Làng nghề đúc Bằng Châu (thị trấn Đập Đá – huyện An Nhơn) đã hình thành hơn 200 năm nay, nhưng có một thời gian dài bị mai một. Để khôi phục và phát triển lại làng nghề, năm 2008, chính quyền địa phương và các nghệ nhân trong làng nghề đã thành lập Hiệp hội nghề đúc Bằng Châu. Ông Nguyễn Đức Ngọc - chủ doanh nghiệp đúc Ngọc Lan, Chủ tịch Hiệp hội nghề đúc Bằng Châu - đã chia sẻ với PV Báo Bình Định về hình thành, phát triển của làng nghề.
|
Ông Nguyễn Đức Ngọc bên những sản phẩm mới của làng đúc Bằng Châu.
|
* Những bước thăng trầm
Bằng Châu từ lâu đã nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống. Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nơi đây, nhiều sản phẩm đúc có giá trị được ra đời, phục vụ con người trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất, sinh hoạt đời sống hàng ngày đến các loại vũ khí tự vệ, chiến đấu… Hiện sản phẩm đúc Bằng Châu đã có mặt ở nhiều công trình văn hóa, lịch sử tiêu biểu của cả nước.
* Ông có thể cho biết về sự hình thành của nghề đúc ở Bằng Châu?
- An Nhơn là kinh đô của vương quốc Chămpa và là kinh đô của vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc, nên ngành nghề ở đây phát triển khá phong phú, từ xưa An Nhơn đã nổi tiếng là đất trăm nghề. Riêng nghề đúc đồng ở Bằng Châu đã ra đời cách đây khá lâu, trên 200 năm. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, vào thời Tây Sơn, nghề đúc đã xuất hiện ở Bằng Châu, sản phẩm chủ yếu là những vật dụng hàng ngày của người dân, như mâm, nồi, chảo và binh khí để phục vụ nghĩa quân Tây Sơn. Vào thời Gia Long, triều đình đã tuyển một số nghệ nhân ở đây đưa ra Huế tham gia chế tác các sản phẩm phục vụ cung đình. Trong quá trình phát triển của làng nghề, nhiều nghệ nhân trong làng nghề đã nghiên cứu, chế tác thêm nhiều sản phẩm phục vụ sinh hoạt và sản xuất của con người, từ những vật dụng hàng ngày, như nồi, bung, mâm… đến các tác phẩm có giá trị văn hóa như tượng phật, tranh ảnh...
* Được biết, làng nghề đúc ở Bằng Châu đã qua nhiều bước thăng trầm, nhiều khi tưởng chừng mai một?
- Thời phong kiến, nghề đúc đồng ở Bằng Châu được làm riêng lẻ từng gia đình theo kiểu cha truyền con nối. Sản phẩm làm ra thời kỳ này chủ yếu là binh khí, các vật dụng phục vụ cho triều đình, các quan lại và những nhà giàu có. Trong kháng chiến chống Pháp, một số thợ đúc của Bằng Châu tham gia đúc vũ khí phục vụ chiến đấu, như vỏ lựu đạn “mãng cầu”, chông chống càn… Tiếp đó, nhiều vật dụng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân đã được các thợ đúc Bằng Châu làm ra và có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Giai đoạn từ 1960 đến 1975 là thời kỳ thịnh vượng của nghề đúc Bằng Châu, hầu như cả làng đều làm nghề đúc, với trên 100 hộ. Những năm sau giải phóng, do kinh tế khó khăn, rất ít người sử dụng đồ đồng nên làng nghề dần mai một. Có thời điểm cả làng nghề chỉ còn vài chục hộ làm, nhưng sản phẩm vẫn không tiêu thụ được. Nhiều người phải mang hàng đi chào khắp nơi; tuy có người mua nhưng tính ra lại lỗ tiền công. Khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, HTX đúc đồng Bằng Châu hoạt động không còn phù hợp nên đã quyết định giải thể. Từ đây, làng nghề càng thêm khó khăn. Thời kỳ này, những sản phẩm truyền thống, như đồ thờ tự, cồng chiêng… không còn được tiêu thụ mạnh.
|
Khách tham quan phòng trưng bày sản phẩm của làng đúc Bằng Châu tại thị trấn Đập Đá.
|
Trong khi đó, ở một số nơi trong nước, nhiều cơ sở đúc có quy mô lớn được hình thành, sản phẩm làm ra có giá thành thấp hơn so với cách làm thủ công của những nghệ nhân trong làng nghề. Nhiều hộ gia đình không trụ nổi buộc phải bỏ nghề; lớp thợ trẻ thì không mặn mà với nghề truyền thống của cha ông. Cả làng Bằng Châu có trên 100 hộ có gốc nghề đúc, nhưng còn chưa đến 10 hộ giữ nghề…
* Hướng phát triển mới
Không thể để một làng nghề có thâm niên trên 200 năm đi vào quên lãng, một số nghệ nhân tâm huyết của làng đúc Bằng Châu đã quyết tìm hướng khôi phục lại làng nghề. Theo nguyện vọng của nhiều nghệ nhân trong làng nghề, ngày 1.5.2008, Sở Công Thương tỉnh đã quyết định thành lập Hiệp hội nghề đúc Bằng Châu. Đây là một tin vui cho làng nghề, vì Hiệp hội được thành lập sẽ đại diện cho quyền lợi của các thành viên cũng như góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề.
* Sự ra đời của Hiệp hội nghề đúc Bằng Châu đã đóng vai trò như thế nào trong việc khôi phục và phát triển nghề đúc ở địa phương, thưa ông?
- Hiệp hội nghề đúc Bằng Châu có gần 100 hội viên, gồm các nghệ nhân tâm huyết của làng đúc Bằng Châu và các làng nghề đúc khác trong tỉnh; các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học… trong tỉnh. Hiệp hội là mái nhà chung cho những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhằm hạn chế, khắc phục những mặt trái của cơ chế thị trường như: việc cạnh tranh không lành mạnh, hạ thấp uy tín của nhau, gian dối trong tiêu thụ sản phẩm; cùng với cơ quan Nhà nước thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển làng nghề.
Hàng năm, vào ngày 17.3 Âm lịch, làng đúc Bằng Châu tổ chức lễ hội truyền thống của làng nghề. Trước khi Hiệp hội ra đời, các cơ sở cúng tổ nghề theo từng hộ gia đình. Từ khi có Hiệp hội, cả làng cùng tổ chức tại nhà thờ tổ, nhằm tập hợp những người con của làng nghề để tri ân tiền nhân, phát huy lòng yêu nghề, thắt chặt tình đoàn kết giữa các cơ sở, cùng nhau gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.
|
Ông Nguyễn Đức Ngọc giới thiệu những nét riêng của sản phẩm khảm tam khí do nghệ nhân làng nghề đúc Bằng Châu làm ra.
|
Thông qua Hiệp hội, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công tỉnh cũng đã có nhiều hình thức hỗ trợ cho người dân trong làng nghề, như đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đề xuất các kiến nghị về vay vốn, tạo mặt bằng sản xuất, tham vấn kỹ thuật, công nghệ sản xuất và sáng tạo mẫu mã mới; đồng thời thường xuyên thông tin các vấn đề pháp luật có liên quan, dự báo về thị trường giá cả, giúp làng nghề quảng bá sản phẩm… Nhờ đó, làng nghề dần phát triển trở lại, hiện có trên 100 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 1.000 lao động làm nghề với nhiều loại hình tổ chức kinh doanh: hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH…
* Được biết, ông là người đưa nghề chạm khảm tam khí từ miền Bắc về làng đúc Bằng Châu để góp phần phát triển làng nghề?
- Tình cờ trong một lần ra các tỉnh Hải Dương, Thái Bình để tìm hiểu thị trường, tôi phát hiện ở đây có nghề chạm khảm tam khí lâu đời, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Qua thời gian tìm hiểu, tôi quyết định đầu tư vốn, thuê thợ từ làng chạm bạc Đồng Sâm (Thái Bình) về truyền nghề cho người dân trong làng nghề. Cộng vào đó có sự đầu tư kinh phí của chương trình khuyến công của tỉnh, của huyện, đã hỗ trợ trong việc đào tạo nghề mới này cho người địa phương.
Khảm tam khí rất công phu, tốn nhiều thời gian, công sức, có khi hàng năm mới làm xong được một sản phẩm, nên giá trị thường rất cao. Đồ đồng tam khí giá trị và hấp dẫn bởi màu sắc trang nhã, tạo cảm giác ấm cúng, thể hiện vẻ đẹp vĩnh cửu và sự tôn nghiêm trong không gian thờ tự. Màu nền trên mỗi sản phẩm biến đổi theo thời gian, khiến đồng tam khí ngày càng thêm cổ kính. Mặc dù nghề mới du nhập, nhưng đồ khảm tam khí do nghệ nhân làng đúc Bằng Châu làm ra rất đa dạng, phong phú và có nét riêng. Hiện những sản phẩm khảm tam khí lưu niệm, như phong cảnh tháp Đôi, cầu Thị Nại, tượng Quang Trung… được nhiều khách hàng đánh giá cao, nhiều người tìm đến làng nghề đặt mua với số lượng lớn.
* Là người xuất thân trong một gia đình có nghề đúc truyền thống, gắn bó với nghề, đồng thời hiện là Chủ tịch Hiệp hội nghề đúc Bằng Châu, theo ông, để giữ gìn và phát triển nghề này một cách ổn định thì cần có những giải pháp gì ?
- Để làng nghề đúc Bằng Châu phát triển, bản thân người dân trong làng nghề phải có lòng yêu nghề, gắn bó với nghề, tự tin với nghề truyền thống của cha ông; đồng thời phải làm sao cho mỗi sản phẩm đến tay khách hàng đều thật đẹp, thật chất lượng để khách hàng hài lòng và tín nhiệm. Ngoài nỗ lực tự thân của làng nghề, chúng tôi mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ trong việc xây dựng, khôi phục, phát triển làng nghề một cách đồng bộ, vững chắc và toàn diện; bao gồm hỗ trợ cải tiến công nghệ, đào tạo nhân lực, quảng bá sản phẩm…
* Xin cảm ơn ông!
|