Tham gia cách mạng từ thời niên thiếu, có thời gian học tập ở Trường Đoàn Kôm- xô- môn Liên Xô, bạn bè anh nhiều người làm cán bộ cấp cao ở trung ương, làm bí thư, phó bí thư tỉnh ủy... riêng anh, một đời gắn bó với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE). Năm 1972, lúc mới 22 tuổi, anh là cán bộ Ban Thiếu nhi trường học Tỉnh Đoàn Bình Định. Cho đến tận bây giờ, sau 38 năm công tác, quanh đi quẩn lại, anh vẫn làm công tác BVCSTE với chức danh Trưởng phòng BVCSTE thuộc Sở LĐTB&XH. Anh là La Quang Ánh.
|
Anh La Quang Ánh (bìa trái) tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6.2010. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
- Suốt một đời làm công tác BVCSTE, có khi nào anh cảm thấy chạnh lòng khi so sánh với bạn bè cùng trưởng thành trong kháng chiến và trong phong trào đoàn giờ đang làm “ông này bà nọ”?
Ồ không, tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi yêu công việc mình đã và đang làm. Tôi cho rằng đời người cái đáng quý là một sự nghiệp chứ không phải là làm đến chức gì. Trên khía cạnh đó, tôi cũng đã có một sự nghiệp nho nhỏ trong cuộc đời mình: sự nghiệp gắn cuộc đời với công tác BVCSTE. Tôi tin có nhiều bạn, nhất là những bạn từng là trẻ em bất hạnh vẫn nhớ đến tôi. Thiếu gì những “ông này bà nọ” khi nghỉ hưu, sự nghiệp chỉ còn là những điều tiếng.
- Điều gì khiến anh gắn bó với công việc BVCSTE đến như vậy?
Tôi yêu trẻ em. Bản thân tôi lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh. 14 tuổi đã tham gia cách mạng, làm thủ lĩnh thiếu niên nhi đồng, tôi không có được một tuổi thơ bình yên, đẹp đẽ. Tôi mong muốn các em thiếu nhi sống trong hòa bình được chăm sóc tốt để có được môt tuổi thơ hồn nhiên, vô tư, trong sáng như điều vốn có ở trẻ.
- Những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm công tác chăm sóc trẻ em của anh?
Có rất nhiều điều đáng nhớ, nhưng có lẽ kỷ niệm khó quên nhất là vào cuối năm 1974, tôi được Tỉnh Đoàn phân công về Ân Thạnh (Hoài Ân) cùng với địa phương lo tổ chức Đại hội Thiếu nhi thành đồng Tổ quốc đầu tiên của tỉnh (tương tự như Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ bây giờ). Lúc này, Ân Thạnh là địa phương giáp ranh giữa vùng giải phóng và vùng tranh chấp với địch. Tôi đã ở đó 3 tháng, cùng các em thiếu nhi sinh hoạt, luyện tập nghi thức, văn nghệ và chuẩn bị các nội dung cho Đại hội. Tuy địch thường xuyên đánh phá nhưng Đại hội vẫn diễn ra đúng kế hoạch, có cắm trại, trò chơi, văn nghệ... Tôi còn nhớ rõ, đêm văn nghệ, sân khấu có 2 cái đèn măng - sông, hễ nghe tiếng máy bay địch là cất đèn vào thùng thiếc. Bây giờ, những em thiếu niên ngày ấy cũng đã gần 50 tuổi và có dịp vẫn ghé đến thăm tôi.
Năm 1996, trong thời gian thực hiện Chương trình điều tra trẻ em lang thang ở Quy Nhơn, có lần tôi tiếp cận một em tên Vy, 12 tuổi - bán vé số, quê ở Huế. Em cho biết, đã từng ăn cắp vặt, đi ăn xin để nuôi mẹ… Tôi khuyên em cố gắng dành dụm tiền bán vé số để lo cho cuộc sống, đừng nên ăn cắp vặt, nếu có khó khăn thì gặp tôi để nhận sự tư vấn và giúp đỡ. Em vâng dạ ngoan hiền, nhưng sau khi ra về, em đã “mượn” ngay bộ đồ đi mưa trong giỏ xe của tôi. Em không biết rằng, lúc ấy đứng trên gác tôi đã nhìn thấy nhưng lờ đi… Đó là một kỷ niệm buồn!
Tôi thường nói với các cộng tác viên trong lĩnh vực BVCSTE rằng, trẻ lang thang là một hiện tượng xã hội, có hoàn cảnh và đặc điểm tương tự như nhau. Điều cần thiết trước tiên là phải hiểu để thông cảm, chia sẻ và giúp đỡ các em, đồng thời phải tìm cách giải quyết căn bản thực trạng trẻ em lang thang.
Trong quá trình công tác, anh La Quang Ánh đã có nhiều sáng kiến được đánh giá cao như: Tổ chức Hội trại đội viên xuất sắc toàn tỉnh (1989); tổng kết hoạt động Đội toàn tỉnh dưới hình thức dã ngoại, cắm trại, giao lưu với Hội đồng đội tỉnh bạn (1990); tặng học bổng cho trẻ em vượt khó học giỏi, đồng thời tổ chức cho các em đi thăm một số cơ quan trong tỉnh và gặp gỡ, giao lưu với các cán bộ cơ quan này, tạo động lực cho các em cố gắng (1991); tổ chức chuyến du khảo về nguồn bằng xe đạp cho các tổng phụ trách Đội đến các di tích lịch sử, cách mạng… trong tỉnh, sinh hoạt với các em thiếu nhi và người dân địa phương, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử và nghe họ kể chuyện, ghi chép thành tài liệu dùng để giáo dục truyền thống cho các em đội viên (1991). Đặc biêt, anh tham gia xây dựng Chương trình hành động Vì trẻ em của tỉnh (1994-2000) và bảo vệ trước đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, Ủy ban BVCSTE Việt Nam và Bộ Kế hoạch tại Đà Nẵng vào cuối năm 1993. Đây là mốc mở ra một hướng mới trong công tác BVCSTE của tỉnh, có kế hoạch, có chương trình hành động, có mục tiêu cụ thể chứ không phải làm tới đâu hay tới đó như trước.
- Theo anh, đâu là yếu tố quyết định cho sự thành công của công tác BVCSTE?
Với tôi, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ. Thời còn là Chủ tịch Hội đồng Đội của tỉnh, tôi chú trọng huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ tổng phụ trách Đội. Từ ý kiến tham mưu, đề xuất của họ, chúng tôi cùng bàn bạc, khi thống nhất thì triển khai. Vì thế, các chương trình, hoạt động công tác Đội luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ tổng phụ trách và đội viên.
Lĩnh vực truyền thông giáo dục trong công tác dân số gia đình và trẻ em chiếm đến 2/3 khối lượng công việc. Trong đó, tôi quan tâm nhiều nhất đến việc xây dựng, tổ chức và tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, bởi họ là những người tác động trực tiếp làm thay đổi suy nghĩ, hành vi của người dân.
|
“Tôi có nhiều niềm vui từ việc gắn bó với công tác trẻ em”. Ảnh: N.S |
- Còn điều khiến anh trăn trở trong công tác BVCSTE hiện nay?
Điều tôi trăn trở nhất là còn nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rất cần sự giúp đỡ nhưng nguồn lực của chúng ta thì có hạn. Hàng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em của tỉnh cũng chỉ có thể trao 250 suất học bổng (500 ngàn đồng/suất) cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, trong khi còn hàng ngàn em khó khăn cần học bổng để trang trải cho việc học tập. Năm 2010, tỉnh ta có 60 em được tài trợ mổ tim, trong khi danh sách có hơn 100 em, trong đó 1/3 cần được mổ sớm.
Công việc của anh là tổ chức vận động và phối hợp thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em như: phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, mổ tim bẩm sinh; vận động các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp, các cá nhân có lòng hảo tâm đóng góp quỹ Bảo trợ trẻ em của tỉnh, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… “Có những trẻ bị bệnh tật mà gia đình đã tuyệt vọng, mặc cho số phận, chúng tôi phải thuyết phục mãi họ mới chịu cho con đi khám và phẫu thuật. Khi sức khỏe của các cháu được hồi phục thì gia đình mới hiểu ra. Đó cũng là niềm vui và hạnh phúc của những người làm công tác BVCSTE như tôi” - anh tâm sự.
- Được biết, chưa nghỉ hưu nhưng anh đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh. Đó là do anh xung phong hay bị “ấn” vào?
Cách đây mười mấy năm, tôi và bác sĩ Trần Như Luận (hiện là Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe) là những thành viên trong ban vận động thành lập Hội này. Năm 2003, Đại hội thành lập Hội, tôi là ủy viên BCH. Vì thế, trước Đại hội Hội lần thứ II hồi đầu năm, khi được giới thiệu vào danh sách nhân sự chức danh chủ chốt, tôi vui vẻ nhận lời bởi trước đó, tôi đã có ý định khi về hưu sẽ tham gia công tác trẻ em, từ thiện ở địa phương.
* Các công tác anh La Quang Ánh đã trải qua: Cán bộ ban Thiếu nhi trường học, Trưởng Ban tuyên huấn Tỉnh Đoàn Nghĩa Bình, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bình Định, kiêm ủy viên Thường trực Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng tỉnh, Trưởng phòng Tuyên truyền - Giáo dục Ủy ban BVCSTE tỉnh, Trưởng phòng BVCSTE thuộc Sở LĐTB & XH.
* Những thành tích đạt được: Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy chương: Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp BVCSTE, Phụ trách giỏi; Bằng khen của Trung ương Đoàn, Ủy ban DSGD & TE Việt Nam, UBND tỉnh; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2009. Đang được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. |
- Làm công tác BVCSTE là “cho” nhiều hơn “nhận”. Vậy mà anh đa mang cả khi đã đến tuổi nghỉ hưu…
Cái mà tôi “nhận” được là niềm vui. Niềm vui từ việc đi tặng quà, kêu gọi giúp đỡ được những em có hoàn cảnh khó khăn. Theo tôi, làm công tác nhân đạo, từ thiện có 2 nhóm: người có của, muốn cho nhưng không có điều kiện đi cho và người có công đi trao cho người cần. Tôi thuộc nhóm thứ hai này. Tôi còn một niềm vui khác là viết báo tuyên truyền cho công tác BVCSTE. Liên tục 20 năm qua, tôi là cộng tác viên tâm đắc của Đài PT-TH Bình Định và Báo Bình Định, chỉ với duy nhất mảng đề tài công tác thiếu niên, nhi đồng và BVCSTE!
Mà có người nói trông tôi trẻ hơn tuổi (cười), có lẽ cũng nhờ thường xuyên gần gũi với trẻ em đấy!
Chính nhờ gắn bó trọn đời với công tác thiếu niên nhi đồng nên anh Ánh bảo, mỗi khi đến ngày 1.6 hay Tết Trung thu, anh thấy mình cũng rộn ràng như các em, nhưng là rộn ràng với những công việc để phục vụ các em.
- Xin cảm ơn anh!
|