KỸ SƯ TRẦN VĂN LANG:
Lĩnh vực nào cũng phải tạo ra sinh kế bền vững cho người dân
21:25', 12/6/ 2010 (GMT+7)

Dù đã bước qua tuổi 70, với 40 năm công tác trong ngành thủy sản, nhưng kỹ sư Trần Văn Lang - nguyên Giám đốc Sở Thủy sản và hiện là Chủ tịch Hiệp hội thủy sản của tỉnh - vẫn còn rất nhiều tâm huyết với ngành. Ông luôn tâm niệm “khi nào còn sức khỏe, còn đi lại được, tôi còn muốn cống hiến nhiều hơn”...

 

Chăm sóc cây cảnh trong vườn là thú vui giản dị của ông Trần Văn Lang trong những lúc rảnh rỗi. Ảnh: Mai Hồng

 

* Ngành thủy sản còn lắm bộn bề

Tốt nghiệp Đại học thủy sản tại Hà Nội, trải qua nhiều vị trí công tác tại Bộ Thủy sản, năm 1975 ông về công tác tại Sở Thủy sản Nghĩa Bình. Năm 1977, giữ chức vụ Phó giám đốc và sau đó là Giám đốc Sở Thủy sản Bình Định cho đến lúc về hưu. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Bình Định. Làm công tác quản lý nhiều năm, ông đã cùng với các cán bộ của ngành, góp phần đưa ngành thủy sản phát triển, trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

* Ông nhận xét như thế nào về sự phát triển của ngành thủy sản trong những năm qua?

- Nhìn chung, trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những chuyển biến tích cực. Trong 4 lĩnh vực của ngành thủy sản tỉnh: đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, thế mạnh số 1 là đánh bắt thủy hải sản. Nghề đánh cá xa bờ phát triển, mang đến nguồn lợi kinh tế lớn, đời sống của đại bộ phận ngư dân được cải thiện. Mặc dù ở tỉnh ta, diện tích dành cho nuôi trồng thủy sản không nhiều, nhưng hiện nay, ngành đang định hướng không phát triển theo chiều rộng mà phát triển theo chiều sâu, thông qua việc nâng cao năng suất, sử dụng những vùng đất cát nuôi tôm, nuôi lồng trên biển, nuôi nâng cấp tôm hùm… Nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển rộng khắp từ miền núi đến đồng bằng, ven biển, tạo được việc làm và nguồn thu nhập cho hàng ngàn hộ dân.

Ở 2 lĩnh vực chế biến và dịch vụ, mặc dù có những bước phát triển nhất định, nhưng nhìn chung còn yếu, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nghịch lý là sản lượng đánh bắt thủy sản của ngư dân cao nhưng sản lượng phục vụ cho hoạt động chế biến lại luôn thiếu. Các công ty chế biến trong tỉnh phải nhập nguyên liệu từ nơi khác và phụ thuộc rất lớn vào giá cả thị trường. Vì vậy, lĩnh vực chế biến vẫn còn luẩn quẩn, rất khó phát triển mạnh… Để ngành thủy sản phát triển bền vững và tương xứng với tiềm năng thì còn rất nhiều việc cần phải giải quyết.

* Như vậy, theo ông, giải pháp nào để ngành thủy sản tỉnh nhà phát triển đồng đều và bền vững?

- Để phát triển kinh tế thủy sản một cách đồng đều, ổn định và bền vững, đòi hỏi những người làm nghề phải phát huy sự hợp tác, liên kết để tổ chức quản lý cộng đồng trong sản xuất, phát huy mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh.

Chẳng hạn, đối với lĩnh vực đánh bắt, dù là lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhưng nếu cứ làm theo kiểu đơn lẻ, manh mún như hiện nay thì rất khó phát triển. Vì vậy, cần phải tổ chức lại sản xuất. Ngư dân nên tập hợp nhau lại thành những tổ, từ 5 - 7 chiếc tàu trở lên, hoặc hoạt động theo mô hình tập đoàn, cùng hùn vốn đóng tàu lớn, hiện đại, đảm bảo điều kiện cho an toàn lao động; cơ giới hóa các khâu thao tác để hạn chế bớt các công đoạn thủ công. Mục đích chính của các mô hình này là tạo điều kiện cho ngư dân vừa sản xuất vừa giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Hiện nay, mô hình này đã được ngư dân triển khai nhưng còn yếu, cần phải có “bàn tay” của Nhà nước thúc đẩy phát triển bằng những chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Chẳng hạn, có những ưu đãi riêng trong việc vay vốn (như chương trình 135 cho đồng bào dân tộc thiểu số)…

Ngoài ra, nghề đóng tàu ở tỉnh ta nổi tiếng trong cả nước vì có kỹ thuật tốt. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở chủ yếu vẫn hoạt động với quy mô nhỏ, chỉ đóng thủ công, lao động nặng nhọc nhiều, việc tổ chức sản xuất quy mô, hiện đại rất khó. Đây là một ngành đặc thù, nên việc ưu tiên hỗ trợ cho họ trong mua sắm thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất là điều cần thiết. Ngoài ra, ở lĩnh vực chế biến và dịch vụ, để giải quyết những khó khăn hiện nay cần có những nhà quản lý đủ tầm…

* Ý thức cộng đồng là quan trọng nhất!

Hiện nay, ngoài vai trò Chủ tịch Hiệp hội thủy sản, ông còn “kiêm” nhiệm vụ Trưởng ban điều hành dự án “Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển thông qua xây dựng các mô hình quản lý và sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước tại đầm Thị Nại và đầm Trà Ổ tỉnh Bình Định”, do Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ kinh phí.

* Ông có thể cho biết mục đích của dự án này là gì ?

- Dự án nhằm bảo vệ môi trường, duy trì phát triển nguồn lợi đầm phá, phục vụ tốt hơn cho đời sống con người. Trong thời gian 3 năm thực hiện (từ cuối năm 2008 đến 8.2011), dự án hướng tới xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, triển khai hỗ trợ quy hoạch mùa vụ khai thác trên đầm và phân vùng khai thác; xây dựng khu vực ươm các loài cây ngập mặn (đước, bần, mắm….) nhằm cung cấp cây giống, phát triển trồng rừng ngập mặn… để từng bước khôi phục lại sự phong phú và đa dạng của hệ sinh thái 2 đầm này.

Song song với những giải pháp mang tính kỹ thuật, dự án hướng tới những giải pháp mang tính cộng đồng, như hỗ trợ người dân vay vốn để nuôi trồng thủy sản trên đầm. Điểm khác biệt quan trọng nhất của dự án này là đề cao yếu tố cộng đồng trong việc khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái vùng đầm phá. Nghĩa là, người dân sẽ cùng chung tay, góp sức để khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái của đầm phá, như là bảo vệ chính nguồn sống của mình.

* Từ trước đến nay, đã có rất nhiều đề tài, dự án về bảo vệ sinh thái đầm Thị Nại và đầm Trà Ổ, nhưng việc khôi phục, bảo vệ vẫn chưa được cải thiện. Theo ông, nguyên nhân chính là gì?

- Một trong những nguyên nhân khiến việc khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái các vùng đầm phá còn nhiều bất cập và gặp khó khăn là vì ý thức tự giác bảo vệ cộng đồng của người dân chưa cao. Bên cạnh đó, mặc dù Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương nhưng việc thực hiện chưa hiệu quả. Chẳng hạn, ai cũng biết xung điện xiếc máy rất có hại khi tận diệt nguồn thủy sản, nhưng vì lợi ích trước mắt, người dân vẫn cứ làm. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước đã thành lập những tổ hạt nhân tại các xã thường xuyên xảy ra nạn xung điện xiếc máy. Tuy nhiên, Nhà nước lại không đưa ra những chế tài cụ thể, đủ mạnh để xử phạt, răn đe. Vì vậy, nạn xung điện xiếc máy vẫn cứ tái diễn và đang có chiều hướng gia tăng.

 

Ông Trần Văn Lang: “Tôi tâm đắc nhất là đưa được con cá lên miền núi…”. - Trong ảnh: Thu hoạch cá nước ngọt tại một ao nuôi ở xã An Trung - huyện An Lão.  Ảnh: Tiến Sỹ

 

* Đưa được con cá lên miền núi

Đã bước qua tuổi 70, nhưng ông Trần Văn Lang vẫn gắn bó với ngành thủy sản, điều hành công tác hội, trực tiếp xuống tư vấn, tổ chức hội thảo, các lớp tập huấn cho người dân…

* Ở cái tuổi lẽ ra phải nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn rất nhiệt tình với công việc?

- Tôi quan niệm mình còn đi lại được, còn suy nghĩ được, còn giúp đỡ được cho người dân thì mình sẽ cố gắng. Thủy sản là một ngành có lượng lao động rất lớn, nhưng lại là một nghề nặng nhọc, đặc thù, chứa nhiều rủi ro. Gắn bó lâu với ngành, tôi thấu hiểu những trăn trở, khó khăn của những người làm trong ngành này. Ở lĩnh vực nào cũng vậy, điều quan trọng nhất là phải tạo ra sinh kế bền vững cho người dân. Tôi vẫn còn nhiều trăn trở, chẳng hạn, ngư dân của mình còn khổ quá. Công việc chứa nhiều rủi ro, hàng ngày phải đối mặt với sóng to, gió lớn, những hiểm họa luôn rình rập. Việc giúp đỡ, cứu nhau trong lúc hoạn nạn giữa biển khơi là bình thường và đương nhiên. Tuy nhiên, nếu chẳng may trong lúc cứu người, họ bị tổn thất về tài sản, bị thương, thậm chí chết thì có được Nhà nước hỗ trợ hay không? Tôi biết có rất nhiều ngư dân vì cứu người đã tử nạn trên biển, nhưng đa số họ đều bị lãng quên …

* Qua nhiều năm công tác, ông tâm đắc nhất điều gì ?

- Là đưa được con cá lên miền núi. Chúng tôi đã phải hướng dẫn người dân cách nuôi cá, bắt cá, làm lưới và cả cách… ăn cá như thế nào. Tôi rất vui vì hiện nay, không chỉ ở các huyện ven biển mà nhiều huyện ở trung du miền núi của tỉnh đã đưa nuôi trồng thủy sản vào định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Đây là một điều rất đáng mừng vì ở nhiều huyện miền núi, đời sống của đồng bào dân tộc đã được cải thiện hơn từ khi họ biết nuôi cá và các loài thủy sản khác.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này !

  • Mai Hồng (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bài 3: Bình Định - tình đất, tình người  (08/06/2010)
Anh hùng lỡ vận  (06/06/2010)
Người gắn cuộc đời với trẻ em   (06/06/2010)
Bài 2: Đi tìm nơi đặt bia di tích  (02/06/2010)
Hóa giải tập tục lạc hậu  (30/05/2010)
Phải nghĩ cách để nông dân mình bớt nhọc nhằn  (29/05/2010)
Bài 1: Về Bình Định, sự gặp nhau của các thế hệ  (07/06/2010)
Hấp dẫn hàng si   (23/05/2010)
Văn hóa là cầu nối giúp tôi gần dân hơn  (24/05/2010)
Về vựa heo miền trung du  (16/05/2010)
Thị trấn trên đất kinh cũ  (16/05/2010)
“Mục đích của sáng tạo là làm cho việc dạy và học hiệu quả hơn”  (15/05/2010)
Phải biết đánh thức tấm lòng ở người thầy thuốc   (09/05/2010)
Vạm vỡ Quy Nhơn   (04/05/2010)
Cao nguyên du mục   (02/05/2010)