Giáo sư Lê Văn Lan và những tâm huyết với miền đất Võ
22:48', 10/7/ 2010 (GMT+7)

Giáo sư sử học Lê Văn Lan là một trong những nhà sử học nổi tiếng của nước ta. Mặc dù tuổi đã ngoài 70, nhưng ông vẫn miệt mài với những công trình nghiên cứu, rồi lại dành thời gian rong ruổi khắp nơi để thực hiện ý tưởng gắn kết du lịch với tìm hiểu lịch sử. Đến Bình Định, ông đã có nhiều cảm xúc và tâm huyết…

 

Giáo sư Lê Văn Lan tìm hiểu những hoa văn được khắc trên những bức tượng và phù điêu tại tháp Dương Long.

 

* Du lịch có thể làm tốt vai trò giáo dục tư tưởng

Đến Bình Định với vai trò là người dẫn đầu đoàn khảo sát tour du lịch “Hành trình qua các vùng kinh đô Việt cổ”, giáo sư Lê Văn Lan đã có nhiều tâm huyết với di sản văn hóa-lịch sử của vùng đất Võ. Phong thái giản dị, gần gũi, vốn hiểu biết về lịch sử uyên bác... là những ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi tiếp xúc với ông.

* Thưa giáo sư, đây có phải là lần đầu tiên ông đến Bình Định?

- Tôi đã đến Bình Định một lần vào năm 1975, ấn tượng mãi với hình ảnh cô gái đánh trống trận Tây Sơn khi ấy mới 12 tuổi. Giờ đây, cô gái ấy đã là phụ nữ trung niên, nhưng phong cách biểu diễn trống trận ở Bảo tàng Quang Trung thì vẫn cuốn hút như xưa. Đó là một trong những kỷ niệm đẹp làm cho Bình Định thăng hoa cảm xúc trong tôi. Lần này trở lại Bình Định với sứ mạng mới mà ngành Du lịch giao cho, tôi tin tưởng và chắc chắn rằng sẽ có những đóng góp cho sự phát triển du lịch đất Võ.

* Là một người chuyên nghiên cứu về lịch sử, tại sao ông lại hứng thú với vai trò làm cố vấn du lịch?

- Du lịch hay trong bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, đều cần lắm hàm lượng chất xám, tri thức để hành động và phát triển. Nói cho to tát một chút thì tôi nghĩ đó là sứ mạng của những kẻ có chút hiểu biết, đặc biệt là những hiểu biết về lịch sử dân tộc như tôi. Ngoài ra, sự kết hợp giữa lịch sử và du lịch có thể nâng lên vẻ đẹp trí tuệ, tinh thần văn hóa Việt Nam. Thông qua các chương trình du lịch tìm hiểu về truyền thống, những người thụ hưởng sẽ cảm thấy tự hào, yêu mến, quý trọng lịch sử của đất nước mình.

 

Đoàn khảo sát tham quan hồ bán nguyệt trong di tích thành Hoàng Đế.

 

* Thành Hoàng Đế là di sản độc nhất vô nhị

Là nhà sử học nổi tiếng, hiện nay, với vai trò là cố vấn du lịch cho TP Hà Nội, giáo sư Lê Văn Lan là người đã thai nghén ra ý tưởng tour du lịch “Hành trình qua các vùng kinh đô Việt cổ”.

* Tại sao Bình Định được chọn là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc hành trình độc đáo qua các kinh đô xưa?

- Nói thật, khi nảy sinh ra ý tưởng này, chúng tôi chỉ nghĩ đến 5 tỉnh: Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Huế với 6 tòa kinh đô. Nhưng chúng ta phải công bằng với lịch sử, dựa trên quá trình điều nghiên kỹ lưỡng, nghiên cứu khoa học đầy đủ, thì chúng tôi thêm được Phượng Hoàng Trung Đô và kinh thành Vạn An ở Nghệ An có từ thế kỷ 18. Và đến Bình Định, chúng tôi thêm vào một sự bổ sung chắc chắn và đẹp đẽ nữa về một kinh đô cổ là thành Hoàng Đế. Đây là một địa điểm bấy lâu nay những người quan tâm đến lịch sử đều biết, nhưng không phải ai cũng đã đặt chân tới và chưa thật sự tập trung chú ý đặc biệt.

* Ông có nhận xét gì về thành Hoàng Đế?

- Thành Hoàng Đế có vai trò lịch sử rất đáng nể. Đặc biệt, nó nằm chồng lên một tòa kinh đô nữa là thành Đồ Bàn của Chămpa. Không ở đâu có 2 tòa kinh đô chồng lên nhau của 2 vương quốc, 2 vương triều như thế. Tầng lớp trên cùng hiện nay tuy không phải là kinh đô nhưng nó cũng là một nơi trấn trị, một điểm hẹn của lịch sử giữa rất nhiều thế lực. Từ đấy ta nhận ra một giá trị là có ít nhất 3 tầng văn hóa đều là kinh đô, thủ phủ hoặc những trung tâm của đất nước đã tinh kết lại, chồng chất lên nhau. Tôi chưa thấy ở đâu có một di sản thứ 2 như thế này. Tôi rất lấy làm tiếc và có một chút xấu hổ khi mình lại chậm phát hiện một địa điểm vô cùng độc đáo như thế. Tôi hoàn toàn yên tâm về những giá trị mà mình đã phát hiện được dựa trên những tư liệu đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bình Định đang sở hữu một tài sản lịch sử rất đáng quý, vô cùng độc đáo và duy nhất. Nếu không chú ý, không khôi phục và khai thác tốt điều này, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử, có lỗi với dân tộc vì đã bỏ qua một kho tàng có thể nói là độc nhất vô nhị.

 

Giáo sư Lê Văn Lan đang ký tặng những “fan” hâm mộ tại Bảo tàng Quang Trung.

 

* “Với cách làm như hiện nay, du lịch Bình Định sẽ lãng phí về tiềm năng và rất khó bứt phá”

Chỉ có hai ngày tham quan “chớp nhoáng” một số điểm du lịch của tỉnh như tháp Dương Long, thành Hoàng đế, Bảo tàng Quang Trung... giáo sư Lê Văn Lan thật sự ấn tượng và có nhiều tâm huyết về tiềm năng du lịch của Bình Định.

* Ở vai trò cố vấn cho du lịch Việt Nam, ông nhận xét tiềm năng du lịch Bình Định như thế nào?

- Mặc dù chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngoài thành Hoàng Đế, Bình Định còn sở hữu rất nhiều “tài sản” du lịch có vẻ đẹp độc đáo, rất có giá trị như: hệ thống tháp Chăm, Bảo tàng Quang Trung, bãi biển trải dài tuyệt đẹp… Đó là chưa kể đến những tài sản tinh thần như: võ, tuồng cổ, trống trận Tây Sơn… Tuy nhiên, chúng ta còn bỏ phí rất nhiều tiềm năng du lịch này. Hiện tại, tôi nhận thấy, Bình Định cũng chỉ mới khai thác dựa trên những giá trị sẵn có chứ chưa đầu tư chất xám, trí tuệ để nâng tầm các “tài sản” này lên. Tôi cũng thấy nỗ lực của địa phương trong việc tôn tạo, trùng tu các di tích, cho việc phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên, Bình Định cần có những chiến lược cụ thể và những đầu tư xứng đáng hơn cho du lịch.

* Vậy theo ông, Bình Định nên phát triển du lịch theo hướng nào?

- Việc đầu tư phát triển du lịch không chỉ là vấn đề kinh phí mà điều quan trọng cần phải có trí tuệ, nghiên cứu của các nhà khoa học. Phải đưa chất xám vào để làm “sống dậy” những giá trị của các di tích ở Bình Định. Đây là vấn đề đòi hỏi phải có chiến lược rõ ràng và có sự đầu tư sáng suốt.

* Ông có thể nói cụ thể hơn những việc cần làm để khai thác giá trị di tích?

- Trước hết, tôi muốn nói đến việc trùng tu, tôn tạo di tích mà cụ thể là di sản lịch sử thành Hoàng đế. Do thời gian và những biến thiên của lịch sử, hầu như những dấu tích đích thực của thành Hoàng Đế không còn nhiều. Vì vậy, để thành Hoàng Đế và thành Đồ Bàn có thể nhập vào gia đình những tòa kinh đô cổ nước Việt thì cần phải đầu tư tôn tạo lại. Nhưng điều này phải hết sức cẩn trọng, đã có những nơi trùng tu di tích tốn kém nhiều kinh phí nhưng lại ít khoa học, khiến hậu quả là biến di tích 300 tuổi thành… 1 tuổi. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng cần được đẩy mạnh. Nếu người dân biết yêu quý và bảo vệ di sản thì đó là một sự hỗ trợ tinh thần rất lớn để khôi phục các di sản. Điều này cũng đúng với việc trùng tu, tôn tạo các di tích khác, nhất là những di tích chứa đựng nhiều giá trị lịch sử.

Vấn đề thứ hai là để du lịch có thể phát triển, địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch một cách cụ thể, dài hạn. Tôi nhận thấy du lịch Bình Định cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự như nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, có vài nơi trong số đó đã thành công trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Bí quyết là ngoài việc đầu tư một cách xứng đáng và đồng bộ cho du lịch…, họ còn tìm được cho mình một “thuyền trưởng” để định hướng, tập hợp nhân lực, đưa con thuyền du lịch địa phương tiến nhanh lên phía trước. Chúng tôi hay nói vui rằng, phải tìm ra được một nhân vật quan chức cao cấp ở địa phương để mời hoặc “lôi kéo và trói” họ vào vị trí phụ trách phát triển du lịch. Phải có một ban chuyên trách về du lịch với một người đứng đầu có đầy đủ tâm huyết, quyền hành và thực sự vào cuộc, cùng một bộ máy giúp việc có chất lượng cao thì du lịch địa phương mới phát triển được. Với kiểu đầu tư tản mạn, manh mún và không có định hướng thật sự cụ thể như hiện nay, du lịch Bình Định rất khó bứt phá…

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

  • Mai Hồng (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chổi… phiêu lưu ký  (04/07/2010)
Người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên   (03/07/2010)
Căng thẳng vì nắng hạn  (27/06/2010)
Lập công nhờ hòa mình cùng đồng đội  (26/06/2010)
Võ sư đa mang  (20/06/2010)
Cõi người quên quên nhớ nhớ  (13/06/2010)
Lĩnh vực nào cũng phải tạo ra sinh kế bền vững cho người dân  (12/06/2010)
Bài 3: Bình Định - tình đất, tình người  (08/06/2010)
Anh hùng lỡ vận  (06/06/2010)
Người gắn cuộc đời với trẻ em   (06/06/2010)
Bài 2: Đi tìm nơi đặt bia di tích  (02/06/2010)
Hóa giải tập tục lạc hậu  (30/05/2010)
Phải nghĩ cách để nông dân mình bớt nhọc nhằn  (29/05/2010)
Bài 1: Về Bình Định, sự gặp nhau của các thế hệ  (07/06/2010)
Hấp dẫn hàng si   (23/05/2010)