Nước cơm… ký sự
22:26', 29/8/ 2010 (GMT+7)

Rất dễ nhận ra nét đặc thù của những người chuyên chở nước cơm giữa dòng người tấp nập trên đường phố. Thứ nhất, ở họ có một thứ mùi rất đặc trưng, thoang thoảng “đưa hương” dẫu cách xa hàng chục mét. Thứ đến, là những chiếc xô nặng lặc lè, nước sóng sánh chực đổ ra ngoài, vắt vẻo gác hai bên yên sau xe đạp, xe máy…

 

Mỗi ngày vợ chồng ông Rảnh thay phiên nhau đi chở 9 chuyến, mỗi chuyến 5 xô nước cơm.

 

* Nước cơm xưa

Những ai đã từng sống qua thời bao cấp, những năm 80 và đầu 90 của thế kỷ trước, thì có lẽ ít nhiều cũng đã từng xách nước cơm về tăng gia sản xuất, nuôi heo, gà, vịt, cải thiện đời sống trong thời kỳ khốn khó chung của cả nước. Thời ấy còn có câu vè rằng: “Nhà nhà nuôi heo, người người nuôi heo. Heo nhất định béo, người nhất định teo”.

Còn nhớ, hồi tôi mới học lớp 4, lớp 5, một buổi đi học, một buổi phải đi xách nước cơm phụ với gia đình nuôi heo. Tay tôi thì nhỏ, xô nước cơm lại to, đi cứ phải niễng người sang một bên để nước khỏi sánh ra ngoài. Mà thời ấy, nước cơm thì lượng nhiều nhưng ít chất. Nói đúng ra chỉ là nước vo gạo, gạn mãi mới được một ít cơm thừa, canh cặn, vài ba cái đầu cá vụn. Dăm bữa nửa tháng mới thấy nước cơm của nhà chủ có tí thịt bạc nhạc bỏ đi. Vậy mà, ngoại tôi đã ca cẩm: “Rõ hoài của, thịt không có mà ăn. Đằng này lại còn dư mà đem đổ…”.

Lại có chuyện kể rằng, thời ấy, bà hàng xóm gần nhà tôi làm cấp dưỡng trong một bếp ăn tập thể, cũng thường lấy nước cơm về nhà. Lâu lâu, bà giấu trong xô nước cơm một miếng thịt ba chỉ nho nhỏ, hoặc một khúc cá nục, cá ngừ mang về cho con. Âu cũng là việc bất đắc dĩ của một thời khốn khó…

Nhắc đến nước cơm, anh bạn đồng nghiệp tôi kể lại một kỷ niệm nghề nghiệp khó quên. Buổi sáng anh đến Khách sạn Điện ảnh gặp phỏng vấn một đạo diễn phim khá tên tuổi để viết bài, đưa tin với một phong thái đường hoàng, đĩnh đạc của một nhà báo. Buổi chiều, anh lại gặp đạo diễn ở khách sạn, nhưng lại với một tư thế khác hẳn: hai bên xe hai thùng nước cơm to tổ bố, bốc mùi; sau rốt là cô vợ đang ngồi ké né. Đạo diễn cười thông cảm, anh cũng cười: “Cuộc sống mà, ai cũng phải vậy thôi!”.

 

Ông Rảnh đang nấu nước cơm cho heo ăn.

 

* ... và nay

Nước cơm ngày xưa chỉ đơn thuần là nước vo gạo, lâu lâu mới có ít nước cá, cơm thừa. Nước cơm bây giờ lại có đủ các loại thức ăn thừa, từ cơm cá bình dân đến các món ngon ở nhà hàng. Cứ tưởng cuộc sống ngày một đi lên, thì cái thứ nước cơm thừa thãi ấy sẽ càng thừa thãi thêm. Vậy mà không, nước cơm ngày một có giá, nhất là thứ nước cơm “chất lượng cao” ở các nhà hàng, khách sạn. Một chủ nhà hàng cơm nổi tiếng ở Quy Nhơn cho biết: bởi nước cơm của nhà hàng thuộc hàng “chất lượng” nên rất nhiều người tranh nhau đến lấy và phải mua theo giá thỏa thuận. Thường, giá nước cơm ở các nhà hàng dao động từ 200-600 ngàn đồng/tháng; các quán cơm, bún phở thì từ 30-50.000 đồng/tháng, ở những hộ dân cư thì miễn phí.

Thứ thực phẩm “cơm thừa canh cặn” này đã mang lại mối lợi lớn cho người chăn nuôi. Chị Nguyễn Thị Thường, ở khu vực 3, phường Ghềnh Ráng, cho biết: “Nhờ có nước cơm mà chi phí nuôi heo rất thấp. Trừ tiền con giống, tiêm phòng vắc-xin, mua thêm cám, tôi vẫn lời khoảng 50%. Bởi vậy, dù đôi lúc giá heo thăng trầm, heo bị dịch bệnh, tôi vẫn không bỏ nghề nuôi heo. Thậm chí đôi khi heo bị dịch bệnh chết, thì mình vẫn phải đi lấy nước cơm từng nhà, dẫu về chỉ đem đổ đi hoặc cho người khác. Nhưng đó là cách để giữ các mối hàng”.

Hơn chục năm nay, chị Thường đi lấy nước cơm từ nhiều nguồn, đặc biệt thường lấy miễn phí ở những khu vực có nhiều sinh viên ở trọ như đường Lữ Gia, Chương Dương. Con trai và con gái của chị Thường dù đang là sinh viên nhưng cũng không nề hà, ngại ngần gì trong việc giúp mẹ. Oanh Ngọc, con gái chị Thường, bộc bạch: “Em chẳng thấy ngại gì cả. Thấy em đi chở nước cơm, nhiều người còn khen là chịu khó, còn giúp đưa nước cơm lên xe”. Nhưng con trai chị Thường thì mỗi lần đi lấy nước cơm đều bịt khẩu trang, có lần tình cờ giáp mặt bạn gái cùng lớp, tuy không bị phát hiện, nhưng nhất định không chịu lấy nước cơm nhà đó nữa…

Năm nay 45 tuổi, nhưng chị Nguyễn Thị Thê, ở tổ 40, khu vực 6, phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) đã có thâm niên hơn 30 năm xách nước cơm. Chị Thê tâm sự: “Thời trước, nhà nghèo khổ nên tôi phải xách nước cơm về nuôi heo. Lớn lên, tôi tâm niệm cố học giỏi để thoát cảnh nghèo, nhưng cuối cùng lại thi trượt đại học, phải quay về nghề lấy nước cơm nuôi heo, gà giống như ba má tôi khi xưa”.

Chị Thê hay lấy nước cơm ở các gia đình trên đường Trần Quang Diệu và ở xóm Vườn Bông (phường Lê Hồng Phong). Chị đưa những xô nhỏ đến các nhà để họ đổ nước cơm, chừng 3 giờ chiều thì đi lấy, sau đó lại chùi rửa xô cho sạch sẽ. Chị kể: “Đi lấy nước cơm khổ nhất là vào mùa mưa, vì nhà tôi ở trên núi, phải băng qua khu vực Bàu Sen nước ngập không thấy cả đường đi. Có hôm về tối, trượt ngã, xô nước cơm trôi ra giữa bàu. Tôi tiếc cái xô nhựa nhưng không dám ra lấy vì sợ sẩy chân, rớt xuống nước chết đuối”. Vất vả là vậy, nhưng chị chẳng thể bỏ nghề, bởi nhà chị nghèo lắm, chồng đạp xe thồ bữa được bữa mất, lại còn nuôi mẹ già bị bại liệt nằm một chỗ đã 4 năm nay, không làm sao đủ sống.

 

Anh Định bên chiếc xe tải mới mua để chở nước cơm.

 

* “Lên đời” nhờ nước cơm

Nhờ thứ thực phẩm “cơm thừa canh cặn” này mà nhiều hộ chăn nuôi đã tiết kiệm được phân nửa chi phí chăn nuôi; rồi khấm khá dần lên, nuôi con cái ăn học thành đạt. Chị Thường tâm sự, cũng nhờ nước cơm, biết làm ăn tính toán, mà nay chị đã có trong tay 3 lô đất, vừa ở, vừa cho thuê; lại nuôi được hai con học hành nên người.

Hay như ông bà Hà Văn Sự, hàng xóm của chị Thường cũng nuôi 4 người con trai tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp ổn định, một phần nhờ xách nước cơm nuôi heo. Nhà bà Sự đặt mối nước cơm ở nhiều quán cơm, phở và các gia đình hàng xóm, chưa kể đến “mối ruột” lâu năm là Khách sạn Hoàng Yến. Con dâu của bà Sự là nhân viên của khách sạn này nên được ưu tiên lấy nước cơm với giá hữu nghị là 400 ngàn đồng/tháng, rẻ hơn 200 ngàn đồng/tháng. “Con trai tôi cũng đường đường là cấp tá trong ngành công an ấy chứ, thế mà cứ đến 9- 10 giờ đêm là đi lấy nước cơm”- bà Sự nói.

Mới đây, vợ chồng anh Định - con trai bà Sự - đã mua rẫy ở đường Quy Nhơn - Sông Cầu để làm trang trại nuôi heo với dự định sẽ chuyển toàn bộ việc chăn nuôi lên đây. Con dâu bà cũng đã nghỉ việc ở Khách sạn Hoàng Yến để toàn tâm toàn ý lo cho trang trại. Hiện họ đang nuôi 20 con heo và khoảng 100 con gà. Hàng ngày phải chở nước cơm lên trang trại, sợ đường sá xa xôi, nguy hiểm, nên cách đây mấy hôm, anh Định đã tậu hẳn một chiếc xe tải hạng nhỏ để chở nước cơm cho thuận tiện. 

Nói tới những người “lên đời” từ nước cơm, không thể không nhắc đến vợ chồng ông Bốn Rảnh, tức Đặng Văn Rảnh, ở khu vực 4, phường Quang Trung (TP Quy Nhơn). Quê ở tận Long An, năm 1989, ông Rảnh theo vợ ra Quy Nhơn lập nghiệp, chọn mảnh đất phía sau Nghĩa trang Quy Nhơn làm nơi “cắm dùi”. Ban đầu, họ theo nghề rẫy. Ngày ngày, vợ chồng ông lên rẫy bẻ củ sả, cứ 3-4 giờ chiều chở xuống bán ở các chợ trong nội thành, rồi chở nước cơm ngược lên để nuôi heo. Đến năm 1994, vợ chồng ông chuyển hẳn sang nghề lấy nước cơm nuôi heo. Trong khu vườn rộng hơn 1.000m2, vợ chồng ông Rảnh thả nuôi đủ loại heo, gà, vịt. Hiện tại, trong chuồng nhà ông có đến 75 con heo, trong đó có 9 con heo rừng. Để đảm bảo thức ăn cho đàn heo, mỗi ngày hai vợ chồng ông Rảnh phải thay phiên nhau đi chở 9 chuyến nước cơm, mỗi chuyến 5 xô đầy. Nước cơm lấy về sau khi phân loại sẽ được nấu chín, trộn thêm thực phẩm cho heo ăn. Ông Rảnh cho biết: “Khi mới mua heo về, không nên cho heo ăn nước cơm ngay mà phải tập cho quen dần, không thì heo sẽ bị tiêu chảy. Heo rừng cũng ăn thức ăn tạp như heo nhà thôi, tuy nhiên chúng ăn ít nên mình dành phần thức ăn ngon, nhiều rau hơn”.

So với nhiều nơi khác, heo rừng do ông Rảnh nuôi bằng nước cơm lại lớn nhanh, khỏe mạnh hơn. Ông Rảnh phấn khởi: “Heo rừng ăn ít, mau lớn, ít dịch bệnh, lãi suất cao. Gầy được đàn heo rừng này, vợ chồng tôi sẽ giảm đàn heo nhà lại, việc đi chở nước cơm cũng đỡ vất vả hơn. Vợ chồng tôi cũng có tuổi rồi, cũng phải tính đường nghỉ ngơi nữa chứ!”…

  • Thu Hà - Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bác sĩ cộng đồng - vừa khó, vừa khổ!  (28/08/2010)
Đưa con trở lại “thiên đường”  (22/08/2010)
Trò chuyện với chiến sĩ chuyên truy bắt “kẻ bỏ trốn”  (22/08/2010)
Cây, con mới ở Vân Canh  (15/08/2010)
35 năm gắn bó với rừng   (14/08/2010)
Xóm Ga  (08/08/2010)
Học võ Việt để rèn nghệ thuật sống  (08/08/2010)
Những phận đời trên xe đá  (01/08/2010)
Làm công tác xã hội, không có tâm thì khó lắm  (31/07/2010)
Tắm biển Quy Nhơn  (25/07/2010)
Người phụ nữ ba lần bị địch cưa chân  (24/07/2010)
Người Bình Định trên cao nguyên Lâm Đồng  (24/07/2010)
Thay màu cho những con đường  (18/07/2010)
“Ngọn lửa” Công Lý   (17/07/2010)
Người Bình Định ở Trường Sa  (11/07/2010)