Người phụ nữ ba lần bị địch cưa chân
22:22', 24/7/ 2010 (GMT+7)

Tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt, tra tấn dã man và cưa chân 3 lần nhưng nhất quyết không khai để bảo vệ cơ sở cách mạng. Người phụ nữ kiên trung đó là bà Trần Thị Thanh Lịch (SN 1949), quê ở xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, hiện trú tại số nhà 223A Tăng Bạt Hổ, KV 7, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn. Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, phóng viên Báo Bình Định có cuộc trò chuyện với người phụ nữ đặc biệt này.

 

Bà Lịch chụp ảnh lưu niệm với các phóng viên của Đài truyền hình CBS và phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam trước khi ra Bắc tố cáo tội ác của bọn Mỹ ngụy (ngồi thứ 2 từ phải sang).. Ảnh do nhân vật cung cấp.

 

* Trong đau thương vẫn làm thơ ca ngợi Đảng

Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy máu và nước mắt nhưng rất đỗi hào hùng của bà Trần Thị Thanh Lịch, người con gái sinh ra tại mảnh đất Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn) anh hùng. Bà là con thứ 5 trong một gia đình nông dân nghèo gồm 6 anh chị em, tất cả đều tham gia cách mạng và có người đã ra đi vĩnh viễn khi tuổi đời còn rất trẻ.

* Động lực nào giúp người con gái chân yếu tay mềm như bà vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và hiểm nguy để tham gia cách mạng từ lúc còn niên thiếu?

- Tôi tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi. Thú thật, tôi chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ thấy bọn Mỹ ngụy gây quá nhiều tội ác với bà con mình, nên tham gia để có dịp trả thù cho họ. Tôi công tác ở đội binh vận với nhiệm vụ rải truyền đơn, nắm tình hình quân số, theo dõi các chốt điểm địch đóng quân để báo cáo tổ chức. Tháng 2.1965, xã Hoài Châu được giải phóng, tôi chuyển qua làm công tác đấu tranh chính trị; đưa “Đoàn quân tóc dài” của xã vào quận lỵ Bồng Sơn xuống đường đấu tranh trực diện. Năm 1966, địch cho quân chiếm lại Hoài Châu, tôi vẫn bám trụ trong lòng địch để thực hiện nhiệm vụ tổ chức đã giao. Giữa năm 1966, trong một chuyến công tác, tôi bị Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 40 của địch chặn bắt. Tại đây, bọn chúng đánh đập, dọa nạt, dụ dỗ đủ điều nhưng không khai thác được gì. Chúng chuyển tôi về nhà lao Bồng Sơn tra khảo dã man nhưng cũng không có kết quả nên đành thả ra.

Năm 1967, tôi được tổ chức cho đi học lớp y tá rồi về quê công tác. Lúc này, Hoài Châu là vùng trọng điểm chiến sự nên địch liên tục càn quét, bắn phá. Bà con nhân dân và các chiến sĩ bị thương rất nhiều, tôi vừa điều trị cho họ, vừa tham gia chiến đấu. Năm 1969 tôi bị địch bắt sau một lần ám sát kẻ thù bất thành. Lần này, bọn Mỹ ngụy tra tấn hết sức dã man, chúng cưa chân trái của tôi ra thành 3 khúc sau 3 lần cưa.

* Bà có thể kể cụ thể hơn lần bị địch bắt và cưa chân?

- Sau Mậu Thân 1968,  Đảng ủy xã chỉ thị cho đội nữ quyết tử do tôi làm đội trưởng phải diệt bằng được tên ác ôn ở xã đã gây nhiều tội ác cho bà con nhân dân. Tháng 11.1969, tôi cùng với đồng chí Mai, đồng chí Hoa nhận nhiệm vụ và vạch ra kế hoạch chi tiết tiêu diệt tên này. Hắn thích uống rượu, lại hám gái nên cả đội quyết định dùng “mỹ nhân kế” để trừng trị hắn. Mọi việc diễn ra như dự tính ban đầu, đến lúc ra tay thì quả lựu đạn do Mai quẳng vào bàn nhậu của hắn lại không nổ. Mai vụt chạy vào xóm, hắn cầm súng đuổi theo. Lúc đó, tôi dùng khẩu K54 bắn vào tên ác ôn nhưng hắn chỉ bị thương ở cổ. Tôi bị đồng bọn của hắn truy đuổi, bắn bị thương ở chân và đưa về bệnh viện dã chiến tại Quy Nhơn.

 

Bà Trần Thị Thanh Lịch cùng với ông Trần Việt Cường tại nhà riêng.

 

Tại đây, bọn địch dùng mọi thủ đoạn, mọi kiểu tra tấn để buộc tôi khai ra tổ chức. Tôi nghĩ, đằng nào cũng chết, không thể phản bội đồng đội, phản bội lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh nên nhất quyết không khai. Thế rồi, chúng đưa tôi lên phòng mổ, cưa chân trái như cưa một khúc gỗ. Khi tỉnh dậy, tôi thấy cổ chân trái tê buốt, bàn chân đã không còn nữa. 7 ngày sau, khi vết thương còn rỉ máu, chúng lại đưa tôi lên phòng xét hỏi. Vẫn những câu hỏi muôn thuở: “Tổ chức của mày ở đâu? Do ai cầm đầu?” và cái chúng nhận lại cũng chỉ là câu “Tui không biết gì hết”. Chúng lại giở bài cũ, cưa chân trái tôi lần thứ hai, lần này chúng cưa lên tận đầu gối. Đúng 7 ngày sau, không khai thác được tôi, bọn mặt người dạ thú kia lại cưa chân tôi lần thứ 3, chân trái của tôi đã vĩnh viễn đứt lìa khỏi thân thể. Để bọn ác ôn thấy rằng, những đòn tra tấn dã man không thể khuất phục ý chí cộng sản, nên tôi làm thơ “tặng” chúng. Bài thơ có nội dung: “Dù thân ta treo trên đôi nạng gỗ/Dù đường đời gian khổ quá nhiều/Tủi thân cho cảnh tiêu điều/Cùng đôi nạng gỗ tôi dìu tiến lên/Chân tôi bước, Đảng đứng bên/Thề cùng Tổ quốc tiến lên không ngừng”.

* Thương binh “tàn nhưng không phế”!

Chuyện Trần Thị Thanh Lịch 3 lần bị bọn ác ôn cưa chân đã lan truyền khắp nơi. Tổ chức quyết định bằng mọi cách phải cứu sống bà. Để giải thoát cho bà, tại nơi giam giữ, cơ sở đã bí mật cho bà uống thuốc mê, sau đó bỏ vào hòm rồi đưa thẳng về xã Hoài Châu. Được gặp lại đồng chí, đồng bào, bà tiếp tục cống hiến cho cách mạng dù chỉ còn… một chân.

* Sau khi thoát khỏi bọn ác ôn, bà tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Khó khăn nhất bà gặp lúc đó là gì?

- Đó chính là việc thuyết phục các đồng chí lãnh đạo xã cho tôi tiếp tục hoạt động. Tháng 2.1970, tôi trở về xã Hoài Châu và xin tiếp tục hoạt động khi vết thương chưa lành hẳn. Các đồng chí lãnh đạo rất hoan nghênh tinh thần anh dũng nhưng lại không muốn để tôi tiếp tục dấn thân vào nguy hiểm. Tôi cố thuyết phục và khẳng định rằng, dù bị mất một chân nhưng vẫn còn khỏe. Kẻ thù cưa chân thành 3 khúc, không cho đi làm cách mạng nữa, tôi càng phải tiếp tục hoạt động. Tôi không thể sống mà không làm việc, tôi sẽ làm việc gấp hai, gấp ba để bọn địch thấy rằng chúng không thể nào khuất phục được ý chí cách mạng. Cuối cùng, nguyện vọng của tôi cũng được chấp nhận. Tôi xin đảm trách 3 công việc: phụ trách công tác y tế tại xã, dạy văn hóa cho các cháu thiếu nhi và mở lớp dạy cứu thương. Ban đầu, các đồng chí hơi ngại vì tôi “tham” việc quá nhưng khi tôi đưa ra kế hoạch làm việc thì họ gật đầu đồng ý. Từ đó, với chiếc nạng gỗ, tôi đi khắp các xóm làng chăm sóc thương binh, đồng thời lên lớp dạy cứu thương và dạy văn hóa cho các em nhỏ.

 

Bà Lịch đang vào bếp, lo bữa ăn cho gia đình.

 

* Bà từng có thời gian sống ở Hà Nội và xây dựng tổ ấm hạnh phúc tại đây. Quãng thời gian này bà sống ra sao?

- Giữa năm 1973, tôi được Ban đại diện Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam tuyên dương “Chiến sĩ thi đua” toàn ngành dân y Khu V. Tháng 4.1974, tôi được đưa ra Bắc chữa trị, học tập và tham gia tố cáo tội ác của bọn Mỹ ngụy. Tại đây, nhiều cán bộ, thương binh, bệnh binh được tôi chữa trị đã tới thăm hỏi, ôn lại kỷ niệm xưa. Có người còn làm thơ về tôi, bài thơ đó sau này được nhạc sĩ Thanh Tùng phổ thành ca khúc “Hương đất”. Bài hát có đoạn “… Về một người con gái/Trung kiên đất Hoài Châu/Ba lần giặc cưa chân… Người con gái năm xưa/Hôm nay trên đôi nạng/Vẫn ngẩng đầu hiên ngang… Trần Thanh Lịch chị ơi/Tuổi xuân dâng đất nước/Tình yêu cho quê hương…”.

Với những thành tích đạt được, năm 1988, bà Trần Thị Thanh Lịch vinh dự được Nhà nước đã trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Hai. Năm 2001, được mời tham dự cuộc gặp mặt phụ nữ “2 giỏi” tại Thủ đô Hà Nội. Được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Huy chương Vì sức khỏe nhân dân.

Tại trại an dưỡng K65 ở Sơn Tây, tôi gặp được anh Trần Việt Cường. Tình yêu và hạnh phúc đến với tôi khá bất ngờ, cũng như cách mà kẻ thù đã cướp đi một phần thân thể của tôi vậy. Tại đây, tôi và anh Cường thỉnh thoảng kể cho nhau những chiến công và cả những mất mát, đau thương. Dường như chính điều đó là sợi dây vô hình nối chặt tình cảm chúng tôi lại với nhau. Sau một thời gian, anh Cường quyết định thổ lộ tình cảm với tôi. Lúc đầu, tôi vô cùng bất ngờ, tưởng anh đùa cho vui nhưng qua thái độ kiên quyết, tôi biết anh thật lòng. Năm 1975, lễ cưới đơn giản nhưng tràn ngập hạnh phúc của tôi và anh Cường được tổ chức ngay tại Thủ đô Hà Nội.

* Những “cuộc chiến” mà bà tham gia sau khi tìm được nửa kia của mình?

- Tháng 10.1976, tôi trở về Bình Định và được phân công làm tại Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1992, tôi chính thức nghỉ hưu. Thời gian này, tôi lao vào “cuộc chiến” mới với nhiều nghề như mua bán nhỏ, phụ xắt thịt bò cho các tiệm phở để lấy phần dư thừa nuôi heo. Sau đó, tôi học nghề nấu phở và trở thành… “bà chủ”. Giai đoạn này, tôi gặp nhiều khó khăn bởi chồng công tác xa nhà, một mình với đôi chân không nguyên vẹn phải lo kiếm tiền để nuôi 2 con nhỏ ăn học. Khi cuộc sống đỡ hơn, tôi tiếp tục tham gia công tác Hội phụ nữ tại KV 7, phường Trần Phú. Hàng ngày, cùng với đôi nạng gỗ, tôi tới từng nhà vận động chị em tham gia công tác Hội. Đồng thời, khởi xướng việc gây quỹ xây dựng tổ tiết kiệm tương trợ giúp đỡ chị em nghèo vượt khó, vươn lên.

Niềm vui lớn nhất của tôi là có được người chồng hết sức tâm lý và đảm đang, lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ mỗi khi bệnh cũ tái phát. Cùng với 2 người con hiếu thảo và 2 đứa cháu (một cháu nội, một cháu ngoại - PV) bụ bẫm, dễ thương.

* Xin cảm ơn bà! Chúc bà cùng gia đình ngày càng mạnh khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

  • Văn Lực - Văn Khoa (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người Bình Định trên cao nguyên Lâm Đồng  (24/07/2010)
Thay màu cho những con đường  (18/07/2010)
“Ngọn lửa” Công Lý   (17/07/2010)
Người Bình Định ở Trường Sa  (11/07/2010)
Giáo sư Lê Văn Lan và những tâm huyết với miền đất Võ  (10/07/2010)
Chổi… phiêu lưu ký  (04/07/2010)
Người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên   (03/07/2010)
Căng thẳng vì nắng hạn  (27/06/2010)
Lập công nhờ hòa mình cùng đồng đội  (26/06/2010)
Võ sư đa mang  (20/06/2010)
Cõi người quên quên nhớ nhớ  (13/06/2010)
Lĩnh vực nào cũng phải tạo ra sinh kế bền vững cho người dân  (12/06/2010)
Bài 3: Bình Định - tình đất, tình người  (08/06/2010)
Anh hùng lỡ vận  (06/06/2010)
Người gắn cuộc đời với trẻ em   (06/06/2010)