VÕ SƯ OLIVIER BARBEY:
Học võ Việt để rèn nghệ thuật sống
8:0', 8/8/ 2010 (GMT+7)

Đoàn Sơn Long quyền thuật về tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền lần III với hơn 70 thành viên, đã gây ấn tượng mạnh với nhiều tiết mục võ thuật đặc sắc. Dẫn dắt đoàn là võ sư chưởng môn Olivier Barbey, ông là người Thụy Sỹ, đam mê và gắn bó với võ Việt đã gần 30 năm…

 

Võ sư Olivier Barbey cùng vợ và con trai đang luyện tập võ tại TP Quy Nhơn.

 

* Mối duyên với võ Việt

Thời thanh niên, Olivier Barbey từng tập nhiều môn võ khác nhau, nhưng anh vẫn không hài lòng, vẫn muốn học môn võ nào đó của châu Á như diễn viên nổi tiếng Lý Tiểu Long đã thể hiện trên phim.

* Ông đến với võ cổ truyền Việt Nam như thế nào?

- Năm 19 tuổi, tôi tình cờ gặp mặt võ sư Nguyễn Đức Mộc - người sáng lập phái Sơn Long quyền thuật - từ Pháp sang Thụy Sỹ giao lưu võ thuật. Tự nhiên, tôi thấy ông thân thuộc như có mối duyên sắp đặt từ trước… Khi đó, thầy Mộc đã 70 tuổi, nhưng các võ sĩ trẻ tuổi chúng tôi đến thử tài giao đấu đều thua, bởi thân pháp và cách ra đòn của thầy cực nhanh. Nội công của thầy cũng rất thâm hậu, chỉ một ngón tay có thể đẩy ngã được vài võ sĩ cao to dù cố trụ vững. Tôi bị chinh phục và xin thầy thu nhận làm đệ tử.

* Thầy ở Pháp còn trò lại ở Thụy Sỹ. Vậy chuyện học và dạy võ hẳn sẽ rất khó khăn?

- Tôi làm trong một bệnh viện ở Thụy Sỹ, nhưng mỗi năm đều cố gắng sắp xếp thời gian khoảng 5 tháng qua Pháp học võ. Sau hai năm tập luyện thì thầy Mộc đã cấp chứng chỉ công nhận, rồi chỉ định tôi truyền dạy Sơn Long quyền thuật ở Thụy Sỹ. Khi ấy, ở Thụy Sĩ hầu như chưa có ai học võ Việt Nam, thế nhưng so với các môn võ đã nổi tiếng thì võ Việt cuốn hút hơn hẳn trong các động tác kỹ thuật. Ai cũng có thể học được võ Việt vì động tác rất uyển chuyển, nhẹ nhàng, lại có những bài biểu diễn binh khí đặc sắc. Các bài võ tự vệ mang tính ứng dụng cao, rèn luyện sức khỏe tốt… nên sau vài năm, tôi đã có được nhiều môn sinh theo học. Tôi cũng đưa được võ Việt vào dạy ở Tổng Liên đoàn Trường bách khoa LAUSAN (EPFL.Université LAUSAN.NE) nổi tiếng của Thụy Sỹ, nơi đặt trụ sở của Ủy ban Olympic châu Âu.

Việc giảng dạy này cũng là một cơ duyên, khi tôi bất ngờ được hiệu trưởng của trường LAUSAN mời đến, ông cho biết đã nghe nhiều học trò nói về võ Việt Nam nhưng thực sự không biết đó là môn võ gì. Tôi liền biểu diễn giới thiệu ngay tại phòng giám hiệu bài Lão Mai quyền. Họ xem cảm nhận được sức hấp dẫn, độc đáo nên đã đề nghị đưa võ Việt vào dạy. Đến nay đã được 15 năm.

 

Võ sư Olivier Barbey đang biểu diễn đại đao.

 

* “Võ Việt rèn luyện nghệ thuật sống”

* Thưa ông, đã học nhiều loại võ, vậy điều gì khiến ông theo đuổi võ Việt gần 30 năm?

- Võ Việt Nam không chỉ là một môn thể thao mà còn giúp bạn rèn luyện nghệ thuật sống. Người luyện võ có thể học nhiều điều hay, lẽ phải, cách sống ý nghĩa ở trong đó. Thầy Mộc đến Pháp năm 1947 và làm công nhân một nhà máy ô tô, không ai biết thầy có võ cao siêu cho đến khi bạn bè bị người ngoại quốc gây hấn, thầy mới ra tay dạy cho một bài học.

Mọi người biết đến nhờ dạy võ, thầy yêu cầu phải tham gia ủng hộ hòa bình cho Việt Nam. Lúc đó rất nhiều sinh viên ở Pháp phản đối chiến tranh Việt Nam, nên nghe có một người thầy dạy võ Việt thì họ đến học ngày càng đông… do đó thầy Mộc đã mở võ đường Sơn Long quyền thuật. Đến năm 1957, khi môn sinh phát triển mạnh mẽ với nhiều nhánh võ khắp nơi thì thầy lập ra Liên đoàn Võ Việt Nam quốc tế tại Pháp. Thầy đặt tên phái võ như vậy để tưởng vọng về quê hương và quảng bá cho mọi người biết đến nước Việt Nam

* Hẳn là thầy Mộc đã để lại trong ông những tình cảm và ấn tượng sâu sắc?

- Tôi kính trọng thầy như kính trọng cha mình. Thầy luôn răn dạy người học võ phải tu dưỡng đạo đức, sống phải mạnh mẽ, bất khuất nhưng không được dùng võ để gây chuyện xấu mà phải nhường nhịn, ứng xử có văn hóa. Tôi kính trọng thầy như người cha ruột thịt, còn thầy cũng thương yêu tôi như con cái trong nhà. Thầy Mộc cấm tiệt chuyện thầy - trò trong môn phái có quan hệ yêu đương. Nhưng duyên phận đã sắp xếp cho tôi và một đệ tử người Pháp yêu nhau. Chúng tôi giấu thầy chuyện tình cảm sau hai năm mới dám tiết lộ, thầy tuyên bố nếu tôi làm chuyện gì không phải đạo với “người yêu học trò” thì sẽ bị thầy “giết”… Nhờ đó chúng tôi cưới nhau đến nay đã được 18 năm, cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, cùng chia sẻ đam mê võ Việt với cậu con trai 7 tuổi…

Cách đây 6 năm, thầy đau nặng, tôi đã gác công việc sang Pháp ở hẳn để chăm sóc thầy. Trước khi mất vào tháng 5.2009, thầy chuyển giao trách nhiệm điều hành môn phái lại cho tôi với lời dặn dò phải tập hợp, đoàn kết anh em, chú ý quan tâm thu hút trẻ em tập luyện để có sức khỏe, tránh bị hà hiếp và tiêm nhiễm các tệ nạn. Ngày 20.7 vừa rồi, tôi và các học trò đã đưa tro cốt thầy về quê mẹ ở tỉnh Bắc Ninh để an táng theo di nguyện. Chúng tôi đã có những giây phút vô cùng xúc động gởi thầy ở lại với đất Mẹ.

 

Đoàn Sơn Long quyền thuật biểu diễn võ thuật tại chùa Long Phước.

 

* “Chúng tôi học hỏi được nhiều từ võ Bình Định”

Hiện phái võ Sơn Long quyền thuật phát triển lớn mạnh ở nhiều quốc gia như Pháp, Thụy Sỹ, Áo, Bỉ, Ý, Mỹ, Algeria… với số lượng thành viên chỉ riêng trong các phái chính cũng đã khoảng 6.000 người. Trong môn phái có rất nhiều võ sư, trong đó, võ sư  Olivier Barbey cùng hai võ sư khác đã đạt đến cấp 18, cấp công nhận cao nhất theo quy định của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam.

* Phái Sơn Long quyền thuật đã bắt đầu xây dựng quan hệ với võ cổ truyền Bình Định từ khi nào?

- Thầy Mộc luôn khuyến khích chúng tôi tìm hiểu, học hỏi võ Bình Định. Năm 1998, thầy Mộc dẫn tôi và một số võ sinh đến, ở lại Bình Định 2 tháng để học những bài võ Tây Sơn, các bài binh khí tiêu biểu… nhờ sự giúp đỡ của Sở TDTT Bình Định, đã cử các võ sư giỏi như Đinh Văn Tuấn, Nguyễn Văn Cảnh hướng dẫn hết sức tận tình. Thời gian này, tôi cũng đã được gặp mặt, học hỏi nhiều võ sư nổi tiếng của Bình Định. Từ đó đến nay, Sơn Long quyền thuật đã giữ vững mối liên kết chân tình với võ cổ truyền Bình Định thông qua các hoạt động giao lưu. Chúng tôi cũng đã chủ động mời một số võ sư Bình Định như võ sư Nguyễn Văn Cảnh sang Pháp để truyền dạy thêm…

* Vậy, những gì thu nhận được đã giúp ích gì cho công tác đào tạo võ Việt Nam của Sơn Long quyền thuật?

- Trước đó thầy Mộc đã tổng hợp tinh túy của các môn phái võ khác nhau, cộng với những gì gặt hái được sau 2 tháng học võ Bình Định đã xây dựng nên một chương trình đào tạo riêng chất lượng cao của trường Sơn Long quyền thuật dành cho các huấn luyện viên, võ sĩ. Chúng tôi đã được tiếp cận với những bài võ Bình Định hết sức độc đáo, được tích lũy từ truyền thống văn hóa - lịch sử hào hùng của quê hương các bạn. Đặc biệt, bài Song Phượng kiếm của nữ tướng Bùi Thị Xuân thì trong giới nữ của môn phái, đến nay mới chỉ có vợ tôi - võ sư Sarah Barbey - là lĩnh hội và biểu diễn tốt. Vừa rồi, khi về tham gia Giải Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại TP HCM, vợ tôi cũng đã đoạt Huy chương Vàng với bài quyền Lão hổ thượng sơn, vốn được võ sư Nguyễn Văn Cảnh truyền dạy tại Pháp.

* Với kinh nghiệm lâu năm, theo ông việc truyền bá võ Việt Nam ở nước ngoài muốn đạt được hiệu quả phải như thế nào?

- Người nước ngoài chúng tôi không phải ai cũng có điều kiện tìm về Việt Nam học võ. Cần cử thêm nhiều võ sư giỏi đến các nước thì thuận lợi hơn cho việc truyền dạy số đông, đồng thời đào tạo được đội ngũ hạt nhân để tiếp tục phát triển võ Việt. Tôi nghĩ, không nên truyền bá võ Việt ra quốc tế theo kiểu chạy theo số lượng mà đánh mất chất lượng. Điều quan trọng là phải truyền dạy làm sao để người nước ngoài theo kịp chất lượng đào tạo trong nước, đó mới thực sự là cách quảng bá hiệu quả võ Việt.

* Xin cảm ơn ông! Chúc phái võ Sơn Long quyền thuật ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

  • Hoài Thu (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những phận đời trên xe đá  (01/08/2010)
Làm công tác xã hội, không có tâm thì khó lắm  (31/07/2010)
Tắm biển Quy Nhơn  (25/07/2010)
Người phụ nữ ba lần bị địch cưa chân  (24/07/2010)
Người Bình Định trên cao nguyên Lâm Đồng  (24/07/2010)
Thay màu cho những con đường  (18/07/2010)
“Ngọn lửa” Công Lý   (17/07/2010)
Người Bình Định ở Trường Sa  (11/07/2010)
Giáo sư Lê Văn Lan và những tâm huyết với miền đất Võ  (10/07/2010)
Chổi… phiêu lưu ký  (04/07/2010)
Người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên   (03/07/2010)
Căng thẳng vì nắng hạn  (27/06/2010)
Lập công nhờ hòa mình cùng đồng đội  (26/06/2010)
Võ sư đa mang  (20/06/2010)
Cõi người quên quên nhớ nhớ  (13/06/2010)