ÔNG LÊ THANH TRANG, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN VÂN CANH:
Văn hóa là cầu nối giúp tôi gần dân hơn
9:44', 24/5/ 2010 (GMT+7)

Đến huyện Vân Canh, gặp nhiều người hỏi ông Chủ tịch huyện, người đó sẽ nói ngay “à, ông Trang bài chòi”. Sở dĩ có biệt danh ấy vì ông chính là người truyền bá bài chòi tại huyện miền núi có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số này. Ngoài bài chòi, ông Trang còn có thể nói được ngôn ngữ và hát các bài dân ca Bana, Chăm.

* Vân Canh đã là quê hương của tôi

Nói như vậy, bởi ông Trang quê ở xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, nhưng chỉ sống ở quê đến 15 tuổi. Còn gần 45 năm qua, ông gắn đời mình với mảnh đất Vân Canh. Ăn chung, ở chung, sống chung với đồng bào các dân tộc nơi đây nên ông am tường mọi điều về họ, đặc biệt là những bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng. Nhờ vậy, cho đến nay, ông là người Kinh  giữ chức Chủ tịch UBND huyện được dân chúng rất tin yêu.

 

Không chỉ am hiểu về bài chòi, ông Trang còn hướng dẫn nhiều người cách ca, cách diễn và gieo mầm yêu thích trong họ.

- Không phải là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng lại gắn bó phần lớn cuộc đời, có bao giờ ông nghĩ đó là sự sắp đặt của số phận?

+ Đã có lúc tôi nghĩ như vậy. Bởi tôi sinh ra ở đồng bằng, nhưng lại lập nghiệp và sống gần trọn cuộc đời ở một huyện miền núi. Khi mới 15 tuổi, tôi đi theo cách mạng và được phân công lên hoạt động ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh. Suốt thời gian 10 năm ấy, tôi đã sống chung với người Bana ở Canh Liên, gắn bó với họ thân thiết đến mức, nhiều gia đình coi tôi như con, cháu trong nhà.

Khi đất nước thống nhất, tôi được điều về công tác ở một vài nơi, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, rồi lại về Vân Canh. Tôi còn nhớ rõ lời cấp trên dặn dò khi phân tôi về đây: “Anh đã sống, chiến đấu ở vùng đất ấy, vậy thì hãy quay về tiếp tục xây dựng nó giàu đẹp”.

Lúc mới về, tôi làm Tổ chức Huyện ủy rồi Phó Bí thư Huyện ủy, sau đó chuyển qua làm Chủ tịch UBND huyện, được hai nhiệm kỳ rồi.

- Điều gì ở Vân Canh đã “giữ chân” ông lại cho đến ngày nay?

+ Đó là những người dân hiền lành, chân chất quanh năm lam lũ, là tình cảm giữa người với đất, giữa người với người. Lần nào lên xã Canh Liên công tác, người dân cũng đón tôi như đón một người con đi xa trở về. Thấy cuộc sống của bà con còn vất vả, tôi càng quyết tâm phải làm việc nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn, để giúp dân xóa đói giảm nghèo.

Với đồng bào các dân tộc thiểu số, tôi học ngôn ngữ và tìm hiểu phong tục tập quán của họ. Nhờ vậy, tôi hiểu được họ và họ hiểu được tôi. Nhiều giải pháp tôi đưa ra thấu tình đạt lý nên bà con nghe và làm theo.

Trong tôi, giờ đây, Vân Canh đã là quê hương, là máu thịt của mình. Tôi luôn mong quê hương này ngày càng giàu đẹp, đời sống người dân ngày càng ấm no, sung túc.

* Văn hóa là cầu nối để đến gần dân

NSƯT Hoài Huệ, Phó trưởng Đoàn Ca Kịch Bài chòi Bình Định thường kể về kỷ niệm khó quên trong lần đầu gặp và biết ông Trang: “Lần đó, UBND huyện Vân Canh mời cả Đoàn lên gặp mặt. Ông Trang đến bắt tay và gọi đúng tên từng người một. Ông còn nhắc lại những vai diễn đáng nhớ của mỗi người. Điều đó đã làm tất cả chúng tôi ngỡ ngàng và xúc động. Từ lần đó về sau, ông Trang trở thành một người bạn tốt, thường xuyên có những đóng góp và trao đổi rất thiết thực, hiệu quả cho từng vở diễn và hoạt động của Đoàn”.

- Rất nhiều người cho rằng, ông đã khai sáng và truyền bá Bài chòi trên đất Vân Canh?

+ Lúc nhỏ, tôi thường đi xem các nghệ sĩ Bài chòi về địa phương biểu diễn. Trong chiến tranh, chiếc radio là phương tiện duy nhất tôi dùng để tiếp cận với Bài chòi và Tuồng. Mãi đến năm 2002, tôi mới có được tập nhạc dân ca của nhạc sĩ Hoàng Lê và có điều kiện quen biết, học hỏi các làn điệu từ những nghệ sĩ của Đoàn Ca Kịch Bài chòi Bình Định.

 

Xuống với dân, ông Trang thường xuyên được yêu cầu hát bài chòi hoặc dân ca Bana, Chăm.

 

Đúng là trước tôi, chưa có ai tổ chức hoạt động gì về bài chòi ở Vân Canh. Tôi nghĩ, Bình Định là cái nôi của nghệ thuật Tuồng và Bài chòi, nên cần phổ biến rộng rãi và tạo phong trào ca hát trong dân để tiếp sức sống cho các môn nghệ thuật. Đáng mừng là những hoạt động về bài chòi do tôi tổ chức luôn được nhiều người ủng hộ và hưởng ứng. Vài năm gần đây, tôi đã gầy dựng được một lực lượng hát bài chòi, nòng cốt khoảng 15 người là CB-CNV có năng khiếu ca hát ở các cơ quan, đơn vị. Tôi tập cho họ cách ca, cách diễn tiểu phẩm Bài chòi. Vào những dịp lễ, Tết, tôi sáng tác bài ca, tiểu phẩm mới, rồi tập hợp lực lượng xuống biểu diễn ở các xã.

Với các làn điệu Dân ca Bana, Chăm, tôi cũng cố gắng tìm hiểu và nắm bắt trong khả năng có thể. Tuy chưa thể sáng tác, nhưng tôi nói được ngôn ngữ và thuộc nhiều bài dân ca của họ. Đến với đồng bào dân tộc thiểu số, mình phải nói được, hát được bài ca của họ thì họ mới nghe mình.

- Được biết, ông là một trong những vị Chủ tịch huyện dành nhiều tâm sức và đầu tư cho lĩnh vực văn hóa văn nghệ của huyện?

+ Với tôi, văn hóa là chiếc cầu nối giúp tôi gần với dân hơn. Có điều rất rõ là, sử dụng văn hóa nghệ thuật để chuyển tải những chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân là rất hiệu quả. Thực tế ở Vân Canh cho thấy, phổ biến chủ trương thì dân ít dự ít nghe và khó nhớ. Nhưng khi biến chủ trương thành 1 bài thơ, bài hát thì dân đến tham dự đông hơn. Vì thế, thông thường, trước một lễ kỷ niệm hay một cuộc phát động nào là tôi có ngay tác phẩm tuyên truyền về việc ấy.

Văn hóa văn nghệ có cái hay của nó, nên càng tìm càng hiểu, tôi càng  mến yêu, đặc biệt là văn hóa văn nghệ của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ông Lê Thanh Trang, sinh năm 1950. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1965.

Năm 2004, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. UBND tỉnh cũng đã đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba cho ông.

Ông đã sáng tác nhiều bài Dân ca được nhiều người yêu thích như: Vân Canh hôm qua - hôm nay; Rừng xanh kêu cứu; Mời anh đến thăm Vân Canh; Màu xanh Vân Canh… cùng hàng chục hoạt cảnh Dân ca có chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình thầy trò, tình quân dân. Những sáng tác này đạt giải thưởng cao trong các hội thi, hội diễn của Sở VH-TT và DL Bình Định, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh…

- Yêu thích như vậy, hẳn ông chạnh lòng khi những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần phai nhạt?

+ Những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có khuynh hướng phai nhạt, không chỉ văn hóa phi vật thể mà ngay cả văn hóa vật thể cũng dần dần biến mất.

Những năm gần đây, tôi đưa ra chủ trương khôi phục các loại nhạc cụ dân tộc và các nét văn hóa văn nghệ dân gian thông qua các hội thi, hội diễn, lễ hội. Đặc biệt, đầu tháng này, UBND huyện đã tổ chức Hội diễn “Hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc” toàn huyện lần thứ nhất. Dự kiến, Hội diễn sẽ duy trì thường niên. Riêng ngành GD-ĐT huyện đã tổ chức thi Hát dân ca và thi Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ cũng dùng thể loại Dân ca, Bài chòi trong phần thi chào hỏi. Hiện nay, tôi đã có định hướng tập hợp những người có năng khiếu và yêu thích thơ ca lập thành nhóm để sinh hoạt. Khi có được những thành công nhất định sẽ tiến tới thành lập CLB “Hát Dân ca Bài chòi” của huyện. Bên cạnh đó, tôi sẽ chỉ đạo ngành GD-ĐT dạy hát dân ca trong trường học. Ngoài ra, sẽ lập đội thông tin lưu động tích cực đi về các thôn, xã biểu diễn phục vụ nhân dân.

* Còn minh mẫn là còn sáng tác

- Làm Chủ tịch UBND huyện bận rộn nhiều việc, vậy ông sáng tác vào thời gian nào?

+ Tôi không dành khoảng thời gian riêng nhất định nào cho việc sáng tác, mà thường làm song song với công việc chuyên môn. Lâu nay, nhiều người vẫn thắc mắc, vì sao khi ngồi họp, tôi vừa nắm chắc được nội dung, tham gia nhiều ý kiến, lại vừa có thể sáng tác. Có lẽ khi họp, trong đầu chỉ có một việc duy nhất là họp nên có thể viết được, còn ngày nghỉ tuy không có việc làm cụ thể, nhưng đầu óc lại bận rộn với bao điều suy nghĩ khác. Còn thời gian dàn dựng và tập luyện cho anh em tham gia chương trình văn nghệ, tôi dành hết vào những buổi tối.

- Được biết cuối năm này, ông sẽ nghỉ hưu. Các hoạt động văn hóa văn nghệ sẽ ra sao?

+ Có lẽ chỉ là nghỉ hưu đối với công việc của Nhà nước giao, còn với văn nghệ và thể thao thì không có thời hạn. Về hưu, tôi sẽ có thời gian hoạt động văn hóa văn nghệ nhiều hơn. Và sẽ sáng tác khi nào đầu óc còn minh mẫn. Nếu ngành văn hóa cần tôi đóng góp, tôi sẵn sàng tham gia trong điều kiện có thể. Ngoài ra, tôi mong muốn các cấp ngành quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn nữa để những nét đẹp văn hóa mãi tồn tại, phát triển và lưu truyền đến mai sau.

- Xin cảm ơn ông!

  • Ngọc Tú (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về vựa heo miền trung du  (16/05/2010)
Thị trấn trên đất kinh cũ  (16/05/2010)
“Mục đích của sáng tạo là làm cho việc dạy và học hiệu quả hơn”  (15/05/2010)
Phải biết đánh thức tấm lòng ở người thầy thuốc   (09/05/2010)
Vạm vỡ Quy Nhơn   (04/05/2010)
Cao nguyên du mục   (02/05/2010)
Phải tròn vẹn lý-tình  (01/05/2010)
“Hoa” của đá  (03/05/2010)
Miệt mài cố sự quê hương   (25/04/2010)
Trên đỉnh Cù Mông  (19/04/2010)
Người 2 lần đạt giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc   (18/04/2010)
Sức sống Trường Sa  (15/04/2010)
Lá cờ ngày thống nhất  (14/04/2010)
Nghĩa tình nơi bệnh viện  (12/04/2010)
Người chạy tiếp sức  (08/04/2010)