Những năm gần đây, hình ảnh những thanh niên rong ruổi cùng chiếc xe máy cà tàng chất đầy những bao đá lạnh đã quen thuộc với người dân TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, ít người biết rằng, con đường mưu sinh của họ cũng lắm nỗi nhọc nhằn. Trong những kho đá lạnh lẽo, trên những chiếc xe máy đã rệu rã, họ phải đối mặt với bao vất vả, hiểm nguy…
|
Công nhân làm đá phải làm việc trong môi trường đầy hơi lạnh, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
|
* Rong ruổi cùng xe đá
Qua một người bạn, tôi được làm quen với Lam, quê ở Thanh Hóa, đang học năm 4 Trường ĐH Quy Nhơn. Lam từng là công nhân làm đá lạnh trong một thời gian dài. Lam cho biết, vào mùa hè, nhu cầu đá lạnh rất cao, nên các cơ sở sản xuất đá tinh khiết phải hoạt động hết công suất. Công nhân được chia thành 3 ca làm việc liên tục, ca 1 từ 5 giờ đến 13 giờ, ca 2 từ 13 giờ đến 21 giờ, ca cuối từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Trong khi đó, ở các cơ sở làm đá cây, công nhân thường chỉ làm 2 ca. Ca sáng bắt đầu từ 5 giờ đến 11 giờ, ca chiều từ 13 giờ đến 21 giờ.
Thông thường, các công nhân làm đá chịu sự phân ca của chủ cơ sở, có thể tăng ca tùy theo sức khỏe, hoặc do chủ có yêu cầu khi thiếu người. Lương trung bình mỗi tháng 1,4 triệu đồng, người nào làm hơn 35 công thì được thưởng thêm 50.000 đồng. Tiền công trong những ngày Tết tăng gần gấp 3 lần, nên nhiều người chấp nhận làm việc luôn cả những ngày Tết để kiếm thêm tiền. Công việc nặng nhọc, lương lại thấp, nên một số công nhân lợi dụng chủ sơ hở cũng “bỏ túi” ít đá lẻ.
Trong các cơ sở sản xuất đá tinh khiết ở TP Quy Nhơn, có thể kể những cái tên đáng chú ý như Út Nhỏ, Vân Trinh, Tân Trường An... Các cơ sở sản xuất đá tinh khiết đều có xe tải nhỏ để chở đá. Mỗi ngày xe tải này chỉ chở đá đến các địa điểm tập trung nhiều hàng quán vào sáng sớm và chiều tối. Xe gắn máy được coi là phương tiện vận chuyển chính bởi tính cơ động của nó, có thể luồn lách trong những con hẻm nhỏ, khi khách hàng gọi là có thể đi ngay.
Xe máy của dân chở đá thường là những chiếc xe Honda đam, xe Cúp 50, 70 đã “quá đát”, chỉ còn mỗi bộ sườn sắt, đuôi xe được cải tiến để chở được càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, các phụ tùng như còi, gương chiếu hậu, đèn xi-nhan… đều được “tinh giản”, đôi khi biển số cũng không có nốt. Anh Hồng, một người chuyên sửa các con “ngựa sắt” của cánh công nhân làm đá, cho biết: “Các xe chở đá hầu hết đều rệu rã, dầu nhớt vương vãi tùm lum, ít người nhận sửa lắm. Hơn nữa, nó phải hoạt động liên tục, luôn trong tình trạng ẩm ướt nên càng nhanh hỏng. Xe không đủ chuẩn lưu hành, khi bị kiểm tra thế nào cũng bị phạt. Tuy giá trị của xe không cao, nhưng người chủ cũng cố gắng nộp phạt để mang về, vì kiếm được một chiếc xe đặc biệt như vậy không phải dễ”.
Tuy luôn trong tình trạng “thân tàn ma dại”, nhưng những con “ngựa sắt” này lại phải chở rất nặng. Thường mỗi chuyến xe chở 4-5 bao đá, nhiều thì 6 bao; đặc biệt những lúc khách cần hàng gấp, họ chất lên xe tới 7 bao đá, 4 bao ở sau và 3 bao chất trên sườn xe. Mỗi bao đá nặng 25 kg, vị chi chiếc xe rệu rã ấy phải chịu một khối lượng nặng hơn 2 tạ. “Chất nhiều đá lên, sườn xe chịu không nổi lắc lư như đánh võng, bánh xe bị đè, càng khó chạy. Nhiều lúc đang chở đá đi giữa đường thì xe hư, cực vô cùng; dắt bộ vài cây số là chuyện thường. Vì vậy, anh em làm đá đều cố gắng mày mò tự học sửa xe, khi cần có thể khắc phục được những trục trặc đơn giản”- Lam cho biết.
|
Công việc của những người làm ca đêm là canh máy, cho đá viên vào bao, xếp vào kho lạnh.
|
* Hiểm nguy rình rập
Gần nửa đêm, mưa lâm râm. Tôi gõ cửa một cơ sở sản xuất đá tinh khiết trên đường Hoàng Văn Thụ, TP Quy Nhơn. Gọi đến 3 lần, cửa vẫn chưa mở. Gần mười phút sau, người thanh niên đang làm việc bên máy đá mới gọi anh vệ sĩ ra mở cửa. “Anh thông cảm, dạo này dân bụi đời đến xin đểu, đập phá nhiều quá, tụi em phải cảnh giác”- anh vệ sĩ trẻ phân bua.
Người thanh niên đứng máy tên Tú, quê ở Cát Tài, Phù Cát; vừa tốt nghiệp Cao đẳng Kế toán ở Trường ĐH Quang Trung, làm công nhân đá đã gần nửa năm. Tú cho biết, ca đêm có 3 người thay phiên nhau làm, công việc chủ yếu là canh máy, cho đá viên vào bao, xếp vào kho lạnh. Hơi lạnh tràn ngập trong căn phòng ngổn ngang máy móc. Tú thoăn thoắt cột chặt miệng bao, ôm từng bao đá quăng vào kho, xếp thành từng chồng ngay ngắn. Tú tâm sự: “Mới đầu vào làm, không quen môi trường hơi lạnh nên mệt mỏi dữ lắm, giờ thì quen việc, biết phân phối sức nên vẫn duy trì được tốc độ làm việc”.
Công nhân làm việc tại các cơ sở sản xuất đá lạnh khá vất vả. Dù trời nắng hay mưa, lúc nào cơ thể cũng ướt nhẹp. Ai cũng biết rằng, nhiễm nước lạnh lâu ngày ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sau này, nhưng vì miếng cơm manh áo họ vẫn chấp nhận. Đó là chưa kể những tai nạn bất ngờ như nổ ống ga, phải hít khí độc. Ở những cơ sở sản xuất đá cây, các loại máy dùng để chẻ đá, bào đá, đều có lưỡi dao sắc bén. Trong khi đó, đá lạnh lại rất trơn, khi cho vào máy xay hoặc bào, người lao động chỉ bất cẩn một chút là có thể gặp nạn đứt tay, dập chân...
Tuy phương tiện vận chuyển là những con “ngựa sắt” đã hết đời, nhưng những công nhân chở đá phải chịu áp lực về thời gian rất lớn. Việt, quê ở Tây Sơn, cho biết: “Chẳng ai gọi đá khi trong thùng đang còn. Khi khách hàng có yêu cầu, chỉ khoảng 5 phút sau phải có đá đem tới nơi. Có hôm, xe bị hỏng hoặc chạy trái tuyến đường, tụi em đến muộn bị các bà chủ mắng té tát, dọa lần sau không gọi mình nữa…”.
Chính vì yêu cầu phải khẩn trương kịp thời cung cấp đá cho khách hàng, các công nhân chở đá phải thường xuyên đối mặt với nhiều nguy hiểm trên đường. Cánh công nhân đá vẫn chuyền tai nhau tai nạn thương tâm của một công nhân tên Quý, quê ở Hoài Nhơn, vào nghề chưa lâu đã “giải nghệ”. Cách đây gần 3 tháng, lúc đang chở đá trên đường Tây Sơn, Quý đụng phải một phụ nữ đi xe máy. Bị chấn thương sọ não, riêng tiền chụp CT đã mất hơn 5 triệu đồng, thế nhưng chủ cơ sở chỉ cho đúng 100 ngàn đồng.
Một công nhân khác khi chở đá đến một quán gà “chỉ” trên đường Chế Lan Viên thì bị chó cắn, “xui xẻo” là anh chàng khá nặng cân, nên phải tiêm phòng mất mấy triệu đồng, nhưng chẳng được chủ hỗ trợ gì. “Khi được nhận vào làm, chúng tôi chẳng có hợp đồng lao động gì cả. Người làm và chủ cơ sở không ràng buộc về pháp lý, cũng chẳng có tình nghĩa gì, mình bị tai nạn thì tự chịu thôi”- một công nhân từng làm ở nhiều cơ sở sản xuất đá lạnh chua chát nói...
|
Phương tiện để chở đá là những chiếc xe máy cà tàng, phụ tùng được “tinh giản” đến mức tối thiểu.
|
* Vĩ thanh
Trời nắng chang chang, khi chở đá đi cơ thể ướt mem, khi về gió khô người, đến khi chở đi bị ướt trở lại. Làm việc thường xuyên, cơ thể nhiễm nước, gây cảm lạnh, mệt mỏi, rất nhanh xuống sức. Chỉ lứa thanh niên đôi mươi mới làm nổi công việc nặng nhọc này. Tuy nhiên, thời gian bám trụ với nghề cũng rất ngắn ngủi. Nhiều người đến thử việc vài ngày là bỏ, số người trụ nổi đến một năm rất ít…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sinh viên là đối tượng chiếm đa số trong các công nhân làm đá. Người trước làm được, “mai mối” cho bạn bè cùng làm. Dù thu nhập không cao, nhưng sinh viên vẫn chọn nghề này vì họ được làm theo ca, có thể đổi ca cho nhau khi cần thiết để đảm bảo thời gian học tập, thi cử. Chấp nhận làm công việc nặng nhọc này, nghĩa là họ gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Lam, người bạn tôi gặp có hoàn cảnh thật đặc biệt. Ba mất sớm, em gái bị bệnh tim, từ ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học, cậu đã làm đủ nghề để kiếm sống. Sau khi nghỉ việc ở cơ sở sản xuất đá tinh khiết, Lam kiếm ngay một chân phục vụ tại các nhà hàng tiệc cưới.
Một buổi sáng, tôi đến quán nước trên đường Hoàng Văn Thụ, nơi các công nhân làm đá hay tụ tập ăn sáng, uống cà phê, chuẩn bị cho những chuyến xe đầu ngày. Quán nhỏ, đồ dùng bình dân, một tô mì 3.000 đồng, một ly cà phê đen 4.000 đồng. Bà chủ quán ngoài năm mươi, như quen mặt, thuộc tên từng công nhân trẻ. Bà hỏi thằng Biên mới nghỉ tháng trước giờ làm ở chỗ nào, thằng Trường đã ra trường chưa… Chắc hẳn, trong số những công nhân mà bà hỏi thăm, không ít người trong khi chờ đến ngày nhận lương, đã từng ăn chịu của bà vài tô mì…
|