35 năm gắn bó với rừng
20:40', 14/8/ 2010 (GMT+7)

Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đôi khi người cán bộ kiểm lâm phải đối diện với nhiều hiểm nguy. Chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Trọng Ân, Quyền Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) - người có hơn 35 năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng…

 

Đội Kiểm lâm cơ động diễn tập công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại xã Mỹ Thọ, Phù Mỹ.

 

* 35 năm gác rừng

Năm nay, ông Lê Trọng Ân vừa tròn 56 tuổi, nhưng đã có đến 35 năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong khoảng thời gian quá “nửa đời người” làm công tác kiểm lâm, ông đã trải qua nhiều công việc khác nhau, như nhân viên kiểm thu lâm sản, hạt trưởng, rồi trưởng phòng pháp chế và hiện nay là Quyền Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động - Phòng cháy chữa cháy rừng. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và được lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá cao.

-  Ông có thể cho biết cơ duyên nào đã đưa ông đến với ngành Kiểm lâm?

+ Từ nhỏ tôi vốn đã yêu thích rừng. Thời thơ ấu, những cánh rừng bạt ngàn màu xanh ở quê hương đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Lớn lên, khi học hết phổ thông, tôi đã ý thức rất rõ rằng: rừng có ý nghĩa rất to lớn đối với cuộc sống con người, nếu để mất rừng cuộc sống con người sẽ đối mặt với nhiều hiểm nguy, như hạn hán, lũ quét…  sẽ liên tục xảy ra. Do vậy, như một sự sắp đặt của số phận, khi học hết phổ thông tôi đã thi vào ngành Lâm nghiệp và gắn bó với công tác giữ rừng từ năm 1975 cho đến nay.

- Là người đã có 35 năm gắn bó với ngành Kiểm lâm, ông tâm đắc nhất điều gì?

Ông Lê Trọng Ân

+ Trong hành trình làm công tác quản lý, bảo vệ rừng của mình, điều làm tôi tâm đắc nhất chính là thấy được những đóng góp của mình đã làm cho những cánh rừng ngày càng được bảo vệ tốt hơn. Với lực lượng của Đội kiểm lâm cơ động hiện khá mỏng (chỉ với 13 cán bộ), nhưng phải đảm trách một diện tích rừng khá lớn (lên đến hàng chục ngàn ha) và trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, với những nỗ lực không mệt mỏi, thời gian qua chúng tôi đã cố gắng bám sát rừng, phân công cụ thể từng thành viên thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, những đóng góp của chúng tôi đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, được lãnh đạo Sở NN-PTNT đánh giá cao. Cho đến nay, độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh đã chiếm đến 44% diện tích tự nhiên.

*  Hiểm nguy và những trăn trở

Vì lợi ích rất lớn từ việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, nhiều lâm tặc đã có hành vi chống đối quyết liệt lực lượng kiểm lâm. Do vậy, trong công việc hàng ngày, lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên đối mặt với nhiều hiểm nguy. Tuy nhiên, với bản lĩnh của mình, ông Lê Trọng Ân và các cộng sự của mình đã từng bước hóa giải những khó khăn, triển khai các biện pháp hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

- Ông có thấy rằng, trong công việc hàng ngày của mình là phải thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy, bất trắc?

+ Là người cán bộ kiểm lâm bảo vệ rừng, nhất là hàng ngày phải thường xuyên đối mặt với lâm tặc, sự hiểm nguy, bất trắc luôn luôn chực chờ. Song chúng tôi luôn xác định rằng, không vì sợ hiểm nguy đến tính mạng mà người cán bộ kiểm lâm phải lùi bước hoặc nhân nhượng để rừng bị tàn phá. Vì thế, trong công việc hàng ngày, chúng tôi chấp nhận sự hiểm nguy, thường xuyên tổ chức các đợt tấn công, truy quét lâm tặc, đồng thời sẽ từng bước thuyết phục, vận động những đối tượng vi phạm, để họ hiểu được ý nghĩa của việc gìn giữ, bảo vệ rừng. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, chúng tôi từng bước đưa công tác quản lý, bảo vệ rừng đi vào nề nếp để rừng ngày càng được quản lý, bảo vệ tốt hơn.

- Tuy nhiên, tình trạng lâm tặc có hành vi chống đối, tấn công trả thù kiểm lâm đang diễn ra khá phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

+ Trước hết, tôi cho rằng nguyên nhân chính của vấn đề trên là do sự kém hiểu biết về pháp luật của những đối tượng vi phạm. Chính sự kém hiểu biết này mà nhiều đối tượng lâm tặc đã làm liều, suy nghĩ sai lệch cho rằng làm thế là để hăm dọa lực lượng kiểm lâm. Trong khi các đối tượng chống trả, tấn công kiểm lâm đầy tính côn đồ thì quá trình điều tra xác minh, xét xử các đối tượng vi phạm của các cơ quan chức năng có phần chậm chạp, và chưa bảo đảm tính nghiêm minh, thiếu tính răn đe, giáo dục, tạo cho lâm tặc “lờn thuốc” và xem thường luật pháp.

- Thời gian gần đây lực lượng kiểm lâm đã không ngừng được trang bị hỗ trợ công cụ và quyền hạn, tuy nhiên, vì sao việc đối phó với sự tấn công của lâm tặc vẫn còn nhiều hạn chế?

+ Dù đã được Nhà nước quan tâm, song từ thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian qua, chúng tôi thấy rằng, lực lượng kiểm lâm hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu. Căn cứ theo Nghị định 119 của Thủ tướng Chính phủ quy định, mỗi cán bộ kiểm lâm phải chịu trách nhiệm tổ chức theo dõi, quản lý trong phạm vi khoảng 1.000 ha rừng. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh hiện còn khá mỏng, phải đảm bảo phụ trách quản lý, bảo vệ rừng với diện tích cao gấp nhiều lần so với quy định.

Đã thế, hiện nay việc trang bị công cụ hỗ trợ, phương tiện làm nhiệm vụ của chúng tôi cũng còn yếu. Về quyền hạn thì cũng còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, lực lượng kiểm lâm cơ động được trang bị súng và các công cụ hỗ trợ, nhưng ngay cả trong trường hợp phải đối mặt với bọn lâm tặc hung hãn tấn công thì cũng không được bắn mà chỉ được bắn chỉ thiên cảnh cáo. Tất nhiên, không ai muốn bắn người, nhưng trong những trường hợp bị lâm tặc liều lĩnh tấn công, cán bộ kiểm lâm rất khó xử lý.

 

Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng kiểm tra một vụ vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Hoài Ân.

 

- Để ngăn chặn thành công việc lâm tặc tấn công, trả thù kiểm lâm, theo ông cần phải có những giải pháp nào?

+ Theo tôi, vấn đề chính hiện nay là phải làm cho người dân, đặc biệt là những người vi phạm pháp luật trong việc quản lý và bảo vệ rừng hiểu được pháp luật, hiểu được chủ trương quản lý và bảo vệ rừng của Nhà nước. Tiếp đến, những đối tượng gây ra vụ việc chống người thi hành công vụ cũng cần phải được xử lý một cách nghiêm minh, đúng người đúng tội để răn đe, giáo dục. Ngoài ra, cần phải trang bị nhiều hơn nữa công cụ hỗ trợ và tăng cường vai trò, quyền hạn cho lực lượng kiểm lâm. Tôi cho rằng nên chăng phải xem xét nghiêm túc đề án Bộ NN-PTNT đã trình Quốc hội trước đây là lực lượng bảo vệ rừng có chức năng quyền hạn như một cảnh sát rừng. Ngoài ra, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng cũng cần phải quan tâm, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống ở các khu vực gần rừng, tạo điều kiện về vốn, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi…  giúp người dân có điều kiện nâng cao thu nhập. Có như vậy thì công tác quản lý, bảo vệ rừng mới được thực thi tốt hơn và sẽ không còn diễn ra cảnh cán bộ kiểm lâm phải đổ máu vì lâm tặc…

- Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện chân tình này. Chúc ông tiếp tục hoàn thành tốt công việc được giao!

  • N.Hân (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xóm Ga  (08/08/2010)
Học võ Việt để rèn nghệ thuật sống  (08/08/2010)
Những phận đời trên xe đá  (01/08/2010)
Làm công tác xã hội, không có tâm thì khó lắm  (31/07/2010)
Tắm biển Quy Nhơn  (25/07/2010)
Người phụ nữ ba lần bị địch cưa chân  (24/07/2010)
Người Bình Định trên cao nguyên Lâm Đồng  (24/07/2010)
Thay màu cho những con đường  (18/07/2010)
“Ngọn lửa” Công Lý   (17/07/2010)
Người Bình Định ở Trường Sa  (11/07/2010)
Giáo sư Lê Văn Lan và những tâm huyết với miền đất Võ  (10/07/2010)
Chổi… phiêu lưu ký  (04/07/2010)
Người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên   (03/07/2010)
Căng thẳng vì nắng hạn  (27/06/2010)
Lập công nhờ hòa mình cùng đồng đội  (26/06/2010)