nghiệp của tôi phải bản lĩnh như những chiến sĩ thời bình. Ngoài sự nắm bắt xử lý tình huống về lĩnh vực nghiệp vụ, cần có một trái tim nhân hậu, một tâm huyết thật sự với nghề và tự hào về nghề của mình đã lựa chọn, dám đối mặt với những khó khăn, phức tạp.
* Thế còn “mau nước mắt” lúc nào?
- Gặp những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là nước mắt tôi cứ chảy ròng. Làm công việc của tôi luôn chứng kiến vô số những hoàn cảnh thương tâm của các bên đương sự. Có những người phải thi hành án, tôi mời lên để yêu cầu thi hành, sau khi tiếp xúc xác minh được họ khó khăn, bệnh tật, gia đình gặp nhiều rủi ro, tôi còn phải giúp họ tiền tàu xe ra về, lòng cứ buồn rười rượi. Đặc biệt là những người được thi hành án, có người thân bị chết, thương tích nặng… nhưng bên phải thi hành án không có điều kiện thi hành, mình không làm được gì giúp họ, nên lòng cứ ray rứt mãi và nước mắt lại chảy. Mới đây nhất, một chấp hành viên của Chi cục bị bệnh và qua đời khi tuổi còn trẻ, tôi đã khóc mãi nhiều ngày, mặc dù tôi là người lo liệu chính việc ma chay.
* Cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện cùng chúng tôi. Chúc chị và gia đình sức khỏe, thành đạt.
|