Những người trong giới mộ võ xếp võ sư Hàm Hữu Nghĩa vào “hàng hiếm”. Sự hiếm của ông không chỉ ở nghề võ, ở nhiều đóng góp tích cực cho phong trào võ cổ truyền, mà còn là sự “đa mang” của ông khi đảm nhận nhiều công việc hữu ích cho xã hội đáng trân trọng.
|
Năm nay đã 74 tuổi, nhưng võ sư Nghĩa vẫn còn truyền dạy học trò. |
* Hơn 50 năm cống hiến
Võ sư Hàm Hữu Nghĩa tên thật là Nguyễn Hữu Nghĩa sinh năm 1937, trong một gia đình có truyền thống võ thuật. Sau khi theo học các bậc võ sư Hương Kiểm Kính ở Phù Cát, Tám Tự ở Tây Sơn… thì ông tiếp tục lên đường tầm sư học võ ở Sài Gòn với võ sư Lê Đại Quang, Kít Đem Xay (người Khmer). Tính từ lúc nhận học trò đến nay, võ sư Hàm Hữu Nghĩa đã đào tạo được vài ngàn học trò ở trong và ngoài tỉnh, trong đó có nhiều võ sĩ đạt thành tích cao trong các giải đấu lớn. Ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tuy Phước từ năm 1978 đến nay. Hơn 50 năm cống hiến cho phong trào võ cổ truyền, ông đã nhận được nhiều bằng khen của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
- Trải qua nhiều năm thọ giáo các võ sư nổi tiếng, ông có đúc kết lại thành những tinh hoa, bí quyết võ thuật cho riêng mình ?
Xin lỗi anh, thật tình tôi không muốn bàn luận nhiều về võ thuật. Thầy tôi dạy rằng “Nhượng bất nhượng, xưng danh bất lợi”, tức là nghề võ mà cứ vỗ ngực xưng danh thì không hay… Nên bản thân chỉ biết cố gắng học hỏi, rèn luyện võ thuật, tránh nói về nghề võ. Hồi còn trẻ, để kiểm nghiệm trình độ, được sự cho phép của thầy, tôi cũng đã thượng đài một số trận ở miền Nam và miền Trung. Qua đó, tôi biết mình không phụ lòng truyền dạy của các thầy…
- Quan niệm của ông khi truyền dạy học trò là như thế nào ?
Phải có đạo đức con nhà võ. Tôi chú trọng rèn luyện tác phong đạo đức cho học trò, uốn nắn từ lời ăn tiếng nói đến ánh mắt nhìn người khác… Tôi thương học trò như con cháu trong nhà. Học trò của tôi phần lớn là ở quê, các em khổ lắm, lao động vất vả kiếm sống. Nhiều lần, khi đến kêu học trò đi đấu thì gặp lúc nó bận cắt lúa, tôi cũng xuống phụ gánh đến trưa trật, xong việc rồi mới xin phép gia đình dẫn em đi thượng đài…
- Ông được tiếng có nhiều thế hệ học trò đoạt thành tích cao, đâu là nguyên nhân thành công?
Hay gì đâu! (cười vui vẻ). Nói thiệt là suốt 3 năm đầu học trò tôi thượng đài đều thua cả. Hỏi nguyên nhân thì các em trả lời rất thẳng thắn: “Thầy đã dạy những đòn thế hay, nhưng người ta cũng hay và có kinh nghiệm thi đấu hơn mình”. Tôi ghi nhận và nghiên cứu khắc phục hạn chế trong cách huấn luyện, rèn luyện học chuyên môn vững vàng, bình tĩnh hơn trong thi đấu, sử dụng đòn thế một cách “đúng lúc, đúng chỗ” để chiến thắng.
- Năm nay đã 74 tuổi rồi, vinh quang nào cũng có đủ, điều gì khiến ông vẫn gắn bó nghiệp võ?
Nhiều võ sư khác vì khó khăn cuộc sống phải bỏ cuộc, nên tôi phải gánh vác trách nhiệm duy trì và phát triển phong trào võ cổ truyền. Tôi cũng có lúc mệt mỏi chứ, nhưng học trò làm trong ngành thể thao động viên: “Người đánh võ thì nhiều, nhưng người tâm huyết gắn bó cả đời truyền dạy võ như thầy còn rất ít. Xin thầy vì tương lai chung của nghề võ mà đi trọn con đường…”. Tôi không thể phụ lòng các em, nên đến giờ vẫn còn nhận học trò, dạy võ tại nhà…
* “Tôi rèn luyện nghề thuốc để giúp bà con”
Hàm Hữu Nghĩa được vợ chồng võ sư Kít Đem Xay nhận làm con nuôi, không chỉ dạy võ mà còn cho qua Campuchia học nghề thuốc tròn 3 năm. Thấy được ý nghĩa của việc chữa bệnh cho người, ông tìm hiểu, nâng cao trình độ và gắn bó với nghề thầy thuốc song hành cùng nghiệp võ. Gần 30 năm qua, ông đã đảm nhiệm Chủ tịch Hội Đông y huyện Tuy Phước.
|
Một người dân ở TP Quy Nhơn bị trật tay đã tìm đến nhà nhờ thầy Nghĩa chữa trị. |
- Thưa ông, làm thầy võ rồi làm cả thầy thuốc, nguyên tắc của ông với nghề có gì khác không?
Tôi nghĩ có khác cũng không nhiều. Xem đó là nghề thì phải học hành tới nơi tới chốn, rèn luyện thật kĩ, chữa bệnh cẩn trọng để có thể giúp đỡ bà con. Dân gian coi trọng người theo nghề thầy thuốc, mình cũng không nên đặt nặng chuyện lợi ích kinh tế khi chữa bệnh cho người, cái tâm mình phải luôn hướng trọn về phía bệnh nhân.
- Ông thường nhận chữa những bệnh gì?
Tôi cố gắng học hỏi, tìm tòi để có thể chữa được nhiều loại bệnh như trật đả chấn thương, thần kinh tọa, gai cột sống, viêm xoang, liệt dương… Trong đó, nghề võ đã góp phần hỗ trợ cho tôi trong sở trường chữa trị gãy xương, trật khớp, bong gân. Tôi cũng có sở trường chữa rắn cắn theo cách thức cổ truyền, đã cứu giúp được mạng sống cho rất nhiều người.
- Năm 67 tuổi, danh vọng trong nghề không phải là nhỏ, vì sao ông quyết định vào Quy Nhơn theo học ở Trường Trung cấp Y tế tỉnh. Phải chăng ông muốn có bằng cấp, được công nhận?
Không phải vậy đâu. Mà có gì đâu để gọi là danh với vọng chứ? Tôi đi học không phải vì bằng cấp, mà quan trọng là kiến thức y dược cổ truyền mênh mông, mình càng học được nhiều thì chữa bệnh cứu người càng tốt hơn chứ. Vả lại tri thức của mình trước chủ yếu là do học theo kiểu cha truyền con nối, mày mò tự học, nay đi học chính quy bài bản, phần thì mở rộng kiến thức, phần thì việc học cũng hệ thống hóa lại hiểu biết. Được lợi nhiều chứ. Tôi đi học cũng là để làm gương cho con cháu noi theo.
Cứ đầu tuần tôi đạp xe khoảng 20 cây số xuống TP Quy Nhơn học, cuối tuần mới về với gia đình. Miệt mài suốt 4 năm như vậy để hoàn thành 10 chứng chỉ nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa… Tôi tốt nghiệp lương y đa khoa loại Khá. Tôi tự thấy vui vì trong suốt quá trình học đã có dịp được chia sẻ kinh nghiệm làm nghề của mình với các em, các cháu trong lớp – tôi hay nói vui là bạn đồng môn...
* “Đếm bước đường nặng nỗi đa mang”
Con tóc bạc nâng niu cha tóc bạc. Đếm bước đường nặng nỗi đa mang” là hai câu thơ võ sư Hàm Hữu Nghĩa dâng tặng cha mình là võ sư Nguyễn Tựu nhân mừng thọ 95 tuổi. Đó cũng chính là tâm trạng, cảm xúc của chính ông khi “đa mang” nhiều công việc giúp ích cho đời. Ông đảm nhận công việc Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phước Hiệp, rồi Phó chủ nhiệm CLB tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ huyện Tuy Phước. Những đóng góp “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của ông đã được ghi nhận bằng rất nhiều bằng khen treo đầy trên tường nhà. Đặc biệt, võ sư Hàm Hữu Nghĩa đã nhận được 5 kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam, Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy người cao tuổi Việt Nam, Vì sự nghiệp Đông y, Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, huy chương Vì sức khỏe nhân dân.
|
Võ sư Nghĩa được trao tặng rất nhiều bằng khen, kỷ niệm chương. |
- Sao mà ông lại nhận thêm nhiều công việc xã hội như thế, người nhà có than phiền gì không?
Những gì có thể đóng góp được cho cộng đồng thì tôi sẵn sàng. Hội Người cao tuổi xã Phước Hiệp sinh hoạt, tổ chức các hoạt động theo quan niệm “tuổi cao thì chí càng cao”. Người cao tuổi phải sống mẫu mực, phát huy vai trò của mình trong xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Còn công tác chữ thập đỏ ở huyện thì tôi cũng đã tham gia 30 năm nay. Được giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… tôi thấy cuộc đời mình thêm ý nghĩa hơn. Người nhà của tôi thấy tôi vui nên ủng hộ cả.
- Người ta nói đa mang nhiều việc thường khổ, ông có cảm thấy như thế không?
Tôi là võ sư nhưng không chỉ đa mang công việc mà tâm hồn cũng “văn nghệ sĩ” lắm! (cười). Trước giải phóng tôi có theo học mỹ thuật 3 năm tại trường dạy mỹ thuật ở Sông Bé, cũng thích sáng tác và giao lưu với bạn bè văn thơ. Sau giải phóng, tôi làm cán bộ VHTT ở xã, huyện trong 10 năm, nên đã có thời gian học múa, hát bài chòi ở TP Quy Nhơn. Đa mang có khổ hay không là do quan niệm sống của mỗi người. Riêng tôi luôn vui vì đã có những nỗ lực đóng góp tích cực cho xã hội…
- Xin cảm ơn ông! Chúc ông có thêm nhiều niềm vui từ sự cống hiến của mình.
|