Hàng si là cách gọi ngắn gọn của hàng si da- hay còn gọi là hàng second-hand (đồ cũ). Hàng si có mặt ở Quy Nhơn từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, chủ yếu là quần áo cũ nhập từ nước ngoài về. Ở Quy Nhơn, thứ hàng này đang trở nên phổ biến và cách bán hàng cũng chuyên nghiệp hơn. Còn những “thượng đế” đã quen dùng hàng si thì lại cho rằng, chúng có những hấp lực khó cưỡng…
|
Các cửa hàng bán đồ si san sát nhau ở đường Lê Lợi. |
* Hàng si- từ phố đến quê
Ở Quy Nhơn, các shop chuyên bán hàng si tập trung nhiều nhất ở đường Lê Lợi, nhất là đoạn từ ngã tư Lê Lợi - Hai Bà Trưng thẳng ra đường Nguyễn Huệ. Ở đây, những cửa hàng bán đồ si san sát nhau. Phía trước nhà nào cũng treo la liệt các loại quần áo; phía trong nhà đồ đã được phân loại chất thành đống. Mùa nào thức nấy. Hiện đang là thời điểm hè nên quần short ka ki, áo thun ba lỗ, áo thun thể thao, áo khoác đi nắng và đồ tắm được các chủ shop đánh hàng về nhiều nhất.
Ông Tô Thanh Tùng, hiện là chủ hai căn nhà bán hàng si ở đường Lê Lợi, cho biết: “Hàng tôi lấy ở chợ Bà Chiểu, chợ Tân Bình ở TP Hồ Chí Minh. Mình cần thứ gì thì gọi vào yêu cầu, họ gởi theo xe chở về”. Ông Tùng được coi là một trong những người kinh doanh hàng si khá sớm ở Quy Nhơn, từ năm 1994. Thời đó, ở Quy Nhơn chỉ có vài người kinh doanh. Thấy có lãi, nhiều người cũng mở ra làm, tạo thành những con phố chuyên bán hàng si như Lê Lợi, Nguyễn Huệ hay ở khu vực Chợ Đầm Quy Nhơn.
Không chỉ ở Quy Nhơn, hàng si hiện cũng “có mặt” hầu hết ở các chợ vùng quê. Chị Trinh (ở thị trấn Bình Định, An Nhơn) thường xuống Quy Nhơn lấy sỉ và đem về quê bán lẻ ở các chợ cho biết, chị mua bán loại hàng này đã 10 năm nay. “Chủ yếu tôi mua quần kaki, áo sơ mi nam bán cho người lao động đi làm đồng, sửa xe. Mùa đông thì bán áo lạnh. Chợ phiên vùng nào tôi cũng đi, từ An Nhơn, Phù Cát đến Phù Mỹ; sáng đi trưa về. Hàng tốt thì bán giá cao, cả trăm ngàn một chiếc. Những chiếc cũ kỹ, bụi bặm bám lâu ngày thì lời ít hơn, thậm chí huề vốn”…- chị Trinh nói trong lúc đang săm soi lựa từng cái quần kaki một.
Nếu như trước đây, một chủ hàng có thể kinh doanh “hầm bà lằng” nhiều mặt hàng từ quần áo, túi xách đến dây nịt, giày dép, mũ nón, thú nhồi bông thì nay xuất hiện thêm một số cửa hàng chỉ chuyên “đánh” một vài mặt hàng. Điển hình như shop Minh Anh (đường Nguyễn Huệ), chuyên bán giày nữ và túi xách. “Tôi không có vốn và cũng không kham nổi nhiều thứ nên chỉ chuyên hai thứ này. Mỗi lần tôi chỉ gởi mua sỉ vài chục đôi theo giá đổ đồng rồi về chọn ra bán lại. Đôi cao giá bù đôi thấp…” - chị chủ tiệm nói.
|
Khách lựa giày ở shop si Minh Anh đường Nguyễn Huệ. |
* Hấp lực của hàng si
Với những người thường dùng hàng si, thậm chí thích hoặc “nghiện”, thì loại hàng này có những “hấp lực” riêng của nó.
Thứ nhất là vì giá rẻ. Nếu một chiếc áo sơ mi, quần kaki mới có giá từ một đến vài trăm ngàn đồng thì hàng si chỉ từ vài ba chục đến trăm ngàn đồng. Nhung và Hằng, hai bạn gái trẻ thường lùng mua hàng si, tính toán: “Hai bộ quần áo jean còn khá mới như thế này mà chỉ 100.000 đồng, ở các shop phải mất vài trăm. Tụi mình mặc vài lần, chán thì bỏ. Mà có khi chưa chán thì nó cũng gần rách, càng tiện! Để còn đi mua cái khác chứ!”. Thông thường, một áo sơ mi còn khá mới chỉ 20.000-40.000 đồng/chiếc, áo thun 20.000-50.000 đồng, tùy theo loại. Các loại quần kaki hay jean thì giá vô chừng, dao động từ vài chục đến hơn một trăm ngàn đồng/chiếc. Đó là giá ở các “shop si”; còn hàng đổ đống ở chợ thì giá chỉ có vài ngàn đồng/món. Dù hàng bán ở đâu thì khách cũng có thể mặc sức chọn, lựa. Không mua cũng chẳng ai trách móc.
Tuy nhiên, với những người thích sưu tầm hàng độc, không đụng hàng thì giá rẻ chưa hẳn đã là ưu tiên số một. Bởi, họ sẵn sàng bỏ ra cả hàng trăm ngàn đồng để sở hữu một món hàng cũ nhưng gắn mác “made in Korea”, “made in Hong Kong” hay “made in Italy” hoặc là “hàng hiệu” của Kevin Clein, Gucci, Bossini, Yvest Saint Lauren… “Một đôi giày Hồng Anh mới cứng giá cũng chỉ từ 160-250.000 đồng/đôi. Mua giày si cũng tầm ấy tiền, thậm chí còn đắt hơn nhưng tôi vẫn thích hơn. Nó độc đáo một phần, phần khác, khi đi êm chân hơn nhiều…” - một nữ khách hàng chuyên săn giày si cho biết. Một chủ cửa hàng khá lớn ở đầu đường Lê Lợi kể chuyện một khách hàng là giám đốc chuyên đánh xe con đến tiệm chị chọn đồ. Đôi lúc, vị khách hàng này còn chở thêm các nữ nhân viên của công ty cùng đi lựa cho vui.
|
Ông Tùng đang tư vấn cho khách đến mua hàng. |
Nhiều khách hàng “chịu khó” lùng mua hàng si đến mức “nghiện”. Hễ chỗ nào có khui hàng mới là họ lại đến hì hục tranh nhau lục - lựa. Bởi vậy, các chủ bán hàng si đều có một list điện thoại của các “khách hàng thân thiết”, để khi nào có hàng mới về lại điện báo hoặc nhắn tin “sắp sửa khui kiện”. Thời gian khui kiện thường là sáng thứ 7 hoặc chủ nhật. Khách mua “nước đầu” phải chấp nhận “bao giá” (do chủ phát giá), và phải mua ít nhất từ 20-30 cái trở lên. Đổi lại, họ được quyền ưu tiên lựa đầu tiên, lấy những cái đẹp nhất. Khách mua “nước hai”, “nước ba” giá sẽ thấp hơn chút đỉnh, và cuối cùng hàng sẽ được bán giá sỉ đưa về các huyện. Chỉ tay vào đống đồ đã khui từ vài ngày trước, bà Vân, vợ ông Tùng nói: “Kiện hàng mấy trăm cái áo thì tôi đã lựa trước khoảng 200 cái cũ bán sỉ rồi. Hàng để lại toàn hàng tuyển, hàng đẹp vì khách đến mua toàn là những người sành lựa đồ. Có vậy mới kéo khách đến mua được chớ…”.
* Loanh quanh chuyện mua và bán
Nói đến người hay mua hàng si ở Quy Nhơn, có lẽ không ai là không biết đến bà H.C. Chỗ nào khui kiện hàng mới thì y như rằng có bà. Bà C. mua nhiều và chịu mua với giá cao. “Đôi lúc tôi thấy nó mua nhiều quá nên không gọi vì nghĩ nó mua về sẽ không biết mặc sao cho hết. Quần áo chất đống đầy tủ, đầy nhà. Vậy nhưng, mình không gọi thì nó sang hàng khác, cũng mua với tốc độ đó…”- một chủ bán hàng si kể chuyện. Và rồi, đùng một cái, người ta nghe tin bà H.C. vỡ nợ với số tiền hàng chục tỉ đồng. Trong số những nạn nhân bị giật nợ, có người là bạn chuyên mua và bán hàng si với bà C. từ lâu nay.
Còn cô bạn của tôi thì “bật mí”, chị gái của cô ấy cũng là dân nghiện hàng si. Ngày nào trong máy điện thoại của chị cũng có tin nhắn: “Chuẩn bị khui kiện, tới đi”. Vậy là chị hộc tốc tới, tranh nhau lục, mua để rồi có khi chẳng bao giờ mặc đến. Một người thích sưu tập giày thì cho biết chị mua nhiều đến nỗi đi hết 2 tháng vẫn chưa trùng lại đôi nào. Tuy là giày si nhưng giá không hề rẻ: trung bình khoảng 200.000 đồng/đôi. Một số người cho biết, với họ, đi lựa đồ si cũng là một thú vui, giải tỏa stress, mệt nhọc hoặc bực bội trong lòng.
|
Một shop bán quần áo si “dã chiến” dọc đường. |
Kinh doanh hàng si một vốn… nhiều lời. Nhưng đó là thời trước. Nay thì không còn “dễ ăn” nữa. “Thời trước, nhiều người mua hàng si vì giá rẻ, vì không có điều kiện để sắm đồ mới. Quần áo “made in VietNam” cũng đẹp, phong phú từ giá cả đến chất lượng nên người có điều kiện kinh tế thì sắm mới sướng hơn. Ngoài ra, cửa hàng si mở ra nhiều, việc buôn bán ngày càng khó hơn”- ông Tùng phân tích. Chị chủ shop si Minh Anh cho biết thêm: “Người em họ của tôi trước kia thuộc hàng “rớt mồng tơi”, nhờ bán hàng si mà tậu được nhà mặt phố với giá hàng tỉ đồng. Vậy mà nay nó cũng rên lên rên xuống vì khó bán. Huống hồ tôi mới ra kinh doanh vài tháng nay, chỉ mong đủ trả tiền thuê mặt bằng và dư chút đỉnh nuôi con ăn học là mừng lắm rồi…”.
Người kinh doanh hàng si đôi khi “trúng đậm” nhờ mua trúng kiện hàng nhiều đồ đẹp; nhưng đôi lúc đành bán lỗ hoặc chỉ để làm giẻ lau xe nếu quần áo quá cũ, xấu. Công nghệ “lên đời” cho hàng si cũng lắm công phu: từ “làm lông” cạo cho sạch đồ đã bị xù lông, đến thuê thợ lộn lại cổ áo, lên lai quần, làm lại túi cho những món đồ bị hư, lỗi… “Mua quần kaki về tôi phải giặt tay cho sạch, ủi thẳng thớm, thuê thợ làm lại những chỗ hư rồi mới đem ra bán được. Vậy mà lắm khi lại mua trúng kiện xấu quá, bán không được…”- chị Trinh tâm sự.
Nói đến những “chiêu” bán hàng si ở các chợ thì có lẽ chẳng ai qua nổi bà Th. Đi đến đâu bà cũng có một cái loa, vừa bán vừa rao: “Hàng này là của Hàn Quốc, Mỹ chính hiệu… vừa rẻ vừa bền. Bán chỉ một bữa, không có bữa thứ hai. Mua về chồng mừng, chồng vui…”. Khi khách hiếu kỳ đã đến đông, bà sẽ rút điện thoại alô rằng: “Sao, em nói gì?. Hàng bán đến hai trăm ngàn lận hả, vậy mà chị lỡ nói có một trăm hà. Giờ phải làm sao…?”, nghe đến đó hẳn nhiều người sẽ đổ xô vào mua ngay vì ngỡ mình trả giá hời mà không biết rằng đó chỉ là một trong những chiêu “làm giá” của bà mà thôi.
|