Hơn 10 năm làm công tác giảng dạy, cũng chừng ấy năm làm công tác Đoàn, thầy giáo Phạm Mạnh Cường - giáo viên ngoại ngữ của Trường THPT số 1 Phù Mỹ đã nỗ lực không ngừng. Tự nhận mình là người luôn sáng tạo, hết mình trong công việc, thầy Cường còn là tác giả của nhiều giải pháp hữu ích trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một thủ lĩnh Đoàn năng nổ, một giáo viên dạy giỏi, đại diện tiêu biểu cho thanh niên trong phong trào: “Học tập và làm theo lời Bác”.
|
Thầy giáo Phạm Mạnh Cường và các học trò trong một cuộc thi tìm hiểu về an toàn giao thông.
|
* Sáng tạo vì đam mê công nghệ
Ba lần tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định (lần 4, 5, 6) và đều đạt giải, nhiều lần đạt giải sáng kiến kinh nghiệm ngành GD-ĐT, là một giáo viên dạy ngoại ngữ nhưng lại là tác giả của rất nhiều giải pháp công nghệ thông tin hữu ích, phục vụ thiết thực vào công tác của trường. Và điều đặc biệt, những kiến thức về công nghệ thông tin đều do anh tự mày mò học hỏi và nghiên cứu.
* Anh có thể kể về những sáng tạo của mình?
- Giải pháp đầu tiên của tôi là một phần mềm nhỏ, tên Let’s study English. Sau này phát triển thành phần mềm Teachers’ Assistant (phần mềm trợ giúp cho giáo viên tiếng Anh). Giải pháp này đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 4 (2004-2005) và được công nhận sáng kiến kinh nghiệm trong ngành Giáo dục.
Năm 2006-2007, tôi tham gia và đạt giải trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 5 với đề tài “Tự thiết kế, chế tạo đèn chiếu kết nối với máy tính trong hoạt động giáo dục”. Trong năm học 2008-2009, tôi tiếp tục tham gia và đạt giải khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 6 với đề tài “Thiết kế website động hỗ trợ hoạt động Đoàn trong trường THPT”. Cũng trong năm học này, tôi có sáng kiến kinh nghiệm “Ứng dụng công nghệ nhận dạng giọng nói trong phần mềm Microsoft Office để thúc đẩy học sinh học tiếng Anh, giao tiếp giữa người và máy vi tính”.
Hiện tại, tôi đang thực hiện một đề tài Sáng kiến kinh nghiệm để dự thi Hội thi sáng kiến kinh nghiệm ngành Giáo dục - đào tạo. Trong năm tới, tôi sẽ tiếp tục tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 7 (2010-2011) với một giải pháp cũng liên quan tới công nghệ thông tin, nhưng phục vụ cho việc giáo dục học sinh.
Các giải pháp ứng dụng mặc dù chỉ đạt giải khuyến khích cấp tỉnh, nhưng đây là một sự khích lệ rất lớn cho tôi vì tôi là người không chuyên về công nghệ thông tin. Điều quan trọng hơn là các giải pháp này tạo được sự hứng thú cho học sinh, giúp các em tiếp thu bài nhanh và hiệu quả hơn.
* Là một giáo viên dạy ngoại ngữ, điều gì khiến anh hứng thú với công nghệ thông tin đến như vậy?
- Tôi được tiếp cận với máy tính vào năm 1993, thông qua một khóa học đầu tiên về máy tính của Trường THPT số 1 Phù Mỹ (lúc đó tôi đang học lớp 11). Được tiếp cận những kiến thức cơ bản, tôi bắt đầu đam mê tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này. Tôi mày mò tự học lập trình máy tính từ năm 2000. Lúc đó, tài liệu không có nhiều như bây giờ. Kiến thức công nghệ thông tin biến đổi không ngừng và để tiếp cận với những kiến thức mới, tôi phải tự đọc, tự học. Muốn nghiên cứu về công nghệ thông tin thuận lợi, đòi hỏi người sử dụng máy tính phải có vốn tiếng Anh. Tôi là giáo viên ngoại ngữ nên cũng có thuận lợi trong việc tự học, đọc các tài liệu nguyên bản tiếng Anh. Tất cả các giải pháp đều xuất phát từ sự đam mê công nghệ và thực tiễn quá trình giảng dạy. Mỗi lần hoàn thành một giải pháp có ích có thể đưa vào ứng dụng trong việc giảng dạy, tôi rất hứng thú.
* “Học tập và làm theo lời Bác” là một quá trình lâu dài
Được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng từ khi còn là sinh viên, tiếp tục gắn bó với công tác Đoàn và là bí thư Đoàn trường nhiều năm liền, thầy giáo Phạm Mạnh Cường là một trong những cá nhân xuất sắc được Huyện đoàn Phù Mỹ, Huyện ủy Phù Mỹ, Tỉnh ủy Bình Định biểu dương “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
* Theo anh, một thủ lĩnh thanh niên cần phải có những tố chất gì? Anh làm như thế nào để có thể biến hoạt động Đoàn hội thoát khỏi sự khô cứng?
- Tôi đã tham gia hoạt động Đoàn khi còn là sinh viên. Sau này, công tác tại Trường THPT số 1 Phù Mỹ lại tiếp tục gắn bó với công tác Đoàn. Theo tôi, để thành công trong công tác Đoàn, mỗi thủ lĩnh thanh niên cần luôn tự học, sáng tạo và đặc biệt là phải luôn tâm huyết, không ngại khó khổ, tự tìm tòi, xây dựng các phong trào phù hợp với đoàn viên thanh niên nơi công tác. Phải luôn là người tiên phong trong mọi phong trào.
Để hoạt động Đoàn thực sự góp phần tích cực trong việc xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh trong nhà trường, tạo nhiều sân chơi bổ ích cho học sinh, tôi thường xuyên phát động những phong trào, hoạt động sôi nổi và cụ thể như: thi đố vui để học, thi văn nghệ, thi cắm hoa, thi bóng chuyền, tổ chức hội chợ ẩm thực… Phong trào “Học tập và làm theo lời Bác” luôn được chú trọng thông qua các hình thức: tọa đàm, chiếu phim “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”, tổ chức tham quan các di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh. Các hình thức hoạt động trên đã có tác dụng giáo dục rất lớn cho đoàn viên, thanh niên về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Ngay cả ý tưởng thành lập trang web www.phumy1.com cũng nhằm để tuyên truyền hiệu quả công tác Đoàn hội, học sinh của trường có một sân chơi để trao đổi và tìm kiếm những thông tin hữu ích.
* Là một người luôn đi đầu và đạt được nhiều thành tích trong phong trào “Học tập và làm theo lời Bác”, anh tâm đắc nhất điều gì?
Thầy giáo Phạm Mạnh Cường sinh ngày 27.9.1976 tại Hưng Yên.
Tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn, khoa Ngoại ngữ (năm 1999). Từ tháng 10.1999 đến nay là giáo viên tiếng Anh Trường THPT số 1 Phù Mỹ.
Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2008-2009; được nhận Bằng khen của UBND tỉnh năm học 2006-2007, bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... |
- Tôi không có chủ đích phấn đấu để được khen thưởng, khi làm việc tôi chỉ biết làm hết mình. Tất nhiên, tôi cũng cảm thấy rất vui vì những nỗ lực của mình được ghi nhận. Là một đảng viên trẻ, tôi đã nhận thức được rằng “Học tập và làm theo lời Bác” là một quá trình lâu dài. Hơn nữa, khi làm công tác Đoàn, tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình là một thủ lĩnh thanh niên, phải được các bạn trẻ nể phục. Mình làm được thì người ta mới nghe, hô khẩu hiệu suông thì làm được gì.
Trong phong trào thi đua yêu nước, Bác Hồ đã từng nói “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của cải của dân tộc”. Vì vậy, tôi rất tâm đắc với phong trào “Sáng tạo trẻ” do TƯ Đoàn phát động. Bản thân tôi luôn tâm niệm phải tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, coi đó là danh dự, nghĩa vụ và trách nhiệm trước Đảng. Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để có trình độ tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, sẵn sàng hội nhập làm chủ thời đại mới.
* “Muốn có trò giỏi thì thầy phải giỏi”
Quan niệm, mỗi người thầy phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Thầy giáo Phạm Mạnh Cường vẫn luôn nỗ lực để hoàn thiện mình; không ngừng tìm tòi những phương pháp dạy mới và ứng dụng công nghệ mới để giúp học sinh tiếp thu bài hiệu quả.
* Quan điểm nghề nghiệp của anh như thế nào?
- Tôi luôn xác định, con người là nhân tố quyết định của mọi vấn đề. Sự năng động và sự chịu trách nhiệm của con người là yếu tố quyết định. Nguồn lực có thể hạn chế, nhưng nếu con người có ý thức, phát huy sáng kiến, thì nguồn lực đó có thể đem lại kết quả cao. Tôi nghĩ người thầy phải “vừa hồng vừa chuyên”, muốn có trò giỏi thì thầy phải giỏi nên mỗi thầy cô giáo phải luôn là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo với mục đích phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Tôi cũng nỗ lực học tập và rèn luyện hết mình, cùng với đồng nghiệp của mình thực hiện 6 giá trị căn bản của giáo dục “Trật tự, kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, khuyến khích sáng tạo và hiệu quả”
* Ngoài thời gian giảng dạy, công việc ưa thích hàng ngày của anh là gì?
- Tôi dành phần lớn thời gian cho việc tự học, nghiên cứu các thông tin trên Internet. Ngoài ra, việc đọc thông tin trên các báo điện tử là cách giải trí mà tôi thích thú nhất. Qua đó, tôi có thể trích dẫn để bổ sung thông tin cho website mình đang điều hành (www.phumy1.com). Kiến thức xã hội thu thập từ thế giới mạng cũng làm cho các bài giảng thêm sinh động. Vì đối với tôi, mục đích cuối cùng của sáng tạo là làm cho việc dạy và học hiệu quả hơn.
* Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!
|