“Thiên đường” của một đứa trẻ bình thường thì muôn màu muôn vẻ. Nhưng với trẻ tự kỷ, “thiên đường” chỉ là biết thể hiện tình cảm, thực hiện được những kỹ năng đơn giản. Vậy nhưng, hành trình đưa con trở lại thiên đường của người làm cha mẹ có con bị tự kỷ sao lắm nỗi gian truân…
|
Các thầy cô giáo ở Trung tâm tư vấn và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật tập cho bé Dương Thế Vỹ bài tập tập trung bằng trò chơi bóng. Ảnh: T.Hà
|
* Tự sự của một bà mẹ
Con tôi sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác; chưa mừng thì đã vội thấp thỏm khi hơn 3 tháng vẫn chưa biết hóng chuyện, 8 tháng chưa thể tự ngồi. Lớn chút nữa, bé chỉ thích ở trong xó tối, thờ ơ với cha mẹ. 3 tuổi, bé vẫn đại, tiểu tiện đều một nơi nhất định như trong xó nhà, góc giường; vẫn không nói được từ nào, chỉ thích đi bằng đầu ngón chân…
Biết con không bình thường, vợ chồng tôi đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) khám. “Bé bị tự kỷ rất nặng”- bác sĩ kết luận. Tự kỷ là gì? Lần đầu tiên tôi mới nghe qua. Năm 2003, chúng tôi vào ở hẳn TP Hồ Chí Minh: con được bác sĩ điều trị, còn mẹ theo học các lớp điều trị về bệnh tự kỷ.
Chồng tôi, ngày đi làm thuê, tối về trông con cho tôi đi bán vé số. Thuê trọ chỗ nào cũng chỉ được một vài hôm thì bị đuổi vì không ai chịu nổi cảnh con tôi gào khóc, cắn xé. Ban đầu bé bị trầm cảm, sau khi điều trị một thời gian, thì chuyển sang tăng động. Bé thường xuyên đập phá, tự cắn xé mình đến tứa máu. Những lúc đó, tôi ôm bé vào lòng, để con cắn mẹ cho đã cơn. Có lúc tôi nghĩ quẩn: “Hay là hai mẹ con cùng chết”. Nhưng khi tỉnh lại, tôi quyết không bỏ cuộc.
Biết con thích xé giấy, nên muốn con nhìn vào mặt mình, tôi giơ tờ giấy trắng lên ngang mặt, rồi xé. Ban đầu con chỉ chú ý vài giây, sau tăng dần lên 2 phút, 5 phút... 10 phút. Con không biết nói chuyện, mẹ vẫn tự hỏi, tự nói cười một mình. Tôi tận dụng mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi, miễn sao gây được sự chú ý của con. 3 năm sau, con đỡ bệnh, vợ chồng tôi đưa con về Quy Nhơn, vừa học hỏi kinh nghiệm của các thầy cô ở khoa Tâm lý, Trường ĐH Quy Nhơn vừa xin cho bé học ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm 2 năm nữa. Hàng tháng trời tôi phải ngồi học cùng con, giúp con tập trung và viết chữ, làm toán. Để có thể toàn tâm toàn ý lo cho con, vợ chồng tôi quyết định không sinh nữa. Tôi ở nhà, còn chồng phải sang Lào làm việc mới có được mức lương gần 4 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cho cả gia đình.…
Đó là một phần câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 39 tuổi, ở tổ 6, khu vực 5, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, kể lại quá trình luyện tập cho con trai là Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1999, bị tự kỷ nặng. Sau 8 năm kiên trì tập luyện cho con, Cường nay đã biết tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân, biết nói và học xong chương trình lớp 1, hệ giáo dục chuyên biệt ở Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm. Cách đây hơn một tuần, Trường tiểu học Ngô Quyền (phường Trần Quang Diệu, Quy Nhơn) đã nhận Cường vào học lớp 2E.
|
Nguyễn Mạnh Cường hiện có thể tự đi bộ đến Trường tiểu học Ngô Quyền. Ảnh: T.Hà
|
* Gian nan mở cổng “thiên đường”
Bà Huỳnh Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy Vọng, cho biết: “Năm học 2010-2011, Trường mở thêm 2 lớp cho đối tượng khiếm thính và khó khăn về học. Trong số 10 học sinh được nhận vào lớp khó khăn về học thì có đến gần một nửa là tự kỷ. “Có nhiều cháu không tự chủ được hành vi, không tập trung được nên chúng tôi không thể test (kiểm tra) và nhận vào học. Nhu cầu của phụ huynh rất lớn nhưng trường không đủ cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để tiếp nhận thêm”.
Trung tâm tư vấn và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật thuộc khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội, Trường ĐH Quy Nhơn, ở số 02 đường An Dương Vương, Quy Nhơn, tuy mới thành lập từ ngày 23.7.2010, nhưng đã có khoảng 30 phụ huynh đến hoặc điện thoại hỏi thăm. Trước khi Trung tâm được thành lập, khoa đã tư vấn và can thiệp tại gia đình cho 11 cháu. Tiến bộ nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự hợp tác của từng cháu và sự kiên nhẫn của gia đình.
4 giờ chiều ngày 19.8, trong phòng can thiệp sớm của Trung tâm tư vấn và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, anh Dương Ba Tư, ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát), cùng cô giáo Trần Thị Ánh Phượng miệt mài tập cho con từng động tác lắp ghép khối đồ chơi. Nhưng, chỉ được vài giây tập trung, cậu con trai Dương Thế Vỹ (SN 2004) có khuôn mặt dễ thương với đôi mắt to tròn đã bỏ chạy khắp nơi. Thỉnh thoảng, cậu bé lại “a… a… nhờ… nhờ…” được vài tiếng.
Công tác trong ngành y tế nên anh Tư phát hiện con không bình thường khi mới được vài tháng tuổi. Lớn chút nữa, Vỹ “hoa tay múa chân” không ngừng nghỉ, không biểu hiện cảm xúc; không nói được; tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Sau lần đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) về, vợ chồng anh Tư theo các bài tập tập cho con từ những chuyện nhỏ nhất. Bây giờ, chiều thứ Hai và thứ Năm, hai cha con lại khăn gói đi xe buýt xuống Trung tâm tập chừng một tiếng. Túi đồ mang theo chỉ toàn quần cho Vỹ, vì bé vẫn chưa biết cởi quần đi tiểu.
Chị Trần Thị Ánh Phượng, cô giáo của Vỹ nhận xét: “Lúc mới đến, Vỹ chỉ biết chạy nhảy, dần dần tôi tập cho cháu một số trò chơi. Hiện giờ, cháu đã chơi được trò chơi lắp ghép, xâu chuỗi và đập bóng”. Hiện Trung tâm khá chật chội, chỉ có 2 phòng tư vấn kiêm phòng hành chính làm nơi tiếp đón và làm việc của giáo viên và phòng can thiệp sớm. Trong khi đó, để dạy học cho trẻ tự kỷ đòi hỏi phải có ít nhất là 2 phòng dạy học cá nhân. Ngoài ra, còn phải có phòng chẩn đoán, phục hồi chức năng, phòng trò chơi vận động, trị liệu ngôn ngữ…
|
Bé Nam con anh Điềm bây giờ chỉ còn mỗi việc tập nói nữa thôi. Ảnh: T.Hà
|
* Sức mạnh của tình thương và sự kiên nhẫn
Nhiều người nói tự kỷ là “bệnh con nhà giàu”, nhưng theo thạc sĩ Dương Văn Thắng, giảng viên môn giáo dục học và giáo dục đặc biệt, khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội- Trường ĐH Quy Nhơn, trợ lý phụ trách Trung tâm, hội chứng này không loại trừ ai. Trẻ bị tự kỷ biểu hiện không giống nhau, nhưng có một điểm chung là bất thường về ngôn ngữ, kém về giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội.
Vì vậy, việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có lòng thương yêu trẻ và sự kiên trì. Nếu được phát hiện sớm (trước 3 tuổi), can thiệp kịp thời và kiên trì, trẻ sẽ tiến bộ, phát triển tương đối bình thường. Như, đơn cử một ví dụ nhỏ, để giúp con có thể tắm biển, không sợ người lạ, vợ chồng chị Nhàn đã mất 6 tháng trời, ngày nào cũng chở con xuống biển làm quen, từ trên bờ rồi “bò” dần xuống nước.
Con trai được 6 tuổi thì cũng chừng ấy năm anh Tạ Hồng Điềm, nhà ở phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, ngược xuôi tìm cách chữa bệnh cho con. Ai bày gì anh cũng làm, chỉ chỗ nào cũng đi. Anh không hề bỏ sót một buổi tập huấn nào của Bệnh viện Nhi đồng 1. Ròng rã cả năm trời, cứ 5 giờ chiều ngày thứ Bảy, anh lên xe, đến nơi kịp lúc dự hội thảo; chiều lại lên xe về Bình Định để sáng thứ Hai đi làm. Giờ đây, bé Tạ Hồng Nam đã đỡ hơn, đi học như các bạn, đã làm được một số kỹ năng hành vi, nhưng vẫn chưa biết nói. Để dành thời gian cho con, vợ anh- chị Hồ Thị Ngọc Lan- giáo viên của Trung tâm ngoại ngữ Xuân Diệu, xin nghỉ dạy. Anh Điềm hiện là Hội trưởng hội cha mẹ trẻ khuyết tật của Trung tâm. “Tôi tâm đắc với việc thành lập Trung tâm tư vấn và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật. Nhưng, Trung tâm còn thiếu quá nhiều về phương tiện, phòng ốc, nhân lực. Chúng tôi mong có sự trợ giúp để những cha mẹ có con bị tự kỷ được tư vấn, can thiệp, chia sẻ, giúp các cháu được hoà nhập vào cộng đồng…”- anh nói.
Cách đây 5 hôm, chúng tôi có đến Trường tiểu học Ngô Quyền- nơi cháu Nguyễn Mạnh Cường, con trai của chị Nhàn đang học. Cường được nhà trường tạo điều kiện cho ngồi một mình ở bàn đầu. “Cháu mới học 2 hôm nên chưa thể nói là có học được hay không. Nhà trường sẽ tạo điều kiện hết sức để em Cường theo học, nhưng học được đến đâu, còn tùy thuộc vào khả năng của em ấy…”- ông Võ Văn Ẩn, Hiệu trưởng nhà trường nói.
|