BÁC SĨ LÊ THÁI BÌNH - GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN AN NHƠN:
Phải biết đánh thức tấm lòng ở người thầy thuốc
9:58', 9/5/ 2010 (GMT+7)

Tôi hỏi bác sĩ (BS) Lê Thái Bình rằng, anh nghiệm ra điều gì khi được đồng nghiệp, bệnh nhân yêu quý, công danh sự nghiệp và hạnh phúc gia đình đều viên mãn, anh cười rồi bảo: Tôi lấy câu châm ngôn “Bụi thời gian làm mờ đi tất cả, chỉ có tình người ở mãi trong ta” để sống với mình và với người.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu bắt tay chúc mừng những kết quả đạt được của Trung tâm y tế An Nhơn và BS Lê Thái Bình. Ảnh: T.H
 

* “Duyên nợ” với quê hương

Hơn 20 năm làm nghề y, sáng chủ nhật nào, BS Lê Thái Bình cũng một mình một xe máy, một xách thuốc, ống nghe… chạy hơn 10 cây số từ thị trấn Bình Định để về quê khám bệnh. Phòng mạch của anh không bảng tên, bảng hiệu, nhưng bệnh nhân lại khá đông, có ngày lên đến cả trăm người. Họ là người Nhơn Phong, Nhơn Hạnh (An Nhơn) và cả Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Nhơn (Phù Cát) và Phước Hưng, Phước Thắng (Tuy Phước).

- Đây có phải là “duyên nợ” với quê hương mà đã có lần anh nói?

Đúng thế! Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Nhơn Phong- vùng khu Đông thời khai hoang phục hóa ấy - nghèo và khổ lắm. Năm 12 tuổi, tôi bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh bà con mỗi khi bị bệnh hay tai nạn bom mìn nổ phải nằm trên chiếc võng với 4 anh thanh niên lực lưỡng khiêng lên bệnh viện huyện, mà ngày ấy bệnh viện rất ít BS. Bệnh nặng, đường lại xa nên có người khiêng đến nơi thì phải khiêng về. Vậy là tôi quyết tâm vào trường y. Chuyện về quê khám bệnh cho bà con cũng bắt đầu từ nỗi ám ảnh đó. Ở quê, bà con “thần tượng” BS lắm, đau gì cũng đến, cũng tin BS nên dù có lụt bão tôi cũng phải đi.

- Vì “duyên nợ” nên anh cũng từ bỏ cơ hội được làm giảng viên Trường ĐH Y Huế?

Năm 1989, tôi tốt nghiệp Trường đại học Y Huế với bằng khá. Hồi đó, tôi nằm trong tốp 10 trong hơn 300 sinh viên của khóa tốt nghiệp bằng khá nên được giữ lại trường. Nhưng, tôi quyết định về quê. Từ đó đến nay, có nhiều cơ hội chuyển công tác nhưng tôi vẫn ở lại quê hương. “Tay phải” của tôi là khám chữa bệnh kia mà!

* “Chiến thuật” giữ người

Từ một cơ sở y tế có nhiều “tai tiếng” bởi cơ sở hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị y tế và kỹ thuật lạc hậu, thái độ hách dịch, cửa quyền của một bộ phận nhân viên y tế; đến nay, diện mạo BVĐK huyện An Nhơn đã có sự thay đổi đáng kể. Bệnh viện được trang bị nhiều máy móc, thiết bị y tế hiện đại để triển khai nhiều kỹ thuật khó trong chăm sóc và điều trị nhi sơ sinh, nội soi dạ dày tá tràng, đo và đọc điện não đồ... Tỉ lệ khám bệnh và công suất sử dụng giường bệnh tại bệnh viện luôn vượt trên 100%. Hiện nay, số thẻ đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại huyện An Nhơn là 92.000 thẻ, chiếm một nửa số dân của toàn huyện và dẫn đầu trong khối y tế các huyện của tỉnh.

- Để có kết quả như ngày hôm nay, nói anh là người có công đầu quả cũng không ngoa?

Nói đúng hơn đó là quá trình phấn đấu rất gian khổ của toàn thể anh em. Có tướng mà không có quân thì cũng chẳng làm được gì, nói chi đến việc lấy lại niềm tin của nhân dân.

- Trong khi các bệnh viện và trung tâm y tế trong tỉnh đau đầu với nạn “chảy máu” BS thì An Nhơn lại không mất người nào. “Chiến thuật” giữ người của anh là gì?

Năm 2007, khi quyết định cho BS trẻ Nguyễn Hồng Cử đi học thạc sĩ ở Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh trong thời điểm cả nước thiếu BS, nhiều ý kiến cho rằng BS Cử chắc chắn sẽ không về lại bệnh viện. Nhưng, đến năm 2009 BS Cử đã trở về và hiện là Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu.

Quản lý đội ngũ trí thức khó lắm, không có nguyên tắc gì cả. Không có một văn bản nào giữ được BS một khi họ đã quyết tâm ra đi. Vì thế, với anh em tôi luôn nghĩ đến 3 điều: hãy thực sự quan tâm đến đời sống, điều kiện làm việc và phương tiện làm việc của họ.

 

BS Lê Thái Bình (bên phải) nhận cờ thi đua đơn vị dẫn đầu ngành Y tế toàn tỉnh năm 2008 dành cho TTYT An Nhơn. Ảnh: T.H
 

- … Thậm chí nhiều trạm y tế xã của huyện còn có 2-3 BS?

Cũng không phải ngẫu nhiên mà 100% trạm y tế của huyện An Nhơn đều có BS mà phải có một chiến lược đào tạo lâu dài từ những năm 1997. Tôi đã nghĩ phải cho anh em đi học dù phải “xé rào”, bỏ chi phí hợp đồng thêm người “gánh” công việc để họ đi học.

Đào tạo BS xã xong, lại tiếp tục nghĩ đến chuyện làm thế nào để cho BS đi lên chứ không lẽ “giữ” luôn họ ở xã? Và ý tưởng luân chuyển BS xã về công tác tại bệnh viện huyện ra đời. Cách này tôi tự mày mò làm chứ chưa có mô hình tham khảo. Việc luân chuyển và bố trí công việc được thực hiện theo nguyện vọng của từng BS. Mọi quyền lợi, chế độ của họ đều được thực hiện như BS ở bệnh viện: tiền lương, tiền trực, phụ cấp độc hại, công tác phí, phúc lợi, tiền thưởng… 

- Sợ nhất là BS dốc hết sức mình ở phòng khám tư nhân mà vào bệnh viện công thì thờ ơ, lạnh nhạt với bệnh nhân…

Tôi từng nói với các BS trẻ, uy tín của người thầy thuốc chính là ở bệnh viện công, chứ không phải ở phòng khám riêng. Tôi cho anh điều kiện, bật “đèn xanh” cho anh làm việc, nhưng không được vượt quá lề.

- Vậy nghĩa là anh không sợ “chảy máu” BS như nhiều địa phương, đơn vị đã gặp phải?

Nói đúng ra là tôi không sợ BS bỏ đi. Bởi diễn biến nhu cầu BS đi theo hình sin, có lúc cần, nhưng cũng có lúc sẽ bão hòa. Tôi tin tưởng là BS sẽ quay về nếu chúng ta biết “đầu tư” cả về vật chất lẫn tinh thần để cuốn hút họ làm việc. Mặt khác, để có được đồng tiền ở xứ người cũng cực lắm. BS cũng phải chạy quần quật cả ngày mới kiếm được 10, 15 triệu đồng/tháng, chứ phải dễ đâu!

* Đánh thức tấm lòng người thầy thuốc

BS Lê Thái Bình tâm sự: “Tôi nói với các nhân viên của mình rằng nghề y là một nghề đặc thù, gắn bó với đau khổ và hạnh phúc của con người, nên đạo đức nghề nghiệp cần phải có những yêu cầu riêng và cao hơn các ngành nghề khác. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Giáo sư Ngô Gia Huy rằng: “Không có một người thầy thuốc nào giữ vững y đức trong suốt cuộc đời mình”. Nhưng bất kể ai khi đã chọn nghề y đều mang sẵn tấm lòng với bệnh nhân. Vì thế, làm lãnh đạo thì phải biết đánh thức tấm lòng ở người thầy thuốc”.

- Anh là giám đốc một bệnh viện, đã công tác trong ngành y 21 năm nay. Anh cũng là người dám nói mạnh, nói thẳng nhiều vấn đề bức xúc trong nội bộ ngành của mình. Vậy anh nghĩ gì về việc cán bộ y tế nhũng nhiễu, “vòi vĩnh” người bệnh?

* Tôi rất buồn khi thấy đài nói tới 60% bác sĩ kê đơn thuốc cao, rồi lấy tiền hoa hồng của các trình dược viên, để nhiều tờ báo nêu “khi bác sĩ làm cò bệnh nhân…”. Vấn đề này được nói bấy lâu nay, bệnh nhân nói, công luận nêu lên…

Đồng tiền lắm khi làm mất đi tình cảm trong mối quan hệ giữa bệnh nhân với người thầy thuốc. Nhưng, nếu người thầy thuốc chịu khó một chút, sẽ nhìn thấy bệnh nhân vào viện mà chỉ ăn một cái bánh tráng, hay trước khi vào viện họ phải bán lúa, bán gạo, chắc họ sẽ không nỡ lấy tiền của bệnh nhân đâu! Cũng may, một số hiện tượng tiêu cực đó, theo tôi là một vài “hạt sạn” trong đội ngũ cán bộ y tế mà thôi.

BS Lê Thái Bình sinh năm 1964, tại xã Nhơn Phong (An Nhơn).

- Năm 1989: Tốt nghiệp Trường Đại học Y Huế, làm việc tại Trung tâm Y tế huyện An Nhơn.

- Từ 1992 - 1996: Trưởng khoa Nội, Trưởng phòng Y vụ Trung tâm.

- 1997: Phó Giám đốc Trung tâm.

- 2002: Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn.

- Đã nhận nhiều bằng khen của Bộ Y tế và UBND tỉnh, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp công đoàn.

- Đó là nhận định của anh đối với toàn ngành hay chỉ là riêng ở Trung tâm?

* Hiện, tại Trung tâm Y tế huyện An Nhơn có hoạt động hỗ trợ tiền ăn trong suốt quá trình điều trị cho những bệnh nhân nghèo, lang thang, cơ nhỡ. Điều trị nếu chỉ dùng thuốc đơn thuần cũng không đủ. Lâu nay, cách phục vụ của mình chỉ mới dừng ở việc điều trị, trong khi chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân cũng rất quan trọng thì lại không có. Ban đầu, quỹ hỗ trợ này là do cán bộ, nhân viên của Trung tâm đóng góp, sau này có nhiều đoàn từ thiện ủng hộ nên chúng tôi giao cho bộ phận nghiệp vụ quản lý để hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân. Nếu mình quan hệ với bệnh nhân bằng tình cảm thì đối trọng lại là tình người.

- Anh nghĩ gì về ý kiến: Lương thấp và ý thức thầy thuốc là hai vấn đề chính của tình trạng xuống dốc về y đức?

* Đó cũng chính là trăn trở của tôi. Thực tế là thu nhập của cán bộ y tế còn quá thấp so với một số ngành nghề khác. Trong các buổi nói chuyện, anh em hay bảo: “Anh Bình mà trả lương 10 triệu đồng/tháng thì em ở luôn bệnh viện, không làm tư, làm riêng”. Tôi nghĩ, khi thầy thuốc yên tâm sống bằng nghề thì những tiêu cực kiểu “khám chữa bệnh có điều kiện” sẽ tự triệt tiêu.

Tự nhận con đường sự nghiệp của mình khá thuận lợi và suôn sẻ, làm việc hết mình và cũng được mọi người ủng hộ hết mình, nhưng BS Lê Thái Bình bảo mình còn nhiều ham muốn, còn phải học, học nhiều hơn nữa…

- Xin cảm ơn anh!

  • Thu Hiền (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vạm vỡ Quy Nhơn   (04/05/2010)
Cao nguyên du mục   (02/05/2010)
Phải tròn vẹn lý-tình  (01/05/2010)
“Hoa” của đá  (03/05/2010)
Miệt mài cố sự quê hương   (25/04/2010)
Trên đỉnh Cù Mông  (19/04/2010)
Người 2 lần đạt giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc   (18/04/2010)
Sức sống Trường Sa  (15/04/2010)
Lá cờ ngày thống nhất  (14/04/2010)
Nghĩa tình nơi bệnh viện  (12/04/2010)
Người chạy tiếp sức  (08/04/2010)
Chuyện làm rừng ở Vân Canh  (05/04/2010)
Con đường trong mơ  (29/03/2010)
Em sẽ học tập, làm việc và cống hiến hết mình để xứng đáng…   (28/03/2010)
Thành phố êm đềm…  (22/03/2010)