ÔNG NGUYỄN THANH CHÂU, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI TỈNH:
Làm công tác xã hội, không có tâm thì khó lắm
21:41', 31/7/ 2010 (GMT+7)

Tháng 10.1994, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (TT) được thành lập, ông Nguyễn Thanh Châu về nhận nhiệm vụ với cương vị Phó Giám đốc, rồi Giám đốc cho đến nay. Cũng có thời, ông được điều động về Văn phòng Sở LĐ-TB&XH. Nhưng vừa làm quen với công việc mới, ông lại được điều trở lại TT. Có lẽ, đấy là “định mệnh”- như ông nói…

 

Thanh thiếu niên ở Trung tâm đều được tạo điều kiện học nghề trước khi ra đời.

- Trong ảnh: Các em gái may quần áo đồng phục cho học sinh và người già ở Trung tâm.

 

* Các cháu cứ học, học phí TT lo...

Lần nào gặp, tôi cũng thấy ông hồ hởi thông báo kết quả học tập của các trẻ em ở TT: “Tôi luôn động viên cháu nào học được cứ học, còn việc trang trải học phí TT sẽ gắng sức lo. Những cháu không có khả năng học lên cao, mình phải phân luồng học nghề ngay từ cấp hai”.

° Tại sao lại có sự phân luồng như vậy, thưa ông ?

- Các cháu ở đây đều có hoàn cảnh khác nhau, xuất phát điểm cũng khác. Có cháu tư chất thông minh, có cháu trầy trật mới theo nổi chúng bạn. Theo quy định chung, các cháu đến tuổi trưởng thành sẽ được trả về địa phương, nhưng ra đời mà chưa kịp học lấy cái nghề để tự lo cho mình thì không được. Bởi vậy, TT luôn định hướng những cháu không đậu vào trường THPT công lập hoặc lớn tuổi thì cho đi học các trường nghề, khi ra trường vừa có bằng nghề vừa có bằng bổ túc cấp 3, dễ tìm được việc làm hơn. Các cháu có nguyện vọng học nghề như sửa xe máy, xe đạp, học may… cũng được chúng tôi tạo điều kiện. Nói tóm lại, phải cố gắng như thế nào đó để khi rời khỏi nơi đây, chúng có thể tự kiếm được việc, nuôi sống mình.

Những cháu đã lên được THPT phải cố gắng vào đại học, cao đẳng. Đã có 2 cháu tốt nghiệp CĐ, ĐH đi làm là Trương Hồng Sơn (hiện là Phó Giám đốc một công ty tin học ở Bình Dương) và Lê Ngọc Diệp (giáo viên Trường THCS Cát Khánh, Phù Cát). Còn cháu Lê Văn Tự đang học năm thứ 2 ĐH Mở TP Hồ Chí Minh. 18 cháu học nghề dài hạn và 38 cháu học nghề ngắn hạn. Tôi luôn luôn động viên rằng các cháu cứ cố gắng học, đủ sức lên đại học, cao đẳng, chuyện tiền bạc, học phí thì bằng cách này hay cách khác cũng sẽ lo được.

 

Ông Nguyễn Thanh Châu và bé Nguyễn Chánh Tín, 4 tuổi, con của một phụ nữ bị nhiễm HIV.

° Lo bằng cách nào vậy?

- Các cháu đi học vẫn được hưởng suất tiền ăn ở TT theo quy định (khoảng 340 ngàn - 360 ngàn đồng/tháng). Ngoài ra, chúng tôi vận động các tổ chức, cá nhân và trích một phần từ nguồn quỹ từ thiện của TT hỗ trợ thêm cho các cháu. Cháu Lê Văn Tự được ông Phó Chủ tịch HĐQT Công ty gạch Prime hứa tài trợ 4 năm học ĐH, 12 triệu đồng/năm và đã tài trợ được 1 năm rồi. Hay như các cháu nhỏ Võ Lê Chí Thanh, Đoàn Văn Trãi, Trần Văn Lạc đạt giải trong Hội thi Tin học trẻ của tỉnh được một doanh nhân ở Đà Nẵng tài trợ 1 triệu đồng/tháng/3 cháu. Ngày trước, cháu Trương Hồng Sơn cũng được ông Huỳnh Phi Dũng (Bình Dương) tài trợ như thế.

* Vui, buồn thế thái nhân tình

° Đi xin tài trợ là chuyện không hề dễ dàng. Vậy ông có cách nào để nhà tài trợ thường xuyên “nhớ” đến TT?

- Thì cũng phải có “chiêu” chớ! Nói vậy thôi, chứ mình phải khiêm tốn nhưng không hạ mình. Trong số những người đến thăm, tặng quà, tôi chọn những người thực sự có thành ý với công tác từ thiện xã hội, ghi vào “bộ nhớ”, để sau này có việc cần thì nhờ. Tôi thật sự khâm phục những người có tâm với những mảnh đời bất hạnh, bởi không phải ai cũng sẵn lòng chia sẻ như thế.

Một năm đôi lần, chúng tôi viết thư ngỏ cảm ơn các nhà hảo tâm. Cuối năm, ngoài thư cảm ơn, thiệp chúc Tết, chúng tôi còn gởi cho họ bảng liệt kê công khai số tiền TT đã nhận được, chi các khoản ra sao. Nói chung là phải “minh bạch tài chính”. Có vậy, người ta mới thường xuyên nhớ đến TT.

Hằng năm, Trung tâm đều gởi thiệp chúc mừng, thư ngỏ và bảng thu chi các khoản tiền từ thiện cho các nhà tài trợ.

- Trong ảnh: Một gia đình ở TP Quy Nhơn đã đến tặng gạo và tiền cho Trung tâm vào trưa ngày 30.7.

 

Hiện nay, TT đang nuôi dưỡng, chăm sóc 140 đối tượng, gồm 60 trẻ mồ côi, 32 người tàn tật và 48 người già cô đơn. Trong số này, có nhiều người thiểu năng trí tuệ, nằm một chỗ. Năm 2003, khi Đề án thu gom người lang thang cơ nhỡ của tỉnh được triển khai, TT là nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng những đối tượng lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa.

° Việc quản lý những đối tượng này không hề đơn giản bởi họ không “thuần tính”. Ông làm thế nào để giúp họ quen với nếp sống của TT?

- Ban đầu có người cố tình bỏ trốn nhiều lần vì đã quen với cuộc sống tự do, rày đây mai đó. Vả lại, sống lang thang, xin ăn có tiền hơn nhiều. Phải mất nửa năm họ mới quen dần với nếp sống của TT. Quan trọng là phải biết cảm hóa, thuyết phục thế nào để họ an tâm ở lại. Nhiều người đã tình nguyện ở lại như chị Yến (Phù Cát), bà Bốn (Quảng Nam), bà Bảy (Quảng Nam)… Theo tôi, với ai cũng vậy, nếu dùng đến biện pháp mạnh là coi như thất bại. Trong tiêu chí xét chọn thi đua của đơn vị cũng có tiêu chí không được la mắng, dùng roi vọt với các cháu nhỏ.

° Trong số những người đã đến đây, ông ấn tượng nhất với trường hợp nào?

Ông Nguyễn Thanh Châu, sinh năm 1954, nhiều lần được nhận Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh, 2 lần được bình chọn là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

- Đó là trường hợp của cháu Nguyễn Văn Cường đến TT từ 9.2003. Tôi nhớ, hôm ấy mọi người phát hiện Cường bò lổm ngổm dưới trời mưa to trước cổng TT. Cường bị liệt, thiểu năng trí tuệ. Lần theo tấm ảnh trong túi đồ của cháu, cuối cùng chúng tôi tìm ra gia đình cháu ở Cát Thắng. Nhưng khi đến nơi thì thấy cảnh nhà quá thảm: hai vợ chồng cùng 4 đứa con sống trong căn chòi có thể sụp bất cứ lúc nào… Có lẽ cha mẹ cháu cùng đường mới đưa “núm ruột” đến TT. Sau này, người cha kể lúc bỏ con lại, đã ngồi rình cho đến lúc có người ra ẵm con mới về. Giờ, Tết nào gia đình cũng đón Cường về chơi mấy ngày.

Cụ bà Lê Thị Giỏi thì lại buồn nỗi con, cháu thờ ơ đến nỗi mất tích 6 năm chẳng hay. Cụ bà ấy có 2 người con trai, 6 đứa cháu nội ở Gia Lai, Đắc Lắc. Có lẽ trong lúc đến nhà con cháu, bà đi lạc rồi bị ngành chức năng ở Gia Lai tập trung. Nghe bà nói quê ở Vĩnh Thạnh, họ đưa xuống đây. Mãi sau này có một người tình cờ đến thăm họ hàng phát hiện ra bà, từ đó, mới truy lần ra con cháu bà. Đáng buồn là người con trai và những đứa cháu nội có vẻ không muốn nhận bà về.

* Chốn riêng của những mảnh đời bất hạnh

Ông Nguyễn Thanh Châu tâm sự: “Làm công tác bảo trợ xã hội, nếu không có tâm thì khó làm lắm. Cũng may, 33 cán bộ, nhân viên ở TT đều một lòng vì những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ”.

° Nghe nói, ông có nhiều “con” mang họ của mình?

- Ngày trước thì nhiều. Khi làm thủ tục cho trẻ bị bỏ rơi vào TT, mình lấy luôn họ Nguyễn để đặt tên. Sau này, thì anh Dũng (Bùi Trung Dũng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Sở LĐ-TB&XH) được lấy họ nhiều hơn. Nhiều cháu sau khi đã “ra đời”, có nghề nghiệp quay về TT thăm hỏi, thông báo cuộc sống của mình. Không chỉ tôi mà mọi người ở đây đều mừng khi thấy các cháu sống ổn định, hạnh phúc. Gì thì gì đây cũng là nhà của các cháu mà.

Thành tích của Trung tâm BTXH tỉnh:

Cờ thi đua của Chính phủ (2001), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2005 - 2007, Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH trong nhiều năm. 

° Trung tâm cũng có một “chốn riêng” cho người đã khuất?

- Để thuận tiện việc lo ma chay cho đối tượng của TT khi qua đời, TT xin một khoảnh đất thuộc xã Nhơn Hòa để làm “chốn riêng” cho họ. Đã có 60 trại viên nằm xuống nơi đây rồi. Ngoài chi phí mai táng theo quy định, những người còn tiền riêng trước khi mất, chúng tôi đều bỏ vào để tôn tạo mồ mả cho họ. Thành ra, trong nghĩa trang có những “nhà” đẹp hơn là vì vậy. Ngày 20 tháng Chạp hàng năm, TT đều tổ chức cho các trại viên viếng mộ, rồi về tổ chức một bữa giỗ chung, coi như cúng tất niên cuối năm. Nhà vĩnh biệt của TT thường xuyên được hương khói trong ngày rằm, mùng một như ở gia đình. Mình làm vậy là để ấm lòng người đã nằm xuống và yên lòng người còn sống!

° Cám ơn ông vì cuộc trò chuyện!

  • Thu Hà (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tắm biển Quy Nhơn  (25/07/2010)
Người phụ nữ ba lần bị địch cưa chân  (24/07/2010)
Người Bình Định trên cao nguyên Lâm Đồng  (24/07/2010)
Thay màu cho những con đường  (18/07/2010)
“Ngọn lửa” Công Lý   (17/07/2010)
Người Bình Định ở Trường Sa  (11/07/2010)
Giáo sư Lê Văn Lan và những tâm huyết với miền đất Võ  (10/07/2010)
Chổi… phiêu lưu ký  (04/07/2010)
Người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên   (03/07/2010)
Căng thẳng vì nắng hạn  (27/06/2010)
Lập công nhờ hòa mình cùng đồng đội  (26/06/2010)
Võ sư đa mang  (20/06/2010)
Cõi người quên quên nhớ nhớ  (13/06/2010)
Lĩnh vực nào cũng phải tạo ra sinh kế bền vững cho người dân  (12/06/2010)
Bài 3: Bình Định - tình đất, tình người  (08/06/2010)