“Ngọn lửa” Công Lý
19:46', 17/7/ 2010 (GMT+7)

Những người đã từng nghe Nguyễn Công Lý hát, xem anh dẫn chương trình đám cưới, những tiểu phẩm mà anh dàn dựng, đều có chung ấn tượng đặc biệt. Sự đặc biệt này đến từ “ngọn lửa” đam mê cống hiến cho phong trào văn nghệ quần chúng luôn cháy sáng trong cuộc đời anh.

 

Anh Công Lý (đứng giữa) đang tập tiểu phẩm Ánh sáng và bóng tối cho Đội văn nghệ Công an huyện An Nhơn.

 

* “Lửa” trong tiếng hát trên chiến hào

Nguyễn Công Lý sinh năm 1955 tại Quy Nhơn, thời đi học trường Cường Để anh là thành viên tích cực tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống chiến tranh. Sau giải phóng, Công Lý về công tác ở Sở Thủy lợi Nghĩa Bình, rồi tham gia nhóm ca khúc chính trị của Tỉnh Đoàn. Với kinh nghiệm tổ chức phong trào, Công Lý đề xuất với lãnh đạo cơ quan thành lập nhóm ca khúc chính trị của Sở Thủy lợi Nghĩa Bình, anh đảm nhiệm vai trò nhóm trưởng lo dàn dựng chương trình biểu diễn. Có giọng hát cuốn hút với sở trường là những ca khúc có giai điệu nồng nàn, Công Lý tham gia đóng góp tích cực cho các nhóm ca khúc chính trị. Chính anh cũng đoạt nhiều giải cao qua các hội thi cấp tỉnh và toàn quốc.

- Với anh, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong những năm tháng tham gia các nhóm ca khúc chính trị?

Gần 30 năm trước, chúng tôi được phân công lên huyện miền núi Vĩnh Thạnh biểu diễn phục vụ cho công tác khảo sát bước đầu để xây dựng công trình thủy điện Vĩnh Sơn. Đường sá khó khăn, anh em gồng gánh nhạc cụ băng đèo, lội suối được nửa đường thì hết lương thực, đói quá nên nhổ trộm mì ăn. Không ngờ là mì của phân trại cải tạo Nước Nhóc, cả đám hãi đến xanh mặt. Ban đầu các đồng chí công an kiên quyết đòi xử lý nhưng khi biết chúng tôi là nghệ sĩ đi biểu diễn phục vụ, chính các đồng chí công an đó lại mời đoàn về làm heo thết đãi. Buổi biểu diễn bất ngờ ngoài chương trình tại trại Nước Nhóc đó lại đầy hứng khởi.

Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tôi được Bộ Thủy lợi điều ra chiến trường tham gia đội biểu diễn phục vụ bộ đội ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Ban ngày, chúng tôi đứng diễn trên các chiến hào, pháo địch bắn tới là nhảy ào xuống núp, xong rồi lại trèo lên tiếp tục vươn lên “cháy” hết mình trong từng lời hát cùng bộ đội. Đó là những tháng ngày biểu diễn không thể nào quên. Sau đợt biểu diễn từ chiến trường về ấy, tôi có vinh dự lớn, được tặng một lúc tới hai bằng khen, một của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một của Bộ trưởng Bộ Thủy lợi.

 

                               Cha con Công Lý đang tập hát.

 

* Tôi thích dàn dựng tiểu phẩm về các vấn đề xã hội

Gần 20 năm qua, Công Lý về quê sinh sống và đóng góp tích cực trong vai trò cán bộ VHTT xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn. Đặc biệt anh dành nhiều tâm huyết cho các tiểu phẩm tuyên truyền.

- Anh lấy nguồn cảm hứng sáng tạo tiểu phẩm từ đâu ?

Các tiểu phẩm có vị trí quan trọng trong hoạt động tuyên truyền qua tác phẩm văn nghệ. Nguồn cảm hứng sáng tạo của tôi lấy từ những vấn đề bức xúc trong cuộc sống. Tôi chứng kiến nhiều cái chết thương tâm trên những cây cầu sạp trong mùa lũ, bức xúc với vấn đề ấy, tôi viết và dựng tiểu phẩm  Thông điệp âm phủ. Đó là những câu chuyện về tình trạng đua xe, xe khách giành đường vượt ẩu… đến việc người ta làm cầu tre tạm qua sông, người trúng thầu hà tiện tận dụng những cây gỗ mục nên học sinh đi qua cầu té chết. Tiểu phẩm khiến nhiều người xem xúc động khóc, được trao giải Nhất trong cuộc thi tuyên truyền an toàn giao thông cấp tỉnh, Đài PTTH Bình Định mời xuống quay hình phát sóng.  Hiện tại, tôi đang dàn dựng tiểu phẩm Ánh sáng và bóng tối cho Công an huyện An Nhơn, có nội dung ca ngợi anh Nho - phó công an xã Nhơn Phong - đã hy sinh khi chống tội phạm cách đây vài năm….

- Đến nay đã dàn dựng hàng trăm tiểu phẩm, trong đó có nhiều tiểu phẩm đạt giải cao tại hội thi các cấp. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình ?

Tôi suy nghĩ trước nội dung tiểu phẩm trong nhiều ngày, khi ý tưởng chín mùi thì đêm về ngồi viết một mạch đến tận 2-3 giờ sáng. Không nghỉ ngơi, tôi tiếp tục tự mình diễn thử các nhân vật trong tiểu phẩm để xem xét. Nhiều lúc nhập vai cao hứng quá hát to lên, khiến bà xã đang ngủ ngon giật mình thức giấc: “Ông đúng là bị trời hành” (cười).

Tôi thường đưa vào tiểu phẩm nhiều làn điệu Dân ca, Bài chòi, Tuồng để tạo sự gần gũi, gây ấn tượng mạnh đối với người xem. Trong quá trình tập luyện, tôi  lắng nghe các ý kiến đóng góp của diễn viên để hoàn thiện kịch bản. Sau đó tiếp tục ghi nhận ý kiến khán giả để khắc phục hạn chế vào những lần diễn sau.  

- Dàn dựng tiểu phẩm thành công, chắc thù lao cũng khá...

Tiền tác giả cộng với công đạo diễn dàn dựng thường chỉ từ vài ba trăm ngàn đến cỡ một triệu đồng thôi. Nhiều khi đi xa tập luyện hàng chục ngày, tiền xăng xe ăn uống cũng chỉ vừa đủ chi phí. Cũng may được bà xã chia sẻ, quán xuyến việc nhà để tôi có thể sống với đam mê. Dàn dựng tiểu phẩm đem đến cho tôi nhiều niềm vui, đóng góp ý nghĩa… thì đó chính là “thù lao tinh thần” xứng đáng rồi!

 

Cách dẫn chương trình đám cưới của anh Công Lý giàu màu sắc văn hóa truyền thống Bình Định.

 

* MC đám cưới độc đáo 

Đến với nghề dẫn chương trình đám cưới từ cách đây hơn 20 năm khi còn ở Quy Nhơn, Công Lý hiện là MC vào dạng đắt sô nhất của huyện An Nhơn, nhờ tài dẫn chương trình “không đụng hàng”.

- Theo anh, nghề MC đám cưới phải rèn luyện như thế nào?

Phải học, đọc, tìm hiểu ca dao tục ngữ, các bài thơ tình hay để có “vốn liếng” dẫn chương trình đám cưới. Một MC giỏi phải tích lũy kiến thức văn hóa, những câu chuyện, câu nói hay để áp dụng hợp lý vào từng hoàn cảnh cụ thể. Tôi cũng luôn tìm tòi những lời dẫn mới để tránh sự trùng lặp, nhàm chán.

-  Vậy còn cách dẫn chương trình đám cưới của anh ?

Tôi hỏi thăm trước gia đình, cô dâu chú rể ở đâu và làm nghề gì, để hư cấu thành câu chuyện sinh động, hợp lý chấp nhận được. Tôi cũng nghiên cứu trước để lồng ghép vào lời dẫn giới thiệu về danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đặc sản địa phương của quê hương hai bên họ nhằm tạo sự đoàn kết, ấm cúng. Tôi dẫn chuyện bằng những câu ca dao, hát Dân ca, Bài chòi, Tuồng. Chẳng hạn trong một đám cưới tôi hư cấu hoàn cảnh đôi bạn trẻ gặp nhau qua một câu ca dao theo điệu hò giã gạo Bình Định: “Hớ…Hơ…cô kia cắt lúa một mình. Cho tôi cắt với chung tình làm đôi. Ơ…cô còn cắt nữa hay thôi. Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng. Hò…là…hê…”. Rồi tôi dẫn dắt tiếp đôi trai gái bắt đầu cảm mến tìm hiểu nhau, và dân gian có câu: “Trai lớn lên thì phải cưới vợ, gái lớn lên thì phải cưới chồng. Trai khôn cưới được vợ hiền, khác gì cầm tiền mua được của ngon. Gái ngoan lấy được chồng khôn, gần bằng cá vượt vũ môn hóa rồng”. Sau đó tôi làm luôn một điệu hát Tuồng: Hôm nay mừng lễ thành hôn. Bà con cô bác xóm chòm gần xa. Chúc mừng vui vẻ sui gia. Chúc cho đôi trẻ mặn mà tình duyên… đây… đôi trẻ mặn mà…tình duyên…”.

Điều quan trọng bậc nhất là làm sao vừa để cả cô dâu chú rể, hai họ hài lòng, vừa khiến quan khách không thấy có cảm giác bị mất thời gian trong màn giới thiệu lê thê. Dẫn chương trình cho một đám cưới với tôi thật sự là một việc làm cần được đầu tư nghiêm túc như mọi tiết mục văn nghệ khác.

* Vẫn còn muốn cống hiến nhiều

Đồng lương ít ỏi không ảnh hưởng đến thành tích đóng góp của anh cho công việc cán bộ VHTT xã Nhơn Thành. Trong căn nhà nhỏ nằm lẩn khuất trên con đường quê, Công Lý chỉ treo một số huy chương, bằng khen tiêu biểu như Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng của Bộ VHTT trao tặng năm 2000, giấy khen của Sở VH – TT & DL, UBND huyện An Nhơn cho thành tích xuất sắc trong Liên hoan làng, khu phố văn hóa tiêu biểu tỉnh năm 2009… còn rất nhiều bằng khen khác, anh cẩn thận xếp thành chồng cất kỹ….

- Đã cống hiến cả đời cho phong trào văn hóa cơ sở, bây giờ cũng đã có tuổi anh có ý định dừng lại ?

Dừng lại là sao. Tôi, tâm huyết vẫn còn tràn đầy đây này. Giờ mà biểu tui nghỉ là tui đổ bệnh liền cũng nên. Tôi cũng chuẩn bị rồi nhé (cười), chả là tôi đã rèn luyện giọng hát cho các con gái từ nhỏ. Tôi rất vui khi định hướng của mình được con gái Bạch Lan thuận theo, chia sẻ. Cháu cũng mê nghệ thuật truyền thống, nên giờ đang là diễn viên của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Chất giọng của hai đứa em của Bạch Lan cũng khá, hiện đang còn học sinh nhưng vẫn tham gia tích cực vào phong trào văn nghệ quần chúng huyện An Nhơn. Mỗi lần cha con tôi đi tham gia hoạt động phong trào thì bà xã cũng dành thời gian đi theo cổ vũ. Được cùng chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật, tôi thấy gia đình mình thật hạnh phúc ! Coi như cả nhà tôi làm nghệ thuật phong trào.

- Cảm ơn. Chúc anh khỏe và gặt hái nhiều thành công hơn nữa !

  • Hoài Thu (thực hiện) 
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người Bình Định ở Trường Sa  (11/07/2010)
Giáo sư Lê Văn Lan và những tâm huyết với miền đất Võ  (10/07/2010)
Chổi… phiêu lưu ký  (04/07/2010)
Người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên   (03/07/2010)
Căng thẳng vì nắng hạn  (27/06/2010)
Lập công nhờ hòa mình cùng đồng đội  (26/06/2010)
Võ sư đa mang  (20/06/2010)
Cõi người quên quên nhớ nhớ  (13/06/2010)
Lĩnh vực nào cũng phải tạo ra sinh kế bền vững cho người dân  (12/06/2010)
Bài 3: Bình Định - tình đất, tình người  (08/06/2010)
Anh hùng lỡ vận  (06/06/2010)
Người gắn cuộc đời với trẻ em   (06/06/2010)
Bài 2: Đi tìm nơi đặt bia di tích  (02/06/2010)
Hóa giải tập tục lạc hậu  (30/05/2010)
Phải nghĩ cách để nông dân mình bớt nhọc nhằn  (29/05/2010)