Người dẫn Cảng Quy Nhơn vươn ra biển xa
18:44', 4/9/ 2010 (GMT+7)

Những năm gần đây, tiếng thơm chất lượng dịch vụ khiến uy tín của Cảng Quy Nhơn không chỉ được nhiều địa phương, doanh nghiệp trong nước biết đến mà cả nhiều hãng tàu cũng hay tên. Người góp công rất lớn trong sự trưởng thành này là ông Nguyễn Tín Dân - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Quy Nhơn (gọi tắt là Cảng Quy Nhơn). 

Có mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng, cha và anh ruột là liệt sĩ, bản thân ông Nguyễn Tín Dân cũng tham gia du kích địa phương từ năm 16 tuổi. Hai năm sau, ông trở thành giáo viên ở vùng giải phóng của xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Một năm sau đó, ông lại hoạt động công khai trong đội du kích địa phương. Sau khi bị thương, ông được Tỉnh ủy Bình Định xét chọn cho đi học Trường Cơ yếu Khu V. Có mặt trong đoàn quân tham gia giải phóng Bình Định vào năm 1975. Năm 1976, ông chuyển công tác về Cảng Quy Nhơn và gắn bó với đơn vị từ đó đến nay.

 

Ông Nguyễn Tín Dân (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) đưa đoàn cán bộ cấp cao Lào tham quan Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Văn Lưu
 

* Chịu học tập, lắng nghe và yêu công việc

- Hoạt động cách mạng khá sớm, sau đó luân chuyển qua nhiều lĩnh vực, nhưng có lẽ quản lý Cảng là nơi ông bộc lộ được nhiều nhất khả năng của mình, thưa ông?

+ Ban đầu tôi về Cảng là theo sự phân công của tổ chức. Nhưng dần thì mình yêu thích, rồi mê công việc ở đây và gắn bó với nó. Năng lực, nếu hiểu theo khía cạnh là năng khiếu bẩm sinh, là tài năng thì nói thật tôi không có. Sau chiến tranh tôi cũng phải học hành vất vả lắm mới có chuyên môn nghiệp vụ mà làm việc. Tôi học tại chức và tốt nghiệp Khoa Kinh tế Công nghiệp tại Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng khóa 1980 – 1985. Năm 1989, tôi học quản lý khai thác cảng tại Liên Xô. Nhờ chịu khó học tập, tôi đã tích lũy và vận dụng hiệu quả các kiến thức tiên tiến vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của cảng. Năm 1992, tôi được Cục Hàng hải Việt Nam bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Cảng Quy Nhơn, là Quyền Giám đốc Cảng Quy Nhơn năm 1999. Tôi nghĩ, một chút thành công của mình phần lớn là nhờ chịu học tập, lắng nghe và yêu công việc.

- Thưa ông, không phải ai cũng hình dung được rằng lượng hàng thông qua Cảng Quy Nhơn lại đứng đầu miền Trung...

Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng biển có điều kiện tự nhiên tốt, một vị trí địa lý thuận lợi. Nhưng lại xa hai vùng trọng điểm kinh tế đất nước, cơ sở vật chất ban đầu chắp vá, nguồn hàng nghèo, manh mún. Theo Quy hoạch Cảng Quy Nhơn đến năm 2010 mà Chính phủ phê duyệt, lượng hàng hóa thông qua Cảng đến năm 2010 chỉ ở mức trên 1 triệu tấn/năm mà thôi.

Nhưng, trong lần về thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định tháng 12.2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đánh giá: “Hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn vượt qua mức 2 triệu tấn, đó là sự phát triển vượt bậc mà trước đây khi quy hoạch từ Trung ương đến các ngành, địa phương chưa dám nghĩ đến”. Sự đột biến này khiến Cảng Quy Nhơn đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVI đề ra trước thời gian 2 năm.

Từ chỗ chỉ là một cảng nhỏ, sản lượng, doanh thu thấp, Cảng Quy Nhơn từng bước đầu tư cải thiện năng lực xếp dỡ, tích cực tìm kiếm nguồn hàng, nâng chất lượng phục vụ lên cao, lấy những yếu tố này làm cốt lõi của phát triển. Những năm qua, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, xu thế hội nhập phát triển nhanh, tuy có sự cạnh tranh quyết liệt nhưng Cảng Quy Nhơn đã đứng vững và đang khẳng định vai trò là cảng dẫn đầu về sản lượng ở khu vực miền Trung. Từ chỗ chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ, nay Cảng Quy Nhơn đã được cả nước biết đến, được nhiều hãng tàu, chủ hàng tín nhiệm, đánh giá cao chất lượng phục vụ.

* Uy tín là tài sản quý giá nhất

Trong câu chuyện với tôi, điều mà ông Dân thường xuyên lưu ý là: so với nhiều cảng bạn, cơ sở vật chất, giá trị tài sản của Cảng Quy Nhơn còn thua kém nhiều lắm, dù có dẫn đầu về sản lượng hàng hóa thông qua ở khu vực miền Trung đã 5 năm liền thì chừng ấy vẫn chưa là gì, doanh thu và lợi nhuận cũng chưa cao...

- Thưa ông, vậy thì điều gì khiến ngày càng có nhiều hãng tàu, chủ hàng chọn Cảng Quy Nhơn?

Chúng tôi có chiến lược phát triển đúng và linh hoạt trong thực hiện, năng động bám sát thực tế, khai thác nguồn hàng nên tác động tiêu cực của các đợt khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế lên Cảng Quy Nhơn được hạn chế đến mức thấp nhất. Năm 2009, Cảng đạt sản lượng 4 triệu tấn/năm, vượt công suất thiết kế 87%.

Có những thành công đó là vì ở đây chúng tôi làm ăn rất uy tín. Tất cả đều hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Với tôi, uy tín của Cảng Quy Nhơn là thành tích lớn nhất đã làm được, là thứ tài sản quý giá nhất.

- Thưa ông, nhiều người bảo, sau này nếu có viết lịch sử Cảng Quy Nhơn thì giai đoạn đầu tư năng động, phát huy nội lực mạnh mẽ trong 5 năm qua sẽ chiếm rất nhiều giấy mực, ông nghĩ gì về nhận xét này?

(Cười lớn). Vốn ngân sách Nhà nước phân bổ hạn chế, và cũng không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Nếu mình cứ ngồi chờ Nhà nước đầu tư thì e sẽ bỏ lỡ cơ hội. Sau một thời gian trăn trở, tôi mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo, cho phép doanh nghiệp chủ động thực hiện chủ trương phát huy nội lực, tập trung huy động vốn tại chỗ để đầu xây dựng mới kho tàng, bến bãi, nâng cấp mở rộng trục đường chính, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật và công cụ xếp dỡ hiện đại... Có thể nói, phát huy nội lực chính là lời giải thuyết phục nhất cho bài toán đầu tư phát triển trong điều kiện vốn ngân sách còn eo hẹp.

Năm 2000, Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng Quy Nhơn với tổng mức đầu tư hơn 250 tỉ đồng để đạt năng lực hàng hóa thông qua cảng 2,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, do khó khăn về vốn nên đến năm 2007 ngân sách chỉ phân bổ được hơn 72 tỉ đồng. Cùng lúc này, những dự báo về phát triển của chiến lược kinh doanh đã và đang trở thành hiện thực. Kế hoạch thu hút, khai thác nguồn hàng mới của Cảng cũng đạt những kết quả tích cực. Lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn năm 2007 đã đạt vượt mức 3,2 triệu tấn, vượt công suất thiết kế của dự án là 45%. Lúc này áp lực tàu chờ cầu, hàng phải giải phóng nhanh hơn buộc Cảng phải gấp gáp nâng cao năng lực sản xuất.

Trước tình hình đó, Cảng mạnh dạn đề xuất cấp trên kết thúc dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách; các hạng mục còn lại, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn tự huy động. Được sự đồng ý của cấp trên, Cảng Quy Nhơn đã thực hiện thành công dự án này, nâng cao năng lực bốc dỡ của Cảng Quy Nhơn, kịp thời đáp ứng nhu cầu xuất/nhập hàng hóa đang ngày càng tăng lên của khách hàng.

Từ năm 2005 - 2009, trong tổng vốn đầu tư của Cảng Quy Nhơn gần 225 tỉ đồng, trong đó vốn tự bổ sung hơn 165 tỉ đồng, chiếm 78% tổng vốn. Mức vốn này so với nhiều cảng bạn là không lớn. Nhưng trong bối cảnh ở miền Trung - khu vực kinh tế còn nhiều khó khăn là con số rất đáng kể.

Cảng Quy Nhơn đang xây dựng thêm 1 cầu tàu 30.000 DWT, 12 ha bãi sau cầu trên vùng nước lấn biển bằng nguồn vốn huy động cổ phần, nâng tổng diện tích mặt bằng của Cảng Quy Nhơn lên 40 ha… Nguồn lực để thực hiện dự án này cũng lấy nội lực làm nguồn lực chính (trên 60% vốn điều lệ). Đến nay, dự án đang thực hiện và đã đưa vào khai thác một số hạng mục, góp phần giải quyết khó khăn về mặt bằng của cảng. Khi dự án hoàn thành vào đầu năm 2011, sẽ nâng công suất hàng hóa thông qua Cảng thêm 3 triệu tấn/năm.

 

Cảng Quy Nhơn sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển khi vùng kinh tế Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh: Văn Lưu
 

- Vậy, phát huy nội lực mạnh đến thế, đâu là nền tảng cơ sở, thưa ông?

Trước tiên đó là nhờ vào sự minh bạch. Những việc mà chúng tôi làm đều được trình bày rõ ràng với lãnh đạo ngành, địa phương; với cán bộ công nhân viên. Có thế thì chúng tôi mới được lãnh đạo ủng hộ, được nhân viên tin tưởng, dốc sức làm việc. Thành tích của Cảng Quy Nhơn được xây dựng trên nền tảng đoàn kết thống nhất nội bộ ở mức cao.

* Vươn mình ra biển xa

Trong quá trình lớn lên của mình, Cảng Quy Nhơn vừa nâng cao năng lực sản xuất, vừa tích cực khai thác nguồn hàng, vừa phát triển yếu tố con người - chất lượng đội ngũ cán bộ.

- Thưa ông, để tăng trưởng và phát triển, ông đặt nặng vấn đề phát huy nội lực, đầu tư phát triển nguồn hàng, năng lực xếp dỡ và nhân sự, môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng thay đổi nhanh chóng, liệu nguyên tắc này sẽ vận động ra sao để thích ứng?

Ở trên tôi có nói đến vấn đề “Cảng Quy Nhơn chiến lược phát triển đúng và linh hoạt trong thực hiện, năng động bám sát thực tế”. Chiến lược ấy thường xuyên được cập nhật, và trong mỗi phân kỳ thời gian lại được rà soát. Khi thực hiện chúng tôi bám sát thực tế để điều chỉnh linh hoạt. Như vậy, Cảng Quy Nhơn luôn tìm cách thích ứng cao nhất với sự biến đổi của hoàn cảnh. Chúng tôi hạn chế khá cao sức tác động của các cuộc khủng hoảng cũng nhờ khả năng thích ứng này.

- Ông có dự báo gì về tương lai không?

Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, thế giới là một thị trường, muốn phát triển thì vùng Hạ Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, Campuchia sẽ phải vươn ra biển. Trong cơ sở xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dành cho khu vực này, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA, Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên Hiệp Quốc - UNDP, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB, Ngân hàng Thế giới - WB, Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF... đều đặt ra lưu ý đến vai trò của cửa biển Quy Nhơn. Như vậy, ngoài “hậu phương” truyền thống là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Cảng Quy Nhơn hoàn toàn có thể nhìn thấy nguồn hàng, khách hàng mới đến từ vùng kinh tế này. Cảng Quy Nhơn sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển từ đây.

  • Bá Phùng (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nước cơm… ký sự  (29/08/2010)
Bác sĩ cộng đồng - vừa khó, vừa khổ!  (28/08/2010)
Đưa con trở lại “thiên đường”  (22/08/2010)
Trò chuyện với chiến sĩ chuyên truy bắt “kẻ bỏ trốn”  (22/08/2010)
Cây, con mới ở Vân Canh  (15/08/2010)
35 năm gắn bó với rừng   (14/08/2010)
Xóm Ga  (08/08/2010)
Học võ Việt để rèn nghệ thuật sống  (08/08/2010)
Những phận đời trên xe đá  (01/08/2010)
Làm công tác xã hội, không có tâm thì khó lắm  (31/07/2010)
Tắm biển Quy Nhơn  (25/07/2010)
Người phụ nữ ba lần bị địch cưa chân  (24/07/2010)
Người Bình Định trên cao nguyên Lâm Đồng  (24/07/2010)
Thay màu cho những con đường  (18/07/2010)
“Ngọn lửa” Công Lý   (17/07/2010)