“HAI LÚA CHẾ TẠO MÁY” NGUYỄN KIM CHÍNH:
Phải nghĩ cách để nông dân mình bớt nhọc nhằn
21:52', 29/5/ 2010 (GMT+7)

Anh Nguyễn Kim Chính (SN 1957, thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát).

Đã hơn chục năm mò mẫm làm mới tính năng một số máy móc nông nghiệp, trong đó có công trình “Máy gặt lúa FUTU 1 cải tiến”, nhưng “Hai lúa” Nguyễn Kim Chính (thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) vẫn còn hừng hực nhiệt huyết sáng tạo. Trong những ngày cuối tháng 5 này, anh đã cho ra mắt một sản phẩm mới hoàn toàn không “đụng hàng” -  máy cắt cành, hái quả “Made in Kim Chính”. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc chuyện trò về hành trình miệt mài sáng tạo của anh.

* Tôi có “chí” để nông dân bớt... “thí công”

* Hiện nay trên cả nước có nhiều nông dân sáng tạo, cải tiến máy móc nông cụ mang lại hiệu quả lao động sản xuất cao cho người sử dụng. Anh là một hiện tượng trong đội quân “Hai lúa chế tạo máy”?

- Thú thật với anh, để làm được điều này cũng gian truân lắm, nhất là những nông dân như tui vừa thiếu vốn, thiếu điều kiện, phương tiện sản xuất, chế tác và nhất là… thiếu đồng nghiệp để bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm. Nguyên cớ là như thế này, năm 1998, tui mua về một máy cắt lúa cốt để phục vụ cho gia đình và tranh thủ lúc hết việc đi cắt thuê cho bà con trong xóm. Thế nhưng, chiếc máy này đã làm tui thất vọng ngay trong mùa đầu sử dụng. Máy không phù hợp với đồng ruộng lún bùn quê tui. Qua 15 lần cải tiến lớn nhỏ, máy cắt lúa FUTU 1 đã “đổi mới”, như: Lắp thêm hệ thống sên rút nhau lúa (lá lúa già khô-PV), gắn thêm bánh hơi vào 2 bánh lồng, thêm bánh xe thứ 3 phía sau để chống đỡ khi ngồi lên máy, thêm yên ngồi để người sử dụng không phải lẽo đẽo đi bộ theo máy. Máy cắt được lúa cả lúc trời mưa, lúc lúa ướt do sương, lúa ngã 40 độ, ruộng lầy… điều mà máy cùng loại không làm được.

* Điều gì khiến anh mê nghiên cứu đến thế?

- Năm 2005, sau khi cải tiến máy cắt lúa FUTU 1 lần thứ hai,  tui đoạt giải “Nhà nông sáng tạo” của Hội Nông dân Việt Nam và năm 2006 nhận bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cũng thời gian này, tui được kết nạp vào Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam (VSAGE). Tui được anh em nhà báo động viên, được các sở ngành giúp đỡ nên được tham dự Hội chợ TechMart Bình Định năm 2005 và tham gia nhiều Hội chợ tổ chức trong nước hàng năm; cùng với những giải thưởng về sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của các bộ, ngành. Sự khích lệ này khiến tôi càng hăng sáng tạo, trong đó có nhiều cải tiến có thể áp dụng ở các máy gặt xếp dãy, máy gặt đập liên hợp. Từ năm 1999 đến nay, đã có khoảng 200 chiếc máy cắt cải tiến tui bán ra cho khách hàng trong Nam, ngoài Bắc, Tây Nguyên và nội tỉnh. Lợi nhuận từ cải tiến máy cắt lúa không là bao, chủ yếu lấy công làm lời. Tui không dám đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, bởi đơn giản là nông dân họ khổ quá, mình không muốn đặt gánh nặng chi phí lên vai họ. Tui chỉ mong một chút đóng góp của mình nhằm để giải phóng bớt sức lao động cho nông dân.

* Trước đây có người bảo rằng anh hơi gàn khi có ý tưởng cải tiến, chế tạo máy, kể cả người trong gia đình của anh, anh nghĩ sao?

- Khi mình chưa bắt tay vào làm, mới chỉ nuôi dưỡng ý tưởng thì chỉ có mình biết, ai mà tin mình được; họ cho rằng cải tạo lại một máy móc là điều to lớn, vượt qua khỏi khả năng của một nông dân học chưa đến nơi, đến chốn như tui. Kể cả bà xã của tui, người đã từng biết tui làm việc gì cũng mày mò sáng tạo để tiết kiệm sức lao động, cũng khó có thể tin là tui thành công khi tiếp cận với các loại máy móc mới. Tui không nản chí, tui quyết tâm làm, không phải vì sợ mang tiếng, mà là tui muốn mình phải thành công, để sản phẩm của mình làm ra mang tính hữu ích cho cộng đồng và cũng để chứng minh cho người khác và con cái của mình thấy: nếu có trí, có chí thì con đường đi đến thành công sẽ rút ngắn lại. Và giờ đây hầu hết bạn bè, người thân và khách hàng đã biết là tui đã làm được những điều nghe ra hơi gàn trước đây.

 

Máy cắt lúa FUTU 1 đã được anh Nguyễn Kim Chính cải tiến.

 

* Tiếp tục “trình làng” sáng chế mới

* Tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Bình Định năm 2010, anh là thành viên tham gia Hội chợ cuối cùng, chỉ đăng ký với Ban tổ chức Hội chợ trước giờ khai mạc chỉ vài giờ. Sự chậm trễ do đâu?

- Tui không hay biết có một Hội chợ tổ chức tại Bình Định, trong thời gian này tui đang gấp rút hoàn thiện lắp ráp vài chục cái máy cắt cành - hái quả, một sản phẩm tui mới vừa sáng chế thành công cho một bạn hàng làm giám đốc một trung tâm giống cây trồng ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Trước khi Hội chợ diễn ra một ngày, thông qua cuộc trò chuyện với anh (PV), tui mới biết và nhiều người giúp đỡ, tui mới được tham dự Hội chợ vào giờ chót. Ban đầu chẳng ai chấp nhận cho tôi được tham gia vì không đăng ký trước sản phẩm và thương hiệu; nhưng nhờ họ cũng biết tui tham gia nhiều hội chợ ở các nơi nên đã được châm chước. Trong Hội chợ này tui chỉ mang theo sản phẩm vừa chế tạo xong - máy cắt cành, hái quả.

* Ý tưởng sáng chế ra máy cắt cành - hái quả bắt nguồn từ đâu?

- Khoảng 6 năm nay. Cái số của tui nó khổ, cứ thấy thiết bị, dụng cụ, máy móc nào còn bất tiện là tui trăn trở muốn cải tiến nó; hoặc trong sản xuất nông, lâm nghiệp thấy bà con mình còn nhọc nhằn là trong lòng cứ thôi thúc tui muốn chế tạo nông cụ, máy móc để giải phóng sức lao động cho họ, nên trong đầu cứ luôn đầy ắp suy nghĩ. Từ những cây cối trong vườn nhà, muốn cắt xén những cành trên cao phải dùng thang rất bất tiện và nguy hiểm, nên tôi đã nảy sinh phải chế tạo kéo cắt cành siêu dài. Cùng với quá trình giao dịch bán máy cắt lúa cho bạn hàng ở Nam bộ, tui thấy họ vất vả khi cắt tỉa cành cao cho những vườn cây hàng ngàn gốc; họ lại cũng vất vả cho các vụ mùa hái quả trên cao. Vậy là tui lại nảy sinh ý tưởng chế tạo máy vừa có công năng cắt cành, vừa hái quả trên cao, mà thị trường chưa có loại máy này. Không biết sau này thì sao, chứ hiện giờ máy này đảm bảo không “đụng hàng”. Tui vừa được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học - Công nghệ công nhậân bản quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa của sản phẩm này, trước khi đến với Hội chợ.

* Ưu điểm sản phẩm mới này là gì?

- Máy cắt cành - hái quả này gọn nhẹ, tiện dụng, dễ di chuyển và vận hành bằng tay. Toàn thân máy làm bằng ống inox rỗng ruột và có thể thu ngắn, kéo dài theo kiểu cần ăng - ten nên đẹp và bền, có thể kéo thân máy dài nhất là 3,5m, thu gọn để cất là 1,1m; nặng 3 kg. Lưỡi cắt dạng kéo gắn ở đầu, được làm bằng thép đặc biệt, chống mòn và chống rỉ sét có thể dùng từ 3 đến 5 năm mới mài lại hoặc thay mới. Lưới kéo hoạt động theo lực cánh tay đòn, được truyền qua hộp dây cáp, chạy dọc bên trong thân máy và nối với cần gạt ở cuối máy. Máy có thể cắt cành có đường kính từ 25 cm trở xuống. Ở phần đầu kéo cắt của máy, khi cần hái quả thì gắn lưới vợt vào, cắt cuống, quả rơi gọn trong vợt lưới. Giá thành bán ra hiện nay chỉ 600 ngàn đồng một máy, nên nhiều hộ nông dân có thể mua sắm được.

 

Anh Kim Chính thí điểm cắt cành cây, hái quả bằng sản phẩm mới chế tạo của mình.

 

* Vẫn còn nhiều ấp ủ

* Vì sao trong nhãn hiệu hàng hóa của anh có chữ “ta dùng hàng ta”(KICHI CTY TNHH MTV Sản xuất cơ khí nông nghiệp Kim Chính ta dùng hàng ta -PV)?

- Tui mong muốn ngày càng có nhiều sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao, giá thành rẻ để người nông dân bớt vất vả, bớt phải chịu chi phí quá lớn trong lao động, sản xuất. Nói thật, sau khi tôi đã cải tiến thành công máy cắt lúa FUTU 1, nhiều nhà đầu tư đến đặt vấn đề với tôi để sản xuất hàng loạt đưa ra thị trường. Tuy nhiên, do họ đưa ra giá bán quá cao với mục đích chạy theo lợi nhuận nên tôi không thống nhất. Tôi mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hợp tác với tôi để sản xuất những máy móc nông cụ với giá thành xuất xưởng hợp với túi tiền của nông dân mà nhưng cũng duy trì được sản xuất kinh doanh và sáng tạo của mình. Bởi vậy phương châm của tui là “ta dùng hàng ta”, sản xuất tại chỗ, bán tại chỗ, giá thành thấp, nông dân được hưởng lợi từ những sản phẩm sáng tạo, cải tiến này. Tui mong ước được hợp tác với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để có điều kiện sản xuất số lượng lớn tiêu thụ trong nước và xuất hàng ra nước ngoài, bằng chính thương hiệu Kim Chính.

* Còn ý tưởng sáng tạo nào trong anh chưa thực hiện?

- Còn nhiều lắm chớ! Máy nhặt hạt điều ra khỏi quả; máy cắt mía; máy bóc vỏ mía trước khi ép lấy nước… đã hình thành trong đầu, hoặc đã xây dựng trên bản vẽ, trên văn bản thuyết minh nhưng còn nhiều việc phải làm nên đành hẹn lại. Tui vốn là cựu thanh niên xung phong, nên suy nghĩ và việc làm luôn hướng về phía trước.

* Xin cảm ơn! Chúc anh thành công với những dự định sáng tạo ở phía trước.

  • Ngọc Diên (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bài 1: Về Bình Định, sự gặp nhau của các thế hệ  (27/05/2010)
Hấp dẫn hàng si   (23/05/2010)
Văn hóa là cầu nối giúp tôi gần dân hơn  (24/05/2010)
Về vựa heo miền trung du  (16/05/2010)
Thị trấn trên đất kinh cũ  (16/05/2010)
“Mục đích của sáng tạo là làm cho việc dạy và học hiệu quả hơn”  (15/05/2010)
Phải biết đánh thức tấm lòng ở người thầy thuốc   (09/05/2010)
Vạm vỡ Quy Nhơn   (04/05/2010)
Cao nguyên du mục   (02/05/2010)
Phải tròn vẹn lý-tình  (01/05/2010)
“Hoa” của đá  (03/05/2010)
Miệt mài cố sự quê hương   (25/04/2010)
Trên đỉnh Cù Mông  (19/04/2010)
Người 2 lần đạt giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc   (18/04/2010)
Sức sống Trường Sa  (15/04/2010)