Ở Bình Định, nói chuyện nuôi heo rừng, nuôi nhím, trồng măng điền trúc... không phải là chuyện lạ. Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn, Phù Mỹ... đã đi trước. Tuy nhiên, với Vân Canh, một huyện miền núi thì đây là chuyện còn khá mới mẻ. Đó chỉ là những ví dụ cho sự bắt đầu thay đổi trong tư duy làm kinh tế của người dân địa phương này.
|
Vườn cây giống Hoa Viên Bình Định của anh Đinh Văn Bình.
|
* Cây, con mới
Đó là một trang trại xanh ngút ngàn, xào xạc nắng và gió, nằm cách biệt với tỉnh lộ 638 và như lọt thỏm giữa một thung lũng. Theo yêu cầu của chúng tôi, anh Thiện (thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển), chủ trang trại, đứng ở cổng rông - là một khoảnh đất rộng rợp mát bóng cây, xung quanh rào bằng lưới B40 - hướng ra vườn cất tiếng gọi “ịt… ịt… ịt…”. Trong chốc lát, đàn heo đang kiếm ăn hay ngủ quên đâu đó trong trang trại lũ lượt kéo về. Đi đầu là con nái đen ục ịch bụng sà sát đất, tiếp đến là đàn con lông vằn sọc nâu vàng - đen, tiếp nữa là những chú heo nhỡ đen có, xám có chạy về sục mõm vào máng ăn. Anh Thiện cười, chỉ vào đàn heo của mình và giới thiệu với khách: “Giờ tôi có tổng cộng gần 40 con, gồm 2 con đực giống, 5 nái, và đàn heo con trên 30 con”.
Anh Nguyễn Hữu Thiện vốn là dân Quy Nhơn chính gốc. Trước khi lập nghiệp ở Vân Canh, anh đã từng bôn ba làm cà phê 14 năm ở Đắc Lắc. Anh tâm sự: “Dù là người thành phố nhưng tôi lại rất thích cuộc sống gắn với thiên nhiên, núi rừng nên quyết tâm lập nghiệp ở đây”.
Sau khi tìm được 6 ha đất ở Canh Hiển, anh Thiện bắt tay xây dựng trang trại. Anh dành riêng 1 ha trồng các loại cây ăn quả như chôm chôm, ổi, xoài, sầu riêng, vú sữa, cam… 5 ha đất còn lại anh trồng keo lai. Không dừng lại ở đó, cách đây 2 năm, khi mô hình trang trại nuôi heo rừng bắt đầu xuất hiện ở Bình Định thì anh cũng chuyển hướng sang nuôi giống vật nuôi mới này. Anh phá bỏ vườn cây ăn quả, chỉ giữ lại 500 gốc ổi, vài trăm gốc cam để tập trung cho việc nuôi heo rừng. Trước khi bắt tay vào nuôi, anh đã mua được một con heo đực rừng về gầy giống, tự bỏ tiền đi tham quan các mô hình nuôi heo rừng khắp nơi, rồi xem tivi, lên internet tìm tài liệu về kỹ thuật nuôi heo rừng. Nhờ đó kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, nhất là việc nuôi heo rừng được anh nắm khá vững. Kể chuyện nuôi heo rừng, anh Thiện tiết lộ, số tiền 120 triệu đồng vừa thu được sau khi bán 5 ha keo lai, anh sẽ dùng làm vốn để gầy thêm khoảng 15 con heo nái, mở rộng quy mô trại heo rừng.
Cũng mang tư tưởng thích thử trồng, nuôi những giống cây, con mới, lạ là chị Nguyễn Thị Quê (thôn 2, thị trấn Vân Canh). Trang trại của chị, ngoài 200 gốc chanh cho nguồn thu cả trăm triệu đồng mỗi năm, còn có 200 gốc điền trúc và đàn heo rừng hơn chục con. Đây cũng là nơi trồng măng điền trúc đầu tiên của Vân Canh. Chị kể: “Hơn 2 năm trước, tôi được đi tham quan mô hình măng điền trúc ở Nhơn Hậu, thấy loại cây này cũng dễ trồng, dễ chăm sóc nên mua giống về trồng thử”. Trồng thử nhưng thu thật, và hiện thường xuyên chị Quê thu hoạch 10 - 15kg/ngày, bán tại chợ thị trấn với giá 15 ngàn đồng/kg và vẫn chưa đáp ứng đủ cho thị trường trong huyện. Nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây này, 7 - 8 hộ ở thị trấn cũng theo chị trồng điền trúc với số lượng vài chục gốc/hộ. Với heo rừng cũng thế. Khi nhận thấy giống heo này dễ nuôi, chi phí thức ăn thấp mà giá heo thịt lại khá cao, chị Quê quyết định gầy đàn. Tháng chạp năm ngoái, chị đã xuất lứa đầu tiên 10 con, với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/con.
|
Anh Thiện dự định sẽ nhân giống đàn heo rừng của mình với quy mô 20 heo nái.
|
Muốn làm ăn lớn phải nắm hai thứ, đó là: khoa học kỹ thuật và thị trường - kinh nghiệm của những chủ trang trại thành công chỉ ra như vậy. Trong đó, yếu tố thị trường là tiên quyết, bởi bao gồm nhiều thứ: chọn giống vật nuôi, cây trồng nào để cho sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu khách hàng, đồng thời tránh tình trạng thừa hàng dội chợ, bị ép giá. Thế nên với ông Võ Thành Long (thôn 3, thị trấn Vân Canh), từ khi được đi tham quan các mô hình nuôi nhím ở Hoài Nhơn, ông đã biết đây sẽ là một giống vật nuôi hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhím là loài thú hoang dã, thịt ngon, một số bộ phận của nhím có tác dụng làm thuốc, lại rất dễ nuôi, chi phí thấp, sinh sản nhanh. Tuy nhiên, cũng chính vì nguồn gốc hoang dã của chúng nên nguồn con giống rất hiếm. Vì thế, ông Long đã mạnh dạn bắt tay vào làm, dù chỉ riêng khâu giống đã ngốn của ông mất 40 triệu đồng, với 3 con nhím giống, mà phải lên tận Đắc Lắc mới mua được. Ông Long hồ hởi: “Theo dự án của tôi, đến đầu năm 2012 sẽ ổn định đàn nhím sinh sản là 10 cặp và tôi bắt đầu bán nhím giống. Với giá thị trường như hiện nay là 12 - 14 triệu đồng/cặp nhím con, 500 - 600 ngàn đồng/kg nhím thịt thì đây là một nghề khá hấp dẫn”.
Tại xã Canh Vinh, mô hình nuôi thú quý hiếm cũng bắt đầu hình thành, trong đó 2 hộ nuôi heo rừng và một hộ nuôi nhím. Sau khi tìm hiểu, thấy cách nuôi heo rừng khá dễ, đầu năm 2009, anh Lê Hùng Thắng (thôn Hiệp Vinh 1) đã đầu tư 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại và bắt tay vào nuôi heo rừng. Đến nay, anh đã bán ra 85 con heo rừng, gần lấy lại vốn và còn lại đàn heo hơn 40 con. Anh Thắng so sánh: “So với nuôi heo thịt thì nuôi heo rừng dễ gấp 10 lần, chi phí nuôi cũng rất thấp, ngược lại lãi thì cao”.
* Tư duy mới
Dù tay ngang đứng ra nuôi heo rừng nhưng chị Quê tự nghiên cứu cho hai heo F1 (có bố là heo đực rừng, mẹ là heo cái đen - giống heo của đồng bào dân tộc thiểu số) phối với nhau để sinh ra heo F2. Theo chị Quê, nhiều nhà hàng và thực khách rất thích loại heo F2 này bởi nó hội tụ những ưu điểm của hai giống heo đen và heo rừng, đó là: thịt mềm, thơm, ngọt, không nhiều mỡ như thịt heo đen nhưng cũng không quá cứng, khô như heo rừng. Bởi thế, giá heo rừng F2 bao giờ cũng cao hơn so với heo rừng F1, như năm ngoái, chị Quê bán loại heo F1 với giá 100 ngàn đồng/kg heo hơi, nhưng loại F2 tới 170 ngàn đồng/kg heo hơi.
Hay trong đàn heo gần 40 con của mình, không chỉ có heo rừng mà anh Thiện còn nhân giống cả heo đen để đáp ứng nhu cầu thị trường. “Có người thích heo rừng, nhưng cũng có người thích ăn heo đen, vì thế tôi phải đa dạng nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Họ cần gì mình có nấy. Heo nhỏ 8-10kg/con cũng có, vài chục ký/con cũng có” - anh Thiện cho biết.
|
Nuôi nhím là nghề hứa hẹn nhiều lợi nhuận. - Trong ảnh: Ông Long cho nhím ăn.
|
Bên cạnh việc tìm tòi kỹ thuật chăn nuôi, nhiều hộ dân ở Vân Canh còn chịu khó học hỏi kỹ thuật ươm cây giống lâm nghiệp - một nghề phát triển khá mạnh và đang dần trở thành một hướng đi mới xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây. Ở Vân Canh bây giờ, ngoài những vườn ươm cây của các doanh nghiệp, đã xuất hiện hàng chục vườn ươm cây giống lâm nghiệp của tư nhân.
Anh Đinh Văn Bình, chủ vườn cây giống Hoa Viên Bình Định, với quy mô gần 3 ha (làng Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh), cho biết: “Phong trào ươm cây giống đang phát triển mạnh, nên muốn cạnh tranh, muốn đứng được trên thị trường thì đòi hỏi mỗi vườn ươm phải cho ra những giống cây chất lượng cao”. Theo anh Bình, nếu trước đây, cây keo lai trồng 7-8 năm mới khai thác được thì nay giống keo mới được lai tạo đã rút ngắn được chu kỳ khai thác xuống còn 4-5 năm, mặt khác sản lượng gỗ cũng tăng gấp đôi.
Một sự thay đổi nữa đối với người dân Vân Canh đó là việc trồng dưa hấu. Dù diện tích trồng dưa hấu ở đây khá lớn nhưng đều do người dân ở các địa phương khác đến thuê đất trồng. Còn người dân địa phương, do thiếu vốn và không có kinh nghiệm nên chưa ai mạnh dạn đầu tư trồng dưa. Tuy vậy, sau một thời gian cho thuê đất và làm thuê cho các chủ dưa để học hỏi kinh nghiệm, mùa dưa năm 2010 này, một số hộ dân ở Vân Canh đã tự mình trồng dưa hấu thành công trên đất của mình, thu nhập tương đối khá.
Nói về sự thay đổi bước đầu trong cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng trên địa bàn huyện mình, ông Huỳnh Chút, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vân Canh, cho biết: “Các mô hình nuôi thú quý hiếm như heo rừng, nhím… hay một số loại cây trồng mới nếu hiệu quả sẽ nhân rộng cho nhiều hộ dân khác. Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp các hội, đoàn thể tiếp tục xây dựng thêm các mô hình nuôi các loại vật nuôi quý hiếm khác, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để giúp người dân vươn lên làm giàu”.
***
Lên Vân Canh lần này, chúng tôi được nghe một câu đùa, rằng nếu ở đây có lễ hội, thì đó sẽ là “Festival củ mì”. Dẫu hiện tại, mì vẫn là cây trồng chiếm diện tích lớn nhất trong số các giống cây trồng ở Vân Canh và nhiều năm qua cây mì đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con nông dân, nhưng chắc chắn, chẳng ai ở đây muốn có festival ấy cả. Bằng chứng là nhiều người đã nghĩ đến những cây, con khác ngoài mì, như heo rừng, nhím, dưa hấu, cây giống lâm nghiệp…
|