Thật là khiếm khuyết, nếu như trong bài viết nhỏ này không nói đến những tình cảm mà đồng đội và đồng bào đã dành cho Đoàn chúng tôi. Không! Không phải cho riêng Đoàn chúng tôi, mà là cho Sư đoàn 3- Sao Vàng. Sâu xa hơn nữa là dành cho tất cả những hy sinh, mất mát của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã dâng hiến trên mảnh đất này.
Biết tin đoàn Cựu Chiến binh Sư đoàn 3-Sao Vàng về Bình Định. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chuẩn bị đón tiếp chu đáo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng tôi. Ngay từ tối đầu tiên, anh chị em Cựu Chiến binh Sư đoàn từ khu vực Thành phố Quy Nhơn đến tận xã Hoài Châu, Hoài Nhơn, nơi địa đầu của Tỉnh lần lượt kéo về Nhà khách. Mấy chục năm mới gặp lại, các anh, các chị trước đây nay đã lên ông, lên bà, đầu đã 2 thứ tóc, nhưng tình bạn chiến đấu của Sư đoàn vẫn vẹn nguyên. Biết bao chuyện cũ, chuyện mới; chuyện về đồng đội, đồng bào, ai còn, ai mất cứ triền miên không dứt. Nhiều anh chị cùng chúng tôi nghỉ lại Nhà khách cho đến tận hôm sau…
Tuy thời gian hạn chế, nhưng chúng tôi vẫn thu xếp để viếng đồng đội ở một số nghĩa trang và thăm đồng chí, đồng bào. Chúng tôi đã đến 5 huyện, thăm các đồng chí lãnh đạo 5 xã, thắp hương ở 11 nghĩa trang, thăm 10 di tích lịch sử đã xếp hạng được gắn với những chiến công của Sư đoàn; thăm hỏi gia đình các đồng chí cán bộ của Sư đoàn đã từ trần những năm qua…
Hôm về thăm đồng bào, đồng chí ở xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn. Các đồng chí lãnh đạo đã cùng anh chị em Cựu chiến binh Sư đoàn từ các thôn xóm kéo đến gần bốn mươi người. Anh Thái, Chủ tịch UBND xã, nguyên là chiến sĩ Vệ binh Sư đoàn vẫn giữ nguyên chất lính Sư Ba –xông xáo, năng nổ. Anh coi chúng tôi như ruột thịt … Anh và mấy chục anh chị em đã cùng chúng tôi về thăm Hoài Ân, lên tận khu rừng Bà Bơi, xã Bốc Tới nơi thành lập Sư đoàn 45 năm trước (nơi đây đã được Tỉnh Bình Định xếp hạng di tích). Có đồng chí xúc động tự trách mình: “ Mang tiếng là dân Bình Định, mang danh lính Sư đoàn mà gần 45 năm nay mới về thăm được nơi khai sinh ra Sư đoàn”. Cả đoàn chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm tại mảnh đất thiêng liêng ấy, vì có lẽ rất khó khăn để có sự sum họp đặc biệt như thế này. Khi vào thăm xã Bốc Tới, tuy không được báo trước, nhưng đồng chí Đinh Xuân Á, Bí thư, đồng chí Đinh Bá Danh, Phó Chủ tịch xã cùng các đồng chí trong UBND đã tiếp chúng tôi ân cần, niềm nở.
Đoàn chúng tôi trở lại thành phố Quy Nhơn. Ở đây anh chị em cựu chiến binh Sư đoàn do anh Thanh làm Trưởng ban, anh Luận Phó ban đã triệu được gần sáu chục anh chị ở khu vực Thành phố về nhà khách, gặp nhau tay bắt mặt mừng. Các “bà”, các “ông” ríu rít truyện trò, ôn lại những kỷ niệm của những năm tháng cùng chiến đấu, hỏi về đồng chí, đồng bào, ai mất, ai còn … Ôn lại kỷ niệm cũ, nhiều bà rơi nước mắt, các cháu đi cùng hỏi “Sao Nội khóc”, mà “bà” nghẹn ngào chẳng nói lên lời. Những con trẻ ngây thơ ấy làm sao hiểu nổi cái nghĩa tình sâu nặng của những người lính đã từng trải qua những năm tháng gian khổ, ác liệt đến mức muốn khóc không khóc được, muốn cười cũng không cười được ấy! Vậy mà, tình cảm của chúng tôi đã mau chóng lan truyền đến các cháu, cứ nằng nặc đòi ngủ lại nhà khách với mấy “Ngoại Hà Nội”, nhất quyết không về với các bà.
Hôm đi khảo sát đặt bia ở Đệ Đức, qua thị trấn Bồng Sơn, anh Sáng trưởng đoàn bảo “ Tạm dừng tại đây để uống bữa nước dừa !”. Cả đoàn vào quán giải khát ven đường. Một bà má đã móm mém nhưng còn nhanh nhẹn niềm nở chào mời. Khi biết chúng tôi là Lính Sư 3 ngày xưa, Má bảo: “ Sư 3- Sao Vàng hả? Uống đi, uống cho đã, tau không lấy tiền tụi bay đâu. Ngày xưa, lính Sao Vàng đêm nào chả có đứa vô ra nhà tau. Nào Quyết Tâm, Quyết Chiến, Quyết Thắng (tên mật của trung đoàn 22, trung đoàn 2 và 12) lui tới hoài. Thế mà, từ ngày giải phóng, mấy chục năm nay không thấy đứa nào qua lại. Không biết đứa nào còn, đứa nào mất!”. Má nói một thôi, một hồi đủ thứ chuyện, từ Sư đoàn đánh Mỹ, diệt bọn ác ôn… Ca ngợi có, trách mắng có, một sự trách mắng do thương cảm, nhớ nhung!...
Về lại Quy Nhơn. Đồng chí Khuất Duy Khang, khi đi thăm các nghĩa trang, các bia di tích đã chụp hàng mấy trăm bức ảnh phần mộ đồng đội. Khi vào làm ảnh, thấy toàn bia mộ, bia tưởng niệm, anh chủ Hiệu ảnh Vĩnh Yên biết chúng tôi là lính Sư Ba về lại chiến trường làm việc tình nghĩa. Vậy là lúc thanh toán, anh chị nhất định không nhận tiền. “ Mấy trăm bức ảnh bõ bèn gì so với hy sinh của mấy chú, mấy bác”. Tối hôm đó, anh chị còn vào tận nhà khách mời chúng tôi ra ăn bữa cơm với gia đình. Chúng tôi không thể đi được vì công việc đang gấp, nhưng tấm lòng của họ thì chẳng bao giờ quên.
Một kỷ niệm mà chúng tôi rất thấm thía là ở Nhà khách tỉnh, các cháu công vụ chăm lo ăn nghỉ cho Đoàn rất chu đáo. Bữa ăn nào cũng đủ món, chả thiếu thứ gì. Chúng tôi bảo cháu hãy bớt cá thịt và cho thêm rau. Cháu vui vẻ giãi bày: “ Các bác lãnh đạo đã căn dặn chúng cháu: Các bác, các chú là bộ đội Sư đoàn 3- Sao Vàng, là những người đã chiến đấu suốt 10 năm đánh Mỹ ở Bình Định. Có món gì ngon nhất mời các bác ăn, chỗ nào đẹp nhất để các bác ở, xe nào tốt nhất đưa các bác đi. Chúng cháu sinh ra trong hòa bình, rất biết ơn các bác, phải phục vụ các bác chu đáo nhất!”. Tôi thầm nghĩ: Đúng là, sự giáo dục của lãnh đạo Tỉnh đối với thế hệ trẻ thật đáng trân trọng.
Dù rất ít thời gian nhưng chúng tôi vẫn cố sắp xếp để đi thăm một số công trình phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh: Cầu cảng Thị Nại, Cụm công nghiệp An Nhơn, cầu Nhơn Hội, chiếc cầu vượt biển dài nhất Việt Nam bắc qua đầm Thị Nại, nối Thành phố Quy Nhơn với Khu kinh tế mở Nhơn Hội…Tìm hiểu sâu, chúng tôi càng thấy sự phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quê hương Bình Định là rất đúng hướng, xứng tầm. Và, vừa qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009, do VCCI xếp hạng, tỉnh Bình Định xếp thứ 7 trong cả nước. Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Định, đã có 22 dự án đăng ký với số vốn lên đến 7,36 tỷ USD… Được chứng kiến những thực tế ấy, một lần nữa, chúng tôi muốn nhắc lại rằng: Tỉnh Bình Định đã Anh hùng trong chiến tranh giải phóng, giờ đây và tương lai, với phẩm cách ngời sáng của các thế hệ lãnh đạo, cùng với thế và lực của nhân dân Bình Định. Chắc chắn rằng sẽ tạo được nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới.
Đêm cuối, trước khi rời Bình Định, chúng tôi cùng anh chị em Cựu chiến binh Sư đoàn ở Quy Nhơn ra bãi biển, bên cạnh Đại lộ An Dương Vương để hàn huyên. Nơi đây, 34 năm trước đã diễn ra cảnh thảm bại của sư đoàn 22 ngụy Sài Gòn. Cả một bãi biển dài mấy cây số ngỗn ngang súng ống, xe, pháo, quân trang, quân dụng …của đủ các sắc lính quân đội “Việt Nam Cộng Hòa” trên đường tháo chạy … Tất cả đều đã lùi vào dĩ vãng, đã được rửa sạch để giờ đây khoác trên mình những công trình kinh tế- xã hội, những công viên, bãi tắm… phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước.
Trong không khí thanh bình, đầm ấm với đồng đội, tôi lại nao nao nhớ tới đồng chí, đồng bào đã ngã xuống trong những trận thắng Mỹ năm nào. Thấm thía cái nghĩa tình sâu nặng của nhân dân Bình Định với Sư đoàn. Trong chiến đấu thì nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che, chia ngọt xẻ bùi, nhường cơm xẻ áo, vắt cạn cả bầu sữa của mình để nuôi giấu thương binh … Khi đất nước thanh bình, biết bao việc phải làm, phải xây dựng quê hương đổi mới đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa…Vậy mà, nhân dân Bình Định vẫn dành cho Sư đoàn những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm tri ân thiết thực này. Chúng tôi kể cho nhau nghe về những quan tâm chu đáo, đầy ân tình của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh, của các đồng chí trong Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh, từ đồng chí Chỉ huy trưởng, đồng chí Chính ủy đến các cơ quan, nhất là cơ quan Chính trị đã tạo mọi điều kiện để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ; kể về sự nhiệt tình, năng nổ của Ban Quản lý Di tích Tỉnh; tình cảm mặn nồng của Bạn chiến đấu Sư đoàn 3-Sao Vàng ở Bình Định. Nói về những người dân bình dị mà đằm thắm như bà má bán dừa, cháu công vụ, vợ chồng anh thợ ảnh vv…mà thấy sung sướng, tự hào. Trời về khuya, se lạnh, mà vẫn thấy ấm lòng. Tôi không khóc mà nước mắt cứ ứa trào. Những giọt nước mắt ghi nhận TÌNH ĐẤT – TÌNH NGƯỜI của quê hương Bình Định trí tuệ và bản lĩnh, mãi mãi son sắt- thủy chung.
Đã có 10 năm gắn bó với Bình Định, nhưng tôi không đủ năng lực để cắt nghĩa đầy đủ về tình nghĩa sâu nặng của nhân dân Bình Định đối vớ Sư đoàn 3 – Sao Vàng. Song thiết nghĩ, trong lịch sử chiến đấu và trưởng thành của Quân Đội Nhân dân Việt Nam ta, hiếm có mộ sư đoàn chủ lực nào lại gắn bó máu thịt với một địa phương suốt mười năm trời, từ khi ra đời, đến khi giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định như Sư Đoàn 3- Sao Vàng (1965-1975). Và cũng thật tuyệt vời về sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng trên quy mô chiến dịch để đạt hiệu quả tổng hợp cả về quân sự, chính trị, kết hợp hai chân ba mũi giáp công đánh phá kế hoạch “Bình Định giành dân” của địch, trên một khu vực rộng lớn, đạt hiệu suất chiến dịch to lớn như ở Bình Định. Suốt 10 năm chiến đấu liên tục, đã có gần 20 ngàn cán bộ, chiến sĩ của Sư Đoàn ngã xuống trên mảnh đất này (trong đó có 2375 đồng chí là con em của Bình Định). Một tỉnh đất không rộng, người không đông mà qua hai cuộc kháng chiến đã có hơn 33 ngàn liệt sĩ, có 2020 Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Phải chăng đây là cội nguồn của những nghĩa tình sâu nặng và nghĩa cử cao đẹp ấy.
Cho đến lúc này, viết lại những kỷ niệm dù rất ngắn ngủi như thoảng qua trong mấy ngày trở về Bình Định, tôi càng thấm thía hơn nghĩa tình ở cái xứ sở Miền Trung không giàu có nhưng thật oanh liệt, kiên cường “đi đầu diệt Mỹ”, thấm đậm tình người ấy .
Nguyên chiến sĩ Sư đoàn 3 – Sao vàng |