Trong những ngày tháng 8-9.2010, cán bộ và nhân dân 2 tỉnh Bình Định và Hà Tĩnh có những hoạt động gặp gỡ, giao lưu thật niềm nở, sôi nổi, nhân kỷ niệm 50 năm kết nghĩa giữa 2 tỉnh. Nhiều câu chuyện thật cảm động, thể hiện nghĩa nặng tình sâu Bình Định-Hà Tĩnh trong suốt chặng đường đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng quê hương. Trong đó có đồng chí Sử Văn Nhật, Trung tá lực lượng Công an (CA), mà câu chuyện xảy ra với anh cách đây 30 năm trong một lần về thăm nhà đã trở thành biến cố cuộc đời, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng CA. Chúng tôi có dịp gặp và tâm sự với anh trong một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP.Quy Nhơn.
|
Đồng chí Sử Văn Nhật (người thứ tư, bên phải qua) và các đồng đội chụp ảnh lưu niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (người thứ năm, bên phải qua). |
* Thưa Trung tá, Trung tá đã vào công tác ở Bình Định trong hoàn cảnh nào?
- Trong khói lửa chiến tranh, nhiều người con vùng đất Bắc miền Trung dũng cảm xung phong “Nam tiến” vào Bình Định, góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương. Sau chiến tranh, vì nhiệm vụ, một số người tiếp tục ở lại công tác dù vợ con vẫn đang chờ đợi ở quê nhà. Trong đó có tôi. Cuối năm 1974, tôi 26 tuổi, vừa mới tốt nghiệp Trường Nghiệp vụ Cảnh sát C500 của Bộ Công an và nhận quyết định phân công về công tác tại một huyện miền núi ở Hà Tĩnh. Khi nghe có chủ trương của cấp trên chi viện cho các tỉnh miền Nam, trong đó có Bình Định, tôi đã tình nguyện xung phong “đi B”. Đến Bình Định nhận nhiệm vụ chưa được bao lâu thì cuộc đấu tranh chống Mỹ nguỵ ở miền Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn. Sau ngày giải phóng, công việc vẫn còn bề bộn nên tôi tiếp tục được tổ chức phân công ở lại Bình Định, tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).
* Hoàn cảnh gia đình Trung tá trước lúc vào Nam như thế nào?
- Trước khi lên đường vào Nam thì tôi đã có vợ và 2 đứa con nhỏ. Vợ tôi công tác tại Công ty Thương nghiệp thị xã Hà Tĩnh. Vì nhiệm vụ cách mạng tôi tiếp tục ở lại Bình Định công tác, vợ con vẫn còn ở lại quê nhà và tiếp tục sinh đứa con thứ ba. Năm 1982, nhân dịp kỷ niệm ngày 2 tỉnh Bình Định (lúc này là Nghĩa Bình) - Hà Tĩnh kết nghĩa, vợ tôi theo đoàn công tác vào Nghĩa Bình thăm tôi và lại mang bầu đứa con thứ tư. Thời kỳ đó còn nhiều khó khăn nên rất hiếm khi có dịp được về quê thăm vợ, con.
* Có phải câu chuyện Trung tá dũng cảm tham gia bắt cướp đã xảy ra trong một lần về thăm quê hiếm hoi như thế?
- Vâng, năm 1983, tôi đang công tác tại CA tỉnh Nghĩa Bình, lúc này không may vợ một đồng chí trong đơn vị quê ở Hà Nam Ninh ốm rồi qua đời. Tôi được lãnh đạo đơn vị cử đi viếng đám tang, cũng là dịp tranh thủ ghé ngang qua nhà thăm vợ con. Lúc này, vợ tôi đang chờ ngày sinh nên tôi điện thoại về đơn vị xin phép được ở lại với vợ con vài ngày và được các anh đồng ý. Sáng hôm chuẩn bị vào lại đơn vị, tôi tranh thủ sửa lại chiếc xe đạp cho vợ thì câu chuyện bắt cướp đã xảy ra. Đó cũng là một bước ngoặt của cuộc đời tôi và gia đình tôi.
* Trung tá có thể kể rõ hơn về câu chuyện bắt cướp?
- Tôi đang sửa xe ở sân, thì nghe có nhiều tiếng chân người chạy qua trước nhà tri hô, rượt đuổi nhau. Lát sau, một số người quay trở lại, vào nhà nhờ tôi truy bắt cướp giúp vợ chồng anh bộ đội phục viên vừa bán con heo ngoài chợ, đếm tiền xong thì bị cướp. Mọi người bảo rằng, tên cướp có mang theo hung khí, chỉ có tôi là CA thì “may ra” truy bắt được.
Trước tình cảnh ấy, tôi lấy khẩu súng rulo giắt vào người rồi dẫn đầu bà con lao về hướng tên cướp tẩu thoát. Tôi không biết đích xác hắn trốn ở nhà nào nên dò tìm từng nhà một. Được một lát, tôi phát hiện tên cướp đang nấp dưới gầm giường của một ngôi nhà. Thấy lộ, nó vùng chạy ra bên ngoài. Tôi rút súng bắn chỉ thiên một phát, yêu cầu tên cướp đứng lại. Bất ngờ hắn bắt một cháu bé gái mới hơn 2 tuổi đang đứng trước nhà, ôm vào người, một tay dí dao vào cổ cháu bé, dọa sẽ giết, một tay rút chốt quả lựu đạn mỏ vịt. Hắn ra điều kiện tôi phải bỏ súng xuống nếu không sẽ cho nổ lựu đạn “chết chung”. Tôi kiên trì thuyết phục, hứa với tên cướp chỉ cần bỏ cháu bé xuống đất thì tôi sẽ để hắn đi chứ không bắn nhưng tên cướp không đồng ý.
Lúc này độ khoảng 10 giờ sáng, giữa trời nắng nóng, cháu bé mệt lả trong tay tên cướp, tiếng kêu khóc càng thảm thiết. Tôi quyết định bỏ súng xuống và đề nghị tên cướp hãy đi vào khu vực có bóng cây để tiếp tục thương lượng, nhằm tránh nắng cho cháu bé. Khoảng cách giữa tôi và tên cướp lúc này chỉ khoảng 10m. Tôi cởi luôn chiếc áo đang mặc để tên cướp thấy trong người không có gì rồi tiếp tục tiến lại gần tên cướp nhằm tiếp cận cháu bé. Tôi tiến tới thì tên cướp lùi lại, kéo dài như thế khoảng 5 phút thì tên cướp dừng lại vì có lẽ hắn cũng “thiện cảm” với tôi, tuy nhiên, tay hắn vẫn khư khư con dao ngang cổ cháu bé, tay còn lại vẫn nắm quả lựu đạn. Tôi tiến sát lại với tên cướp và thuyết phục hắn thả cháu bé, cứ giữ tôi làm con tin cũng được. Tên cướp cười gằn, lớn tiếng: “Tao chưa thấy ai gan như mày! Tao là Phương Tuế - Quảng Ninh đây, đã 2 lần trốn trại rồi. Tao vừa giết người ở ngoài đó, bị kết án tử hình. Đừng nhiều lời nữa! Tao không thả đứa bé đâu, mày muốn chết thì cứ ở lại đây!”. Lúc đó, các anh CA thị xã Hà Tĩnh vừa đến hiện trường, tôi giao lại vụ việc để các anh xử lý. Tôi phải về nhà vì nghe tin vợ ở nhà chuyển dạ.
|
Đồng chí Sử Văn Nhật (bên trái ảnh) cùng gia đình. |
* Diễn biến tiếp theo của vụ cướp, bắt con tin?
- Tôi về nhà nhìn mặt đứa con gái mới sinh chưa được một tiếng đồng hồ, thì CA thị xã lại đến và thuyết phục tôi phối hợp bắt tên cướp; bởi tên cướp không cho ai tiếp cận như tôi cách đây một giờ. Lúc này tên cướp đã có biểu hiện bất thường, mất kiên nhẫn, cháu bé cũng đã mệt lả vì đói khát và nắng nóng, nguy hiểm đến tính mạng. Thế là tôi lại trở thành “người đàm phán” với tên cướp lần thứ hai.
Nhân một thoáng tên cướp không đề phòng, tôi dùng hai tay chộp lấy quả lựu đạn. Một đồng chí nhảy vào đấm mạnh vào mặt hắn. Một đồng chí giật lấy cháu bé. 3 đồng chí khác hỗ trợ ghì chặt hắn. Nhưng hắn quá khỏe, cộng với bản năng của một tên cướp biết chắc sẽ “dựa cột” nếu sa lưới pháp luật, nên hắn ngoan cố chống đối đến cùng. Tên Phương Tuế vùng vẫy, quả lựu đạn rơi khỏi tay. Một tiếng nổ lớn phát ra. Hai đồng chí CA Hà Tĩnh là Trần Đức Kháng và Nguyễn Xuân Khang đã hy sinh, tôi và 2 đồng chí khác bị thương. May mà trước đó, cháu bé (tên là Nguyễn Thị Mai) đã được đưa ra ngoài vùng nguy hiểm, nhân dân đều được an toàn.
* Sau vụ bắt cướp Trung tá vẫn tiếp tục công tác, chiến đấu trong ngành CA?
- Tôi bị thương rất nặng, ngất đi sau tiếng nổ của quả lựu đạn. Tôi được đưa đi chữa trị tại Bệnh viện Việt Đức, rồi Bệnh viện 198 Bộ Công an (Hà Nội) … với thương tích bị chột thái dương trái, khuyết xương sọ, còn mảnh kim khí trong hộp sọ. Sau 2 năm chữa trị và bình phục, tôi được CA tỉnh Nghĩa Bình quan tâm đưa xe ra đón cả gia đình tôi về trong này; tạo điều kiện cho gia đình đoàn tụ. Tôi được chứng nhận thương binh loại dũng cảm, với thương tật hạng hai. Năm 1985, tôi vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì về thành tích trong vụ án như đã nêu trên. Sau đó, với sức khỏe có hạn, tôi vẫn tiếp tục công tác, chiến đấu trong lực lượng CA Nghĩa Bình và Bình Định sau khi tách tỉnh, với nhiều lĩnh vực công tác khác nhau như cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra, tham mưu tổng hợp và sau cùng là Trưởng CA phường Nhơn Bình cho đến lúc về hưu (năm 2004).
* Công tác tại Bình Định suốt cuộc đời và chọn nơi đây làm chính quê hương của mình, Trung tá cảm nhận như thế nào về mối quan hệ tình cảm gắn bó giữa 2 tỉnh Bình Định -Hà Tĩnh?
- Tôi luôn cảm nhận được tình cảm nồng ấm chân thành của những đồng chí, đồng đội, của người dân Bình Định dành cho tôi - một người không sinh ra ở đất Võ. Tôi cảm thấy ngày càng yêu mến hơn vùng đất này, con người ở đây. Hiện tại cả gia đình tôi đã định cư và công tác tại Quy Nhơn. Điều đáng mừng đối với tôi là đứa con trai duy nhất đã nối nghiệp cha, tham gia lực lượng CA, công tác tại CA phường Nguyễn Văn Cừ.
* Cảm ơn Trung tá đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi chân tình này!
|