Hóa giải tập tục lạc hậu
21:19', 30/5/ 2010 (GMT+7)

Có những cái chết tức tưởi, có những cái chết mơ hồ về nguyên cớ, có những cái chết vì cảm xúc phấn khích tăng cao. Họ xem cái chết là hóa thân của sự giải thoát cuộc đời trước những gút mắc cuộc sống. Mỗi cái chết là một câu chuyện buồn đã khắc đậm gam màu thâm u giữa chốn đại ngàn, là ẩn chứa một tập tục lạc hậu cần xóa bỏ.

Từ năm 2009 đến đầu năm 2010, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn hai huyện miền núi Vĩnh Thạnh và An Lão đã xảy ra 45 vụ tự tử (chủ yếu là đồng bào dân tộc H’rê và Bana) làm 27 người chết, 16 người khác được cứu sống nhờ phát hiện kịp thời. Vấn nạn tự tử được các cơ quan chức năng của các huyện miền núi đánh giá là tăng đột biến so với trước, là điều trăn trở của lãnh đạo huyện.

 

Một góc thôn 3, xã vùng cao An Toàn huyện An Lão. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

Trước khi chúng tôi đi tìm nguyên cớ của vấn nạn này, một đồng chí lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh khuyến cáo: “Tình trạng tự tử của bà con diễn ra rất phức tạp, nhạy cảm. Các đồng chí nên khéo léo trong cách tiếp cận, không chừng bà con tưởng đó là việc không xấu… thì nguy lắm!”.

* Nỗi buồn sơn cước

Tháng 5. Trời Vĩnh Thạnh nắng như đổ lửa. Những cơn gió mang cái nóng oi ả của miền núi cao hất từng cơn vào đoàn công tác chúng tôi, khiến ai nấy đều tỏ ra mệt nhoài, mờ cả mắt. Đón chúng tôi tại trụ sở còn ngổn ngang vôi vữa đang được đầu tư nâng cấp, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận, ông Đinh Phík, lên tiếng: “Cúp điện rồi!”. Trong cái nóng hầm hập, ông Phík dẫn dắt chúng tôi vào một câu chuyện về cái chết chưa nguôi ngoai nỗi đau của một phụ nữ trẻ sống ở Làng 4. Lấy chồng ở tuổi chưa tròn trăng, Đinh T. H. (sinh năm 1991) cứ ngỡ rằng cuộc đời mình sẽ đẹp như mơ. Song niềm vui không tày gang, sự nghèo khó khiến cho hạnh phúc mong manh của vợ chồng H. luôn bị đe dọa. Rồi đứa con thứ 2 chào đời, trước những lo toan của cuộc sống thường nhật, sự mâu thuẫn vợ chồng càng nhiều, chồng H., nản lòng quay sang bầu bạn với rượu, bỏ bê nương rẫy. Đôi vai gầy của H. phải cáng đáng thêm nhiều việc. Giận chồng, uất ức, H. đã quyên sinh ở tuổi 18, để lại hai đứa con thơ nheo nhóc.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở huyện An Lão, chúng tôi được nghe nhiều trường hợp tự tử xuất phát từ những lý do hết sức giản đơn. Như chuyện có em học sinh đòi gia đình mua xe máy, cha mẹ không mua vì không có tiền, thế là buồn, thắt cổ chết. Rồi có chuyện cô gái từ chối tình yêu của chàng trai H’rê bằng câu nói “mày uống nhiều rượu, tao không yêu!”, vậy là cõi lòng tan nát và trong phút bồng bột, chàng đã uống thuốc tự tử. Có vị là lãnh đạo cấp xã, cảm thấy thành tích trong công tác của mình không hơn thuộc cấp, xấu hổ, nghĩ quẩn rồi tìm cách chết (!). Đỉnh điểm của vấn nạn tự tử ở huyện An Lão là vào thời điểm hơn 10 năm về trước; chỉ tính riêng thôn Thuận An, xã An Tân trong những năm ấy mỗi năm bình quân có 10 vụ tự tử mà đối tượng chủ yếu là học sinh và lý do đơn giản chỉ vì “không chịu nổi” sự rầy la của cha mẹ. 

* Tập tục lạc hậu

Trong những câu chuyện về tập tục lạc hậu của đồng bào miền núi hôm nay, lại có thêm vấn nạn tự tử. Theo những người có uy tín trong cộng đồng, từ xa xưa trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có chuyện tự tử, song rất hiếm và rơi vào những trường hợp người già neo đơn, bệnh tật. “Giờ thì tự tử như một loại dịch bệnh, phát triển rất nhanh. Họ muốn chết, mình không kịp trở tay; sẵn có thuốc diệt cỏ trong nhà, uống vào là xong!”, Đinh Hnhao, cán bộ xã Vĩnh Thuận, chua chát nói. Hầu hết những trường hợp tự tử đều ở trong độ tuổi lao động, có hoàn cảnh gia đình khó khăn; hình thức tự tử phổ biến nhất là uống thuốc diệt cỏ và thắt cổ. 

Tự tử trong cộng đồng người dân tộc thiểu số là một hiện tượng xã hội phức tạp, tạo nên những hệ lụy xấu, tác động không nhỏ đến đời sống tâm lý xã hội ở vùng cao. Qua nghiên cứu điền dã, chúng tôi nhận thấy việc tự tử có dấu hiệu của hiện tượng lây lan tâm lý cộng đồng trong quan hệ xã hội của người miền núi. Hơn nữa, đặc tính sống khép kín, ít biểu lộ cảm xúc của đồng bào miền núi, nhất là những sự việc có tính tế nhị trong sinh hoạt gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi tiêu cực. Khi những tâm tư không được cởi mở, chia sẻ và đến lúc không giải quyết được mâu thuẫn trong nội bộ gia đình thì họ tìm đến cái chết. Cả những xung đột nhỏ giữa những cá nhân khi phát sinh đã không được giải quyết kịp thời cũng dễ tạo nên tâm lý bi quan, dẫn đến hành động cực đoan.

Yếu tố xúc tác không kém phần quan trọng để họ mạnh dạn kết liễu cuộc đời mình là tập quán uống rượu của người miền núi. Ông Đinh Yang Kinh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh, khẳng định: “Rượu là một trong những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc tự tử. Không chỉ bó hẹp trong không gian lễ hội hay sinh hoạt văn hóa truyền thống, uống rượu giờ đây đã bị lạm dụng, thậm chí trở thành nhu cầu thường xuyên của một số người. Hơn nữa, người miền núi tính tự ái rất cao, một khi họ cảm thấy xấu hổ vì một điều gì đấy, lại nghĩ đến chuyện tự tử”.   

Bên cạnh đó, sự hưởng thụ thành quả văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số còn thấp nên ảnh hưởng nhất định trong việc ứng xử giữa các mối quan hệ cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng và khi xảy ra chuyện “không ưng cái bụng” thì họ dễ rơi vào hành vi lệch lạc. Tập quán và kỹ năng sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp, nghèo khó cũng được xác định là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến vấn nạn tự tử…

 

Mặt trận và các đoàn thể cùng với chính quyền các cấp cần hướng hoạt động nhiều hơn về cơ sở, vùng sâu, vùng xa.

- Trong ảnh: Cán bộ Hội Chữ thập đỏ vượt sông đến với làng O3 Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh). Ảnh: Trang Xuân Chi

 

* Đi tìm lời giải

Trước tình hình vấn nạn tự tử vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ ngày càng lan rộng và trở thành một tập tục xấu, Huyện ủy An Lão đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/HU, ngày 21.9.1998 về việc “Đẩy mạnh công tác phòng ngừa và ngăn chặn nạn tự tử, tự sát trong quần chúng nhân dân” và lập Đề án số 02/ĐA-UBND, ngày 10.4.2000 của UBND huyện về “Phòng ngừa ngăn chặn tệ nạn tự tử, tự sát vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Trên cơ sở đó, hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đã xác định nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới. Nhờ thế thời gian đầu đã mang lại hiệu quả tích cực nhưng những năm gần đây, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Phóng, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy An Lão: “Có một số ngành đã lỏng tay trong công tác phối hợp thực hiện Đề án nên tình trạng tự tử bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại”.

Hiện tại trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang triển khai thực hiện đồng thời nhiều chủ trương, phong trào do vậy cần có sự phối hợp, lồng ghép giữa các phong trào như: xây dựng và thực thi hương ước, làng văn hóa, xây dựng nếp sống lành mạnh địa bàn khu dân cư, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc… Tuy mỗi phong trào, mỗi chủ trương có những nội dung và phạm vi tác động ít nhiều khác biệt nhưng nó đều hướng vào người dân, nếu biết lồng ghép tốt thì tạo nên sức mạnh tổng hợp, hiệu quả. Khai thác triệt để mặt tích cực của luật tục ở khía cạnh hòa giải các mối quan hệ cộng đồng, quan hệ hôn nhân và gia đình, các mâu thuẫn và xung đột ở mức không nghiêm trọng, giữ gìn các thuần phong mỹ tục…  

Để hạn chế và ngăn chặn vấn nạn tự tử, Mặt trận và các đoàn thể cùng với chính quyền các cấp cần hướng hoạt động nhiều hơn về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; vận động và giúp bà con xây dựng đời sống ấm no ở từng cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, cần sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục sinh động, thiết thực, phù hợp với đặc điểm đồng bào từng dân tộc sao cho họ dễ nghe, dễ hiểu và dễ tiếp thu.

Điều quan trọng hơn là cần nâng cao kỹ năng sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc phổ biến sách, báo, các ấn phẩm văn hóa bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc; tổ chức nhiều chương trình truyền hình, truyền thanh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các đội thông tin tuyên truyền lưu động đến với các vùng, các xã đặc biệt khó khăn; huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư, phát triển, xóa đói, giảm nghèo nhanh vùng dân tộc và miền núi. Có chính sách động viên, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển lực lượng nòng cốt trong công tác vận động bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu.

Trời nhá nhem, chúng tôi tạm biệt vùng rừng núi đại ngàn trở về xuôi, bỏ lại sau lưng bóng đêm đang chiếm dần không gian, trong lòng đau đáu câu nói của vị lãnh đạo xã Vĩnh Thuận: “Cán bộ coi có cách nào giúp, sao làng mình có nhiều đứa muốn chết quá!”.

  • Quốc Việt
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phải nghĩ cách để nông dân mình bớt nhọc nhằn  (29/05/2010)
Bài 1: Về Bình Định, sự gặp nhau của các thế hệ  (27/05/2010)
Hấp dẫn hàng si   (23/05/2010)
Văn hóa là cầu nối giúp tôi gần dân hơn  (24/05/2010)
Về vựa heo miền trung du  (16/05/2010)
Thị trấn trên đất kinh cũ  (16/05/2010)
“Mục đích của sáng tạo là làm cho việc dạy và học hiệu quả hơn”  (15/05/2010)
Phải biết đánh thức tấm lòng ở người thầy thuốc   (09/05/2010)
Vạm vỡ Quy Nhơn   (04/05/2010)
Cao nguyên du mục   (02/05/2010)
Phải tròn vẹn lý-tình  (01/05/2010)
“Hoa” của đá  (03/05/2010)
Miệt mài cố sự quê hương   (25/04/2010)
Trên đỉnh Cù Mông  (19/04/2010)
Người 2 lần đạt giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc   (18/04/2010)