Thay màu cho những con đường
21:56', 18/7/ 2010 (GMT+7)

Hai con sông Kim Sơn và An Lão xẻ Hoài Ân thành nhiều mảnh, địa hình vừa núi vừa sông của miền trung du này luôn là nỗi ám ảnh của giao thông nông thôn. Chủ trương bê tông hóa của tỉnh đã trao cho người dân Hoài Ân một thứ “vũ khí”, và họ đã chiến thắng.

 

Những con đường bê tông thẳng tắp làm đẹp nông thôn. Ảnh: Võ Chí Hà

 

* Lối thoát!

Từ năm 2000, khi chủ trương bê tông hóa giao thông nông thôn (GTNT) được triển khai, bằng những chính sách và bước đi thích hợp, Hoài Ân đã từng bước xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực phát triển GTNT mạnh mẽ. Hầu hết các tuyến đường được kiên cố hóa, những ổ gà, ổ voi không còn nằm giữa đường thách thức những chuyến đi, thay vào đó là những con đường thông thoáng, sạch sẽ.

Những ngày đầu khi chủ trương bê tông hóa GTNT về vùng trung du này, người dân chưa thực sự mặn mà khi họ tự tính toán thấy sức mình còn hạn hẹp. Đây là khó khăn chung không chỉ ở Hoài Ân, bởi ngoài 150 tấn xi măng và 30 triệu đồng hỗ trợ của tỉnh và huyện, người dân phải bỏ ra gần 150 triệu đồng trên 1km đường. Có những đoạn đường dài băng qua cánh đồng chỉ nối một xóm nhỏ hơn mười nóc nhà, theo tính toán của cán bộ địa phương, mỗi người dân phải đóng đến 15 triệu đồng mới đủ khả năng thi công. Con số này không thể áp cho nhiều người dân đang sống trong căn nhà xiêu vẹo. Một người dân nhẩm tính, cả đời làm lụng chưa tích lũy được 1 cây vàng mà nộp gần 4 cây để làm bê tông đường thì vô lý quá.

Ông Trần Đình Sâm, cựu cán bộ giao thông phòng Công thương huyện, người rất tâm huyết với GTNT tâm sự: “Chủ trương có rồi nhưng triển khai và thực hiện thế nào là trăn trở của chúng tôi. Chẳng lẽ tỉnh cho tiền mà không sử dụng được? Tôi nghĩ đó là điều tệ nhất của người làm lãnh đạo…”. Hai con sông chảy qua địa bàn luôn làm mình làm mẩy với người dân địa phương nhưng chính nó lặng lẽ đem lại một nguồn vật liệu vô tận. Nếu phải bỏ thêm 150 triệu đồng/km đường là chủ yếu để mua cát, sạn và công thợ, lãi nhà thầu. Vậy thì lối thoát lại chính là nguồn cát, sạn từ dòng sông.

Vậy là được thống nhất ngay, tùy theo đoạn đường, các “nhà thầu” địa phương tính toán chia trên mỗi nhân khẩu đóng góp bao nhiêu cát, sạn, bao nhiêu công nhật thay vì đóng bằng tiền. Kế hoạch triển khai nhanh chóng, cuối năm 2000 một số con đường điểm bắt đầu thi công, những khối bê tông đầu tiên được đặt lên những con đường lầy lội…

 

Những con đường bê tông chạy vào tận ngõ nhà dân là hình ảnh quen thuộc ở Hoài Ân.

 

* Trên dưới một lòng

Đặc thù của địa hình Hoài Ân là dốc cao và nhiều sông suối. Chị Trần Thị Ta, một nông dân ở Ân Hữu, kể: “Khổ nhất là mùa mưa, chỉ một cơn mưa nhỏ là đường lầy cả tháng, bây giờ nghĩ lại cũng còn rùng mình”. Chống lại khắc nghiệt của địa hình, hàng năm người dân đổ cấp phối đất lên các con đường nhưng chỉ một mùa mưa là bị kéo phăng theo dòng chảy. Năm nào cũng phải vật lộn, phải đắp bồi.

Nỗi khổ ấy là một động lực thúc đẩy sự quyết tâm lên cao, họ phải tận dụng hết những cơ hội để đổi màu cho những con đường. Phong trào được phát động, kế hoạch, thiết kế lên sẵn, xã nào đăng ký làm là huyện duyệt ngay. Ba hướng được huyện phát động giai đoạn đầu (2000-2001) là thị trấn Tăng Bạt Hổ, xã Ân Phong, Ân Thạnh, mỗi xã 1km. Những đoạn đường đất đầu tiên được trải bê tông, những chuyến xe bon bon chạy không một chút bụi là hình ảnh đẹp đẽ ập vào mắt người dân, ai cũng khao khát những con đường ở xóm làng mình được thay da như vậy.

Ông Sâm nhớ lại, sau những tuyến điểm đã đưa vào sử dụng, hầu hết các xã đều đăng ký, trên những nẻo đường bắt đầu rộn ràng những công trình thi công. Người dân tấp nập lên núi lấy đá, xuống sông chở cát, nơi nào cũng thi đua. Nhiều con đường nối liên xã, liên thôn được ưu tiên, người dân thắp điện làm thâu đêm. Một điểm sáng của phong trào là xã Ân Tường Tây. Người dân ở đây làm không biết mệt mỏi, chỉ mong có đường để đi. Và nhờ vậy chỉ sau hai năm, họ bê tông xong gần 25 km đường. Ông Nguyễn Văn Rô, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Có lúc xe chở xi-măng về lúc nửa đêm, các thôn đánh kiểng để thanh niên dậy tập trung bốc vác. Họ làm rất hăng say, có đêm chưa kịp ngủ thì mặt trời đã lên, lại phải tiếp tục đổ bê tông. Làm xong một đoạn đường, ông “thưởng nóng” hai lít rượu trắng. Vậy là đủ để giải mỏi, đểø khích lệ tinh thần cho sức trẻ trên những tuyến đường tiếp theo. Ông Rô kể, nếu không tận dụng được nguồn tài nguyên ở sông suối thì cả gia đình tôi tính ra phải nộp trên 10 triệu đồng, thay vào đó là chở hơn 20m3 sạn, cát.

Những ngày đầu, các xã Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Hảo Đông chưa được sự hỗ trợ của Chương trình 135, dân còn nghèo nên việc vận động gặp nhiều khó khăn. Khi thấy các xã khác làm được đường mà người dân hầu như không nộp đồng nào nên họ cũng nhân rộng mô hình. Những con đường vắt vẻo qua đèo cũng được hình thành, nhất là đường huyện ở Ân Hữu nối với xã Đăk Mang, rồi Gò Dũng nối với làng T4, T5 (xã Bok Tới)… Nhiều con đường mất hàng giờ băng rừng đi bộ thì giờ chỉ còn vài phút đi xe máy, hàng hóa được lưu chuyển, đời sống xã hội theo đó phát triển, kéo gần khoảng cách giữa các vùng. Anh Đinh Việt Tân ở Gò Dũng (Bok Tới) vui vẻ nói: “Trước kia đi lại khó khăn lắm, khi nào cần đi thì băng rừng, bây giờ có đường rồi, muốn đi lúc nào thì đi”.

 

Những con đường vắt vẻo qua núi, kéo gần khoảng cách các làng vùng cao.

 

* Bê tông theo mọi nẻo đường

Anh Ngọc đưa tôi đi đến những thôn dọc sông, triền núi, qua những cánh đồng, nơi nào cũng thẳng tắp những mảng bê tông nối dài đến từng con hẻm. Ngoài những đoạn làm theo quy cách (rộng 3m, dày 0,18m) còn có những con đường nhỏ hơn.  Ông Thời Mộng Giang, cựu trưởng thôn Hà Tây (xã Ân Tường Tây), một người ăn ngủ cùng đường bê tông của thôn, cho biết: “Lòng dân thuận lắm, họ đốc thúc chúng tôi làm sao để mọi con đường của thôn không còn bùn lầy nữa. Khổ thì chịu, thà chúng tôi khổ một vài năm để tránh được cái khổ nhiều năm sau này”.

Chủ trương của tỉnh phổ biến đều ở các huyện, tuy nhiên nhiều nơi vẫn ì ạch trong tiến độ thi công thì Hoài Ân đã tăng tốc về đích và được đánh giá là huyện dẫn đầu về phong trào bê tông hóa GTNT được nhận bằng khen của Bộ GT-VT (1997) và Thủ tướng Chính phủ (2005). “Khen” thành tích của mình, người Hoài Ân ai cũng “đổ” cho chủ trương, họ nói “nhờ chủ trương của Nhà nước” mà khiêm tốn với chính khả năng và ý chí tuyệt vời từ nội lực của chính mình. Riêng ông Trần Đình Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện, nhìn nhận sát hơn: “Để triển khai chủ trương bê tông hóa GTNT, chúng tôi phối hợp với các xã thành lập ban vận động, ban chỉ huy công trình, ban giám sát từ xã đến thôn. Nhờ nguyên vật liệu sẵn có ở các con sông, suối tạo điều kiện thuận lợi”.

Để huy động được sức mạnh ấy, UBND huyện, các xã, thôn đã triệu tập hàng trăm cuộc họp, nhiều phương án đưa ra, quán triệt mọi tình huống, nhất là sự công bằng, sự minh bạch và tính chính xác để triển khai thực hiện. Đến nay, theo thống kê của phòng Công thương huyện Hoài Ân, toàn huyện đã có 257,888km đường đã được bê tông hóa, hầu hết các tuyến liên xã, liên thôn được phủ kín. Những cái tên xã như Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Tín, Ân Phong… nổi lên thành những điểm sáng của phong trào.

  • Trường Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Ngọn lửa” Công Lý   (17/07/2010)
Người Bình Định ở Trường Sa  (11/07/2010)
Giáo sư Lê Văn Lan và những tâm huyết với miền đất Võ  (10/07/2010)
Chổi… phiêu lưu ký  (04/07/2010)
Người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên   (03/07/2010)
Căng thẳng vì nắng hạn  (27/06/2010)
Lập công nhờ hòa mình cùng đồng đội  (26/06/2010)
Võ sư đa mang  (20/06/2010)
Cõi người quên quên nhớ nhớ  (13/06/2010)
Lĩnh vực nào cũng phải tạo ra sinh kế bền vững cho người dân  (12/06/2010)
Bài 3: Bình Định - tình đất, tình người  (08/06/2010)
Anh hùng lỡ vận  (06/06/2010)
Người gắn cuộc đời với trẻ em   (06/06/2010)
Bài 2: Đi tìm nơi đặt bia di tích  (02/06/2010)
Hóa giải tập tục lạc hậu  (30/05/2010)