Người Bình Định ở Trường Sa
20:38', 11/7/ 2010 (GMT+7)

Từ Cảng quân sự Cát Lái, TP.HCM, sau hai đêm ba ngày, tàu HQ 957 của Lữ đoàn 125- đơn vị 2 lần nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, kiến tạo đường Hồ Chí Minh trên biển – chở 160 thành viên là lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân và lãnh đạo các tỉnh, thành đã đến quần đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Trong quá trình tác nghiệp, người viết đã tình cờ gặp gỡ nhiều cư dân huyện đảo là người Đất Võ.

 

Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân thăm hỏi từng cán bộ chiến sĩ tại thị trấn Trường Sa.

 

* Gặp đồng hương nhờ... không có điện

Đêm ở thị trấn Trường Sa tối mịt. Theo Thiếu tá Đảo trưởng thì toàn đảo có 25 cây đèn năng lượng dùng pin mặt trời, trị giá mỗi cây là 16.000 đô la nhưng bão tố đã làm hư hỏng nên chỉ còn… 5 cây hoạt động. Thiếu tá Đảo trưởng cho biết thêm, hiện ở đảo lớn này chỉ có vài nơi được có điện cả ngày đêm là nơi làm việc của lãnh đạo, phòng thông tin, nhà khách và quân y.

Chúng tôi được bố trí ở chung với các phân đội là lính hải quân trong những dãy nhà rất khang trang nhưng không có điện. Biết các nhà báo đang gặp khó khăn vì không có điện để sạc pin, đích thân Đảo trưởng giới thiệu tôi với Trung úy bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc – phụ trách quân y trên đảo. Bác sĩ Ngọc là người đồng hương Bình Định với tôi.

Trung úy Ngọc, 30 tuổi, tóc húi theo mốt đầu đinh, rất trẻ trung bắt tay tôi thật chặt sau khi được giới thiệu và “kiểm chứng” qua giọng nói. Anh quê ở TP. Quy Nhơn, đang là bác sĩ khoa ngoại của Bệnh viện Quân y 175 thì được điều động ra Trường Sa làm nhiệm vụ trong thời hạn một năm rưỡi. Dưới những bóng đèn tù mù, cắm điện cho dụng cụ của tôi xong, Ngọc giới thiệu các đồng đội với khách từ phương xa đến. Thị trấn dành riêng một số phòng nhỏ để quân y làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ và cả người dân đánh cá bị nạn. Dãy phòng gồm một phòng gây mê, mổ, khám ngoại… nhỏ bé, nhưng tinh thần ứng trực của bác sĩ đến y tá là rất cao. “Ngày trước, tôi đam mê y khoa lắm, cụ thân sinh cũng là người lính nên mong muốn con trai nối nghiệp, thế là tôi đi theo nghiệp nhà binh cho đến giờ” – Ngọc trải lòng. Ra đảo, anh nhớ nhà lắm, phương tiện giải trí chỉ là chiếc máy cát sét nhỏ và laptop mang theo. Buổi tối nóng bức, anh cùng mọi người ra ngồi hóng chuyện dưới tán lá những cây bàng vuông.

Các bác sĩ quân y cho biết, trạm xá thị trấn là tuyến cuối cùng của huyện đảo. Gặp các ca nặng, bệnh nhân sẽ được chuyển vào đất liền. Trong suốt thời gian qua, trạm xá đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có ca nào phải cực khổ chuyển đi giữa mùa gió chướng.

 

Vợ chồng anh Trường - chị Hạnh.

 

* “Chi-vas sứ” trên đại dương xanh

Sáng hôm sau, bác sĩ, Trung úy Ngọc trong bộ đồ nhà binh dẫn tôi tới trạm khí tượng thủy văn Trường Sa để tìm một đồng hương khác là trạm trưởng Đào Bá Cao. Trên đường đi, anh nửa đùa nửa thật: “Thị trấn có hai giám đốc, “giám đốc nhà đèn” là đảo trưởng thì anh đã gặp tối qua rồi, sáng nay anh sẽ gặp “giám đốc thời tiết””.

Chưa tới 30 tuổi nhưng Cao già đi nhiều vì nắng gió, vì suốt ngày đo đo đếm đếm lượng mưa, độ mây… Biết khách là đồng hương, anh đãi chúng tôi vài lon bia 333 ướp lạnh mà mọi người mệnh danh là rượu Chivas 21 (Chi-vas sứ) giữa biển. Thấy tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên, “ông thời tiết” giải thích: “Anh em trên đảo chỉ có rượu để nhâm nhi, còn bia phải gửi tàu từ đất liền mang ra, sau đó bỏ vào tủ lạnh thì càng quý”.

Bên “dĩa mồi” là những trái đu đủ chín trồng trên đất đảo ngọt lịm, Cao kể về sự xuất hiện của anh trên hòn đảo này như sau: “Tốt nghiệp trung cấp khí tượng, tôi nhận nhiệm vụ ra đảo công tác năm 2000. Sau đó, tôi được điều động về Trạm Khí tượng Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Tại đây, tôi cưới vợ và có được hai cháu. Mới đây, tôi lại được điều động quay ra đảo lần 2 với chức danh trạm trưởng”. Công việc của Cao là hằng ngày báo cáo tình hình quan trắc về đài khí tượng Nam Trung bộ. “Cơ quan” của anh hiện có 6 thành viên thảy đều rất trẻ. Giấu nỗi nhớ đất liền mỗi khi đêm đến, anh luôn tích cực hoàn thành nhiệm vụ.

Sau vài năm quay lại đảo, Cao nhận xét: “Được sự quan tâm mọi mặt của Đảng và Nhà nước, các đảo đã được cải thiện rất nhiều. Điện năng lượng thay cho máy nổ, điện thoại liên lạc thoải mái với đất liền, đời sống các mặt được đảm bảo”.

Trước đây, để báo cáo tình hình về đài, anh phải dùng máy Icom (vô tuyến điện). Mùa biển động, thiết bị chập chờn, rất khó nghe và nói. Bây giờ chỉ cần ngồi một chỗ, bấm vài số của điện thoại di động là anh Cao thoải mái làm nhiệm vụ và cả chuyện hỏi thăm vợ con mỗi ngày.

 

“Đo” thời tiết ở Trường Sa.

 

* Tôi là thị dân Trường Sa

Gặp những người dân của thị trấn Trường Sa, tôi cảm nhận họ đều có chung niềm tự hào được là công dân trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa nơi đầu sóng ngọn gió, họ đang góp phần biến vùng đất giữa trùng khơi thêm sung túc bởi những thế hệ tiếp theo đang lớn dần lên.

Bên dãy nhà khang trang, thoạt nhìn như dãy phố cao cấp trong đất liền, một gia đình gồm hai vợ chồng và ba con trẻ quê ở huyện Tây Sơn bất ngờ trước sự có mặt của đồng hương. Đó là anh Võ Văn Trường, sinh năm 1974 và chị Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1973. Trước khi ra đảo, anh chị làm nghề nông, sau khi nghe lời kêu gọi bảo vệ chủ quyền biển đảo, gia đình này tới tập kết tại huyện Cam Lâm, Khánh Hòa để ra đảo sinh sống. Anh chị có ba người con, hai trai, một gái. Hiện hai cháu lớn phải gửi ra đất liền để học, còn cháu nhỏ ở với anh chị trong ngôi nhà rộng thênh thang do nhà nước cấp. Hàng xóm của anh chị phần nhiều cũng là người dân quê gốc Bình Định. Họ yêu thương nhau như ở quê nhà. Bằng chứng là khi kể về nhau, anh Trường nhớ cả họ tên, năm sinh của từng người và những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên huyện đảo.

Anh Trường vồn vã, chân tình bảo vợ “thịt” con gà mái để đãi đồng hương nhưng tôi nhất mực từ chối. Anh lại sai vợ lấy rượu Bàu Đá chiêu đãi để giữ tôi lại được lâu hơn. Tôi hiểu tình đồng hương quý giá như thế nào!

Bên ly Bàu Đá cay sè cuống họng, anh Trường trải lòng: “Dòng họ tôi và bà xã ở Tây Sơn còn nhiều lắm, vài năm chúng tôi lại cố gắng thu xếp để về thăm nom hay ăn Tết cùng mọi người. Ra ngoài này nhớ quê lắm nhưng mình thấy rất tự hào vì đang góp phần giữ gìn mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Nắng lên cao, còi tàu hú vang yêu cầu đoàn khách ra cầu từ biệt Trường Sa lớn. Vợ chồng anh Trường cùng cô “công chúa” nhỏ tiễn tôi ra cầu tàu. Chị Hạnh thủ thỉ vào tai tôi: “Em chụp cho chị vài pô ảnh và gửi ra nhé”.

Những chị phụ nữ ở thị trấn hôm ấy đẹp lắm, họ diện những bộ áo dài đủ màu sắc để đón tình thân từ đất liền.

Phút chia tay, ai nấy đều bịn rịn, nước mắt, nụ cười chan hòa lấy nhau. Bóng dáng thị trấn Trường Sa với những con người dễ mến, kiên cường cùng những cột đèn năng lượng như cối xay gió quay vù vù mờ dần. Chuyến tàu tiếp tục hải trình đi thăm các đảo chìm và đảo nổi còn lại của quần đảo… Là người Bình Định, tôi cảm thấy tự hào có những người con quê mình đang đương đầu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, để bảo vệ vùng biển quê hương, thể hiện khí phách Đất Võ.

  • Phạm An Hòa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giáo sư Lê Văn Lan và những tâm huyết với miền đất Võ  (10/07/2010)
Chổi… phiêu lưu ký  (04/07/2010)
Người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên   (03/07/2010)
Căng thẳng vì nắng hạn  (27/06/2010)
Lập công nhờ hòa mình cùng đồng đội  (26/06/2010)
Võ sư đa mang  (20/06/2010)
Cõi người quên quên nhớ nhớ  (13/06/2010)
Lĩnh vực nào cũng phải tạo ra sinh kế bền vững cho người dân  (12/06/2010)
Bài 3: Bình Định - tình đất, tình người  (08/06/2010)
Anh hùng lỡ vận  (06/06/2010)
Người gắn cuộc đời với trẻ em   (06/06/2010)
Bài 2: Đi tìm nơi đặt bia di tích  (02/06/2010)
Hóa giải tập tục lạc hậu  (30/05/2010)
Phải nghĩ cách để nông dân mình bớt nhọc nhằn  (29/05/2010)
Bài 1: Về Bình Định, sự gặp nhau của các thế hệ  (07/06/2010)