Người Bình Định trên cao nguyên Lâm Đồng
21:46', 24/7/ 2010 (GMT+7)

* Bút ký của Thanh Dương Hồng

Trong cuộc mưu sinh, người Bình Định với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó đã lao động, chắt chiu xây dựng cơ nghiệp trên quê mới Lâm Đồng, không chỉ có vậy nhiều nét văn hóa của Bình Định theo chân người bắt rễ trên đất mới và tình làng nghĩa xóm được gìn giữ rất bền chặt cũng nhờ đó…

***

Theo thống kê sơ bộ, người Bình Định (BĐ) hiện đang sinh sống, lập nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng có khoảng trên 10.000 hộ với khoảng 30.000 nhân khẩu, có mặt ở hầu hết 10 huyện và 2 thành phố (Đà Lạt, Bảo Lộc) trong toàn tỉnh. Song, hai địa bàn là huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên có số dân cư là người BĐ đông nhất. Ông Nguyễn Mạnh Việt - P.Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, huyện có 10.000 hộ, với 47.000 nhân khẩu; trong đó người BĐ có 1.000 hộ với 3.000 nhân khẩu. Còn đối với huyện Cát Tiên, người gốc BĐ có khoảng 2.000 hộ và gần 5.000 nhân khẩu. Người dân BĐ sống ở hai huyện này có điểm khác so với những hộ sống ở các địa phương khác trong tỉnh là họ sống tập trung lại với nhau và đều lấy tên huyện cũ của mình đặt tên cho xã mới. Cụ thể như ở huyện Đạ Tẻh có xã An Nhơn, huyện Cát Tiên có các xã: Phù Mỹ, Phước Cát I, xã Phước Cát II.

 

Thôn 3, xã Phước Cát, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng). Ảnh: L.Đ

 

Thật ra, không chỉ có người BĐ lập nghiệp tại hai huyện này mới có cách đặt tên xã mới từ tên huyện cũ mà dân cư nhiều tỉnh khác lập làng, lập xã tại vùng kinh tế mới cũng làm tương tự. Nhưng so với các nhóm dân cư khác, người BĐ không chỉ nhắc nhớ về cố hương mà trong cuộc sống quần cư còn giữ gìn những phong tục tập quán, tư duy lao động sản xuất, ngành nghề truyền thống ở “cộng đồng làng xã”. Bên cạnh đó, “tình đồng hương”, các hoạt động hướng về nguồn cội, thương yêu chăm sóc nhau, động viên nhau cùng vượt đói thoát nghèo…cũng thường xuyên được tổ chức, duy trì hàng năm và được xem là những hoạt động tinh thần mang tính  nhân văn sâu sắc…

***

Lâm Đồng là một tỉnh đất rộng, người thưa. Khoảng 25 năm về trước, nhiều vùng đất hoang vu, vắng bóng người, nhất là các huyện như Lâm Hà, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên…Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đặc biệt giai đoạn 1975 - 1985, chính quyền tỉnh Lâm Đồng vừa tiến hành công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa đương đầu với sự chống phá quyết liệt của tàn quân Fulro. Chúng lợi dụng rừng núi hiểm trở, thưa thớt bóng người mua chuộc, lôi kéo dân, dụ dỗ và sát hại cán bộ cơ sở. Lâm Đồng chủ trương giãn dân và tập trung xây dựng các vùng kinh tế mới ở các huyện nói trên làm cơ sở vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ Đảng, chính quyền. Trong giai đoạn này, nhiều huyện mới, xã mới được hình thành; ngoài giãn dân các vùng đông dân cư đến các huyện mới, Lâm Đồng tiếp nhận bà con từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước về đây xây dựng kinh tế mới trên cao nguyên Lâm Viên. Đến nay, 54 dân tộc anh em của 64 tỉnh, thành trong cả nước đều có mặt tại Lâm Đồng, và người dân miền đất Võ có mặt trên vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ thuộc loại sớm nhất.

Có thể nói, hơn 30 năm lập nghiệp trên quê mới, được sống gắn bó cùng thôn, cùng xã đã giúp cho những ngành nghề truyền thống của nhân dân các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn… (Bình Định) được bà con nhân dân “mang theo” áp dụng vào thực tế lao động sản xuất và nhiều hộ khá, giàu chiếm rất cao. Ông Nguyễn Hữu Hiền: Chủ tịch UBND xã An Nhơn- huyện Đạ Tẻh (người Bình Định) cho biết: toàn xã có 215 hộ với 977 khẩu là người BĐ (chiếm 24,9% dân số của xã); trong đó, số hộ có mức sống từ trung bình đến khá, giàu chiếm 77,2% (166 hộ). Phần lớn các hộ người BĐ chuyên nghề trồng lúa nước, trồng dưa hấu, cây ăn trái lâu năm kết hợp chăn nuôi heo, gà, nhất là vịt thả đồng. Một số ít hộ kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn gia súc, máy móc nông cụ…). Tại huyện Cát Tiên, tập trung xã Phù Mỹ, bà con nhân dân chủ yếu đầu tư nghề trồng dâu nuôi tằm - một nghề tuy vất vả, nhưng bù lại có nhiều cơ hội đổi đời nhờ địa bàn xã chạy dọc sông Đồng Nai có lợi thế về khí hậu, đất phù sa bồi đắp rất phù hợp nghề tằm tang, cộng với đức tính cần mẫn có thừa đã giúp nhiều gia đình từ những đôi bàn tay trắng vươn lên giàu có nhất nhì trong vùng. Các xã Phước Cát I, Phước Cát II, bà con đầu tư vào cây lúa, cây điều, kết hợp chăn nuôi và buôn bán… cũng giúp nhiều hộ giàu lên đáng kể.

***

Những ngày cùng sống với bà con quê mình trên những làng, xã của hai huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên (Lâm Đồng) tôi thật sự thấy lòng ấm áp lạ thường. Mỗi năm, số hộ nghèo của người BĐ giảm xuống và số hộ khá, giàu tăng lên khá nhanh. Hiện nay, theo tổng hợp của chính quyền hai địa phương nói trên, số hộ người BĐ nghèo chỉ chiếm khoảng 8 -10%. Đặc biệt, đã có nhiều hộ gia đình người BĐ giàu có, trở thành những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi được tuyên dương các cấp như hộ ông Đinh Văn Thà (thôn 1, xã An Nhơn - Đạ Tẻh) từ việc sản xuất lúa nước, trồng dưa hấu, chăn nuôi heo, gà, vịt… mỗi năm thu nhập trên dưới 200 triệu đồng, xây cất nhà mới khang trang, mua sắm máy móc (máy cày, máy gặt, máy xay xát…) phục vụ nông nghiệp và cho thuê. Gia đình ông có 2 con đều tốt nghiệp Đại học và có bằng Thạc sĩ. Nhiều năm qua, gia đình nông dân này được tuyên dương nông dân sản xuất giỏi toàn tỉnh. Các gia đình: ông Phạm Hồng Sơn (thôn 2), gia đình bà Hồ Thị Lý (thôn 3), gia đình ông Huỳnh Văn Nam, Nguyễn Văn Hoàng (thôn 4, xã An Nhơn)… là những hộ gia đình có mức thu nhập khá, giàu nhờ sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh phân bón, thức ăn gia súc. Tại vùng đất Cát Tiên, gia đình anh Trần Đình Trọng (thôn 1); gia đình ông Hoàng Xuân Cường (thôn 4- xã Phú Mỹ) trở thành tỉ phú nhờ trồng dâu nuôi tằm…

***

Bên cạnh đức tính cần cù chịu thương chịu khó lam lũ làm ăn và chắt chiu xây dựng cơ nghiệp của người dân BĐ, bà con BĐ còn nổi tiếng với sự gắn bó trong tình đồng hương. Thông qua “Hội đồng hương Bình Định” tại các xã, các huyện, hàng năm bà con nhân dân BĐ sống tại Đạ Tẻh, Cát Tiên thường xuyên được lãnh đạo các huyện An Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát lên thăm, động viên và tặng quà. Tại xã An Nhơn (Đạ Tẻh) từ năm 2006 - 2009 vừa qua, trước các dịp Tết Nguyên đán dân tộc, lãnh đạo và các đoàn thể huyện An Nhơn đều tổ chức đoàn công tác lên thăm và đã tặng 150 triệu đồng cho bà con đồng hương BĐ trong xã (trong đó, 105 triệu đồng xây 8 căn nhà tình thương tặng cho những hộ nghèo và 45 triệu đồng quà Tết tặng 200 lượt hộ gia đình còn gặp khó khăn có điều kiện vui xuân trên quê mới)…

Có thể nói rằng, cuộc sống lao động của bà con BĐ trên cao nguyên Lâm Viên vẫn còn nhiều khó khăn, còn nhiều gia đình nghèo; song, với đức tính cần cù, ham làm, biết tiết kiệm và sự hỗ trợ của chính quyền, nhân dân địa phương, sự quan tâm động viên của “Hội đồng hương Bình Định” sẽ là động lực giúp bà con vượt khó vươn lên có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Truyền thống thượng võ và bản chất anh hùng trong đấu tranh của con người Bình Định đã và đang được phát huy trong công cuộc xây dựng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” hôm nay…

  • T.D.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thay màu cho những con đường  (18/07/2010)
“Ngọn lửa” Công Lý   (17/07/2010)
Người Bình Định ở Trường Sa  (11/07/2010)
Giáo sư Lê Văn Lan và những tâm huyết với miền đất Võ  (10/07/2010)
Chổi… phiêu lưu ký  (04/07/2010)
Người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên   (03/07/2010)
Căng thẳng vì nắng hạn  (27/06/2010)
Lập công nhờ hòa mình cùng đồng đội  (26/06/2010)
Võ sư đa mang  (20/06/2010)
Cõi người quên quên nhớ nhớ  (13/06/2010)
Lĩnh vực nào cũng phải tạo ra sinh kế bền vững cho người dân  (12/06/2010)
Bài 3: Bình Định - tình đất, tình người  (08/06/2010)
Anh hùng lỡ vận  (06/06/2010)
Người gắn cuộc đời với trẻ em   (06/06/2010)
Bài 2: Đi tìm nơi đặt bia di tích  (02/06/2010)