Vạm vỡ Quy Nhơn
14:37', 4/5/ 2010 (GMT+7)

Ai đó nói rằng, phải biết lớn lên trước biển. Những năm tháng gắn bó với Quy Nhơn, tôi đã thấm hơn điều đó qua từng bước, từng bước lớn của thành phố bên bờ biển cả này…

Quy Nhơn - lần đầu tôi đến là những ngày này 35 năm trước, trong đội hình quân giải phóng tiến về Sài Gòn. Nói sát hơn thì đúng 10h 30 phút ngày 25.4.1975, tôi có mặt trên chiếc tàu “há mồm”chiến lợi phẩm của Hải quân ta, cặp cảng Quy Nhơn sau hải trình Tiên Sa (Đà Nẵng) - Quy Nhơn. Thời điểm này, Quy Nhơn vừa được giải phóng chưa tròn tháng). Ấn tượng đầu tiên trong tôi là một thành phố đầy nắng và lẫn trong những cơn gió biển hào phóng mặn nồng vị cá tôm, hải sản với những bà mẹ lam lũ nơi chợ cá.  Trưa ấy, đơn vị chúng tôi được chén một bữa cá thu tươi ngon mà mấy má ở Cảng cá Hàm Tử biếu. Nghỉ lại ít giờ đồng hồ, khoảng 18h hôm đó, tiếp tục trong đội hình chúng tôi hành quân về phía Nam … Rồi như cơ duyên, 20 năm sau (tháng 5-1995)tôi trở lại TP Biển này, với nhiệm vụ của một Phóng viên thường trú Báo Nhân Dân. Hơn 10 năm gắn bó, làm “công dân” Quy Nhơn, được chứng kiến Quy Nhơn từ một đô thị “gầy guộc” trong hành trình vươn tới trở thành một thành phố vạm vỡ trước biển như hôm nay, tôi hiểu người dân nơi đây đã nỗ lực vượt lên bắt đầu từ chính nếp nghĩ, tư duy chủ quan của mình để đi qua bao khó khăn, nhọc nhằn, thách thức…

 

Họp bàn chiến dịch chuẩn bị giải phóng Quy Nhơn. Ảnh: Tư Liệu

 

Có thể nói, 35 năm là phần nhỏ so với hơn 400 năm lịch sử hình thành và phát triển của Quy Nhơn nhưng lại là khoảng thời gian làm nên những sự thay đổi về chất của đô thị này… Sau năm 1975, Thị xã Quy Nhơn, chỉ có 60 đường phố và 12 km2 nội thị. Rồi 10 năm, 20 năm sau (lên thành phố thuộc tỉnh), cũng có mở rộng được chút ít nhưng chưa đủ làm nên một diện mạo mới. Tôi còn nhớ như in, mùa hè 1995, trong đêm đầu tiên trở lại,  tôi đã đi lang thang trên dọc những hè phố đường chính Trần Phú; Nguyễn Huệ…dưới những ngọn đèn đường đỏ quặch. Mới khoảng hơn 22h, mà thành phố như đã vào đêm sâu, tĩnh lặng đến đìu hiu… Quy Nhơn có núi, có biển và với cái thế “biển một bên và núi một bên” ấy trong mắt các thi sĩ thật quả gây nhiều cảm hứng thi ca. Nhưng lại thật khó cho Quy Nhơn bởi nằm trong cái thế độc đạo. Con đường duy nhất vào thành phố-lúc bấy giờ là cửa ngõ phía bắc Phú Tài chạy khoảng 15 km…chạm biển! Lại nhớ hình như giữa thu năm 2000, một đồng nghiệp bạn tôi từ Hà Nội vào, sau những ngày lang thang, đưa ra nhận xét: Như nhiều tỉnh Miền Trung, Quy Nhơn-Bình Định có không ít lợi thế, trong đó phải kể đến thiên nhiên dành cho vùng đất này đến nhiều cảnh sắc thật đẹp, thật quyến rũ và điều đặc biệt là những cảnh sắc ấy được gắn với một nền văn hóa Chăm-pa thế kỷ 11,  triều đại Tây Sơn và Cảng Thị Nại. Nhưng, tất cả vẫn như nàng công chúa ngủ quên trong rừng… Rồi bạn đặt câu hỏi, có phải chỉ do đường sá, giao thông không thuận mà cả một khoảng dài Quy Nhơn-Bình Định và cả “miền trung luôn dưới cánh máy bay”, để kém phát triển so với hai đầu đất nước?... Phải nói rằng, dù đã có những nỗ lực phấn đấu nhưng nhìn lại tốc độ phát triển của Quy Nhơn những năm ấy vẫn còn chậm và chưa mạnh so với lợi thế và tiềm năng vốn có. Từ thực tế quá trình xây dựng, không phải không có lý khi nhiều người cho rằng, Quy Nhơn sẽ đạt được những mục tiêu phát triển sớm hơn nếu có sự đồng bộ hơn về công tác cán bộ. Là địa bàn quan trọng có tính đầu tàu của tỉnh, nhưng công tác cán bộ-nhất là đối với cán bộ chủ chốt của thành phố chưa được tỉnh ưu tiên đầu tư đúng mức; công tác quy hoạch, luân chuyển còn lúng túng, nhiều nhiệm kỳ không có cán bộ chủ chốt giỏi; trình độ, năng lực quản lý đô thị còn nhiều bất cập; còn “coi chừng nhau”, né tránh, không dám chịu trách nhiệm, có lúc, có nơi còn thiếu đồng tâm, hiệp lực trong cán bộ đã làm nên sự trì trệ, là lực cản để Quy Nhơn đột phá ngay chính ở tiềm năng của mình. Không phải vô cớ mà có thời điểm nhiều người nói vui “những việc tỉnh làm được là của Quy Nhơn và ngược lại những việc Quy Nhơn chưa làm được là của tỉnh” ít nhiều phản ánh một thực tế về mối quan hệ và sự phối hợp “dọc-ngang”giữa các cấp, sở ngành của tỉnh và thành phố có lúc có nơi vẫn còn trùng lắp,  chồng chéo…

 

Một góc Quy Nhơn hôm nay. Ảnh Đào Tiến Đạt

 

Tháng Tư này, tôi lại có dịp về với Quy Nhơn. Đêm vào hè, phố biển thật dễ chịu. Gió cứ miên man, mát rượi. Phía biển lung linh như thành phố nổi, hắt lên từ những đoàn thuyền đánh cá đèn. Từ trên tầng thượng Khách sạn “bốn sao” Sài Gòn-Quy Nhơn, tôi được phóng tầm mắt bao trọn TP. Con đường Xuân Diệu chạy dọc bãi biển hình vòng cung ôm lấy bờ vịnh dài rực sáng tựa giải ngân hà; phía bắc Đầm Thị Nại, sừng sững cầu Nhơn Hội-cây cầu vượt biển dài nhất nước là điểm nhấn đầy tự hào trên hành trình phát triển của Quy Nhơn, của Bình Định…Sức lực, trí tuệ và sự đồng thuận “ý đảng lòng dân”nơi đây đã và đang làm cho TP biển này ngày một đổi thay; đỏ da, thắm thịt…Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn (người từng nhiều năm gắn bó tâm huyết với TP mà cánh báo chí thường gọi đùa thân mật là Đô trưởng) Thái Ngọc Bích, đã cung cấp nhiều thông tin chung quanh vấn đề tốc độ đô thị hóa cao của Quy Nhơn những năm gần đây; rồi những con số tăng trưởng về kinh tế và nhiều lĩnh vực đời sống xã hội-thành quả của sự nỗ lực rất đỗi tự hào. Nhưng ấn tượng đọng lại trong tôi vẫn là sự đổi thay, đi lên của cuộc sống người dân nơi xã đảo Nhơn Châu và các xã bán đảo Phương Mai. Quy Nhơn đã thực sự gần hơn với những vùng ngoại ô… 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, TP đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn như:đường Xuân Diệu, đường liên xã Nhơn Hải-Nhơn Hội, đường trục khu kinh tế Nhơn Hội; đường Nguyễn Tất Thành nối dài…Và đặc biệt là công trình Quy Nhơn-Sông Cầu và cầu đường Quy Nhơn-Nhơn Hội. Đặc biệt -bởi hai công trình này được xem là những “cú huých” đột phá của tỉnh, của Quy Nhơn. Con đường Quy Nhơn-Sông Cầu và nhất là việc ra đời của Khu Kinh tế Nhơn Hội nhanh chóng nâng vị thế của Quy Nhơn lên một bậc, không gian đô thị của thành phố được mở rộng một cách nhanh chóng, bề thế hẳn lên. Quy Nhơn ra khỏi thế độc đạo, thành phố vươn dài về phía nam. Ở phía Bắc, tổ hợp cầu đường Nhơn Hội (có cầu vượt biển Thị Nại dài 2, 5km) nối thành phố với Bán đảo phương Mai rộng hàng ngàn ha, trong đó Khu KT Nhơn Hội 12 nghìn ha …

 

Biển Quy Nhơn. Ảnh Đào Tiến Đạt

 

Có ở Quy Nhơn vào những năm cuối 90, mới thấm hết cái khó của cái anh ở vào thế độc đạo; càng trân trọng hơn quyết tâm phải tự lực bứt phá để vươn lên, “phải gồng mình lên mà làm Trung ương mới thương, mới hỗ trợ” ấy là bài học rút ra từ thực tiễn thời kỳ tỉnh và TP Quy Nhơn quyết tâm mở đường tắt Quy Nhơn-Sông Cầu, tránh đường cũ QL1A đoạn qua Đèo Cù Mông hiểm trở. Hơn ai hết người dân ở bán đảo Phương Mai ngày ấy thấm thía muôn nỗi khổ đò giang cách trở “ngày đàng gang nước”, có người cả đời chưa qua Quy Nhơn mà xa xôi chi cho cam, chỉ cỡ 15 cây số đường chim bay. Vì không có đường nên cả đời người dân ở các xã bán đảo Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải không hề có khái niệm xe đạp ( nói chi đến xe máy)… Rồi năm 2006, khi con đường liên xã Nhơn Hải-Nhơn Hội được xây dựng thì chỉ trong năm ấy, theo con số thống kê của TP, ba xã đã có trên 200 xe tải, xe khách (không tính hàng ngàn xe máy). Con đường đã thực sự thổi bùng một luồng sinh khí mới phát triển cuộc sống cho người dân nơi vốn được xem là vùng sâu vùng xa, cách biệt…Thành phố cứ lớn dần lên theo những công trình. Và không ít công trình trọng điểm-tạo “bước ngoặt” đều để lại dấu ấn nhiệt huyết của các lãnh đạo mỗi thời kỳ. Có thể nói một đặc điểm xuyên suốt của Quy Nhơn là nguồn lực đầu tư cho phát triển KT-XH, chỉnh trang và phát triển đô thị còn nhiều khó khăn, hạn chế trong khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, tạo nên áp lực lớn cho thành phố trong việc giải quyết về nhà ở, việc làm, cải thiện, nâng cao điều kiện sinh hoạt trong các khu dân cư. Trong hoàn cảnh đó, với phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của tỉnh, các địa phương, tổ chức để tập trung đầu tư có trọng tâm,  trọng điểm, ưu tiên những công trình mang tính tạo tiền đề phát triển…Sau gần 12 năm nỗ lực phấn đấu từ đô thị loại 2, dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng, lãnh đạo tỉnh đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Quy Nhơn là đô thị loại 1, trực thuộc tỉnh…. Tôi đón nhận tin vui này trong niềm vui như một công dân của thành phố. Nhưng rồi không khỏi chút băn khoăn: Quy Nhơn đã thực lớn?. Phải chăng đây là kết quả của sự năng động của các cấp chính quyền hay tự thân từ những tác động của sự phát triển nền kinh tế thị trường (hay là cả hai)? Tôi nghĩ đến điều đó rất thật lòng bởi trong bối cảnh ở Miền Trung, chúng ta đang chứng kiến sự “đua nở” của các đô thị lần lượt được nâng cấp (hoặc là từ thị xã lên thành phố; hoặc là đô thị loại 3 lên 2; 2 lên 1…). đến “chóng mặt”. Một không gian đô thị trong khu vực đang được mở rộng một cách nhanh chóng; diện mạo nhiều đô thị đã khang trang, hiện đại hơn nhiều lần; hạ tầng cứng và mềm đều có những tiến bộ vượt bậc so với nhiều năm trước đây. Tuy vậy trên cái nền đó do “phát triển nóng” nên đã và đang bộc lộ những mặt trái đáng lo ngại về thể hiện tính bền vững cả phương diện KT lẫn xã hội. Và điều đáng nói là chất lượng cuộc sống của người dân liệu có tăng tương đối theo cấp độ của đô thị?... Nhưng điều băn khoăn trên của tôi về Quy Nhơn nhanh chóng được giải tỏa từ hai mặt: đi sâu tìm hiểu và “kiểm định” trong thực tế. Mặt khác bởi hiểu nên nghĩ về Quy Nhơn, tôi nhìn Quy Nhơn trong một dáng vóc đã “vạm vỡ”- sự vạm vỡ này phần xuất phát từ thực tế phát triển của thành phố, phần lớn hơn là từ tình cảm mong muốn, là sự kỳ vọng của tôi, của anh, của chúng ta trong tình yêu Quy Nhơn…Và, đúng như Ông Chủ tịch Thành phố, tâm sự: Giờ đã là đô thị loại 1 nhưng Quy Nhơn còn không ít tiêu chí phải phấn đấu. Có thể trong những năm trước mắt, thành phố chưa đạt mức thu nhập bình quân và có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt hơn những TP khác và dù còn nhiều khó khăn, thách thức song sự quyết tâm,  nỗ lực bền bỉ không ngừng nhắm tới một Quy Nhơn phát triển hơn, chất lượng cuộc sống của mọi người dân cao hơn …

Không chỉ bằng lý lẽ của con tim, chúng ta tin, hy vọng và có quyền hy vọng vào tương lai không xa thành phố ta yêu sẽ phát triển cao hơn, mạnh mẽ hơn, vạm vỡ như chàng trai xứ biển!

  • Mai Trung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cao nguyên du mục   (02/05/2010)
Phải tròn vẹn lý-tình  (01/05/2010)
“Hoa” của đá  (03/05/2010)
Miệt mài cố sự quê hương   (25/04/2010)
Trên đỉnh Cù Mông  (19/04/2010)
Người 2 lần đạt giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc   (18/04/2010)
Sức sống Trường Sa  (15/04/2010)
Lá cờ ngày thống nhất  (14/04/2010)
Nghĩa tình nơi bệnh viện  (12/04/2010)
Người chạy tiếp sức  (08/04/2010)
Chuyện làm rừng ở Vân Canh  (05/04/2010)
Con đường trong mơ  (29/03/2010)
Em sẽ học tập, làm việc và cống hiến hết mình để xứng đáng…   (28/03/2010)
Thành phố êm đềm…  (22/03/2010)
“Nếu không giữ gìn, thương hiệu rượu Bầu Đá sẽ mất”   (21/03/2010)