Anh hùng lỡ vận
21:8', 6/6/ 2010 (GMT+7)

Tôi có nhiều duyên nợ với xã từng 2 lần được phong anh hùng ở huyện An Nhơn này bắt đầu từ những người bạn thân. Những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi lần đi thăm bạn, tôi thường mang theo túm đồ biển; hoặc sò, xìa hoặc ghẹ, mực. Uống rượu với bạn bè xong thì ngủ lại với Nhơn Khánh. Nhiều lần như thế, tôi trở nên thân thiết với đội ngũ cán bộ xã rồi thân quen với mảnh đất này… Giờ trở lại Nhơn Khánh, tôi bất chợt buồn và liên tưởng đến câu ca dao: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng…”.

 

Nhơn Khánh chỉ anh hùng với thời đại “Con trâu đi trước...”.

 

Nằm kẹp giữa hai nhánh sông Côn, có người ví Nhơn Khánh như một trang sách mở, người lại thích nhìn Nhơn Khánh với hình tượng con cá chép đang bơi… Song dù với hình tượng nào thì sự “cận giang” đã cho Nhơn Khánh một lợi thế lớn khi có gần 550 ha đất đai được phù sa bồi đắp. Và có lẽ thế, trong giai đoạn thực hiện chủ trương xây dựng huyện, tăng cường cấp huyện và nông nghiệp được coi là mặt trận hàng đầu, Nhơn Khánh đã phát huy được thế mạnh về đất đai và nguồn nhân lực của mình để trở thành điển hình tiên tiến, thành một trong 3 HTX Anh hùng Lao động đầu tiên trong toàn quốc sau giải phóng. Năm 2002, xã lại được phong Anh hùng LLVT.

* Một thời vang bóng

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi bắt đầu quen với “đường đi lối về” của Nhơn Khánh khi thường xuyên chơi với bạn học rồi bạn dạy ở trường cấp 2. Ấy cũng chính là thời vàng son của mảnh đất này. Trong cơ chế kinh tế HTX, Nhơn Khánh bắt đầu “phất” lên. Cái gì Nhơn Khánh cũng số một. Năm 1984, trong khi toàn huyện An Nhơn ló lên tốp đầu gồm 12 HTX nông nghiệp đạt năng suất 80 tạ/ha thì Nhơn Khánh vượt hẳn lên với năng suất bình quân 130 tạ/ha, một số đội sản xuất đạt năng suất 200 tạ/ha! Thời điểm ấy, hệ thống hồ, đập thủy lợi chưa được xây dựng một cách bài bản, nhiều xã ở huyện An Nhơn khát nước, ruộng đất chỉ làm được mỗi năm một vụ, gieo sét gặt vun, thì Nhơn Khánh đã xây được một hệ thống trạm bơm đảm bảo đủ nước tưới cho 90% diện tích; xây dựng được nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất gồm hệ thống nhà kho, sân phơi hoành tráng bậc nhất trong tỉnh; nhiều máy cày, máy kéo, máy xay xát; rồi tiến độ cải tạo đồng ruộng gắn với làm giao thông, thủy lợi được đẩy nhanh… cùng với sự ra đời của một số lò sản xuất gạch ngói…

Khái niệm “Sin hóa, Zê bu hóa đàn bò” người nông dân Nhơn Khánh cũng được tiếp cận đầu tiên so với những nông dân ở các vùng khác khi từ năm 1984, bê Sin đầu tiên của tỉnh ra đời bắt đầu từ Nhơn Khánh.

Năm 1985, tôi về công tác ở Báo Bình Định và tiếp cận bài ở thể loại điều tra đầu tiên là bài viết về mô hình “liên hiệp HTX nông nghiệp và HTX mua bán” của Nhơn Khánh do chính tổng biên tập của chúng tôi thực hiện trước đó một thời gian. Một bài điều tra mang tính giáo khoa mẫu mực cả về cách chọn điển hình tiên tiến lẫn cách thể hiện. Tôi còn nhớ, việc Nhơn Khánh sát nhập 2 HTX thành một, lấy kế hoạch phát triển KT-XH của xã làm trung tâm được bài báo mô tả như một bước đột phá mới trong cả nước, làm cho HTX mạnh lên trong cả khâu sản xuất lẫn phân phối. Tôi ngưỡng mộ bài báo này còn ở chỗ “sếp” của chúng tôi đã khai sinh ra khái niệm “liên hiệp HTX” xuất phát từ việc hình thành liên hiệp các xí nghiệp thời đó đang thịnh vượng. Chính cái mô hình “liên hiệp HTX” đầu tiên của cả nước này về sau đã mở ra mô hình HTX công - nông - thương - tín.

 

Nằm kẹp giữa hai nhánh sông Côn, kinh tế Nhơn Khánh chỉ phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp.

 

Mà không chỉ với phát triển kinh tế, nhiều lĩnh vực văn hóa - xã hội, Nhơn Khánh cũng đi đầu.

Thời điểm ấy, một lần trở về Nhơn Khánh, tôi bị các anh ở xã “bắt cóc”, yêu cầu tôi phải viết một vở kịch ngắn trong vòng
3 ngày để xã tập luyện dự hội diễn văn nghệ cấp huyện. Tôi nhận lời nhưng rồi cả ngày thứ nhất chẳng viết được dòng nào bởi anh em bạn bè ở xã quý mến cứ đến rủ, khi thì làm cữ cà phê khi thì làm cút rượu. Để tránh sự “quấy rầy” này, từ ngày thứ 2, các anh đã nhốt tôi trong thư viện… đến giờ ăn tới đón đi. Vậy mà ra trò. Vở kịch tôi viết được các anh diễn rất hay và đạt giải nhất hội diễn toàn huyện. “Được” nhốt ở thư viện 2 ngày, tôi bị thuyết phục bởi chưa từng thấy một thư viện của xã nào thời ấy lại lớn đến như vậy. 24.000 đầu sách với hơn 10.000 tên sách! Phòng mở cửa còn lại của thư viện lúc nào cũng nườm nượp người đọc. Rồi Đài truyền thanh xã với hệ thống loa phục vụ 75% số hộ trong xã. Đặc biệt, Nhơn Khánh là xã đầu tiên trong tỉnh có định suất lương cho cán bộ làm công tác văn hóa; là xã có một không hai tổ chức được CLB VHNT tập hợp hàng chục người sáng tác văn, thơ, nhạc, họa vào sinh hoạt và ra được tuyển tập thơ văn chép tay lưu ở thư viện…

Những thành tích đáng nể ấy, Nhà nước không trao danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985 cho Nhơn Khánh mới là điều lạ!

 

Dịch vụ phát triển hiếm hoi ở Nhơn Khánh.

 

* Lỡ vận

Song vinh quang ở lại với Nhơn Khánh không lâu. Chỉ 3 năm sau ngày “trống giong cờ mở” đón danh hiệu Anh hùng Lao động, năm 1988, cả nước thực hiện khoán 10, Nhơn Khánh lại phải làm một cuộc cách mạng chuyển đổi tư liêïu sản xuất. Ruộng đất giao về xã viên đã đành, các loại máy móc, thậm chí 150 đôi trâu bò cũng được “nhượng” lại cho xã viên. 4 cụm máy xay xát, 2 lò gạch ngói cho xã viên đấu thầu… Rồi cả cái mô hình “liên hiệp HTX” cũng vỡ ra làm hai và hạch toán độc lập như cũ…

Và từ đó, điển hình Nhơn Khánh rơi dần vào lặng lẽ…

Tôi trở lại Nhơn Khánh bây giờ và nhận ra sau 25 năm, diện mạo làng quê đã có nhiều thay đổi. Con đường xương sống chạy từ thị trấn Bình Định xuyên qua Nhơn Khánh về An Thái đã được bê tông hóa rộng rinh và xinh đẹp; ruộng quy hoạch cho khu dân cư ven đường nhà cửa đã dần mọc lên…

Đối diện với tôi là đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Nghiệp, người đóng nhân vật chính, một nhân vật năng động tích cực phá bỏ cái cũ, xây dựng và đấu tranh cho cái mới trong vở kịch tôi viết năm nào. Nghiệp mừng vì gặp lại tôi song lại chẳng vui khi phải trả lời câu hỏi: Nhơn Khánh đang đứng ở đâu trong các xã của huyện An Nhơn? “Đứng ở tốp cuối, cùng với Nhơn Tân và Nhơn Mỹ!”.

 

Đất ruộng hao hụt dần nhường chỗ cho các quy hoạch khu dân cư. Song người đầu cơ đất phần lớn từ nơi khác đến.

 

Đại hội Đảng bộ xã Nhơn Khánh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015 đang được chuẩn bị. Tôi xem qua báo cáo chính trị: Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ trọng 78,9% - TTCN-TMDV chiếm 21,1%... Nói vậy, song tìm hiểu sâu về phát triển TTCN mới thấy Nhơn Khánh sẽ còn khó như thế nào. Bởi nó chỉ là nghề đan đác, nấu rượu, tráng bánh, sản xuất gạch và… hết! Còn dịch vụ thì lại chẳng địch nổi hai đầu là thị trấn Bình Định và An Thái (Nhơn Phúc).

Tôi có hai người bạn thân. Một đang dạy học ở Nhơn Khánh thì xin chuyển công tác về Quy Nhơn và một đang công tác ở Quy Nhơn lại bỏ về quê tìm cơ hội làm ăn ở Nhơn Khánh. Và cả hai đều không ân hận. Bởi chàng thầy giáo chuyển ngạch công chức về phố cũng nhà cửa đề huề… còn chàng kỹ sư máy tàu bỏ phố về quê đã trở thành người giàu ở Nhơn Khánh nhờ buôn bán hàng tạp hóa và vật liệu xây dựng… Có lẽ bạn tôi trở nên nổi bật vì Nhơn Khánh không có mấy cửa hàng dịch vụ lớn và cũng chẳng có mấy người thật sự giàu.

Bước vào thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, Nhơn Khánh đã lỡ nhịp. Hai nhánh sông Côn giờ như hai gọng kìm trói buộc bởi nông nghiệp không làm nên sự phát triển nhanh, bởi cầu và đường không thuận cho phát triển công nghiệp.

Bạn tôi đã chở tôi bằng xe máy đi hết một vòng qua 4 thôn của xã Nhơn Khánh.

25 năm sau danh hiệu Anh hùng Lao động, dân Nhơn Khánh giờ tăng lên hơn 2.000; ruộng Nhơn Khánh mất đi hàng chục ha do quy hoạch đất cho dân cư. Ngoài làm ruộng và chăn nuôi heo, bò, Nhơn Khánh vẫn chỉ có vài lò gạch với nghề đan đác và nấu rượu, tráng bánh…

Đi lên bằng con đường nào đây?

Từng có một cơ hội cho Nhơn Khánh khi có một công ty may tìm đến khảo sát vùng đất nguyên là “thủ phủ” của HTX song lại chê đất hẹp và bỏ đi… Có người tiếc nuối: “Lẽ ra xã phải tận dụng tốt cơ hội này, phải giữ nhà đầu tư bằng mọi giá, cả đến việc phải chấp nhận giải tỏa để nhường đất cho nhà máy…”.

Anh Nguyễn Hữu Duyên, công dân bản địa, chép miệng: “Giá Nhơn Khánh bây giờ có được chừng 2 nhà máy, thanh niên sẽ có việc làm, đời sống người dân sẽ khá hơn!”.

Tôi rời Nhơn Khánh trong buổi chiều tà, trên cánh đồng vẫn rộn rã người cày cuốc. Nhơn Khánh đang xôn xao vào vụ mới. Với giống mới và tiến bộ của KHKT, người dân có thể đã làm ra tới 45,5 triệu đồng/ha/năm… song nếu không phát triển được công nghiệp, TTCN và dịch vụ, Nhơn Khánh vẫn chỉ là anh hùng lỡ vận!

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người gắn cuộc đời với trẻ em   (06/06/2010)
Bài 2: Đi tìm nơi đặt bia di tích  (02/06/2010)
Hóa giải tập tục lạc hậu  (30/05/2010)
Phải nghĩ cách để nông dân mình bớt nhọc nhằn  (29/05/2010)
Bài 1: Về Bình Định, sự gặp nhau của các thế hệ  (27/05/2010)
Hấp dẫn hàng si   (23/05/2010)
Văn hóa là cầu nối giúp tôi gần dân hơn  (24/05/2010)
Về vựa heo miền trung du  (16/05/2010)
Thị trấn trên đất kinh cũ  (16/05/2010)
“Mục đích của sáng tạo là làm cho việc dạy và học hiệu quả hơn”  (15/05/2010)
Phải biết đánh thức tấm lòng ở người thầy thuốc   (09/05/2010)
Vạm vỡ Quy Nhơn   (04/05/2010)
Cao nguyên du mục   (02/05/2010)
Phải tròn vẹn lý-tình  (01/05/2010)
“Hoa” của đá  (03/05/2010)