Thời gian qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh không có một giọt mưa. Nắng hạn gay gắt và kéo dài đã làm cho người dân thật sự khó khăn vì ngày đêm phải tìm mọi biện pháp chống hạn cứu lúa. Nguồn nước sinh hoạt cũng đang thiếu trầm trọng…
|
Hơn một tháng nay, người dân làng Trà Hương, xã Cát Lâm (Phù Cát) ra suối múc nước về sinh hoạt.
|
* Trắng đêm chống hạn
Đợt nắng hạn từ đầu tháng 6 đến nay, các hồ thủy lợi, sông, hồ trên địa bàn tỉnh cạn kiệt, không còn nước để bơm tát. Hai địa phương được xem bị hạn nặng là Phù Mỹ và Phù Cát. Những ngày qua, người dân nơi đây đang ngày đêm ra sức chống hạn nhưng thiệt hại tiếp tục tăng do nguồn nước ngày càng cạn kiệt.
12 giờ trưa, nắng như đổ lửa, trên cánh đồng thôn An Bảo và thôn An Tường, xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ) vẫn còn rất đông nông dân đang khẩn trương chống hạn. Đang loay hoay chỉnh máy bơm nước từ giếng khoan, anh Nguyễn Hồng Quân, ở thôn An Bảo, xã Mỹ Lộc, cho biết: “Chưa bao giờ ở đây bị hạn nặng như thế này. Nước sông, hồ cạn kiệt, giờ nước giếng khoan cũng bắt đầu cạn nên phải nối ống đưa xuống sâu hơn. Chi phí bỏ ra chống hạn ngày càng tăng, có cứu được lúa thì cũng bị lỗ nặng. Làm nông dân chỉ biết có hạt lúa, không lẽ thấy lúa héo dần mà không cứu. Còn nước còn tát, chừng nào đứt nước thì đành chịu vậy”.
Bên cạnh thửa ruộng của ông Quân là thửa ruộng của ông Nguyễn Văn Hoàng cùng thôn đang bị cháy dần vì thiếu nước. Không còn cứu được nữa, ông Hoàng đành phải chấp nhận cắt lúa héo về cho bò, dù lúa đã làm chắc, chỉ cần 2 đợt nước nữa là thu hoạch. Cặm cụi cắt lúa héo, ông Hoàng than thở: “Nhà làm được 6 sào lúa, 4 sào thiếu nước có khả năng mất 50% năng suất, 2 sào ở đây dù đã tích cực đào giếng khoan cứu, giờ giếng cũng cạn nước đành phải nhìn lúa chết cháy, xót lắm!”.
Nắng hạn diễn ra vào thời điểm World Cup khởi tranh, đây là môn thể thao được nhiều nông dân trông chờ, nhưng họ phải lo chống hạn vì cái đói đang đe dọa trước mắt. Anh Phan Đình Sương, thôn An Tường, xã Mỹ Lộc, tâm sự: “Nông dân ai cũng mê bóng đá nên rất mong chờ World Cup để xem cho thỏa thích. Vậy mà tôi cũng như các nông dân khác có xem được trận nào đâu, suốt ngày đêm ở ngoài đồng. Tranh thủ lắm cũng chạy về xem chương trình dự báo thời tiết, nhưng khi nghe câu “Ngày nắng, đêm không mưa” là buồn không muốn ăn uống. Ra đồng nhìn lúa ngày càng héo dần, đất nứt nẻ ngày càng rộng, nhìn lên trời mà ứa nước mắt. Chỉ mong trời mưa xuống mới cứu vãn được tình hình khô hạn”.
Hơn một tháng qua, anh Nguyễn Minh Tâm, ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh (Phù Cát) cũng phải ăn, ngủ ngoài đồng ruộng, “ôm” máy bơm chống hạn cho lúa. Tích cực là vậy nhưng ông Tâm đành bất lực nhìn 4 sào lúa của mình đang giai đoạn trổ bông bị cháy vì hết nước giữa chừng, đóng giếng khoan thì gặp đá. Ông Tâm ví von: “Chuyện cứu lúa như cứu người bị bệnh hiểm nghèo vậy. Biết chi phí để cứu lúa sẽ cao hơn thu về, có khi mất trắng nhưng không ai chịu buông xuôi”.
|
Nông dân Nguyễn Minh Tâm, ở xã Cát Trinh (Phù Cát) dùng máy bơm lấy nước từ ao mới đào để cứu lúa.
|
* Thiếu nước, người khát
Nắng hạn không chỉ làm khô cạn nước sản xuất mà nước sinh hoạt của người dân cũng bị thiếu trầm trọng. Theo Trung tâm Nước sạch Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định, đến thời điểm hiện nay đã có gần 19.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nếu nắng hạn tiếp diễn thì số người thiếu nước sinh hoạt tiếp tục tăng lên.
Giếng khoan không có, giếng đào cạn trơ đáy. Đối với người dân nghèo ở làng Trà Hương, thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm (Phù Cát), điều kiện kinh tế không cho phép họ tự bỏ tiền để đào giếng nước. Vì vậy, hàng chục người dân trong làng phải ra bờ suối “moi” hố để lấy nước về sử dụng. Đã hơn một tháng nay, con suối nhỏ chảy qua làng lúc nào cũng đầy ắp người. Kẻ đứng đầu trên thì tắm, người đầu dưới thì giặt, nhiều người khác thì lúi húi “moi” vào bên mép suối những cái hố nhỏ trông như… cái chậu giặt rồi chờ cho nước rỉ ra để lấy về sử dụng. Cứ như thế, hàng chục hố nước đã được người dân đào dọc theo con suối nhỏ này.
Hành trình đi lấy nước của người dân làng Trà Hương cũng rất đa dạng. Những gia đình ít nhân khẩu thì sử dụng những chai nhựa, những quả bầu khô để chứa nước mang về nhà sử dụng. Với những gia đình có đông nhân khẩu thì phải sử dụng những can lớn để lấy nước. Vào những giờ cao điểm như sáng sớm hoặc chiều tối, con đường từ làng ra suối luôn có một dòng người tay xách, nách mang từng can, từng gùi nước hiếm.
Hàng ngày các em nhỏ trong làng được giao nhiệm vụ đi lấy nước, trong khi ba mẹ chúng phải lên rẫy. Mỗi lần đi lấy nước là sự cực nhọc của các em, tuy con suối nằm cách làng chưa đầy 1km nhưng đường xuống suối dốc thẳng đứng, khá hiểm trở. Không biết bao nhiêu lần các em bị trượt chân té ngã khi cố mang những can nước 20 lít vượt dốc về nhà.
Cảnh thiếu nước sinh hoạt trên còn thể hiện qua hình ảnh gần 200 hộ dân ở xóm 4, thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang (Tây Sơn) chen nhau ra giữa dòng sông Côn đào những chiếc hố nhỏ rồi múc từng gánh, can nước mang về lọc để sử dụng.
Lâu nay không nắng hạn thì hàng trăm hộ dân ở xã Tây Giang cũng đã thiếu nước sinh hoạt do các giếng nước bị nhiễm dầu, nhiễm phèn. Từ khi nắng hạn gay gắt số hộ dân thiếu nước sinh hoạt ngày càng trầm trọng, đến nay đã có 1.400 hộ dân thiếu nước, trong đó tập trung ở các thôn: Thượng Giang 1, Thượng Giang 2, Tả Giang 1, Tả Giang 2, Nam Giang.
Cứ đến 5 giờ chiều, cái giếng đào nằm đầu xóm 3, thôn Thượng Giang 1, dù nước giếng bị ô nhiễm phân heo của các hộ dân chăn nuôi gần đó thải ra, nhưng hàng chục người dân vẫn “vô tư” tắm, giặt, lấy nước về sinh hoạt. Tất cả các giếng của dân trong xóm bị khô cạn, giờ chỉ trông chờ vào nguồn nước duy nhất từ cái giếng này. Trong xóm nhà nào cũng có 1-2 giếng đào, mỗi giếng sâu từ 10-15m nhưng chỉ có nước vào mùa mưa, mùa nắng thì trơ đáy.
Ông Ngô Tốt, Phó chủ tịch UBND xã Tây Giang, cho biết: “Trước tình thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống nhiều hộ dân, tỉnh đang đầu tư xây dựng công trình nước sạch, với công suất thiết kế 15.000m3/ngày/đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho 17.000 dân ở hai xã Tây Giang và Tây Thuận, nhưng phải đến cuối năm 2011 công trình này mới đi vào hoạt động”.
|
Còn nước còn tát và trông chờ trời mưa...
|
* Tiếp sức nông dân chống hạn
Trước tình hình nắng hạn diễn ra gay gắt, lãnh đạo tỉnh đã thị sát từng địa phương nắm tình hình và kịp thời phê duyệt mức kinh phí hỗ trợ cấp nước sinh hoạt và khoan, đào giếng bơm nước chống hạn cho các địa phương trong tỉnh. Hỗ trợ cho việc đào, khoan giếng với mức 1 triệu đồng/giếng; giếng được khơi thêm và lắp thêm bộng giếng hỗ trợ 500 ngàn đồng/giếng; hỗ trợ tiền điện, xăng dầu bơm nước chống hạn với mức 200 ngàn đồng/ha cho 1 đợt tưới; hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho những vùng phải chuyển nước từ xa đến, định mức 20 lít/người/ngày.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo chính quyền địa phương và các HTX nông nghiệp xuất kinh phí khẩn cấp từ nguồn hỗ trợ thủy lợi phí của Chính phủ và nguồn ngân sách dự phòng địa phương hỗ trợ cho người dân chống hạn theo mức quy định.
Tuy nhiên, không ngồi chờ cấp trên, chính quyền các địa phương đã linh hoạt, chỉ đạo cho các HTX nông nghiệp xuất kinh phí nạo vét kênh mương, đào ao, khoan giếng, đưa máy bơm đến các hồ, sông còn nước để bơm nước về cứu lúa cho nông dân.
Theo ông Đặng Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ), nếu người dân không tích cực, xã không quyết liệt hỗ trợ thì diện tích lúa bị hạn, chết cháy còn lớn hơn nhiều, nông dân thiệt hại nặng nề hơn.
Còn ông Nguyễn Văn Tặng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Trinh (Phù Cát), cho biết: “Khi nắng hạn diễn ra xã đã kịp thời trích kinh phí khoan giếng để cứu lúa, nơi nào khoan xuống bị trúng đá thì cho đào ao lấy nước. Kinh phí mà xã bỏ ra để tìm nguồn nước cứu lúa cho hộ dân so với số diện tích được cứu không lớn, nhưng không thể đứng ngoài cuộc nhìn người dân héo cùng cây lúa”.
|