22 năm công tác trong ngành y, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bích, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, lấy phương châm: “Nói được thì làm được!” để gắn bó với công việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho hơn 50% dân số của tỉnh Bình Định. Và cũng 22 năm ấy, chị thấm thía câu: Bác sĩ cộng đồng - vừa khó, vừa khổ!
|
Bác sĩ Bích tại buổi tọa đàm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho giáo viên và học sinh Trường cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ.
|
* Đã nhận thì phải làm, mà làm đến nơi đến chốn...
Ba làm bác sĩ, chị được định hướng thi trường y để “nối nghề”. Nhưng thật sự, đó là niềm khao khát đến cháy bỏng của chị.
* Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa, nhưng ra trường lại làm hệ dự phòng, chị có mường tượng đến nhiệm vụ của một bác sĩ cộng đồng không?
- Như bao sinh viên mới ra trường, tôi cũng muốn được làm việc phù hợp với những ngành nghề mình đã học. Năm 1988, nhận bằng tốt nghiệp, tôi được phân về Trạm sinh đẻ có kế hoạch tỉnh Bình Định, gắn với công tác lưu động, gắn với việc sinh đẻ có kế hoạch. Nói là buồn thì không hẳn, nhưng đúng là không phấn khởi cho lắm. Làm công tác y tế dự phòng rất khó và những kỹ năng của bác sĩ cộng đồng thì chúng tôi chưa được học trong nhà trường. Nhưng tôi xác định, đã nhận nhiệm vụ thì phải quyết tâm làm cho được và làm thật tốt. Sau hai lần Trạm đổi tên thành Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình (1991) và Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản (2006), các hoạt động của đơn vị tôi tiếp cận với tiêu chuẩn sức khỏe sinh sản của thế giới. Với cách tiếp cận này, nhiệm vụ của chúng tôi tuy có vất vả nhưng lại ý nghĩa, góp phần đem lại sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em, vị thành niên…
* Chị nghiệm ra điều gì sau 22 năm làm bác sĩ cộng đồng?
- Những đợt công tác kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng. 22 năm làm bác sĩ cộng đồng, tôi thấm thía câu: Bác sĩ cộng đồng - vừa khó, vừa khổ!
Năm 1999, khi bác sĩ Bích được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và KHHGĐ thì Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) được chuyển giao về ngành Y tế. Thách thức lúc bấy giờ đối với chị là tỉ lệ SDDTE trong tỉnh là 39,9%, cao hơn mức bình quân chung toàn quốc gần 4%. Nhưng đến cuối năm 2009, tỉ lệ này chỉ còn 20,33%.
* Nhận nhiệm vụ và cam kết với lãnh đạo Sở là sẽ hạ thấp tỉ lệ SDDTE trong tỉnh xuống bằng mức bình quân toàn quốc như hôm nay, “chìa khóa” thành công của chương trình này là gì?
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích, sinh ngày 29.5.1963, tại Thanh Hóa. Với những nỗ lực hết mình trong công việc, chị đã được nhận nhiều bằng khen cấp ngành, cấp tỉnh và bằng khen xuất sắc phong trào thi đua yêu nước 5 năm của tỉnh giai đoạn 2006-2010. |
- Đây là chương trình mà tôi nhọc công, nặng lòng ghê lắm. Nhận lời trước lãnh đạo Sở hạ thấp tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, tôi phải nghiên cứu, tìm tòi từ sách vở, từ thực tế các mô hình đã triển khai để lên kế hoạch đưa chương trình đến với người dân. Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi và các đồng nghiệp thiết kế được hoạt động xã hội hóa liên ngành, truyền thông cung cấp kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và chăm sóc sức khỏe sinh sản lồng ghép trong chương trình của các hội, đoàn thể. Với Hội Làm vườn thì tận dụng ô dinh dưỡng VAC; với Hội Nông dân là CLB Nông dân phát triển bền vững với KHHGĐ; với Hội LHPN là CLB Phụ nữ với gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc và không có con suy dinh dưỡng; với Sở GD-ĐT là chương trình sữa đậu nành cho các cháu mầm non… Bằng những cách đó, chúng tôi đã đưa các hoạt động của chương trình đến với cộng đồng và được người dân tích cực hưởng ứng. Qua các đợt kiểm tra, Trung ương đánh giá Bình Định rất cao, khi vừa có sự quan tâm đầu tư lớn của lãnh đạo tỉnh, vừa có hệ thống triển khai chặt chẽ với cách làm sáng tạo, linh hoạt, đặc biệt là các công tác xã hội hóa liên ngành.
* Tôi còn nhớ trong một lần nói chuyện, chị bảo đã bước đầu thực hiện được tâm nguyện triển khai chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung và ung thư vú, dù thực tế chương trình này không nằm trong 7 mục tiêu của Trung tâm…
- Những lần đi cơ sở, tôi gặp rất nhiều câu chuyện, hoàn cảnh thương tâm của phụ nữ. Nhiều người mắc bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung mà không biết, đến khi phát hiện ra thì đã muộn. Cuộc sống của họ ngắn ngủi đã đành, nhưng mất đi, họ để lại gánh nặng gia đình cho chồng, con. Ngay cả các chị em đồng nghiệp của tôi trong ngành cũng vậy, nhiều chị bị ung thư và có người mất khi tuổi vừa ngoài 40. Cứ 2 phút thì trên thế giới có 1 phụ nữ chết vì ung thư vú, ung thư cổ tử cung và đây là hai căn bệnh ác tính gây tử vong cao nhất trong tất cả loại ung thư đối với phụ nữ. Điều này đã thôi thúc tôi suy nghĩ, bàn bạc với các đồng nghiệp đầu tư máy chụp nhũ ảnh để chẩn đoán sớm ung thư vú, vào tháng 5.2008. Đồng thời, cùng với sự hỗ trợ của Tổ chức Ủy thác Y tế Việt Nam - New Zealand, từ 2002, Trung tâm đã có một hệ thống chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Bây giờ, tại Trung tâm đã có một hệ thống phương tiện để chẩn đoán sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều chị em biết cách dự phòng chủ động, tiến tới giảm và không còn phụ nữ Bình Định chết vì hai căn bệnh ác tính này.
|
Nhờ sự mạnh dạn của bác sĩ Bích, rất nhiều phụ nữ đã được thụ hưởng chương trình tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung.
|
* Chăm sóc sức khỏe sinh sản: Đâu phải chỉ cho phụ nữ!
* Nói một cách hình ảnh, chị là lãnh đạo của những người có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn một nửa số dân của Bình Định?
- Ngay đến khi Trạm sinh đẻ có kế hoạch đã hai lần đổi tên và thêm nhiệm vụ, người không biết vẫn bảo cơ quan tôi là đội “đặt vòng” cho chị em. Bây giờ, hoạt động của Trung tâm đã mở rộng hơn, không chỉ gói gọn trong KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, dự phòng viêm nhiễm mà vươn tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đúng ra, là chăm sóc sức khỏe của dân số cả tỉnh. Sự thay đổi này phù hợp với quan niệm chăm sóc sức khỏe sinh sản của thế giới.
* Nhưng, thực tế hiện vẫn còn tồn tại quan niệm bất bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe theo giới, trong đó có chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chị có suy nghĩ gì?
- Những “tàn dư” của quan niệm cũ ít nhiều vẫn còn hiện hữu trong đời sống ngày nay. Đơn giản như chuyện điều trị cho phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục, nhiều chị bị lây từ chồng, nhưng anh chồng không chịu khám; đến khi chị vợ đem thuốc về, anh chồng cũng nhất quyết đổ thừa cho vợ. Chuyện vô sinh của các cặp vợ chồng cũng đổ thừa cho phụ nữ. Hay chuyện sinh con trai - con gái, cũng là… do phụ nữ.
Bác sĩ Bích cho biết, hiện nay chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản của tỉnh ngày càng lớn mạnh về hệ thống tổ chức mạng lưới và cung cấp dịch vụ. Các chỉ số về chăm sóc sức khỏe sinh sản đã có những bước cải thiện đáng kể và cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu đề ra cho đến 2010.
* Nhờ sự mạnh dạn của chị, rất nhiều phụ nữ đã được thụ hưởng chương trình tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Vậy, sắp tới sẽ là những chương trình nào?
- Người dân ở các xã miền núi còn rất thiệt thòi trong tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Tôi có cảm giác họ đang “xa” đồng bằng quá, có khi đến cả một giai đoạn, dù với bất kỳ chương trình nào tôi cũng đều ưu tiên cho các xã miền núi khi phân bổ kế hoạch, kinh phí, chọn hoạt động… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để góp phần giảm khoảng cách này. Tất nhiên, để làm được đòi hỏi thời gian rất dài và sự đầu tư kinh phí, chính sách đồng bộ. Một số chương trình đang trong kế hoạch triển khai là chương trình sàng lọc trước sinh phối hợp cùng Chi cục DS-KHHGĐ; điều trị vô sinh cho phụ nữ; phòng khám chăm sóc sức khỏe cho nam giới…
* Có cảm giác, chị đang “ôm đồm” quá?
- Cũng có nhiều người nói tôi thế rồi. Nhưng, đã đi - đã nghe - đã chứng kiến những bức xúc của cộng đồng, tôi phải có trách nhiệm với công việc của mình. Đây cũng là mục tiêu chăm sóc sức khỏe sinh sản mà chúng ta đang hướng tới.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
|