Cao nguyên du mục
20:57', 2/5/ 2010 (GMT+7)

Khoảng 30 năm nay, người dân làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh có thói quen lùa bò lên núi lập trang trại, thả ăn rông trên những cánh rừng. Cộng đồng “du mục” này sống như thế nào? Nghe chuyện, tôi đã hình dung… Và đến một ngày, tôi quyết lên đường tìm đến các trang trại, mong được “mục sở thị”.

 

Đường lên trang trại.

 

Khởi hành tại trụ sở UBND xã Canh Thuận lúc 6 giờ sáng theo lịch hẹn với người bạn dẫn đường, thêm hai tiếng ngồi xe máy, nín thở trườn bám trên những cung đường bê tông ngoằn ngoèo, mỗi lúc một lên cao, bạn đường cho tôi biết đã đi được 2/3 hành trình. Vượt qua con dốc cao nhất, chúng tôi rơi thỏm vào một thung lũng bằng phẳng, mát mẻ, có đồng cỏ và một dòng suối vắt ngang. “Suối Gấm là đây, sắp đến trang trại rồi, 30 phút đi bộ nữa thôi”, một người làng vào rừng tìm mật ong bảo với tôi. Đưa tay vốc bụm nước suối rửa mặt, xua đi nỗi sợ hãi mơ hồ từ những cung đường trên mây vừa đi qua, tôi biết giờ mới thật sự bắt đầu những khám phá về đời sống du mục. Canh giữ trang trại bò là 2 người đàn ông: Đoàn Văn Thành (62 tuổi), Đinh Văn Khum (45 tuổi) và cậu thanh niên Đinh Văn Quang (21 tuổi). Lúc tôi đến, họ đang nấu cơm trưa…

* Cuộc sống ở rừng

Đường vào trang trại mùa này, hai bên vệ đường, những vạt hoa mua, hoa sim nở tím ngắt. Hơn 9 giờ sáng, rừng vẫn chưa thật sự tỉnh giấc. Lán trại của đội canh bò được dựng ở trước cổng vào trang trại. “Ngôi nhà” được lợp bằng tấm bạt, chỉ có mấy cây cột và mái che, không phên nứa che chắn, gió rừng cứ thông thống thổi vào lán. 3 chiếc võng dù mắc trong lều. Trên trần, gạo, muối, nước mắm, cá khô… treo lủng lẳng.

Người canh bò hầu như không ăn bữa sáng. Vì theo họ, quấn mình trong chiếc võng dù chống chọi với cái lạnh và nằm đợi cho trời sáng hẳn, bước xuống võng đã sang 9 giờ. Tầm 10 giờ, Quang đã bắt đầu nấu bữa trưa. Tấm bạt nhựa cũ được trải ra trên mỏm đá bằng, bữa cơm trưa dọn ra gồm cơm trắng, lòng chuột kho và canh rau ranh - “Thịt chuột chỉ lấy lòng thôi sao?”, tôi thắc mắc. Đinh Văn Khum gật gù giải thích: - ‘Thịt chuột hun khói để dành mai mang về làng cho vợ con chớ, mình đàn ông ăn gì chẳng được. Ở rừng chỉ mỗi việc chăn bò, vợ con ở nhà nhiều việc, vất vả lắm”.

Buổi trưa ở rừng thật tĩnh mịch. Chỉ có tiếng chim pơ-liu khi xa khi gần (sau này bok Thành “Kinh hóa” cho tôi hay đó là tiếng của loài chim Chích Mào), tiếng gió vờn trên vạt rừng và tiếng lục lạc rủng rẻng, khô khan của những con bò đầu đàn đưa lại. Bok Thành đem mây, tre ra vót đan gùi, Đinh Văn Khum chốc chốc lại đi thăm bẫy chuột, chỉ có Quang là nằm vắt vẻo trên chiếc võng dù, mắt dán vào những tán lá rừng trên đầu, miệng lẩm nhẩm hát: “Có đôi khi thèm như gió đi hoang, sống kiếp lang thang dạo chơi khắp núi rừng…”.

 

                          Bữa cơm trưa với lòng chuột kho và canh rau rừng.

 

* Gia tài trên núi

Già làng Nguyễn Bum được xem là người khởi xướng, vận động đồng bào xây dựng mô hình nuôi bò trang trại. Chuyện bắt đầu vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước. Sau giải phóng, lập làng, người Hà Văn Trên bắt đầu nuôi bò, gieo lúa. Không có kinh nghiệm chăn nuôi, càng không có thói quen làm chuồng nhốt, nhà nào cũng cột bò tạm bợ ở gốc cây, bờ rào. Cũng vì chuyện con bò bứt dây, cày xới đám rau, dẫm ruộng lúa mà không ít nhà xảy ra cãi vã. Già Bum và những người già có uy tín trong làng họp dân, thống nhất phương án làm chuồng nhốt bò và tập trung bò nuôi theo kiểu trang trại, tận dụng những đồng cỏ rừng đồi bạt ngàn.

Đàn bò di chuyển theo đồng cỏ. Mới đầu là thả trên những bãi đất trống, đồng cỏ gần làng, chiều tối lại lùa về chuồng. Khi những cánh đồng dần trở thành khu sản xuất nông nghiệp, diện tích đồng hoang thu hẹp thì đàn bò phải di tản vào khu vực đồi bãi dưới chân núi, sau nữa là tiến sâu vào núi. Mấy năm gần đây, phong trào trồng rừng phát triển mạnh, đàn bò lại tiếp tục di cư, tránh những cánh rừng mới trồng và đến kiếm ăn trên những cánh rừng trên 1, 2 tuổi.

Ăn Tết xong, đồng bào bắt đầu lùa bò vào rừng. “Mùa xuân ta đưa bò lên núi, mùa đông ta đón bò về làng”, già làng Nguyễn Bum bảo vậy về tập tục chăn nuôi của làng mình. Làng ủy quyền cho khoảng 10 trai tráng khỏe mạnh nhất để “hộ tống” bò vào rừng an toàn, dựng lán trại chắc chắn làm nơi ở cho các đội canh bò. Trước đó, trưởng làng Đinh Văn Dũng và một số cụ già có uy tín đi vào rừng để thực hiện nghi thức cúng bò. Đồ tế cúng bò là những miếng thịt sống, được cắm trước cổng dẫn vào trang trại, rải rác ở những bìa rừng, để dâng lên thần núi, thần rừng phù hộ cho đàn bò khỏe mạnh, sinh sản tốt, không bị thú dữ ăn thịt, không bị dịch bệnh, không bị cái nóng, cái lạnh quật ngã…

Bò ở trang trại chủ yếu sinh sản tự nhiên. Vậy nên, không ít trường hợp, tháng Giêng lùa bò lên núi, đến tháng 9, 10 lùa về chuồng lại tăng quân số mà chủ không biết. Lúc ấy thì vui lắm, như trời đất ban cho của vậy! Anh Sô Men Thoại, cán bộ thú y xã Canh Thuận, cho biết: “Hình thức cho bò ăn rông trên những cánh rừng này của bà con làng Hà Văn Trên ngay từ khi bắt đầu đã cho hiệu quả tốt: đàn bò đều béo khỏe, sinh sản dồi dào, đặc biệt có sức đề kháng vì quen thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên núi cao. Khi mới bắt đầu chăn nuôi trang trại, mạng lưới thú y cơ sở chưa phát triển, ý thức phòng dịch cho gia súc của bà con còn kém, trâu bò bệnh chủ yếu dùng thuốc nam chạy chữa, cúng kiếng nên số bò bệnh, dịch chết khá nhiều. Nay tình trạng đó không còn, cán bộ thú y xã thường xuyên lên trang trại tiêm phòng. Khi bò có biểu hiện mắc bệnh bà con đều kịp thời báo để cán bộ thú y biết chữa trị”.

 

Trang trại Suối Gấm nằm trong lòng ngọn núi Chư Mút thuộc xã Canh Thuận.
 

* Tình... trang trại

Quang đi thăm chừng bò, hớt hải chạy về báo: có một con bò cái đang chuyển dạ. Bỏ hai cái gùi đan dở, bok Thành, bok Khum lật đật chạy theo Quang. Trước mắt chúng tôi, một con bò cái đang gào rống, vật vã trong cơn đau đẻ. “Con Xiêm nhà ông Đinh Văn Ấy đây mà, không nghe dặn chừng gì cả, chắc ông ấy cũng không biết nó có chửa”. Nói rồi bok Thành bước đến vỗ vỗ vào lưng con vật chừng như an ủi và hối Quang về lán quậy ít mật tiếp sức cho con Xiêm. Như cảm nhận được sự khích lệ của người, con Xiêm thôi không rống lên từng chặp mà tập trung cho cơn vượt cạn. Sau một giờ đồng hồ, con Xiêm đẻ một con nghé đực màu đỏ tía, tròn trịa và lanh lẹn. Bok Thành hoàn thành ca đỡ đẻ, đưa tay vuốt mồ hôi đầm đìa trên mặt, hài lòng quay về lán.

Trong khi những người đàn ông ở rừng, bẫy được con chồn, con chuột nào cũng chỉ dám ăn bộ lòng, còn thịt đem xông khói để mang về nhà cho vợ con; thì ở làng vợ con họ lại gom góp nào mì tôm, cá khô, trà, cả quẹt ga, đèn pin, thuốc lá, dầu gió… để chuẩn bị cho chồng, con mang vào rừng. Trưởng làng Đinh Văn Dũng cho biết: “Trang trại Suối Gấm có 24 hộ gia đình, chia làm 8 tổ, cứ 3 người đại diện cho 3 nhà làm thành một tổ, mỗi tổ canh giữ trong 3 ngày. Nhà có đàn bò đông mấy chục con cũng như nhà chỉ có đôi bò làm vốn đều canh giữ 3 ngày. Hai trang trại bò của làng ở suối Kà Tơn và chân dốc Ông Beo cũng thế. Không ai so bì, nạnh hẹ. Bò nhà ai đẻ hay đau bệnh mà không đúng lịch canh của họ thì người canh giữ có trách nhiệm theo dõi, chăm sóc hộ như vật nuôi, tài sản của mình”.

Tạm biệt đoàn người digan du mục “xứ mình”, tôi rời núi khi bóng chiều đã lả tả trên đầu và Quang thì lục tục vo gạo nấu cơm tối - Chiều nay cả nhà ăn món gì, tôi hỏi đầy ái ngại. Quang nháy đôi mắt đen sâu hút cười dóm dỉnh: - Điệp khúc canh rau ranh, thịt chuột. Lúc nãy trên đường kiểm tra quân số đàn bò, mình vừa kiếm được một bông chuối rừng, đem luộc chấm mắm khô kho quẹt, rất ngon đấy người đồng bằng ạ!

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phải tròn vẹn lý-tình  (01/05/2010)
“Hoa” của đá  (26/04/2010)
Miệt mài cố sự quê hương   (25/04/2010)
Trên đỉnh Cù Mông  (19/04/2010)
Người 2 lần đạt giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc   (18/04/2010)
Sức sống Trường Sa  (15/04/2010)
Lá cờ ngày thống nhất  (14/04/2010)
Nghĩa tình nơi bệnh viện  (12/04/2010)
Người chạy tiếp sức  (08/04/2010)
Chuyện làm rừng ở Vân Canh  (05/04/2010)
Con đường trong mơ  (29/03/2010)
Em sẽ học tập, làm việc và cống hiến hết mình để xứng đáng…   (28/03/2010)
Thành phố êm đềm…  (22/03/2010)
“Nếu không giữ gìn, thương hiệu rượu Bầu Đá sẽ mất”   (21/03/2010)
Người xin tiền có... thương hiệu  (17/03/2010)