BÌNH ĐỊNH - TÌNH ĐẤT, TÌNH NGƯỜI
Bài 2: Đi tìm nơi đặt bia di tích
10:26', 2/6/ 2010 (GMT+7)

Những ngày tiếp theo, chúng tôi đến thực địa để xác định vị trí đặt bia. Cùng đi có đại diện các ban, ngành chức năng từ tỉnh, huyện như: Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, Quản lý Di tích, Ban Chỉ huy Quân sự, Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 3-Sao Vàng ở tỉnh Bình Định và chính quyền địa phương sở tại.

Tại Đệ Đức, nơi đặt Bia và khuôn viên có liên quan đến địa phận Giáo xứ Nhà thờ Giốc. Các đồng chí địa phương cho biết, trước đây, có công ty đã xin xây dựng khu kinh tế, bà con giáo dân không đồng ý, nhưng nếu xây dựng công trình văn hóa-xã hội, nhất là dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Sư đoàn 3-Sao Vàng thì chắc rằng đồng bào sẽ ủng hộ. Tuy vậy, chúng tôi cũng tìm một vị trí dự bị ở bên cạnh Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hoài Tân. Trên Đường 19, đồng chí Chủ tịch xã Tây Thuận nói: Bộ đội muốn đặt bia ở đâu cũng được, lấy bao nhiêu đất cũng đồng ý… Tại đây, vị trí đặt bia thoáng, rộng, có thể nhìn được từ xa, đón khách từ Quy Nhơn lên, khách từ Kon Tum, Gia Lai xuống và từ Khu công nghiệp, thủy điện Vĩnh Sơn ra.

Từ Ngả 3 Vườn Xoài, chúng tôi ngược đỉnh đèo Thượng Giang lên điểm cao 638 – chốt Cây Rui năm xưa. Ở đây, Chiến dịch Xuân 1972, Trung đoàn 12 đã trụ bám kiên cường suốt 18 ngày đêm, chịu biết bao bom đạn và sự tàn bạo của của Sư đoàn “Mãnh Hổ” Nam Triều Tiên. Nơi mà Tiểu đoàn 6 đã mất gần 2 đại đội, Tiểu đoàn 5 cũng mất gần một nửa quân số, nhưng vẫn “ Đứng vững như bàn thạch” (điện khen của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp). Giờ đây dấu tích của chiến tranh không còn. Chốt Cây Rui năm nào đã được phủ trên mình một màu xanh bạt ngàn của rừng thông, bạch đàn… Nhưng chúng tôi biết rằng, lẫn dưới lớp đất, đá ấy vẫn còn biết bao máu xương của đồng đội… Lá thông đón gió tấu lên bản nhạc lúc bổng, lúc trầm như đang vỗ về, an ủi hàng ngàn linh hồn liệt sĩ đã ngã xuống để cắt giao thông trên con đường huyết mạch này.

Giữa trưa hè nóng bỏng của miền Trung, thấy chúng tôi cứ đi thoăn thoắt, trung tá Cao Thành Đức, cán bộ Chính sách được Bộ Chỉ Huy Quân sự Tỉnh cử đi đã phải thốt lên:

- Cháu chịu thua các bác, các chú thôi! Trải qua bao năm kháng chiến gian khổ, đã trên dưới 70 tuổi cả rồi mà các bác leo núi cứ băng băng!

Đồng chí Hiểu, thành viên của Đoàn nói vui :

- Bọn mình đi có hơn 2 vạn “Âm Binh” của Sư đoàn phù trợ nên các anh không theo kịp là phải thôi!

Có lẽ rằng, biết chúng tôi là đồng đội, đi làm việc nghĩa, nên đã được “Âm phù - Dương trợ”, vì thế luôn mạnh khỏe và may mắn!

Nhiệm vụ cơ bản của chuyến đi đã hoàn thành, chúng tôi trở về Quy Nhơn, cùng các cơ quan chức năng làm Tờ Trình lên lãnh đạo Tỉnh. Một lần nữa, anh Năm Hà, anh Hai Thiện đánh giá cao sự nỗ lực của chúng tôi. Trong câu chuyện tâm tình, anh Năm nói: Tôi ít thấy Ban Liên lạc nào lại làm được những việc chu đáo như các bác, rồi Anh khẳng định: Tỉnh Bình Định sẽ đầu tư xây dựng Nhà Bia đàng hoàng. Anh Sáng, Trưởng đoàn của chúng tôi tiếp lời: Việc đề xuất xây Bia tưởng niệm là tâm nguyện của cựu chiến binh Sư đoàn trong cả nước, nay các đồng chí đã cho ý kiến như vậy, chúng tôi rất tâm đắc và xin đề nghị: Tỉnh xây Bia quy mô thế nào là do các đồng chí quyết định, nhưng cựu chiến binh của Sư đoàn xin tham gia đóng góp một phần kinh phí theo khả năng và thiện tâm của mình; coi đó là nén nhang thơm gửi tới hương hồn đồng chí, đồng đội, đồng bào mình.

Vậy là công việc chính trong chuyến đi chúng tôi đã hoàn thành. Ủy ban nhân dân Tỉnh đã có công văn giao cho Sở Văn Hóa,Thể Thao và Du Lịch phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự Tinh, Ban chấp hành Cựu Chiến Binh Tỉnh nghiên cứu báo cáo cụ thể. Mới đây, ngày 5.1.2010, Ủy ban Nhân dân Tỉnh đã ra Quyết định đầu tư xây dựng nhà bia ở Đệ Đức và ngả 3 Vườn Xoài, Đường 19 như đề xuất của Ban Liên lạc Sư đoàn 3- Sao Vàng. Thời gian hoàn thành có thể vào dịp ngày 2.9.2010.

Việc chọn ngày 2.9.2010 (kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Sư Đoàn 3- Sao Vàng ) để khánh thành Nhà Bia, một lần nữa nói lên Tình đất, Tình người Bình Định đối với Sư đoàn là vô cùng cao quý. Càng sâu sắc hơn, bởi tháng 11 năm 2009 vừa rồi, tỉnh Bình Định đã phải chịu những thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra. Tôi thầm nghĩ: Đảng bộ và nhân dân Bình Định không chỉ xứng đáng ngàn lần Anh Hùng trong kháng chiến, mà còn xứng đáng ngàn lần trong “Đền ơn, đáp nghĩa”, trong sự vươn lên để xây dựng quê hương, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn đổi mới toàn diện, phát triển bền vững…

  • Đại tá Nguyễn Văn Tạo

Nguyên chiến sĩ Sư đoàn 3 – Sao vàng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hóa giải tập tục lạc hậu  (30/05/2010)
Phải nghĩ cách để nông dân mình bớt nhọc nhằn  (29/05/2010)
Bài 1: Về Bình Định, sự gặp nhau của các thế hệ  (27/05/2010)
Hấp dẫn hàng si   (23/05/2010)
Văn hóa là cầu nối giúp tôi gần dân hơn  (24/05/2010)
Về vựa heo miền trung du  (16/05/2010)
Thị trấn trên đất kinh cũ  (16/05/2010)
“Mục đích của sáng tạo là làm cho việc dạy và học hiệu quả hơn”  (15/05/2010)
Phải biết đánh thức tấm lòng ở người thầy thuốc   (09/05/2010)
Vạm vỡ Quy Nhơn   (04/05/2010)
Cao nguyên du mục   (02/05/2010)
Phải tròn vẹn lý-tình  (01/05/2010)
“Hoa” của đá  (03/05/2010)
Miệt mài cố sự quê hương   (25/04/2010)
Trên đỉnh Cù Mông  (19/04/2010)