Từng tắm biển ở nhiều bãi tắm nổi tiếng trong nước như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nhật Lệ, Nha Trang, Vũng Tàu… tôi vẫn yêu bãi tắm Quy Nhơn. Nơi đây, ngày ngày tôi và cô con gái 10 tuổi vẫn nô đùa trên sóng cùng hàng ngàn người, chủ yếu là dân thành phố. Bao câu chuyện vui buồn, thậm chí ly kỳ vẫn diễn ra, vẫn nổ vang trên bãi biển, mặc cho nỗi ám ảnh cá mập cắn người…
Là người Huế, khách quan như Trịnh Công Sơn, vẫn neo trong lòng người cả nước câu hát vút lên từ biển Quy Nhơn: Ngày mai em đi/ biển nhớ tên em gọi về… Huống chi tôi đã ngót hai lăm năm hít thở bầu không khí của biển. Tôi tắm biển Quy Nhơn (xin hiểu đây là đoạn bãi biển dài hơn 3 cây số tính từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng) từ khi còn biết bơi tâïp tọng, nghĩa là cái đầu chẳng biết ngụp lặn dưới nước. Giờ biển Quy Nhơn và con gái tôi (vốn được học bơi bài bản) đã biến tôi thành một vận động viên bơi lội. Tôi bơi ếch, bơi sải, bơi ngửa, thậm chí bơi bướm chẳng khác vận động viên bơi chuyên nghiệp là mấy. Tôi bơi ở biển Quy Nhơn từ khi còn hom hem với “đôi vai gầy guộc nhỏ”, bệnh hen suyễn rồi dị ứng mũi…; giờ dáng vóc và bệnh tật của tôi đã được cải thiện rất nhiều.
|
Mặc cho nỗi ám ảnh cá cắn, hàng ngày vẫn có hàng ngàn người tắm biển Quy Nhơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
* Vẻ đẹp ấy chẳng nơi nào có được
Mê tắm biển nên đi đến đâu có biển tôi đều không để lỡ dịp. Tôi tắm biển Đồ Sơn, tắm biển Sầm Sơn, tắm biển Cửa Lò rồi so sánh với biển Quy Nhơn mình. Về độ trong của nước, độ tinh khiết của cát, độ bình yên của sóng (với cùng một điều kiện thời tiết), các bãi tắm phía Bắc không nơi nào sánh nổi bãi tắm Quy Nhơn. Nghĩa là ngoài yếu tố đẹp với hình cánh cung, bãi cát vàng thoai thoải trải dài, bãi biển Quy Nhơn còn có yếu tố bình yên bởi nằm e ấp trong lòng vịnh và yếu tố nguyên sơ khi các dịch vụ trên bãi biển hầu như chưa có gì, trong khi nhiều bãi biển khác là “đất vàng” bởi các dịch vụ phục vụ du khách tắm biển “mài dao chín tháng, ba tháng chặt”…
Chẳng biết từ sự nguyên sơ mà bãi tắm Quy Nhơn chỉ chủ yếu dành cho người Quy Nhơn tắm hay vì chỉ dành cho người Quy Nhơn tắm nên nó mãi còn nguyên sơ. Tôi thường tắm ở đoạn biển giữa khách sạn Hải Âu – Hoàng Yến (2 khách sạn lớn và có trong các tour du lịch) nhưng chỉ thỉnh thoảng mới thấy người tắm biển là khách du lịch nước ngoài hay trong nước. Song tắm với người bản địa cũng thấy lắm điều hay. Nơi tôi tắm cũng là nơi tắm của chủ tịch thành phố, của nhiều quan chức cấp sở, ngành, nhiều giám đốc doanh nghiệp lớn. Song đây cũng là nơi tắm của giới bình dân, những cụ già bảy, tám mươi tuổi… Thế mới biết ở bãi tắm, khi thoát khỏi com lê, cravat…, mọi người đều giống nhau. Thậm chí có cặp vợ chồng chẳng tiếng tăm gì trong xã hội như bà Trần Thi Sô, 79 tuổi và ông Tô Văn Kiểm, 83 tuổi còn dệt nên huyền thoại trên bãi tắm.
Số là hơn 30 năm trước, bà Sô bị tai biến khiến tay chân yếu đi, cũng từ đó sáng sáng người chồng của bà là ông Tô Văn Kiểm đều đặn chở bà từ khu chợ Quân Trấn đến “bãi Hải Âu” tắm cho bà. Cho đến giờ tóc ông bà đã bạc trắng song nhìn ông chở bà trên chiếc xe đạp điện, dìu bà ra biển mọi người còn xúc động hơn. Những ngày biển lặng sóng, ông khoác áo phao cho bà rồi đưa bà ra biển, gôïi đầu, kỳ cọ cho bà; ông lại dìu bà lên ghế đá, thay quần áo rồi chải tóc cho bà. Gặp những ngày sóng lớn ông để bà đứng trên bãi biển, múc nước biển tắm gội cho bà. Ông bảo nhờ tắm như vậy mà bà khỏe ra. Ai chứng kiến cảnh ông chăm sóc bà cũng chép miệng thán phục về tình yêu chung thủy vô bờ bến của ông. Cụ bà Từ Thị Ngọc, 83 tuổi, được con trai chở đến đây tắm biển mỗi sáng tỏ chút ghen tị khi nói về cặp đôi này: “Có lẽ trên đời này cảnh như ông Kiểm bà Sô là có một không hai. Mà hay làm sao là so với bà, ông ấy quá đẹp trai!”.
Ở trên bãi tắm này còn có cặp đôi: chị Phong anh Mạnh, cũng gây sự chú ý của nhiều người dù ở tuổi ngót nghét 60. Vợ chồng anh chị ở tận thị trấn Diêu Trì của huyện Tuy Phước làm nghề buôn bán hoa. Chị Phong bảo, để được đi tắm biển, anh chị phải thức dậy từ 2 giờ sáng nhận hoa từ Đà Lạt về rồi phân phối hết cho các cửa hàng hoa; đến 5 giờ mới phóng xe máy vượt 12 cây số xuống biển. Trước khi bơi, anh chị thực hiện những bài tập yoga hết sức độc đáo.
Ở biển Quy Nhơn có điều hay là người tắm thường chia thành nhiều nhóm. Họ chọn một môn thể thao cùng chơi rồi cùng lúc ùa xuống biển. Tất niên, họ lại góp tiền sắm cỗ ra biển cúng hà bá, thủy thần…
|
Quy Nhơn vào hè. Ảnh: Trần Sự
|
* Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư
Trước đây, nhiều du khách đến Quy Nhơn đã kháo nhau, đến Quy Nhơn mà không tắm biển, không uống tách cà phê thì coi như chưa đến. Song gần đây bãi biển Quy Nhơn gần như không còn du khách tắm. Có lý do Quy Nhơn ít khách du lịch song điều căn bản là hung tin về cá mập cắn người. Giờ đây, lên mạng internet gõ vào google từ khóa “tắm biển Quy Nhơn” trong vòng 21 giây đã cho ra 287.000 kết quả mà phần lớn gắn liền với cái đuôi “bị cá mập cắn”. Điều này đã khiến không chỉ du khách mà nhiều người bản địa vốn là “bạn hàng ruột” của các dịch vụ gửi xe tắm biển Quy Nhơn cũng tỏ ra ngại ngần.
Chuyện bắt đầu từ tròn một năm trước (ngày 18.7.2009), ông Nguyễn Quang Vinh đang tắm biển tại bãi tắm trước Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn thì bị cá cắn vào bắp chân phải. Và mới nhất là ngày 15.6.2010, tại bãi tắm gần khách sạn Hoàng Yến, anh Huỳnh Như Hoàng, 17 tuổi, cũng bị cá mập cắn vào mu và gan bàn chân trái. Nếu tính số vụ cá cắn có định rõ danh tính của nạn nhân thì một năm qua, trên biển Quy Nhơn đã xảy ra 4 vụ. Song thông tin ác nhất là có 3 con cá mập bị bắt trên vùng biển Quy Nhơn. Hình ảnh những hàm cá mập há to trên báo viết, báo mạng cũng gây khiếp đảm đối với bất cứ người nào nghĩ đến việc tắm biển Quy Nhơn.
Song đối với những người mà tắm biển đã trở thành nhu cầu hằng ngày quả thực cá mập không quá đáng sợ như vậy. Anh Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định, người thường xuyên tắm biển Quy Nhơn, nói vô tư: “Không dễ bị cá cắn, nếu bị, không dễ thương tích nặng. Cứ xem như đi trên đường gặp tai nạn giao thông vậy thôi. Chẳng lẽ vì sợ tai nạn mà không ra đường. Vả, xác xuất người bị cá cắn là rất thấp. Thử tính, mỗi ngày (cả sáng, chiều) trên biển Quy Nhơn có vài nghìn người tắm, mỗi năm cả triệu lượt người tắm song chỉ có chưa tới 10 người bị cá cắn…”.
Với Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn Thái Ngọc Bích (người vẫn chưa hề bỏ buổi tắm biển nào từ ngày có tin cá cắn) sự “không đáng sợ” xuất phát từ những phân tích khoa học hơn, 3 con cá mập được cho là bắt ở biển Quy Nhơn thì có 2 con bị trôi dạt; thực tế mật độ cá mập (nhám) ở biển Quy Nhơn rất thấp và cắn người chỉ mang tính chất phản vệ, nên nếu người tắm biển có ý thức cảnh giác và tắm với số đông một nơi sẽ không dễ bị cá cắn.
|
Vợ chồng ông Tô Văn Kiểm- đôi tắm biển “tình tứ” có một không hai. Ảnh: Q.K
|
* Biển nhớ tên em gọi về
Dẫu không phải là ghê gớm như nhiều người vẫn tưởng song hiện tượng cá cắn người tắm biển đã kéo các ngành chức năng của tỉnh và thành phố Quy Nhơn vào cuộc. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã thuê ngư dân dùng câu giăng và giã cào đôi săn bắt cá mập; UBND thành phố Quy Nhơn phối hợp với Sở NN&PTNT đã tiến hành thu dọn chà, lồng nuôi cá trong phạm vi vùng tắm biển để tránh hiện tượng mồi thừa dẫn dụ cá mập và gây ô nhiễm. Qua kiến nghị của tỉnh, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã đồng ý cấp kinh phí cho Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học về cá mập trên vùng biển Quy Nhơn. Đây có lẽ là lời giải tốt nhất cho bài toán cá cắn người tắm biển! Song song với các giải pháp này, thành phố Quy Nhơn cũng đã tiến hành lập phương án quản lý, khai thác sử dụng bãi biển; xây dựng các trạm cảnh báo, cảnh giới, cứu hộ nhằm bảo đảm sự an toàn cho người tắm biển. Một thông tin vui cho người tắm biển Quy Nhơn nữa là, ngay trước mùa mưa này, hệ thống thu hồi nước thải thuộc dự án Vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn sẽ hoàn tất, những cống nước thải trực tiếp từ thành phố ra biển sẽ không còn. Biển Quy Nhơn sẽ lại trong xanh hơn để gọi mời du khách.
|