Để hướng tới kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn 3- Sao Vàng, 35 năm giải phóng tỉnh Bình Định và giải phóng hoàn toàn Miền Nam; Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn khu vực Hà Nội chúng tôi đã chủ trương đề xuất 2 công trình tình nghĩa: Một là, Biên soạn Tập 3 cuốn sách “ Ký ức Sư đoàn”. Hai là, Nghiên cứu để trình với các tỉnh phía Nam xây dựng một số Bia Tưởng niệm, ghi chiến công của Sư đoàn và quân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu Nước. Việc biên soạn sách thì chúng tôi đã có kinh nghiệm. Song, việc thứ hai mới khó khăn, phải cân nhắc, bàn bạc kỹ. Vì vậy, Thường trực Ban Liên lạc cử 4 anh em chúng tôi: Lê Anh Sáng, Trưởng Ban; tôi, Phó Ban và các đồng chí Đặng Thanh Hiểu, Khuất Duy Khang trở về Bình Định, nơi Sư Đoàn đã từng 10 năm gắn bó máu thịt, báo cáo với lãnh đạo địa phương và các cơ quan chức năng, nghiên cứu để cùng thực hiện sứ mệnh thiêng liêng ấy.
|
Đoàn cựu chiến binh chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn. Ảnh: N.T
|
Để bảo đảm cho chuyến đi, Thường trực Ban Liên lạc đã chuẩn bị cả năm trời, từ việc nghiên cứu quy trình thực hiện việc xây dựng bia di tích; tổ chức một nhóm cán bộ nghiên cứu xây dựng hồ sơ các di tích, bao gồm những đồng chí đã từng chiến đấu nhiều năm ở chiến trường, am hiểu lịch sử Sư đoàn; các đồng chí đã tham gia viết Lịch sử, làm phim Truyền thống Sư đoàn, làm công tác Bảo tồn-Bảo tàng của Quân đội … Sau đó tổ chức nhiều hội nghị để thống nhất nội dung các văn bản và bàn kế hoạch thực hiện. Hồ sơ gồm: Lịch sử chiến công các di tích, tóm tắt nội dung khắc bia, các bản vẽ thiết kế và tờ trình lãnh đạo các tỉnh.Về tài chính, chuẩn bị một số tiền khả dĩ có thể xây dựng một số bia với quy mô khiêm tốn…
Với hành trang như vậy là khá chu tất, nhưng chúng tôi vẫn chưa dám chắc thuận lợi, bởi vì: Xây dựng bia là phải do địa phương chủ trì, là đụng tới đất đai, kinh phí… Liệu tỉnh có đồng thuận không? Điều kiện kinh tế địa phương còn bao nhiêu việc phải làm, phải cần đến kinh phí. Và rồi, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp hiện nay hầu hết là thế hệ trẻ, có chung nhận thức và đồng cảm với những ý tưởng của chúng tôi hay không… Tuy vậy, đã từng sống, chiến đấu ở chiến trường Miền Trung suốt thời đánh Mỹ, chúng tôi có đức tin và dự cảm tốt đẹp vào TÌNH ĐẤT – TÌNH NGƯỜI của miền quê ấy.
Quả không sai, ngay hôm chúng tôi đến Bình Định, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức tiếp đón rất chu đáo. Hôm dự Hội nghị tại Sở Văn Hóa-Thể thao và Du lịch Tỉnh với các sở, ban, ngành có liên quan. Các đồng chí lãnh đạo các sở đã nhất trí cao, cho rằng: với Sư Đoàn Ba dù có xây dựng bao nhiêu công trình lưu niệm cũng không đủ. Đồng chí Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Tỉnh còn đề xuất: “Xây một Nhà Tưởng niệm tại Bình Định thật đàng hoàng, có khắc tên các liệt sĩ Sư Đoàn Ba –Sao Vàng để mọi người đến thăm viếng, kiểu như ở Bến Dược, Thành Phố Hồ Chí Minh”…Qua nhiều ý kiến, chúng tôi phải nói rõ thêm: Việc xây dựng Bia là để tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí, kể cả Sư đoàn 3 – Sao Vàng cùng Quân và dân Bình Định, không phải xây riêng cho Sư đoàn .
Hôm làm việc với Ban Quản lý Di tích Tỉnh, Anh Thọ - Trưởng Ban hồ hởi tiếp chúng tôi như người thân từ trước (mặc dù đây là lần đầu tiên gặp mặt). Anh thông báo và đưa cho chúng tôi danh sách 10 Di tích có liên quan trực tiếp đến những chiến công của Sư đoàn. Anh say sưa kể: Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân quan tâm tới việc này lắm. Các bác vào đây là đúng dịp. Mới rồi, Bảo tàng Lịch sử Quân sự cử cán bộ vào khảo sát các địa bàn đánh quân Đại Hàn để xây dựng di tích. Có tài liệu lần này của các bác, chắc chắn lãnh đạo Tỉnh sẽ rất mừng …
Nhận những thông tin ấy, đúng là: “Được lời như cởi tấm lòng”. Mọi băn khoăn, dự đoán không thuận lợi của chúng tôi được giải tỏa. Tôi thấy ân hận với những nghi ngại của mình. Thì ra, Tỉnh đã nghĩ và làm việc này từ hàng chục năm nay. Đúng là một vùng quê cách mạng, một vùng quê ân tình.
Khi làm việc với lãnh đạo Tỉnh, mặc dù đang lúc triển khai rất nhiều việc, nhưng đồng chí Năm Hà - Ủy viên Trung Ương Đảng - Bí thư Tỉnh Ủy, rồi đồng chí Hai Thiện- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh đều dành cho đoàn chúng tôi sự tiếp đón ân cần, coi chúng tôi như những người thân ở xa mới về. Các anh tâm sự : Những ngày Sư đoàn 3 đánh Mỹ ở Bình Định, chúng tôi còn rất trẻ. Ấn tượng về các bác là dám đánh Mỹ ở Chợ Cát, Xuân Sơn, Thuận Ninh, Hoài Ân… Dần lớn lên, theo các cô, dì đi làm Cách mạng… Những chiến công của Sư đoàn Sao Vàng trên đất Bình Định không ai là không biết. Anh Năm Hà còn cho hay, chính anh, khi làm Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã trực tiếp chỉ đạo xây Ngôi Mộ tập thể 153 liệt sĩ tại thị trấn Đập Đá để tri ân các chiến sĩ của Sư đoàn và đồng bào đã hy sinh tại thôn Phương Danh Nam trong dịp Mậu Thân 1968. Các anh cho biết, dù đã xây được một số Bia ghi chiến công của Sư đoàn, nhưng chưa thỏa lòng mong muốn của bà con. Hôm nay các bác vào đặt vấn đề như vậy là tiếp sức thêm cho Tỉnh, là hợp với lòng người Bình Định. Các anh còn đề nghị với chúng tôi: Trước khi làm việc này các bác cần đi gặp các “Cụ” Lão thành cách mạng của Tỉnh, nói rõ ý định và xin ý kiến các “Cụ” để tạo sự đồng thuận của các thế hệ lãnh đạo. Với cử chỉ này, chúng tôi thấy rõ những nghĩa cử đầy chất nhân văn của các nhà lãnh đạo Tỉnh.
Thống nhất cách làm với các anh, chúng tôi đã gặp và làm việc với bác Nguyễn Trung Tín, nguyên Ủy viên Trung Ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh Ủy Bình Định, người đã từng “cà răng, căng tai”(1) để “Ở lại với dòng sông”(2) mà không tập kết ra Bắc; người đã từng quyết định cho Trung đoàn 2 của Sư Đoàn những “rẫy mỳ (sắn) cách mạng” của Tỉnh trong khi Tỉnh cũng đang rất thiếu lương thực, để cho Trung đoàn có thêm lương thực, huấn luyện bộ đội, chuẩn bị xuống đồng bằng “Diệt kẹp, giành dân” năm 1969; Người đã từng làm Chính ủy Mặt trận Bình Định, cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn lãnh đạo quân và dân Tỉnh nhà lập nên chiến công vang dội Xuân Hè 1972 ở Bắc Bình Định… Năm nay Bác đã 86 tuổi, chân đi không vững, người nhà phải dìu Bác. Khi biết chúng tôi là cựu chiến binh Sư đoàn 3-Sao Vàng. Bác vội vươn ra bắt tay chào đón, nhưng do sức yếu, Bác loạng choạng, tôi vội bước tới đỡ. Sức yếu nhưng trí tuệ Bác vẫn minh mẫn. Bác nghe chúng tôi báo cáo toàn bộ công việc một cách chăm chú. Nghe xong, Bác im lặng một lúc như suy ngẫm điều gì, rồi bỗng nhiên Bác nói to: “Phải làm như vậy, làm như vậy là rất tốt. Không thể lãng quên những người đã ngã xuống cho vùng đất này!” Đúng là một người trong cuộc, Bác điểm lại hầu hết các trận đánh lớn nhỏ của Sư đoàn từ Bắc đến Nam tỉnh Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ. Cuối cùng, Bác nhờ qua chúng tôi nói lại với Tỉnh là Bác hoàn toàn nhất trí đặt bia “Chiến thắng Bắc Bình Định” ở Đệ Đức, bia “Chiến thắng Đường 19” ở ngả 3 Vườn Xoài. Phải chọn nơi đẹp nhất, trang trọng nhất, thuận tiện cho nhiều người qua lại viếng thăm mới có ý nghĩa giáo dục sâu rộng, lâu dài…Trước lúc chia tay, Bác tặng chúng tôi 2 tập Hồi ký của mình.
Chúng tôi tiếp tục đến thăm và xin ý kiến bác Đinh Bá Lộc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội; bác Phạm Chí Công (tức Diên An), nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định. Các bác đều ngoài 80 tuổi nhưng còn khỏe mạnh và nhiệt thành. Là những người đã gắn bó với Sư đoàn nhiều năm trong kháng chiến chống Mỹ, sát cánh với Sư đoàn trong nhiều chiến dịch. Các bác không những nhất trí với những đề xuất của chúng tôi lập 2 Bia, mà còn nhắc cho chúng tôi những chiến công khác của Sư đoàn trên chiến trường Bình Định. Với giọng sôi nổi, bác Đinh Bá Lộc say sưa kể về những kỷ niệm của mình với Trung đoàn 12 ở Khu Đông, Xuân Mậu Thân (1968). Nhắc tên từng đồng chí cán bộ Trung đoàn, từ anh Nguyễn Duy Thương, anh Lê Huẩn, anh Nguyễn Văn Vợi đến anh Nguyễn văn Hồng, anh Hoài… với lòng kính phục. Bác đề nghị Sư đoàn nên bàn với Tỉnh dựng một bia chiến tích ở Núi Bà để vinh danh những chiến sĩ Sư đoàn và đồng bào đã ngã xuống ở nơi đây. Bác Diên An thì kể về những kỷ niệm với Trung đoàn 22 (Sư đoàn 3-Sao Vàng) trong những ngày đầu đánh Mỹ ở Chợ Cát, Bồng Sơn (lúc đó Bác làm Huyện Đội Trưởng huyện Hoài Nhơn), cũng nhắc tới những cán bộ của Trung đoàn thời đó, từ anh Hồ Sĩ Lộc, anh Nguyễn văn Luyện, anh Quang Tuyển, anh Trần Chinh… Cuối cùng, Bác đề nghị chúng tôi báo cáo với Tỉnh dựng một tượng đài tại Chợ Cát để ghi nhớ chiến công oanh liệt của quân dân ta. Bác nói rằng, lúc bấy giờ (năm 1966), báo chí Mỹ, Nhật liên tục viết bài, đăng ảnh xác lính Mỹ chất đầy giao thông hào ở Chợ Cát, ảnh lính Mỹ dìu nhau chạy khỏi Bồng Sơn, làm chấn động Lầu Năm Góc.
Ở tuổi 84 mà bác nhớ được như vậy, hẳn là phải có một tình yêu sâu sắc với Sư đoàn, một sự nhớ tiếc khôn nguôi đối với những hy sinh của bộ đội.
Gặp được các “Cụ” lão thành cách mạng với những phẩm cách ngời sáng như vậy, mỗi chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động.
Nguyên chiến sĩ Sư đoàn 3 – Sao vàng
1 “Cà răng, căng tai” là một phong tục của đồng bào dân tộc miền Tây tỉnh Bình Định (răng phải cà cho mòn sát lợi, tai đeo vòng). Những năm đầu đánh Mỹ, bác Tín là người Kinh, được phân công hoạt động vùng cao để xây dựng cơ sở Cách Mạng. Bác tự cà răng và căng tai như đồng bào
2 “Ở lại với dòng sông” là tên bộ hồi ký 2 tập của bác Nguyễn Trung Tín. NXB Văn học, năm 2008
|