Do xả nước thải chưa qua xử lý một cách bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, đầu năm 2010, 192 cơ sở của làng nghề sản xuất bột mì Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn đã bị đóng cửa. Sau khi cải thiện hệ thống xử lý nước thải, mới đây làng nghề bột mì Hoài Hảo đã được sản xuất trở lại.
|
Mẻ mì đầu tiên được bán sau khi được cho hoạt động trở lại.
|
* Nghề cha truyền con nối
Ông Nguyễn Tỉnh - Phó chủ tịch UBND xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn) nói gọn một câu để diễn tả sự hưng thịnh của làng nghề sản xuất bột mì của quê mình: “Xã Hoài Hảo có gần 3.500 hộ dân thì đã có hơn 40% làm nghề sản xuất bột mì. Tính đến nay, nghề này đã qua ít nhất là 4 đời người gắn bó mật thiết”.
Suy từ câu nói của ông Tỉnh, nghề sản xuất bột mì đã có mặt ở đây hàng vài trăm năm rồi. Cả những bậc lão niên trong nghề cũng không biết được nguồn gốc của nghề. Chỉ biết rằng thuở ban sơ, tư liệu sản xuất của người làm bột mì ở Hoài Hảo chỉ là đôi tay. Củ mì tươi mang về nhà được gọt vỏ bằng những chiếc dao lò rèn. Gọt xong, củ mì được mài trên một cái bàn kê, sau đó đưa qua rổ chà rồi dùng tay quậy, chờ bột lóng. Lớp bột lắng dưới đáy gọi là bột nhứt, nước bên trên gọi là bột nhì. Bột làm ra chủ yếu để tráng bánh tráng. Chỉ tính riêng thôn Tân Thạnh 2 thôi đã có 100 lò bánh tráng mì. Bánh tráng mì Hoài Hảo nức tiếng một thời. Từ là sản phẩm tự cung tự cấp trong địa phương để làm nên bữa ăn nhanh tại ruộng cho những thợ cấy, thợ cày khi vào mùa rồi dần đi xa, có mặt khắp đất nước. Bánh tráng mì đem nhúng, cuốn với cá lồ ồ, ít cọng rau muống sống chấm với mắm nêm thì... Chậc, ai mà không thấy thèm.
Từ khi Hoài Hảo có điện, phương pháp sản xuất bột mì thủ công bị “tẩy chay”. Thay cho đôi tay là những máy xay, cối trục mài. “Nghề làm bột mì hiện đại ở Hoài Hảo rộ lên từ năm 1990, 40% dân số trong xã mua máy móc, lập cơ sở sản xuất. Dây chuyền sản xuất ngày càng quy mô hơn, từ máy 20 mã lực tăng dần đến 30-40 mã lực”, ông Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Tỉnh cho biết thêm. Đến lúc này, 30 ha mì được trồng ở xã Hoài Hảo như “muối bỏ bể” so với nhu cầu sản xuất, thế là ở đây hình thành nên một lực lượng “lái mì”. Thu mua hết mì tươi ở các huyện trong tỉnh, người người rủ nhau ra Quảng Nam, Quảng Ngãi; vào Phú Yên; lên đến các tỉnh Tây Nguyên mua củ mì về cung cấp cho gần 200 cơ sở sản xuất bột mì tại Hoài Hảo. Nhẩm tính một chặp rồi ông Tỉnh đưa ra những con số “khủng”: “Thời điểm đó, làng nghề bột mì Hoài Hảo mỗi năm “ngốn” một lượng lớn mì tươi, nhiều cơ sở có năng lực sản xuất đến 20 tấn mì tươi/ngày”.
* Vì gây ô nhiễm nên phải lao đao
Các cơ sở sản xuất bột mì không ngừng được nâng cấp hiện đại hơn nhưng chủ nhân của những cơ sở ấy không chịu nâng cấp cho mình ý thức về môi trường. Đó là mấu chốt dẫn đến việc gần 200 cơ sở sản xuất bột mì ở Hoài Hảo bị chính quyền địa phương niêm phong vào đầu năm nay. Thủ phạm gây ô nhiễm chính là thứ nước chua được thải ra trong quá trình lắng lọc bột mì. Thứ nước này mới thải ra có mùi chua, tích tụ lâu ngày chuyển sang mùi thối nồng. Gần 200 cơ sở sản xuất bột mì ở Hoài Hảo “góp” thứ mùi này vào không khí mỗi ngày khiến ai đi ngang qua vùng quê này cũng phải... bịt mũi. Nước thải thẩm thấu vào đất lâu ngày, mạch nước ngầm cũng bị ô nhiễm. 100% giếng nước ở thôn Tân Thạnh 2 bị ô nhiễm không còn sử dụng được. Thậm chí, mạnh mẽ như cây dừa mà cũng bị nhiễm độc nước thải bột mì khiến khô lá, không ra trái. “Điều đáng nói là khi ngành chức năng đi kiểm tra thì thấy cơ sở nào cũng có xây hệ thống xử lý nước thải nhưng đó chỉ là những hệ thống đối phó chứ không thực sự để xử lý nước thải. Trước thực trạng này, dù đau đớn, nhưng chính quyền địa phương cũng buộc lòng niêm phong toàn bộ máy móc, chấm dứt hoạt động của làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay”.
Những cơ sở sản xuất bột mì bị “treo máy”, thất nghiệp dây chuyền. Một cơ sở sản xuất nhỏ của ông Trần Tâm ở thôn Tân Thạnh 2, mỗi ngày chỉ làm ra 3,5 tấn mì tươi nhưng khi bị đình chỉ, mỗi ngày vợ chồng ông mất đứt 400.000 đồng. 4 nhân công được ông Tâm thuê thường xuyên để hốt mì cho vào băng chuyền cũng thất nghiệp theo. Làng bột mì im tiếng máy, ngành chăn nuôi ở Hoài Hảo cũng lao đao. Bà Phạm Thị Mùi cho biết: “Hộ nào có máy sản xuất bột mì cũng có thường trực trong chuồng từ 20 con heo trở lên. Heo ăn bã hèm, xác mì nhanh lớn. Hộ không làm mì cũng khuếch trương chăn nuôi bởi được mua bã hèm, xác mì giá rẻ tại các cơ sở sản xuất. Khi làng bột mì bị cấm hoạt động, người chăn nuôi ở Hoài Hảo phải mua xác mì của các thương lái mang từ Gia Lai về với giá “cắt cổ”. Nếu trước đây chỉ có 60.000đ/tấn xác mì nay tăng đến 300.000đ/tấn. Làng bột mì không còn thu nhập, chợ búa cũng ế theo, tiền đâu mà tiêu pha như trước”.
Bà Đỗ Thị Kế quê ở Tam Quan lên Hoài Hảo thu mua bột mì. Bột nhứt bà Kế cung cấp cho các cơ sở làm bánh kẹo, bột nhì cung cấp cho các cơ sở sản xuất bao bì để làm phụ gia. Thỉnh thoảng bà Kế còn có những chuyến hàng đi sang Trung Quốc. Trong 2 kho mì bà Kế xây dựng tại Hoài Hảo luôn có vài ngàn tấn bột mì thế nhưng từ đầu năm đến nay đành để kho trống. Lực lượng thất nghiệp đông đảo nhất là những người chuyên đi mua mì tươi từ khắp nơi về cung ứng cho các cơ sở sản xuất tại địa phương. Không còn chuyện làm ăn, “nhàn cư vi bất thiện” cánh thanh niên sinh ra cờ bạc, rượu chè, gia đình nảy sinh xung đột. Một vùng quê từng yên bình bỗng nháo nhào cả lên.
|
Được sản xuất trở lại, cả người bán lẫn người mua mì đều vui.
|
* “Tháo gông” cho làng nghề
Về phía những người lãnh đạo chính quyền, không ai nỡ cam tâm ngồi yên khi làng nghề từng một thuở vàng son chết lịm. Ông Nguyễn Tỉnh - Phó chủ tịch UBND xã Hoài Hảo nói: “Cách đây 3 năm, chúng tôi mời Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh về nghiên cứu tìm hướng xử lý nhưng bất thành. Tiếp đến, Trường Đại học Bách khoa TP HCM và Viện Môi trường TP HCM về khảo sát và đề ra hướng áp dụng công nghệ lọc sinh học kỵ khí kết hợp hố sinh học. Lần này thì hữu hiệu”. Về phía người sản xuất, sau khi bị “treo niêu”, họ bắt đầu ý thức việc xử lý nước thải chính là cứu cánh để nghề sản xuất bột mì hồi sinh. Họ đồng tình hưởng ứng việc xử lý chất thải ra môi trường.
Ngày 26.8 vừa qua, chính quyền xã Hoài Hảo cùng ngành chức năng huyện Hoài Nhơn có cuộc kiểm tra tổng quát làng nghề và đã mở “niêm phong” cho phép 39 cơ sở sản xuất bột mì hoạt động trở lại. Đây là những cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải đáp ứng được quy mô sản xuất. Tham quan cơ sở sản xuất của ông Trần Tâm ở thôn Tấn Thạnh 2, một trong những cơ sở vừa được “tháo gông”, chúng tôi được quan sát một dây chuyền sản xuất và hệ thống xử lý nước thải bài bản. Củ mì tươi được cho lên băng chuyền chạy vào cối trục mài, sau đó cả xác lẫn bột được đưa qua cối quậy, từ đây, xác mì được thải ra hồ chứa riêng rộng 122m, bột mì chảy ra hồ lắng 20m2. Nước chua thải ra được chảy vào 3 ô hố gom có dung tích 53 khối, chứa được nước thải của 10 tấn củ mì. Nước thải này chảy qua hồ xử lý rộng 33m2 có dung tích chứa 80 khối liên tục 24/24. Từ hồ xử lý, nước thải được hệ thống tự động bơm lên một thùng nhựa được đặt trên cao rồi chảy xuống bể axit, chảy qua ô trung hòa, qua bể kỵ khí, tiếp tục chảy qua ô hiếu khí rồi mới thải ra môi trường tự nhiên trong một hố gom cuối cùng. Hiệu quả trông thấy, đứng sát cạnh hệ thống xử lý nước thải của cơ sở ông Trần Tâm mà chúng tôi không hề nghe mùi hôi thối bốc ra. Ông Nguyễn Tỉnh nói: “Đến khi những cơ sở sản xuất còn lại xây dựng được hệ thống xử lý nước thải như cơ sở ông Tâm chúng tôi sẽ tiếp tục mở niêm phong để làng nghề bột mì hoạt động trở lại”.
|