Thị trấn trên đất kinh cũ
6:49', 16/5/ 2010 (GMT+7)

* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

Khúc sông Côn chảy qua Đập Đá được người địa phương gọi là sông Đập Đá. Vùng đất bên bờ sông Đập Đá, xưa kia có thành Đồ Bàn - kinh đô của các vương triều nước Chămpa (từ thế kỷ XI - XV), rồi về sau có thành Hoàng Đế - kinh đô của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc - nhà Tây Sơn (từ năm 1776 - 1793).

+++

Người An Nhơn nói chung, người Đập Đá nói riêng, đời nào cũng tỏ niềm tự hào rằng mình được sống trên mảnh đất có bề dày văn hóa – lịch sử, vùng đất trữ tình với những câu ca mượt mà lan toả trên sông nước, êm ái nơi những chiếc võng ru em: “Anh về Đập Đá đưa đò / Trước đưa quan khách sau dò ý em”,  “Em về Đập Đá quê cha / Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chàng”. 

 

Một góc thị trấn Đập Đá hôm nay. Ảnh: Đào Nguyên

 

Huyện An Nhơn ngày nay có 12 xã và 2 thị trấn. Trong huyện, nói đến các xã là nói đến nông thôn, nông nghiệp, nông dân; nói đến thị trấn Bình Định là nói đến lỵ sở, công đường, công chức... Còn nói về thị trấn Đập Đá là người ta phải nói ngành nghề, thợ thủ công, giới doanh nhân, tiểu thương... Tên gọi Đập Đá, có lẽ ban đầu chỉ để gọi một cái chợ: chợ Đập Đá trong làng cổ Phương Danh, thuộc tổng An Ngãi. Từ chợ Đập Đá, sau hình thành xã Đập Đá với các thôn Phương Danh, Bằng Châu, Bả Canh, Mỹ Huề vốn thuộc xã Nhơn Hậu lập ra trước đó không xa. Rồi từ xã Đập Đá thời đó, tiến lên thị trấn Đập Đá ngày nay.

+++

Xã Đập Đá xưa có nhiều ngành nghề truyền thống, mà mỗi làng thường tập trung một vài ngành nghề, tạo thành đặc trưng của làng, như làng Phương Danh là làng dệt, nuôi ngựa, vì đất làng trồng được cây bông vải và loại cỏ ngon, cho ngựa ăn (phương danh có nghĩa là cỏ thơm), làng Bằng Châu – đúc đồng, làng Bả Canh - làm nông (chữ bả canh có nghĩa là cầm cày)... Làng nghề nào cũng sản xuất ra được những mặt hàng nổi tiếng trong vùng, trong xứ, trong cả nước. Người thợ thủ công Đập Đá biết chạy theo thị trường, tùy hoàn cảnh mà sản xuất ra những mặt hàng mới, những mặt hàng thích hợp. Như từ trồng bông vải, dệt vải ta, vải tám, người ta đã tiến lên trồng dâu, nuôi tằm, dệt tơ lụa; từ dệt vải chuyển sang dệt mùng màn, khăn mặt, khi vải ngoại nhập ngày mỗi nhiều, vải nội không cạnh tranh nổi. Từ đúc đồng chuyển sang gò đồ đồng, sản suất ngư cụ phi tiêu chuẩn... Các làng nghề phồn thịnh thì chợ Đập Đá cũng nhờ đó mà phồn thịnh theo.

Thuở còn bé đôi lần theo mẹ đi Đập Đá, tôi tung tăng đi giữa mấy dãy nhà lều sườn gỗ, lợp ngói, vách ván ghép, nền gạch Bát Tràng, chia thành nhiều gian: gian hàng vải, gian hàng đồng, chỗ hàng rèn... Chợ họp mỗi tháng 6 phiên, vào các ngày 2, 7 theo lịch Âm (mồng 2 – mồng 7, 12– 17, 22 – 27) mua bán các sản phẩm do địa phương sản xuất. Những bộ đồ đồng: Đèn lá sen, lư mắt cua, những rùa, hạc, loan phụng, nồi, chảo, cồng chiêng, chuông khánh, ảnh tượng, mâm, hộp... của thợ đúc đồng Bằng Châu vừa ánh nước đồng thau, đồng đen vừa cổ kính kiểu dáng vừa sắc sảo đường nét, luôn hấp dẫn khách mua hàng gần xa, nhất là khách chuộng mỹ thuật, trọng cổ. Người ta còn nhớ, Phương Danh một thời dệt được mặt hàng tơ lụa tuýt – rất được giới Âu phục ưa chuộng, nhất là khi người ta dùng để “đóng” những bộ complet – veston thời trang. Nghề đúc đồng Bằng Châu thời nào cũng được triều đình hoặc địa phương giao đúc lư, đỉnh, đại hồng chung cho các đền, chùa lớn.

Xung quanh chợ trồi sụt các dãy phố của người Việt và người Hoa. Người Việt mở tiệm cắt tóc, lò rèn, bịt trống da trâu, thêu cờ phướn... Người Hoa mở tiệm thuốc Bắc, tiệm ăn, tiệm nước tương, hiệu vấn thuốc lá điếu... Người thích ăn cơm Tàu, ăn bồ câu hầm thuốc Bắc thì lên tiệm Xương Ký, lại còn bảo lên tiệm chè Tín Thái, Hiệp Thành mới mua được trà móc câu, trà mạn, trà Đài Loan thượng hảo hạng...

+++

Đập Đá có đò dọc ngang qua sông với những bến đò Bầu Sáo, Đập Đá nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền. Cùng với đó là mạng lưới bến xe ngựa rộng khắp trong xã và đi các xã khác, xuống tới chợ Phú Đa, Cảnh Hàng – Khu Đông, lên tới chợ Cây Bông, An Thái – Khu Tây... Buổi sáng, buổi chiều về, người ta thường nhìn thấy từng đoàn xe ngựa chở hành khách (thợ thủ công, người đi chợ, trẻ thơ đến trường...) chạy trên những con đường bờ thành cũ thường lẩn trong màu sương mai dày đặc hoặc màu chiều hôm nắng quái của thành Hoàng Đế. Du khách có thể nói, đó là một vẻ đẹp riêng của Đập Đá, không đâu có.

Đập Đá ruộng đất ít, gò đá ong nhiều, nông nghiệp không cung cấp đủ gạo ăn, đa số thị dân ăn gạo chợ, uống nước sông... Trong sinh hoạt, người Đập Đá có khác: Đàn ông Việt thường mặc bà ba trắng bằng vải, đi guốc mộc (khác với nông thôn gần đó, đàn ông mặc bà ba đen, đi guốc gốc tre). Đàn ông Hoa mặc đồ trắng cổ cao, nút thắt vải, cài giữa. Phụ nữ Việt thường mặc áo dài, phụ nữ Hoa mặc đồ bộ vải hoa, cánh tay. Mâm cơm gia đình dọn lên đặt trên bàn ăn, trên phản ván gõ với đũa mun, chén mỏng, cơm trắng, thịt luộc, cá chiên, không thiếu cút rượu...Thị dân Đập Đá, không dọn bữa cơm dưới đất như thói quen của nông dân các làng quê bên kia sông. Đập Đá có đông người Hoa, nên ở đây có những sinh hoạt văn hóa – thể thao mà nơi khác không có. Có trường hát với bảng hiệu Thanh Xuân hí viện, sân vận động Phương Danh... Có thể tin được rằng, nghệ thuật Tuồng Bình Định phát triển mạnh hơn từ khi ra đời các hí viện, trường hát. Nhiều gánh hát, như Bình An Ban, Thông Cừu... thường về Thanh Xuân hí viện hát và có đợt kéo dài cả tháng mà khán giả vẫn đông. Sân vận động Phương Danh thường tổ chức những trận túc cầu, điền kinh (có cả đua ngựa) với qui mô toàn huyện, toàn tỉnh để tranh giải hoặc đấu giao hữu.

Đập Đá luôn đóng vai trò động lực phát triển kinh tế của huyện An Nhơn. Những ngành nghề truyền thống của Đập Đá luôn thu hút thợ thủ công và nguyên liệu từ nơi khác đến. Mỗi khi Đập Đá mở rộng sản xuất, chuyển đổi ngành nghề thì các làng quê xung quanh cũng chạy theo để đáp ứng nhu cầu lao động gia tăng và nguyên liệu mới. Làng An Định của tôi, bao giờ cũng đến gần một nửa dân làng lên đó làm thuê: Thợ dệt, thợ đúc, thợ rèn, thợ hồ, thợ mộc, giúp việc nhà, gánh mướn... Còn nhớ có một thời, các ruộng soi dọc các bờ sông Đập Đá, Cẩm Văn, Gò Chàm... đều nhất tề bỏ cây bông vải, chuyển sang trồng cây dâu, và trong các làng tăng nhảy vọt số hộ trồng dâu nuôi tằm. Có như thế là để làm ăn với làng dệt Phương Danh đang mở rộng dệt tơ lụa, lương, lãnh, thay dệt vải như cũ. Người ta bảo, An Nhơn là đất của trăm nghề mà Đập Đá là trung tâm mạnh nhất. Tức có kể những làng nghề xung quanh Đập Đá: Nghề rèn ở Nam Tân, nghề bún tươi - Ngãi Chánh (Nhơn Hậu) nghề nón trắng – Gò Găng (Nhơn Thành), khảm xà cừ- Cẩm Tiên (Nhơn Hưng), rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc), nhang thơm (Nhơn Thành)...

Những năm 1945 – 1954 với khẩu hiệu “Tự lực cánh sinh, kinh tế tự cấp tự túc”, Đập Đá sản xuất không biết bao nhiêu mặt hàng cung cấp cho tiêu dùng, cuộc sống của người dân Bình Định và cả vùng Khu 5 và cho công cuộc kháng chiến. Vải ta, vải tám, dép lốp, chén bát đất nung, đèn thẩu; giấy rơm... được sản xuất hàng loạt. Đặc biệt, quân phục của bộ đội kháng chiến may bằng vải xi ta. Đập Đá cũng cung cấp nhiều dao găm, kiếm, mác... làm vũ khí cho quân đội.

+++

Thợ thủ công Đập Đá lành nghề, tiểu thương nắm rõ thị trường, chủ doanh nghiệp giỏi tính toán, thiết lập các mối quan hệ với các trung tâm trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong cả nước (việc này một phần nhờ ưu thế Đập Đá nằm trên Quốc lộ 1A). Ngày nay, thị trấn Đập Đá vừa củng cố vừa phát triển các làng nghề, mở rộng thương mại – dịch vụ. Nghề dệt có gặp khó khăn, nhưng nghề nhang, nước mắm, nem chả, rượu Bàu Đá ... đang ăn nên làm ra; đúc đồng, khảm xà cừ đang có đông khách hàng quay trở lại. Thị trấn đã có Khu Công nghiệp Gò Đá Trắng đang được nhiều nhà vào đầu tư cho sản xuất mặt hàng đồ thờ, cây hương thơm, hoành liễn cẩn ...

Người ta đã bảo, sẽ có thị xã An Nhơn trong tương lai gần, và muốn hình dung thị xã này, xin hãy về Đập Đá.

  • H. K. B
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Mục đích của sáng tạo là làm cho việc dạy và học hiệu quả hơn”  (15/05/2010)
Phải biết đánh thức tấm lòng ở người thầy thuốc   (09/05/2010)
Vạm vỡ Quy Nhơn   (04/05/2010)
Cao nguyên du mục   (02/05/2010)
Phải tròn vẹn lý-tình  (01/05/2010)
“Hoa” của đá  (03/05/2010)
Miệt mài cố sự quê hương   (25/04/2010)
Trên đỉnh Cù Mông  (19/04/2010)
Người 2 lần đạt giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc   (18/04/2010)
Sức sống Trường Sa  (15/04/2010)
Lá cờ ngày thống nhất  (14/04/2010)
Nghĩa tình nơi bệnh viện  (12/04/2010)
Người chạy tiếp sức  (08/04/2010)
Chuyện làm rừng ở Vân Canh  (05/04/2010)
Con đường trong mơ  (29/03/2010)