Trên tỉnh lộ 639, con đường độc đạo nối Quốc lộ 1A với huyện Hoài Ân, có một hình ảnh quen thuộc đến nỗi ít người để ý đến, đó là những chuyến xe chở heo rộn rịp hàng ngày. Theo chân những người thu mua, chúng tôi được mở rộng tầm mắt về một vựa heo ở miền trung du, nơi được đánh giá là có phong trào chăn nuôi heo vào loại quy mô so với các địa phương khác và chiếm 1/5 tổng đàn heo của tỉnh.
|
Những chuyến xe chuẩn bị chở heo thịt xuất đi các nơi.
|
* Nhà nhà, người người nuôi heo
Văng vẳng tiếng heo kêu eng éc, những chiếc xe thồ cần mẫn đến từng nhà chở heo rồi chuyển về điểm tập kết… là những nét rất đặc trưng trên những con đường làng của huyện Hoài Ân. Đây cũng là ấn tượng khó quên đối với ai lần đầu đặt chân đến vùng đất trung du này.
Anh Chín, 35 tuổi, ở xã Ân Đức, gắn bó với “họ nhà Trư” đã 12 năm nay, hóm hỉnh: “Nhờ “lão Trư” mà tôi đã có được cơ nghiệp như ngày nay...”. Hai vợ chồng anh, hồi cưới nhau và ra riêng, chỉ có vài sào ruộng làm kế mưu sinh. Thấy hàng xóm láng giềng nhà nào cũng nuôi heo nên anh Chín bắt chước thử, dù biết rằng nuôi heo cũng lắm rủi ro. Bước đầu không có vốn, anh cho heo ăn những thực phẩm tận dụng quanh vườn. Đến khi các đại lý cám heo mở ra rầm rộ, dễ dàng cho nợ, anh Chín quyết định tăng đàn heo. Cứ thế, bán lứa sau thì trả nợ gối đầu lứa trước. Lúc cao điểm, đàn heo nhà anh có đến vài trăm con, mỗi ngày ngốn ít nhất 2 triệu đồng tiền cám. Rồi vợ chồng anh mở rộng quy mô làm ăn: vợ lấy cám về bán, làm đại lý cấp II; chồng sắm chiếc Honda 67 chạy quanh làng mua gom heo bán ra Đà Nẵng, trung bình vài ngày lại xuất đi một xe 7 - 10 tấn heo thịt. Giờ đây, ngoài ngôi nhà to khang trang, anh còn có đàn heo hàng trăm con, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng.
Chuyện những người nông dân nuôi heo, rồi khá lên nhờ heo như anh Chín không hề hiếm ở Hoài Ân. Như trang trại của ông Tường ở Gò Sặc (Ân Thạnh) có quy mô trên 30 nái, hộ ông Bình, ông Quý ở Đại Định (Ân Mỹ) đều nuôi trên 200 con... Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Ân cho biết: “Hầu hết gia đình nào ở đây cũng nuôi heo. Cả huyện có 128 trang trại chăn nuôi heo với số lượng khoảng 200 ngàn con. Có trang trại nuôi trên 40 heo nái và trên 500 heo thịt. Trong hai mũi nhọn của ngành nông nghiệp là trồng trọt và chăn nuôi, thì chăn nuôi (chiếm 49%) đã vượt trồng trọt (46%). Không biết tự bao giờ, con heo đã chiếm thế “thượng phong” trong cơ cấu vật nuôi ở Hoài Ân. Trung bình mỗi ngày, các đại lý thu mua của cả huyện xuất đi ước chừng 50 tấn heo hơi, doanh thu hàng tỉ đồng”.
|
Anh Đặng An - một chủ thu mua heo - quần quật với những chuyến hàng bất kể nắng mưa.
|
* Mở rộng dịch vụ ăn theo
Hàng chục năm qua, nghề nuôi heo đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo cuộc sống vật chất, tinh thần người dân Hoài Ân, góp phần phát triển kinh tế của huyện.
Ở đây, nếu ai muốn “phất” thật nhanh thì lời khuyên là: Hãy làm đại lý thức ăn gia súc. Nếu như năm 2002, các đại lý thức ăn gia súc ở Hoài Ân chỉ đếm trên đầu ngón tay thì giờ đây đã “dày như mạ”. Anh Hoàng Anh Dũng, chủ một đại lý cấp I ở xã Ân Tường, nhận xét: “Hầu như tất cả các công ty cám trên toàn quốc đều có mặt ở Hoài Ân nên cạnh tranh khốc liệt lắm!”. Đại lý Dũng Ngà của anh cũng thuộc loại “nhanh chân” nên làm ăn tương đối khấm khá, hàng tháng doanh số bán đạt trên 500 tấn cám. Nếu tính mỗi bao cám (25kg) lời 5.000 đồng thì một tháng đại lý của anh cũng có thể thu về cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh Dũng còn đầu tư một trang trại chăn nuôi heo tương đối lớn, trong đó thời điểm nhiều nhất có trên 300 con heo, trong đó có 50 nái.
Dù vậy, do phần lớn người nuôi heo đều không có vốn nên đại lý phải đầu tư cho người nuôi từ tiền mua con giống, thức ăn đến cho vay tiền mua bơm nước, làm chuồng, hệ thống xử lý nước thải… Những đại lý, vì thế trở thành “bà đỡ” cho những trang trại, gia trại phát triển. Sau mỗi lứa heo xuất bán, người nuôi trả khoản nợ trước để gối đầu nợ sau.
Phong trào nuôi heo rộng khắp này ở Hoài Ân đã góp phần thúc đẩy một số nghề dịch vụ khác phát triển, như nghề đan rọ heo ở thôn Đức Long, xã Ân Đức. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Đức, nhẩm tính: “Toàn thôn Đức Long có 329 hộ thì có khoảng 160 hộ với hơn 400 lao động làm nghề đan tre. Đến nay đã có gần 100 hộ trong thôn chuyển từ nghề đan nong sang đan rọ heo vì nhu cầu tăng. Mỗi ngày làng làm ra trên dưới 500 rọ heo vẫn không đủ cung cấp cho các chủ nậu, đại lý thu mua heo. Người có tay nghề “cứng”, mỗi ngày có thể đan được từ 3- 4 chiếc rọ, thu nhập từ 120 – 140 ngàn đồng”.
Ngoài ra, nghề nuôi heo còn giúp những dịch vụ ăn theo khác phát triển như: xây dựng chuồng trại, làm hầm bioga, thú y…, giải quyết khá nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Ông Trần Đình Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Việc chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo chiếm đến 50% giá trị sản xuất nông nghiệp của cả huyện. Vì thế, chúng tôi chú trọng đầu tư, phát triển nghề chăn nuôi heo. Ngoài ra, chúng tôi cũng coi trọng công tác kiểm soát giết mổ, kiểm định chất lượng heo thịt và phòng chống dịch bệnh”.
|
Chị Hà ở thôn Phú Thuận – Ân Đức với đàn heo trên 100 con, mỗi năm xuất 4 lứa, thu nhập trên 50 triệu đồng.
|
* Phập phồng rủi ro
Năm 2007 là thời “hoàng kim” đối với người chăn nuôi heo ở Hoài Ân khi heo hơi xuất chuồng có giá 40.000đ/kg. Trừ mọi phí tổn, người nuôi heo có thể lời hơn 1 triệu đồng/con. Chị Ngà, một người nuôi heo ở Ân Tường, cho biết: “Đây là thời điểm người nuôi heo có lãi cao nhất, nhiều gia đình xây dựng chuồng trại, nhà cửa khang trang cũng nhờ đó”. Tiếc là thời “hoàng kim” không kéo dài. Phần lớn người chăn nuôi đều phập phồng với nỗi lo heo xuống giá hoặc bị dịch bệnh. “Hiện giá heo hơi xuống thấp. Phải bán được với giá từ 30.000 đồng/kg heo hơi trở lên thì chúng tôi mới có lời, nhưng giờ chỉ còn 25.000 - 27.000đồng/kg. Biết nuôi thì lỗ, nhưng nếu không nuôi thì chẳng tích lũy được gì…”- chị Ngà tính toán.
Những thời điểm hạ giá thường có nguyên nhân bắt đầu từ dịch bệnh. Chị Hà, chủû một hộ chăn nuôi heo ở Ân Đức, thổ lộ: “Mỗi lần xem ti vi, nghe thấy heo ở địa phương nào bị dịch bệnh là tui run rồi, như bây giờ đang dịch heo tai xanh nè. Dù ở đây không bị dịch thì giá heo cũng bị ảnh hưởng rất lớn”.
Cách đây hơn 4 năm, cả tỉnh xuất hiện dịch heo lở mồm long móng, trong đó có Hoài Ân. Lượng heo, lớp tồn đọng vì bị ngăn chặn để kiểm soát; lớp bị chết vì dịch bệnh khiến người chăn nuôi thiệt hại cả trăm triệu đồng. Anh Chín kể lại, năm đó anh “méo mặt” ngồi ở nhà, không thể đi thu mua mà cũng không thể bán heo nhà nuôi, trong khi mỗi ngày để lại thì thiệt hại càng tăng cao. Lúc đó, giá heo xuống một cách thê thảm. Thậm chí cả đàn heo con giá chỉ 100 ngàn đồng.
Giá heo thấp, người chăn nuôi thua lỗ, và kéo theo là những khoản nợ “đèn cù”. Người nuôi nợ đại lý, đại lý lại nợ công ty thức ăn gia súc, hoặc ngân hàng… Chị Hồng Nhật, chủ Cơ sở thức ăn gia súc Nhật Diễm, cho biết: “Không cho người chăn nuôi nợ thì mình không bán được hàng. Khi họ chưa có tiền trả, mình vẫn phải xoay tiền mua hàng tiếp tục đầu tư cho họ. Bởi vậy, mới nói đại lý cùng ở thế “leo lên lưng cọp” với người nuôi”. Anh Dũng, chủ Cơ sở thức ăn chăn nuôi Dũng Ngà, cho biết thêm: “Nợ là tình hình chung. Mỗi đại lý cấp I có dư nợ trong dân từ 5 - 10 tỉ đồng”.
Mặt khác, bên cạnh những khoản lợi từ chăn nuôi heo, thì người dân địa phương cũng phải đang đối mặt với tình trạng chất thải từ chăn nuôi xả thẳng ra khu dân cư hoặc hồ, ao... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây cũng là vấn đề “đau đầu” của chính quyền địa phương. Đã có nhiều giải pháp được đề ra như: thiết lập quy định nuôi heo ở địa bàn thị trấn, nuôi heo phải có hệ thống xử lý nước thải... nhưng xem ra vẫn chưa có kết quả. Theo phòng Kinh tế huyện, cả huyện có 14.000 hộ dân đang nuôi heo nhưng mới chỉ có khoảng 1.000 hầm bioga được xây dựng, tương ứng với tỉ lệ 1/14. Cũng đã xảy ra nhiều trường hợp mất tình làng nghĩa xóm chỉ vì nuôi heo làm ô nhiễm môi trường chung.
* * *
Nghề nuôi heo ở Hoài Ân lúc thăng, lúc trầm. Người chăn nuôi lấy lời bù lỗ. Hiện nay, do ý thức được sự nguy hiểm khi đàn heo bị dịch bệnh nên người dân cũng đã tự giác trong vấn đề tiêm phòng dịch bệnh nhằm hạn chế tổn thất.
Những năm trở lại đây, nhờ chăn nuôi heo, nhiều gia đình ở Hoài Ân đã xây được những ngôi nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng, mua sắm tiện nghi trong nhà hiện đại. Nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi hay những trang trại chăn nuôi lớn đã “tậu” được ô tô...
|