Xóm Ga
21:23', 8/8/ 2010 (GMT+7)

Mấy chục năm nay, người dân khu vực 3, khu vực 4, phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) chết danh với cái tên “xóm Ga”. Kỳ lạ thay, xưa nói đến “điểm nóng” nghiện chích, mại dâm… người ta nghĩ ngay đến xóm Ga. Nay, trong lòng xóm Ga vẫn ẩn chứa nhiều gam màu sáng - tối, không thiếu những mỹ từ tốt đẹp, lẫn những khó khăn, trăn trở của gần ngàn hộ dân. 

 

Xóm Ga giờ có nhiều mảng màu sáng nhưng vẫn còn những góc khuất.

 

Xóm Ga bao gồm hơn 1.000 hộ dân khu vực 3, khu vực 4 và một phần của khu vực 5. Một mặt xóm nằm dọc theo ga Quy Nhơn, mặt kia nằm dọc theo đường Trần Hưng Đạo. Nhưng, cái tên xóm Ga cứ dính chặt vào người khu vực 3, khu vực 4 như một định mệnh. Theo chân anh Đỗ Văn Hồng, cán bộ văn phòng, kiêm cán sự phòng chống tệ nạn xã hội của phường Lê Hồng Phong lùng sục vào từng con ngõ ngoằn ngoèo, nhèm nhẹp nước; nghe những câu chuyện rất đời rất thực của những con người một thời lầm lỡ; rồi lại chiêm nghiệm từ những câu nói của ông Phó chủ tịch UBND phường Hoàng Xuân Hải, để thấy sức sống và niềm ước vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn vẫn đang âm ỉ cháy trong mỗi người xóm Ga.

* Một thời... oanh liệt

Ấy là cách nói nửa đùa nửa thật chua chát của ông Hoàng Xuân Hải. Chúng tôi hiểu hàm ý của ông. Bởi, cái “oanh liệt” một thời này đã từng làm cho xóm Ga “nức tiếng” là xóm ăn chơi, tệ nạn từ thời trước giải phóng.

Ngày đó, điểm vui chơi giải trí gần như chỉ xoay quanh trục: rạp Kim Khánh (nay là rạp 31.3), rạp Trưng Vương (nay là Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh) và công viên (nay là bùng binh tượng đài Quang Trung). Dân “bụi đời” tứ chiếng đổ về đây trộm cắp, hút chích, mại dâm cứ như một cơn lốc cuốn người dân địa phương vào theo. Hàng trăm đối tượng nghiện chích ma túy, mại dâm, trộm cắp, lập băng nhóm đánh nhau… xảy ra như cơm bữa ở xóm.

Bác Lê Xuân Thảo, 73 tuổi, làm dân của tổ 24, khu vực 4 đã ngót 33 năm. Ngần ấy thời gian ông còn nhớ như in cái tiếng xóm Ga: “Độ 15 năm về trước, đối tượng nghiện chích ma túy, mại dâm trở thành nỗi ám ảnh của người dân trong xóm. Họ làm công khai, chứ không cần lén lút gì cả. Lúc nào, tôi cũng lo lắng cho các con mình, chỉ cần lơ là, sơ sểnh một chút là hư ngay”.

Con nghiện từ các huyện phía Bắc của tỉnh vào, rồi từ các tỉnh Tây Nguyên xuống, đúng cữ vào các tụ điểm của xóm Ga “chích” một cái rồi đi. Còn chủ chứa mại dâm cũng gần chục điểm. Dân ăn chơi có tiền thì vào nhà nghỉ M.A, T.L; người ít tiền thì vào các tụ điểm trải chiếu trước nhà “làm” luôn.

Các đối tượng ngang nhiên vượt rào vào ga Quy Nhơn tiêm chích ma túy như chỗ không người. Rồi, nạn móc túi, trộm hàng của hành khách đi tàu xảy ra thường xuyên. Đến nỗi ông Nguyễn Văn Sang, 53 tuổi, thâm niên 25 năm làm việc tại ga Quy Nhơn cũng thừa nhận, ngày đó hễ nhắc đến ga Quy Nhơn là hành khách ớn lạnh, mặc dù đã cảnh giác cao độ nhưng vẫn bị đạo chích thăm hỏi như thường.

Cũng vì thế mà nhiều năm qua rồi, người xóm Ga vẫn không dứt ra được quá khứ buồn của một thời.

 

Những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo của xóm Ga.

 

* Quay đầu làm lại

Ngay cả cư dân của xóm cũng e dè, nơm nớp sống trong lo sợ. Nhưng cũng chỉ 10 năm trở lại đây, xóm Ga lại gần như sạch bóng nhóm đối tượng ma túy, mại dâm.

Những năm 1995-1996, phong trào phòng chống tệ nạn xã hội được tỉnh và thành phố quan tâm đẩy mạnh. Cán bộ địa phương phụ trách việc thu thập thông tin, cách thức hoạt động của các đối tượng, để cung cấp cho lực lượng Công an tỉnh, Công an thành phố Quy Nhơn phối hợp “đánh” mạnh vào xóm Ga. Nhưng ông Hoàng Xuân Hải cho rằng sự chuyển biến tích cực của xóm Ga phần lớn là do nội lực của các đối tượng từ việc tuyên truyền, vận động kết hợp với hỗ trợ tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng của địa phương. Người nghiện tự cai, gái mại dâm thì bỏ nghề, làm thuê, chạy xe thồ, xích lô tự nuôi sống bản thân và gia đình.

Ông Hải bảo bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích phòng chống tệ nạn xã hội của phường Lê Hồng Phong đầu năm 2002, có sự đóng góp rất lớn của dân xóm Ga. 

Tổ 17, khu vực 3 được xem là điểm nóng nhất về các tệ nạn xã hội. Sau giải phóng, chưa kể nhóm hành nghề mại dâm, đối tượng nghiện ngập ma túy của tổ đã lên đến 100-150 người. Vậy mà 10 năm trở lại đây, khu vực này gần như không còn đối tượng tệ nạn xã hội.

Hôm chúng tôi đến nhà, anh Nguyễn Xuân Q., ở tổ 17, khu vực 3, đang đi làm. 20 năm nghiện ma túy, anh phải đối mặt với những cơn vật vã, ròng rã mất ngủ trong 2 tháng trời để làm lại cuộc đời. Anh Q. bảo mình nghiện ma túy là tự mình không thắng nổi cám dỗ. 28 tuổi, anh đã nghiện ma túy khi theo gia đình đi kinh tế mới ở Gia Lai. Về lại Quy Nhơn, anh càng lún sâu vào “nàng tiên nâu”. Mọi vật dụng trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo những cơn nghiện của anh. Chị Th. - vợ anh Q. - cho biết: “Mỗi khi lên cơn nghiện, ảnh đem tất cả đồ đạc trong nhà bán lấy tiền mua thuốc chích, ngăn mấy cũng không được. Cũng may, anh chưa bao giờ ăn cắp đồ của ai để bán lấy tiền hút chích”.

Anh Q. tâm sự: “Hơn 20 năm “chơi” ma túy, không chỉ sức khỏe, tiền bạc lần lượt ra đi mà quan trọng là tôi đã làm những người yêu quý mình phải khổ sở. Chỉ một phút sai lầm, nhưng phải mất rất nhiều thứ, tôi mới làm lại được cuộc đời”.

Cai nghiện được, anh nhờ các đồng chí công an thành phố xin làm công nhân gỗ, rồi đến chân bảo vệ, bốc vác và giờ là công nhân chế biến thủy sản. Ngoài thời gian đi làm, anh còn lo chợ búa, nấu ăn cho cả gia đình. Anh chăm sóc vợ con rất chu đáo để chuộc lại lỗi lầm của mình.

Chị Hồ Thị A., ở tổ 21, khu vực 4, cũng đã từ giã con đường “gái bán hoa” để làm công nhân môi trường đô thị đã chục năm nay. Đêm làm ca, ngày chị ở nhà cùng chồng làm thuê, làm mướn. Thu nhập vài chục ngàn mỗi lần đãi cát, sạn thuê hay những chuyện vặt vãnh cũng đủ để chợ búa cơm nước. Còn tiền lương công nhân 1,4 triệu đồng/tháng chị để dành, tích cóp phòng khi có chuyện cần.

Bằng những nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ tìm việc làm, đứng ra vay vốn xóa đói giảm nghèo… nhiều đối tượng một thời lầm lỡ nay đã hoàn lương, tự đi làm nuôi sống bản thân.

 

Phòng khách rộng chừng 12m2 này là chỗ ăn uống, ngủ nghỉ của 9 người trong gia đình anh Phi.

 

* Trăn trở và ước vọng

Thật sự thì xóm Ga đã trở thành một điểm sáng của thành phố và của tỉnh về công tác phòng chống tệ nạn xã hội. Song, những cư dân của xóm vẫn không thể tự hào bởi những trăn trở cuộc sống nghèo khổ, thanh niên thất học quậy phá vẫn mãi đeo đẳng.

Bây giờ, xóm được nhiều người biết đến với nhiều ngõ nhỏ dưới 1 mét và sâu hun hút. Càng đi sâu vào xóm Ga là những con phố ngoằn ngoèo, tối và ẩm thấp. Những căn nhà chật chội chỉ chừng 24 m2 nhưng có 9-11 người ở như nhà anh Nguyễn Văn Phi, tổ 23, khu vực 4. Phòng khách cũng là chỗ ăn uống, ngủ nghỉ.

Hay 60 m2 nhà ông Nguyễn Văn Xuân, 68 tuổi, ở tổ 17, khu vực 3, phải gồng mình chứa đến 19 người của ba thế hệ ông bà con cháu cùng sinh sống. Việc lấn chiếm, cơi nới để có thêm diện tích sinh hoạt không còn là lạ đối với người dân nơi đây.

Nhà chằng chịt nhau, nhiều con hẻm chạy dọc chạy ngang chỉ vừa cho một người đi. Vì vậy, khi chúng tôi xâm nhập thực tế ở xóm Ga đã không dưới 10 lần phải lui xe nhường đường.

Chị Trần Thị Lệ, ở tổ 17, khu vực 3, cho hay: “Tất cả các đường hẻm vào xóm Ga chỉ rộng nửa mét nếu hỏa hoạn xảy ra thì chỉ biết đứng nhìn, chứ làm sao xe cứu hỏa vào được. Xóm cũng chưa có hệ thống thoát nước nên vào mùa mưa thì cả xóm ngập lụt, có khi cả tuần nước mới rút xuống”.

Xóm Ga giờ vẫn còn nhiều người nghèo và cận nghèo, cha mẹ ngược xuôi lo cái ăn cái mặc nên chuyện con cái hư hỏng, quậy phá, trộm cắp vẫn còn. Trước khi chia tay chúng tôi, anh Hồng bảo mình chỉ có một ước vọng là tệ nạn xã hội không còn tái diễn ở xóm Ga, người dân tích cực làm ăn sinh sống, lo nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

  • Thu Hiền - Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Học võ Việt để rèn nghệ thuật sống  (08/08/2010)
Những phận đời trên xe đá  (01/08/2010)
Làm công tác xã hội, không có tâm thì khó lắm  (31/07/2010)
Tắm biển Quy Nhơn  (25/07/2010)
Người phụ nữ ba lần bị địch cưa chân  (24/07/2010)
Người Bình Định trên cao nguyên Lâm Đồng  (24/07/2010)
Thay màu cho những con đường  (18/07/2010)
“Ngọn lửa” Công Lý   (17/07/2010)
Người Bình Định ở Trường Sa  (11/07/2010)
Giáo sư Lê Văn Lan và những tâm huyết với miền đất Võ  (10/07/2010)
Chổi… phiêu lưu ký  (04/07/2010)
Người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên   (03/07/2010)
Căng thẳng vì nắng hạn  (27/06/2010)
Lập công nhờ hòa mình cùng đồng đội  (26/06/2010)
Võ sư đa mang  (20/06/2010)