Chổi… phiêu lưu ký
21:13', 4/7/ 2010 (GMT+7)

Gần giữa trưa, tiếng rao “Chổi lông gà, chổi nhựa đ… ây” của chị Hương, ở xóm Trại, thôn Công Chánh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước như đặc quánh lại bởi cái nóng như thiêu đốt của nắng hè gay gắt; bởi mồ hôi nhễ nhại rịn ướt qua hai lớp áo dày của chị. Cả buổi sáng chạy vòng quanh phố thị Quy Nhơn, chị bán được 5 cây chổi lớn, vài ba cây chổi nhỏ. Tiền lời, tính ra cũng đủ tiền chợ trong ngày.

 

Chổi nhựa và chổi lông gà chất đầy ở nhà bà Hồ Thị Thu Cúc.

 

Hơn chục năm trở lại đây, người dân ở xóm Trại, thôn Công Chánh, thị trấn Tuy Phước và thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì của huyện Tuy Phước đã “sống được”, thậm chí sống tốt nhờ nghề làm chổi nhựa và chổi lông gà. Cái sự vừa di chuyển vừa bán hàng rong ruổi trên những tuyến đường trong và ngoài tỉnh cũng lắm chuyện để nói…

* Xóm chổi

Ở thôn Công Chánh, nói đến xóm Trại người ta nghĩ ngay đến nghề làm chổi. Thậm chí người ta kêu luôn tên là xóm Chổi thay vì xóm Trại. Một người dân trong xóm kể: “Cái tên “xóm Trại” bắt nguồn từ chuyện người dân trong xóm quá nghèo không cất nổi nhà mà chỉ quây lên như cái trại để ở. Nhưng rồi nhờ nghề chổi mà nhiều người dân ở đây sống được hơn…”.

Người có công mang nghề làm chổi về xóm và phát triển thành nghề của cả xóm phải kể đến gia đình ông Lê Văn Trợ. Chục năm trước, vợ ông - bà Hồ Thị Thu Cúc đi mua bán đủ nghề, lấy chổi nhựa, lông gà ở nơi khác rồi đi bán xuyên huyện, xuyên tỉnh. Những lần sang các “lò” làm chổi, mẹ con bà Cúc đều để ý cách làm. Đêm về, họ mày mò học cách đan, thắt chổi nhựa, quyết tâm theo nghề. Ban đầu, cây chổi làm ra xấu xí nhưng nhờ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cây chổi càng ngày càng “coi được” và được người mua chấp nhận. Dần dà, công việc làm chổi phát triển, vợ chồng ông phải thuê nhân công làm. Từ một nhà làm chổi ban đầu đến nay xóm Trại đã có khá nhiều nhà làm chổi. Có 5-6 nhà làm riêng, nhưng phần đông, khoảng 30 gia đình trong và ngoài xóm, là nhân công vệ tinh của gia đình ông Trợ.

Không chỉ mình xóm Trại mới làm chổi nhựa, mà ở thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, cũng có một xóm chuyên làm chổi lông gà từ 20 năm nay. Thời ấy, cả xóm có khoảng 20 nhà làm chổi, phần bỏ mối, phần bán lẻ ở khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhiều nhà nuôi con ăn học thành tài cũng nhờ chổi lông gà. Nhưng cùng với thời gian, số nhà làm chổi giảm dần vì cạnh tranh không nổi. Hiện chỉ còn chục gia đình tiếp tục theo nghề; trong đó, có 3 nhà làm chổi lông gà quanh năm với số lượng lớn để bỏ mối cho khách hàng. Làm lâu nhất, lớn nhất là vợ chồng ông Hà - bà Hoa, theo nghề 20 năm. Mối bỏ sỉ của nhà ông Hà cũng rất nhiều. Ngoài 2 vợ chồng, 2 đứa con, ông thuê thêm nhân công. Lúc bán đắt lên đến vài ngàn chổi lớn nhỏ đủ cỡ.

 

Nhiều người trong gia đình có thể tham gia các công đoạn làm chổi.

 

* Nghề dễ làm, sống được

Làm chổi nhựa, lông gà lắm công đoạn nhưng lại dễ làm, ít vốn. Già, trẻ đều làm được ở mọi lúc mọi nơi, cả trong khi chuyện gẫu hoặc xem phim. Một ngày được khoảng vài chục ngàn đồng. Bà Nguyễn Thị Du, 65 tuổi, ở xóm Trại, nói: “Tui già rồi, không làm được việc nặng, nhưng ngồi chuốt cán chổi thì được, dù rằng có hơi mỏi lưng. Làm cả ngày được vài ba chục ngàn đồng, tằn tiện cũng đủ chi tiêu”.

Bà Cúc cho biết, tùy theo từng công đoạn mà tiền công khác nhau. Móc bao cán chổi: 500 đồng/cái. Đan dây nhựa 1kg (30 dây): 100.000 đồng; xỏ lông gà 3.000- 10.000 đồng/dây cả công lẫn nguyên vật liệu. Chổi bán chạy nhất là vào dịp cuối năm, nhưng những “đại lý” thì phải làm quanh năm dành để bỏ sỉ cho những người bán chổi dạo, các bạn hàng trong và ngoài tỉnh.

Chị Trương Thị Bích Phượng, ở thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, làm chổi hơn 10 năm nay, cho biết, chị nuôi được 4 con ăn học cũng nhờ cây chổi lông gà. Cả nhà thay nhau làm, không thuê ai. Theo chị, làm chổi lông gà phải trải qua rất nhiều công đoạn. Ban đầu là mua lông gà. Mua lông xong thì xâu cước. Công đoạn này rất nhọc công nên nhà chị phải thuê người làm xong đâu đấy rồi giặt lông, nhuộm lông theo màu, phơi khô, rồi mới vò cho lông bung thì mới đủ độ đẹp, bóng của chổi. Chổi lông gà chia làm các loại: lông đùi (loại nhỏ), lông đuôi (để quét trần) và lông cổ. Trong đó đắt nhất là loại lông cổ vì đẹp, bền, được bán với giá sỉ khoảng 40.000- 50.000 đồng/cây tùy loại.

Trong những công đoạn làm chổi, “nặng” nhất là khâu uốn cây. Sặt mua về có cây thẳng, có cây cong queo, bởi vậy cần phải uốn lại cho thẳng. Bỏ cây vào khung nẹp bằng sắt dài chừng 40-50 cm, ở giữa là một lò than hừng, chờ cho đến khi cây “mềm” rồi mới trở, nắn cây cho thẳng. Nếu làm không khéo, cây sẽ bị cháy, nổ hoặc nứt toác ra. Có người uốn hoài không thẳng, đã kê cao đầu gối, bẻ cây cái “rốp”….quẳng vào góc nhà cho đỡ tức.

 

Công đoạn đánh tơ nhựa bằng tay đã được “cơ giới hóa” bằng máy.

 

* Chổi... phiêu lưu ký

Nghề làm chổi nhựa, chổi lông gà, sẽ không có gì hấp dẫn nếu như không kể đến những chuyến đi xuyên huyện, xuyên tỉnh của người bán chổi. Nói về “người đằng mình”, chị Hương nói vui: “Cái quần của chúng tôi mặc bao giờ cũng rách trước một bên vì cọ xát với những cây sặt dài đặt dọc theo thân xe. Còn nữa, khi đạp xe, bao giờ cũng một chân dạng ra, người ngoài trông rất khó coi. Nhưng đó là cách để sặt khỏi cắt vào da thịt mà…”.

Họ thường đi thành từng tốp vài ba người, hoặc đôi vợ chồng, cùng ra Bắc, vào Nam, lên các tỉnh Tây Nguyên, mang theo nguyên liệu là những bó dây nhựa và những bó sặt dài cùng với chiếc xe đạp. Ngày đi bán, tối về làm chổi. Hết hàng lại về nhà lấy tiếp, cứ thế những chuyến đi kéo dài từ vài tuần đến cả tháng. Giá lấy sỉ chổi nhựa ở đại lý từ 4.000- 30.000 đồng/cây tùy loại to, nhỏ; chổi lông gà từ 5.000-50.000 đồng/cây tùy loại. Người đi bán dạo, mỗi cây chổi lãi từ vài ngàn đến cả chục ngàn, thậm chí gấp đôi nếu biết cách bán hàng.

Ở thôn Vân Hội 2, ông Ngô Xường nổi tiếng là người bán chổi nhanh nhất. Mỗi chuyến đi, ông làm mấy bao cước lông gà, kèm mấy bó sặt đủ để làm 300 cây chổi lông gà quét trần, 300-400 cây chổi loại ngắn. Ông bỏ sỉ cho bạn hàng, rồi tranh thủ đạp xe đạp chở chổi đi bán dạo. Bỏ sỉ lãi khoảng 500-1.000 đồng/cây, còn bán lẻ thì giá cả vô chừng, có khi lãi đến gấp đôi nên ông tích cực đạp xe năm sáu chục cây số bán dạo. Cánh trai trẻ trong xóm lắc đầu chịu thua ông già. Có đận, ông Xường còn dẫn cả ông sui đi bán, nhưng chỉ được vài ngày thì ông sui chào thua. Hỏi ra, ông sui bảo: “Mình cũng đi rao, đi mời, nhưng ông Xường đi sau thì bán được, còn mình đi trước vẫn đứng không”.

Vợ ông Xường, bà Lê Thị Thể, thì không biết đi xe đạp nên phải đi bộ, vác chổi đi bán ở đường và ngoài chợ gần. Bà nhớ lại, lần đầu tiên theo chồng ra Nghệ An bán chổi lông gà: Vai vác chổi, miệng rao chào khách “ai mua chổi lông gà, chổi nhựa!”. Cứ rao càng to, chó sủa càng nhiều, nghĩa là sẽ bán được nhiều chổi. Nghe người ta nói đến chợ Bò, tôi hăm hở tìm đến. Nhưng đi “dạt chân cheo”, hóa ra chợ chỉ toàn đàn ông buôn bán trâu bò. Cả buổi, chỉ bán được có 2 cây chổi quét trần...

Đối với đôi vợ chồng trẻ Lê Ngọc Lễ, 26 tuổi và Nguyễn Văn Nam, 30 tuổi, ở xóm Trại, thì những chuyến đi xa bán chổi gắn liền với kỷ niệm “trăng mật” và sự ra đời của hai đứa con. Chị Lễ bán chổi từ năm 16 tuổi, đến khi lấy chồng, lại rủ chồng theo nghề. Cưới xong, vợ chồng kết hợp chuyến đi “2 trong 1” bán chổi - hưởng tuần trăng mật ở Đắc Lắc đến 5 tháng sau mới về. Có thai đứa thứ nhất, vợ chồng chị đi bán tận Lâm Đồng, Đắc Nông.

Kể lại chuyến xổ đèo liều lĩnh từ Phi Nôm (Đức Trọng) xuống Di Linh trong khi xe đứt thắng và bụng mang dạ chửa ở tháng thứ 5, chị Lễ vẫn không hiểu sao lúc đó lại “gan” thế: “Hôm đó vợ chồng tôi bán xong thì đã 9 giờ tối. Trời mưa lạnh, đường về nhà trọ còn xa. Sợ về trễ, chủ trọ không cho vào nhà, chúng tôi liều xổ dốc cho nhanh. Anh Nam lấy dây dừa cột vào xe đạp của tôi thật chắc, để vợ xổ đèo trước, chồng theo sau vừa rê chân vừa bóp thắng, cứ thế xổ đoạn đèo dài khoảng 5 km. Về đến nhà, hai đứa mới giật mình sợ cho đứa con trong bụng…” chị Lễ kể. Đến khi có mang đứa thứ hai, chị Lễ lại cùng chồng đi tuốt vào tận tỉnh Bình Phước, vượt đường tắt, lội bùn dắt xe đi bộ cả trăm cây số. Cũng may mà hai đứa con của họ đều ra đời bình yên, khỏe mạnh. Chị Lễ hiện con còn nhỏ nên chỉ bán loanh quanh gần nhà. “Nhưng, đợi nay mai con lớn, vợ chồng tôi sẽ tiếp tục “trên từng cây chổi”, giong ruổi đường dài xuyên tỉnh”- chị nói vậy.

  • Thu Hà - Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên   (03/07/2010)
Căng thẳng vì nắng hạn  (27/06/2010)
Lập công nhờ hòa mình cùng đồng đội  (26/06/2010)
Võ sư đa mang  (20/06/2010)
Cõi người quên quên nhớ nhớ  (13/06/2010)
Lĩnh vực nào cũng phải tạo ra sinh kế bền vững cho người dân  (12/06/2010)
Bài 3: Bình Định - tình đất, tình người  (08/06/2010)
Anh hùng lỡ vận  (06/06/2010)
Người gắn cuộc đời với trẻ em   (06/06/2010)
Bài 2: Đi tìm nơi đặt bia di tích  (02/06/2010)
Hóa giải tập tục lạc hậu  (30/05/2010)
Phải nghĩ cách để nông dân mình bớt nhọc nhằn  (29/05/2010)
Bài 1: Về Bình Định, sự gặp nhau của các thế hệ  (07/06/2010)
Hấp dẫn hàng si   (23/05/2010)
Văn hóa là cầu nối giúp tôi gần dân hơn  (24/05/2010)